Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Đất nước này cần hệ thống nào? (phần 1)

Không một câu hỏi nào khác làm cho giới trí thức Trung Quốc xao động nhiều hơn là câu hỏi này. Các cuộc tranh cãi về điều này được tiến hành không phải chỉ mới đây. Chúng đã bắt đầu trước đây nhiều thập niên, chính xác hơn là còn trước đây cả thế kỷ rồi. Cho đến ngày hôm nay, ngưởi ta không tìm được câu trả lời. Các tranh luận về câu hỏi này đã để cho những lời kêu gọi lật đổ và cải cách, từ bỏ và tiếp tục, quay trở lại và hiện đại hóa vang to lên. Làm sao có thể cai trị một đất nước to lớn như thế để cho tất cả mọi người đều hài lòng? Dẫu sao đi nữa thì không thể với chế độ hoàng đế chuyên quyền ngày trước và với tư tưởng cai trị của Khổng Tử, cái đã không thể dẫn dắt vương quốc cũ đi vào thời Hiện đại được. Khi các thế lực Phương Tây bước vào vùng đất dọc theo bờ biển của Trung Quốc, điều đó đã làm bộc lộ sự lạc hậu và tính yếu ớt của đất nước này và gióng lên hồi chuông bắt đầu cho một thời kỳ biến động về chính trị và tư tưởng. Vì với những con người xa lạ đó và với tri thức về kỹ thuật mới và khoa học hiện đại, các tư tưởng mới và các ý tưởng của Chủ nghĩa Tự do, Chủ nghĩa Marx và dân chủ cũng nhập vào trong nước. Các học thuyết mới được hào hứng tiếp nhận, bởi vì phải giải phóng Trung Quốc ra khỏi những xiềng xích của sự lạc hậu và Chủ nghĩa Truyền thống, và làm cho nó mạnh hơn, để nó có thể chống cự lại được với những thèm muốn của các thế lực ngoại quốc.

Những nhà cải cách và những nhà cách mạng

Đầu tiên là phải kể đến Khang Hữu Vi (1858 – 1927), một trong những nhà cải cách nổi tiếng nhất của thế kỷ 19 đang chấm dứt và của thế kỷ 20 đang bắt đầu. Được đào tạo trở thành một học giả Khổng Tử cổ điển, ông đã học hỏi Phương Tây và kiến thức của Phương Tây qua sách vở. Ở Hongkong thuộc địa Anh và trong những vùng đất nhượng lại cho người nước ngoài ở Thượng Hải, ông làm quen với các biện pháp cầm quyền và với cách sống của Phương Tây. Ông là người đầu tiên công khai kêu gọi từ bỏ tục lệ bó chân tàn nhẫn. Tác phẩm của cả đời ông là Đại Đồng Thư, được ông hoàn thành năm 1902 sau gần hai mươi năm làm việc. Trong đó, ông phác thảo một thế giới không tưởng, không có nhà nước quốc gia, biên giới và giai cấp, và nam nữ cũng như tất cả các chủng tộc đều bình đẳng. Với những ý tưởng như quốc hội thế giới, ông đã đi trước thời của mình cho tới mức ông chỉ dám công bố một phần ba quyển sách vào năm 1913. Mãi đến năm 1935, toàn bộ tác phẩm mới được xuất bản.
Nhờ đỗ đạt trong hệ thống thi cử quốc gia mà Khang đã có đủ điều kiện để có thể nhận được những chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước. Ông là một người trung thành với chế độ quân chủ. Cả đời mình, ông đã khước từ cách mạng và không chịu hủy bỏ chế độ hoàng đế. Tuy vậy, ông đã nghĩ đến một chế độ quân chủ lập hiến. Với các ý tưởng cải tổ của mình, ông đã có ảnh hưởng sâu đậm đến giới trí thức trẻ, giới cảm nhận sự thua kém của Trung Quốc trước các thế lực xâm lăng nước ngoài như là một nỗi nhục quốc gia. Hội “Học để tự cường” do ông thành lập được cho là đã có một lực thúc đẩy quyết định cho các cuộc cách mạng 1911 và 1949.
Năm 1898, ông đã thuyết phục thành công hoàng đế trẻ tuổi và cởi mở Quang Tự tin theo các ý tưởng cải cách của mình, người sau đó theo lời khuyên của Khang đã ban hành nhiều biện pháp tái cấu trúc bộ máy quốc gia và hành chính. Nhưng chỉ sau một trăm ngày, các thế lực bảo thủ ở triều đình mà đứng đầu là Từ Hy, người vợ góa của hoàng đế trước đó, đã chấm dứt các cải cách. Bà nhìn chúng như một mối đe dọa cho quyền lực tuyệt đối của mình. Với một cuộc đảo chính, bà tước quyền lực của người hoàng đế trẻ tuổi và quản thúc ông tại gia cho tới cuối đời. Qua đó, họ đã đánh mất cơ hội cuối cùng để chống cự lại với sự suy tàn đang đe dọa triều nhà Thanh. Sáu nhà cải cách đứng đầu bị xử tử. Khang Hữu Vi trốn thoát ra nước ngoài trong đường tơ kẻ tóc. Chỉ sau khi triều đình bị lật đổ, ông mới trở về lại Trung Quốc.
Thuộc trong số những người theo Khang Hữu Vi là học trò Lương Khải Siêu của ông, người sau khi học xong theo lối cổ điển cũng quay sang với các tư tưởng Phương Tây và giúp đỡ người thầy của mình trong các cố gắng cải cách của ông. Cả hai cái tên đó, Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, cho tới ngày nay vẫn còn đại diện cho cuộc Cải cách Trăm ngày [Bách Nhật Duy Tân] tuy thất bại nhưng mang tầm quan trọng đó. Ngoài ra, Lương Khải Siêu được xem là nhà tiên phong của báo chí Trung Quốc. Ông nhận ra được quyền lực và khả năng của các cơ quan báo chí mà người ta có thể phổ biến các ý tưởng chính trị với chúng.
Khác với các nhà cải cách trung quân Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, Tôn Dật Tiên (1866 – 1925) đấu tranh để lật đổ triều đình và cho một hình thức nhà nước cộng hòa. Ngay từ thời trẻ, ông đã tiếp xúc với tư tưởng Phương Tây qua thời gian học tập ba năm tại Hawaii, sau đó ông đã học Tây Y ở Hongkong. Bị thu hút bởi những ý tưởng tiến bộ mới, ông cống hiến toàn bộ cuộc đời và hoạt động của mình cho cuộc cải mới Trung Quốc. “Thuyết Tam Dân” xuất phát từ ông, các thuyết về dân tộc chủ nghĩa, dân quyền chủ nghĩa và dân sinh chủ nghĩa. Thuyết Dân tộc có ý định lật đổ những người cai trị xa lạ từ Mãn Châu mà tổ tiên của họ đã xâm chiếm Trung Quốc năm 1644. Nó cũng đấu tranh cho sự thống nhất của Trung Quốc và tái lập hoàn toàn quyền tự chủ quốc gia trước các thế lực ngoại quốc. Thuyết Dân sinh yêu cầu xóa bỏ bất bình đẳng xã hội và chia ruộng đất đồng đều. Thuyết Dân quyền bao hàm việc từng bước tiến hành một hệ thống dân chủ. Thế nhưng để chống lại sự đe dọa của nước ngoài, lúc ban đầu Tôn đã hướng tới một nhà nước quốc gia mạnh, cái cần phải được dẫn dắt bởi một nhóm người có khả năng.
Là lãnh tụ của phong trào cách mạng, Tôn Dật Tiên bị chính phủ hoàng đế truy nã, vì vậy mà phần nhiều là ông ở nước ngoài, thường ở Nhật, nước thời đó là một nơi trú ẩn cho các nhà đối lập người Trung Quốc. Tháng 10 năm 1911, ở Vũ Xương xảy ra một cuộc khởi nghĩa, cái nhanh chóng nhận được sự ủng hộ trong khắp nước và qua đó không những đã gióng lên hồi chuông chấm dứt triều nhà Thanh mà cả chế độ hoàng đế mang nặng ảnh hưởng Khổng Tử kéo dài hơn hai nghìn năm nữa. Điều dễ hiểu là những người nổi dậy đã chọn Tôn Dật Tiên được kính trọng ở trong và ngoài nước làm tổng thống đầu tiên của chính phủ lâm thời. Vào ngày 1 tháng 1 năm 1912, Tôn tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Trung Hoa ở Nam Kinh. Chỉ một tháng sau đó, ông đã từ bỏ chức vụ, giao về cho người lãnh tụ quân đội nhiều quyền lực Viên Thế Khải, trong hy vọng rằng người này với quân đội được trang bị hiện đại của mình có thể bảo vệ nước cộng hòa trẻ tuổi trước các lực lượng của hoàng đế và các thế lực quân sự cạnh tranh. Một sai lầm, vì sau đó Viên quyết định thành lập một triều đại riêng, và lên ngôi hoàng đế với sự giúp đỡ của Nhật. Kế hoạch thất bại năm 1915 trước khi ông lên ngôi vì sự phản đối ở trong và ngoài nước. Ông chết một năm sau đó.
Năm 1912, Quốc Dân Đảng được thành lập. Tôn Dật Tiên đảm nhận chức chủ tịch và đưa phương án của thuyết Tam Dân Chủ nghĩa do ông phác thảo ra làm nền tảng cho chương trình của đảng này.
Tôn Dật Tiên qua đời năm 1925. Dưới thời những người kế nghiệp ông, phương án của thuyết Tam Dân Chủ nghĩa không được thực hiện.
Mặc dù thất bại, cho tới ngày nay Tôn Dật Tiên vẫn còn được người Trung Quốc xem như là người cha của một Trung Quốc Cộng hòa.
Cùng với sự chấm dứt cai trị của hoàng đế, những năm tháng của một đạo quân tiên phong trẻ tuổi cũng bắt đầu, những người mà với các ý tưởng của họ đã đóng góp vào cho một sự khởi dậy về tinh thần và cho một cuộc cách mạng văn hóa. Đại học Bắc Kinh trong những năm 1916 đến 1926 đã trở thành trung tâm cho các hoạt động của họ.
Thái Nguyên Bồi đã học đại học về lịch sử nghệ thuật, triết học và tâm lý học ở Berlin và Leipzig. Sau khi nước Cộng hòa thành lập năm 1912, Tôn Dật Tiên đã mời ông giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Thái nghe theo lời kêu gọi, nhưng quay trở lại Đức ngay lập tức sau khi Tôn thất bại. Mãi đến những năm sau này ông mới có thể toàn tâm lo xây dựng một hệ thống giáo dục hiện đại mà cho đến ngày nay ông vẫn còn được xem như là người đã sáng lập ra nó. Hệ thống do ông tạo ra từ bỏ các truyền thống Khổng Tử cổ điển và có hướng đến các gương mẫu Phương tây với trường tiểu học, trung học và đại học của nó.
Trong thời gian là hiệu trưởng của trường Đại học Bắc Kinh, Thái đã nhận những người trí thức tự do trẻ tuổi làm giáo sư và giảng viên, những người mà tất cả họ cũng như ông đã được đào tạo theo lối cổ điển và sau đó, trong lúc học đại học ở Mỹ, Âu hay Nhật đã tiếp xúc với những ý tưởng mới. Trong số họ là Trần Độc Tú, người đã học đại học ở Nhật và Pháp. Sau khi trở về, ông thành lập tờ báo Thanh Niên Mớiđể tuyên truyền những ý tưởng mới của Phương Tây và kêu gọi giới trẻ Trung Quốc chống lại trật tự xã hội cũ. Ông lên án Đạo Khổng như là nguyên nhân cho sự lạc hậu và đàn áp, và ủng hộ dân chủ và khoa học hiện đại. Các tin tức về thành công của Cách mạng Tháng Mười ở Nga, nước cũng lạc hậu tương tự như Trung Quốc, khiến ông quan tâm tới Chủ nghĩa Marx. Cũng mang ấn tượng về những gì đang xảy ra ở Nga là đồng nghiệp của ông, Lý Đại Chiêu, người đã tiếp xúc với tư tưởng Marx ngay từ lúc còn học ở Nhật. Lý thuộc trong số những người mở đường cho Chủ nghĩa Marx ở Trung Quốc. Lúc đầu, ông làm việc trong một thư viện rồi sau đó là giáo sư của Đại học Bắc Kinh. Trong số những người giúp việc trong thư viện của ông có một người con trai nông dân trẻ tuổi từ tỉnh Hồ Nam: Mao Trạch Đông.
Hồ Thích đi theo một con đường khác, người đã học về triết học ở Hoa Kỳ. Với lời kêu gọi “Hãy dẹp bỏ cái cửa hàng Khổng Tử!”, ông cũng chống lại những giá trị của đạo Khổng và ủng hộ một định hướng đến gương mẫu Phương Tây. Nhưng khác với Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu, ông khước từ một cực đoan chính trị. Không phải cách mạng, mà là tiến hóa mới là con đường cách tân Trung Quốc, cùng với sự dẫn nhập khoa học và kỹ thuật hiện đại và xây dựng một hệ thống chính phủ dân chủ, cái vì sự rộng lớn vượt bực của Trung Quốc mà cần nên theo nguyên tắc liên bang. Với lời yêu cầu của mình, không dùng chữ viết cổ điển trong văn học, tức là ngôn ngữ của các học giả, mà nên dùng ngôn ngữ bình dân dễ hiểu hơn, ông ấy đã tạo một động lực quyết định để cải mới văn học. Hồ Thích là một trong những người đầu tiên yêu cầu bảo vệ quyền con người, cái ông nhìn thấy bị đe dọa sau khi Quốc Dân Đảng lập chính phủ năm 1928 và quay trở lại một chính quyền tập trung.
Một trí thức cách mạng khác ở Đại học Bắc Kinh là Lỗ Tấn (1881 – 1936), người ngày nay được xem như một trong các nhà văn quan trọng nhất của Trung Quốc hiện đại. Khi còn là sinh viên y khoa ở Nhật, ông đã nhận ra rằng chỉ có thể cứu chữa cho đồng bào của mình khi hướng dẫn họ tới một lối suy nghĩ khác nhờ vào những từ ngữ được in ra. Vì vậy mà ông ấy là một trong các nhà văn đầu tiên đã viết các tác phẩm của mình trong ngôn ngữ bình dân hiện đại. Trong đó, ông lên án hết sức rõ ràng những tình trạng tồi tệ trong xã hội. Do không cảm thấy thuộc vào đảng nào nên ông không khoan dung cho cả những người bảo thủ lẫn những người tiến bộ trong phê bình của ông. Ai ai cũng sợ cái lưỡi nhọn của ông. Ông buộc tội những người theo đạo Khổng rằng họ đã vi phạm chính những giá trị cao cả của họ, và buộc những người dân chủ là đạo đức giả. Ông có ảnh hưởng mạnh đến giới trí thức trẻ. Cho tới ngày nay, các truyện kể của ông hầu như không mất đi tính thời sự.
Sau này, Mao Trạch Đông nói về những người thời đó tụ tập quanh hiệu trưởng đại học Thái Nguyên Bồi, rằng họ hầu như không để ý đến ông, người phụ việc trong thư viện. Làm sao mà họ có thể đoán được rằng người con trai nông dân trẻ tuổi từ Hồ Nam rồi sẽ có lần đặt dấu ấn mang tính quyết định lên sự việc cải mới Trung Quốc?
Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)
Phan Ba dịch

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"