Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Việt Nam là một ví dụ xấu cho các thị trường mới nổi

Rob Cox, Reuters
Hồng Phúc chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Theo các số liệu của HSBC, tín dụng tại Việt Nam đã tăng gấp bốn lần trong sáu năm qua. Tệ hơn nữa, phần lớn số tiền này được chảy vào các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả như Vinalines, do các đảng viên trong Đảng Cộng sản và các nhóm lợi ích có quan hệ với hệ thống chính trị bên trong điều hành. Theo số liệu của Reuters, tổng số 100 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Việt Nam hiện đang mắc nợ khoảng 50 tỷ USD, hoặc nhiều hơn một phần ba GDP của nước này.
Gần hai năm trước đây trong tuần này, Christine Gregoire, Thống đốc bang Washington tại Hoa Kỳ đã thăm Việt Nam cùng với đại diện của hơn 50 công ty từ tiểu bang của bà để cố gắng kêu gọi làm ăn với nước từng là đối thủ quân sự của Hoa Kỳ. Bà đã tham dự buổi phát khoai tây chiên tại một cửa hàng Kentucky Fried Chicken tại thành phố Hồ Chí Minh, điều đặc biệt là khoai tây này được trồng tại ngay tiểu bang bà ở. Điểm dừng chân quan trọng nhất trong chuyến đi của bà Gregoire trong thời điểm ấy có thể là buổi lễ cắt băng khánh thành tại cảng vận chuyển nước sâu ở Cái Mép.

Thời điểm đó mọi thứ trông có vẻ rất nhiều hy vọng. Nhưng bây giờ thì doanh nghiệp này, cũng như nhiều doanh nghiệp khác ở Việt Nam, bị sa lầy bởi thua lỗ và xì-căng-đan. Thật đáng buồn đây không phải là một chuyện bất thường tại Việt Nam. Nước này đã từng đi đúng vị trí để trở thành một nền kinh tế nóng nhất châu Á, một phiên bản nhỏ hơn của láng giềng khổng lồ phía bắc là Trung Quốc. Quốc gia này tự hào có dân số lớn tương đối là thành phần trẻ, tỷ lệ biết chữ rất cao, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có thể tự cung cấp ngành nông nghiệp, một bờ biển dài có thể cạnh tranh với bang California hoặc Thái Lan, và một vị trí chiến lược quan trọng trong tuyến đường thương mại tại Thái Bình Dương. Thay vào đó, Việt Nam hiện đang ngày càng mất hết hy vọng – và đây có thể là một ví dụ cho các nước vừa nổi như Myanmar trong việc học thế nào để tránh khỏi các điều không nên làm đối với việc quản lý khi nền kinh tế đang bắt đầu mở cửa.
Cảng Cái Mép ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nằm ở phía nam thành phố Hồ Chí Minh khoảng 50 dặm, được xem như một địa điểm lý tưởng. Dự án này được liên doanh giữa đơn vị Carrix’s SSA Marine có trụ sở chính tại Seattle (bang Washington) và Tổng công ty Cảng Sài Gòn, một bộ phận thuộc Công ty Hàng hải Việt Nam hay được biết đến với tên Vinalines. Sau sáu năm chuẩn bị bởi SSA, cảng trị giá khoảng 160 triệu USD được Thống đốc Gregoire hứa hẹn sẽ lắp khoảng cách cơ sở hạ tầng lớn nhất của Việt Nam. Để tóm gọn vấn đề, dự án này gặp hai cú sốc bất ngờ cùng lúc mà giới đầu tư đã phần nào quá quen thuộc: suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với nạn tham nhũng tại địa phương.
Số lượng hoạt động của các tàu công-te-nơ tại cảng và các công ty liên doanh nước ngoài khác của Vinalines đã giảm tới một nửa trong quý hai trong bối cảnh cuộc chiến giá cả giữa các nhà khai thác cảng khác đang gặp khó khăn với công suất chưa sử dụng. Và hiện Vinalines đang chìm dưới các khoản nợ khổng lồ cùng với vụ bê bối tham ô dẫn đến việc bắt giữ sáu giám đốc điều hành hồi tháng Bảy vừa qua. Sau ba tháng bị Interpol truy lùng, người đứng đầu doanh nghiệp quản lý hàng hải của nước này, ông Dương Chí Dũng, đã bị bắt giữ ở nước ngoài và bị dẫn độ về Việt Nam hồi tháng trước.
Tóm gọn lại, Việt Nam đã đi từ một nước được giới đầu tư quốc tế yêu chuộng cho đến một đưa con hư bởi cách quản lý yếu kém. Dòng tiền đầu tư đã chảy vào nước này quá nhiều trong một thập kỷ qua, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng Giêng năm 2007. Theo Ngân hàng Thế giới, số tiền đầu tư nước ngoài trực tiếp năm đổ vào Việt Nam trong năm đó đã vượt qua tất cả các nước như Indonesia, Philippines, Thái Lan, và những nước còn lại của khu vực cộng lại. Đảng Cộng sản yếu kém tại đây đã không thể hấp thụ tất cả các quỹ đầu tư, dẫn đến trường hợp mà các kinh tế gia gọi đầu tư không đúng chỗ. Vào hôm thứ Sáu vừa qu, Moody’s đã hạ mức tín nhiệm của tám ngân hàng Việt Nam và cắt giảm xếp hạng tín dụng của nước này xuống hạng B2, hạng thấp nhất từ trước tới nay.
“Việt Nam là một trường hợp cổ điển của một nước nhỏ nhưng có lực đẩy rất mạnh”, theo Ruchir Sharma, tác giả của cuốn sách Breakout Nations và người quản lý các thị trường mới nổi của Morgan Stanely tại New York. “Các lãnh đạo của nước này không chuẩn bị và cũng không có khả năng để xử lý các dòng vốn rất lớn của giới đầu tư nước ngoài trong một thập kỷ qua”.
Lúc đầu, tiền đầu tư dùng để xây dựng các cơ sở hạ tầng được xem là có hữu ích như cảng Cái Mép, các đường lộ, các cầu bắt qua sông Hồng và sông Mekong, và các đường cao tốc – mặc dù rất ít dấu hiệu cho thấy các dự án này được nâng cấp kể từ khi Hoa Kỳ rời Việt Nam vào năm 1973. Sau đó, tiền bắt đầu chảy vào các tòa nhà chung cư, bao gồm cả các căn hộ sang trọng. Nhiều trong số này, đặc biệt là khu vực xung quanh thành phố Hồ Chí Minh, đang bị bỏ trống hoặc chưa hoàn tất. Đó là chưa kể đến các khu công nghiệp dành cho các nhà sản xuất nước ngoài, được xây dựng ở các vùng ngoại ô thành phố bằng cách giải tỏa các cánh đồng và nông dân trồng bưởi. Chỉ riêng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã có khoảng 20 dự án bao gồm khoảng 3,645 héc-ta đất nông nghiệp được dùng để xây dựng các khu công nghiệp. Tuy nhiên, theo Vietname News, tính đến tháng Bảy, chỉ có 810 héc-ta trong số đó được cho thuê.
Tình trạng đầu tư quá mức này sẽ tạo ra sự tàn tích của các dự án. Nhưng khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra làm tổn hại đến thương mại thế giới và làm chậm lại vốn đầu tư nước ngoài vào đầu năm 2008 thì các ngân hàng của Việt Nam bị chính phủ nước này thúc giục mãnh liệt phải bước vào để tiếp tục giữ đồng vốn lưu chảy. Theo các số liệu của HSBC, tín dụng tại Việt Nam đã tăng gấp bốn lần trong sáu năm qua. Tệ hơn nữa, phần lớn số tiền này được chảy vào các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả như Vinalines, do các đảng viên trong Đảng Cộng sản và các nhóm lợi ích có quan hệ với hệ thống chính trị bên trong điều hành. Theo số liệu của Reuters, tổng số 100 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Việt Nam hiện đang mắc nợ khoảng 50 tỷ USD, hoặc nhiều hơn một phần ba GDP của nước này. Nên nếu một số các tập đoàn này sụp đổ – mà hầu như không có gì là không thể xảy ra – nó có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng ngân hàng rất lớn.
Việc bắt giữ một trong những doanh nhân giàu nhất đất nước, ông Nguyễn Đức Kiên, vào tháng Tám vừa qua tiếp tục tiếp cho thấy các bất ổn của hệ thống tài chính Việt Nam. Ông Kiên đã bị bắt giữ vì các cáo buộc kinh doanh trái phép và quản lý kinh tế yếu kém tại ngân hàng mà ông thành lập, Ngân hàng Thương mại Á Châu (ACB). Những người gởi tiền tại ngân hàng này đã xếp hàng để rút tiền hoàng loạt sau khi thông tin này được loan báo, dẫn đến giá cổ phiếu bị giảm mạnh, và gây ra một loạt các đột biến đối với giá vàng bán lẻ – gia tài trú ẩn truyền thống của người dân Việt Nam.
Những khó khăn trong ngành ngân hàng Việt Nam không bị giới hạn riêng tại Ngân hàng Thương mại Á châu, trong đó người sáng lập ngân hàng này được cho là có mối quan hệ thân thiết với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Việc này gây ra các suy đoán rằng Đảng Cộng sản đang nỗ lực gấp bội để trấn áp nạn tham nhũng trong chính phủ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vào tháng Bảy vừa qua đã làm nhiều người sốc khi ông cảnh báo rằng các khoản nợ xấu chiếm khoảng 9%, điều này mâu thuẫn bởi dữ liệu chính thức vài tháng trước đó báo cáo các khoản nợ xấu chỉ chiếm khoảng 4%. Các ngân hàng nước ngoài cho rằng con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Vì vậy, các ngân hàng hiện đang rất cần các nguồn vốn. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ước tính vào ngày 4 tháng Chín rằng khoảng 12 tỷ USD sẽ giúp lấp khoảng trống đó – nhưng đó có lẽ chỉ là sự bắt đầu mà thôi. Với số lượng dự trữ chỉ 14 tỷ USD, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì việc này sẽ không diễn ra quá dễ dàng. Chính phủ có thể in thêm tiền, nhưng việc này sẽ tiếp tục hạ thấp giá trị tiền đồng và làm tăng thêm mức lạm phát, điều mà chính phủ đã cố gắng chế ngự trong thời gian vừa qua.
Một cách khác để cải thiện tình hình là thu hút vốn đầu tư nước ngoài trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, giới đầu tư nước ngoài hiện nay lại rất nhút nhát, đặc biệt sau khi họ đã chứng kiến toàn cảnh kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. Việt Nam chỉ quản lý được một cuộc thỏa thuận trái phiếu quốc tế trong năm nay trị giá 250 triệu USD cho Ngân hàng Cổ phần Thương mại Công thương, hoặc VietinBank. Thỏa thuận nay được diễn ra hồi tháng Năm, vài tháng trước khi mọi thứ trở nên xấu đi, tuy vậy ngân hàng này chỉ huy động được một nửa số tiền với lãi suất 8%. Đó là nỗ lực huy động vốn đầu tiên của Việt Nam sau khi Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Vinashin không trả khoản vay trị giá 600 triệu USD sau thời gian đáo hạn.
Tất cả những điều này có thể lập luận rằng nó xuất phát từ các nguyên tắc cơ bản không vững chắc của nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay cũng có nhiều lý do để không tin tưởng vào chính quyền. Ví dụ như trong lúc Vinashin bên bờ vực phá sản, Hà Nội đã không thanh toán tốt các khoản nợ của doanh nghiệp mà họ đã từng đứng ra thành lập cũng như kiểm soát, dẫn đến vụ kiện cáo bởi công ty đầu tư Elliott Associates có trụ sở tại New York – công ty chủ sở hữu trái phiếu của Vinashin.
Và đó không phải là sự kiện đầu tiên, có những tình huống khác mà giới đầu tư nghi ngờ về mức độ cam kết của Việt Nam đối với hệ thống pháp quyền. Một trong những chuỗi sự kiện đó, Tập đoàn Dệt may Quốc tế (ITG) thuộc sở hữu của ông trùm cổ phần tư nhân người Mỹ Wilbur Ross, hiện cũng đang tranh cãi với doanh nghiệp Phong Phú, đối tác của ông trong liên doanh may dệt thiết lập sáu năm trước đây tại Đà Nẵng. Phong Phú được kiểm soát bởi Tập đoàn Dệt may Việt Nam thuộc nhà nước, được biết với tên Vinatex. Vụ tranh chấp được biết liên quan đến các cam kết tài chính, tưởng đã được giải quyết thông qua các buổi phân xử tại Singapore. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản hiện đang điều hành chính phủ lại thương cảm Vinatex và đã áp lực tòa án Việt Nam phải giải quyết những vấn đề giữa hai công ty này. Sự tham gia của tòa án Việt Nam trực tiếp đi ngược lại thoả thuận của Đảng trong việc mang sự kiện này ra phân xử tại Singapore.
Với sự kết hợp khan hiếm nguồn lực tài chính trong nước và các nhà đầu tứ quốc tế gần như tẩy chay các dự án tại đây thì Việt Nam hiện còn lại rất ít lựa chọn. Có khả năng không thể loại trừ chính phủ sẽ đưa ra thêm một gói cứu trợ. Trong khi Trung Quốc có nguồn vốn vững mạnh, thật khó để tưởng tượng rằng người Việt Nam có thể đầu hàng trong vụ tranh chấp chủ quyền với kẻ thù ngàn năm của họ. Tuy Hoa Kỳ là nước giàu nhưng cũng đang gặp phải một số vấn đề của riêng họ. Cùng lúc, Hoa Kỳ cũng đang xích gần lại phía Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác như một cách để chống lại quyền lực ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, Washington có thể dễ dàng giúp IMF trong việc hỗ trợ một gói tài trợ cho Việt Nam. Một thỏa thuận như vậy thậm chí có thể giúp Washington tạo dựng lại cơ sở cho hải quân Hoa Kỳ trở lại các cảng tại Việt Nam, chẳng hạn như Vịnh Cam Ranh.
Nhưng dù bằng cách nào đi nữa thì hiện tại Việt Nam đã bị vỡ mộng, cho thấy rằng bất cứ khoản tiền nào chảy vào đây cũng sẽ đi cùng với một ràng buộc nào đó. Cải cách sâu rộng bao gồm tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và tuân thủ các quy định pháp quyền là điều bắt buộc. Cả hai điều kiện này sẽ làm giới cầm quyền tức giận, những người hiện nay chạy xe Porsche và Bentley thay cho xe kéo với xe đạp trên các tuyến phố bế tắc tại Hà Nội cũ. Những người Việt Nam tự hào chính đáng sẽ không muốn nhường lại quá nhiều, nếu có, mức ảnh hưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nhưng nếu họ có thể tìm ra phương án để thay đổi mọi thứ một cách thận trọng và tốt hơn thị họ có thể trở thành một ví dụ đáng chú ý để Myanmar và các nền kinh tế mới nổi khác học hỏi.
Bài viết này xuất hiện trong tạp chí Newsweek số ngày 1 tháng Mười. Tác giả chuyên viết bài trên chuyên mục Reuters Breakingviews. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"