Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Đánh cược vào Việt Nam

Jonathan London

‘Những cuộc hội đàm mang tính đột phá’ không phải là thuật ngữ đầu tiên nảy ra trong đầu khi ta xét đến lịch sử quan hệ Việt-Mỹ. Tuy nhiên với cuộc gặp diễn ra trong tuần này, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barrack Obama có cơ hội đặt quan hệ giữa hai nước cựu thù trong chiến tranh trên một nền tảng mới. Đối với Việt Nam, cuộc gặp này đánh dấu một thời điểm hệ trọng và có thể tạo biến đổi.
Khoảng 38 năm sau khi kết thúc một trong những cuộc chiến tranh thảm khốc nhất trong lịch sử, Việt Nam vẫn còn tương đối nghèo. Nhưng hơn hai thập niên tăng trưởng kinh tế nhanh đã làm giảm đáng kể nạn đói nghèo, và những cải thiện quan trọng, tuy không đồng đều, về mức sống. Việt Nam đương đại là một nước đang công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng, đang chật vật biến tiềm năng của mình thành hiện thực. Để đạt được như vậy, Việt Nam đương đầu với ba nhóm thách thức hệ trọng. Mối quan hệ với Mỹ đều có liên quan với mỗi nhóm thách thức đó.

Nhóm thách thức đầu tiên là về kinh tế. Dù có tiềm năng, Việt Nam gần đây đã sa vào quỹ đạo tăng trưởng thấp, đó là kết quả không chỉ của tình trạng suy thoái toàn cầu mà còn do hệ thống quản lý kinh tế kém cỏi của nước này. Khác với các nước Đông Á đã công nghiệp hóa thành công, Việt Nam thiếu giới lãnh đạo mạnh, có năng lực, và tương đối có quyền tự chủ cần để thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp một cách chặt chẽ, mạnh mẽ, và lâu dài. Thay vì thế, những nhóm lợi ích chỉ biết vun vén tối đa cho bản thân bên trong và trên các biên giới của nhà nước đã bất chấp lợi ích quốc gia để kiếm lợi cho riêng mình. Bằng cách này, Việt Nam đã hình thành một trật tự kinh tế hỗn loạn đe dọa gây thiệt hại cho tăng trưởng trong tương lai.
Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam cần ba điều: cơ sở hạ tầng tốt hơn, lực lượng lao động có kỹ năng cao hơn, và cách quản lý có năng lực, minh bạch và có trách nhiệm giải trình cao hơn. Các mối quan hệ hữu hảo hơn với Mỹ tự thân không thể giải quyết các nhược điểm này. Mặt khác, thương mại gia tăng với Mỹ có thể sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và mang lại các lợi ích có thể đáng kể cho thường dân Việt Nam. Triển vọng quan hệ hữu hảo hơn với Mỹ có thể tạo nguồn sinh khí mới cho các cải cách kinh tế chậm chạp của Việt Nam. Việc Đảng Cộng sản nhất quyết về một nền kinh tế thị trường được điều phối không nhất thiết là rào cản đối với việc phát triển một nền kinh tế thị trường hiệu quả hơn. Nhưng cách quản lý kinh tế hiệu quả sẽ đòi hỏi phải có một cách tiếp cận mới mẻ, và những cơ hội kinh tế và động cơ khuyến khích từ Mỹ có thể khuyến khích cách tiếp cận đó.
Nhóm thách thức thứ hai liên quan đến các vấn đề quốc tế. Một trong những thách thức quan trọng dù có thể không thể giải quyết được là xử lý các mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Khác với Mỹ, Việt Nam có hàng ngàn năm kinh nghiệm đối phó với Trung Quốc. Nhưng sự vươn lên của Trung Quốc đặt ra những vấn đề khó khăn cho cả Việt Nam và Mỹ. Một mặt, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Hà Nội sẽ được rất nhiều nếu có quan hệ ổn định, và thiệt rất nhiều nếu có quan hệ bất ổn. Mặt khác, chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc gây ra các mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh kinh tế của Việt Nam.
Trong những mối đe dọa này, rõ nhất là các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông Nam Á (một thuật ngữ phù hợp hơn “Biển Nam Hoa”). Lo ngại phải quá nghiêng về một trong hai hướng, nhiều vị trong giới lãnh đạo Việt Nam muốn nhắc đến tầm quan trọng của việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác chiến lược với cả Trung Quốc và Mỹ; đó là một ý tưởng hợp lý. Tuy nhiên, quan hệ hữu hảo hơn với Mỹ có thể sẽ giúp Việt Nam ngăn chặn các hành vi bắt nạt của Bắc Kinh, dù nước đi quan trọng nhất sẽ là Mỹ phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, Việt Nam cần được ủng hộ mạnh hơn trên trường quốc tế. Các quan hệ chặt chẽ với Mỹ có thể hữu ích.
Nhóm thách thức cuối cùng liên quan đến chính trị Việt Nam và quả thực hệ thống chính trị của nước này. Một số người đã mô tả tình hình chính trị hiện nay ở Việt Nam là khủng hoảng. Quả thật, sự cạnh tranh căng thẳng trong nội bộ đảng trong mấy năm qua đã tạo ra một bối cảnh chính trị có tính cạnh tranh và dễ thay đổi hơn. Tuy nhiên, vì thiếu chế độ pháp trị và các thể chế có trách nhiệm giải trình, chính trị Việt Nam đã thoái hóa thành một kiểu lệch lạc của đa nguyên trong nội bộ đảng trong đó các xu hướng tự vun vén tối đã cho bản thân của các nhóm lợi ích đã gây tác hại cho cách quản lý nhà nước chặt chẽ, đôi khi tạo ấn tượng về một nhà nước mất phương hướng.
Hiện thời, các cải cách chính trị căn bản vẫn chưa thấy đâu. Nhưng các cải cách như vậy có lẽ cần thiết nếu Việt Nam muốn thoát khỏi tình trạng chính trị và kinh tế bê bết hiện nay. Những cải thiện quan trọng về các quyền chính trị, việc chấm dứt các cuộc bắt bớ tùy tiện những người phê phán chế độ, việc tôn trọng nhiều hơn các quyền được hiến pháp bảo đảm về tự do báo chí và tự do lập hội có thể sẽ đưa đến những cải thiện rất quan trọng trong các mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington. Suy cho cùng, sự tiến hóa của nền kinh tế chính trị Việt Nam sẽ do chính chính trị ở Việt Nam quyết định. Song, tính chính danh trong tương lai của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể giành được bằng các biện pháp trấn áp.
JL
(Bài này viết và dịch từ tiếng Anh)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"