Phương Bích - Suốt từ hôm nhận được quyết định của phường, giao cho anh tổ trưởng dân phố non choẹt chịu trách nhiệm giáo dục mình, nói thật là tôi chưa có thời gian để tìm hiểu việc học hành một cách nghiêm túc, mà thầy thì cũng lờ lớ lơ đi, chả thúc giục gì. Bởi vậy buổi học đầu tiên vẫn chưa được tiến hành. Trong khi cộng đồng mạng còn đang lan truyền những tin tức thời sự quan trọng và nóng giãy, thì chuyện học bài học về giáo dục công dân của tôi là chuyện bé bằng mắt muỗi!
Thế nên tôi cứ tà tà, không việc gì mà cứ phải sốt tiết lên.
Tối hôm qua, tổ dân phố chỗ tôi họp để “kiện toàn” lại tổ dân phố (trích nguyên văn giấy mời) - nghĩa là tiến hành bầu lại tổ trưởng.
Bầu lại có mỗi ông tổ trưởng dân phố mà chính quyền phải dùng từ kiện toàn, thì mấy ông bà về hưu hàng ba bốn chục năm, chả bao giờ đọc sách báo cũng như mấy ông bà quanh năm ngày tháng buôn thúng bán mẹt thì làm sao mà biết được cái từ kiện toàn ấy tức là bầu lại tổ trưởng dân phố?
Buồn cười! Họp tổ dân phố ở sảnh chung cư mà họ bố trí loa đài rộn ràng, nhạc nhẽo ầm ĩ. Báo cáo ghi có 130 hộ với 500 nhân khẩu, đi họp đếm đi đếm lại chỉ được hơn năm chục mống. Đấy là có nhà đi cả hai người đấy. Thế mới biết dân ta thờ ơ với việc “kiện toàn” lại tổ dân phố như thế nào.
Thực sự là tôi cũng chả quan tâm lắm về việc này. Chả là ngôi nhà chính của dân chúng tôi ở một vị trí đắc địa, đã bị phá béng từ gần 4 năm nay với lý do chung cư nguy hiểm. Ngay sau khi di chuyển khẩn cấp ra khỏi nhà theo lệnh báo động của chính quyền, dân chúng tôi mới ngộ ra là mình đã bị lừa một cách ngoạn mục. Hơn ba năm nay, chủ đầu tư chả chịu thỏa thuận đền bù với dân chúng tôi, cậy có chính quyền “đỡ lưng” cứ lấy cái kệ số K giời ơi đất hỡi để ép dân chúng tôi.
Đương nhiên dân chúng tôi chả đời nào chịu để người ta cắt cổ mình như thế, nên rải đơn khắp các cửa nhưng chả ông bà cơ quan nào giả nhời. Đã thế chúng tôi chả thèm gửi đơn nữa, kéo nhau xuống giữ đất là xong. Chưa thỏa thuận mua bán xong, tự dưng nhảy vào xây nhà là thế nào?
Mà bậy nhất là hai bên còn đang tranh chấp, chưa ký tá đền bù gì mà ông Sở Xây dựng Hà Nội lại ngang nhiên cấp phép xây dựng cho chủ đầu tư mới lạ chứ? Nói thật, trong vụ cấp phép này mà không có phí bôi trơn thì tôi bé bằng con kín (con kiến).
Cái chuyện bầu tổ trưởng dân phố nó lại khá quan trọng với dân chúng tôi, là vì có chuyện thậm thụt của chi bộ, ngăn cản các đảng viên không được đấu tranh đòi hỏi quyền lợi về chuyện đền bù. Ai mà đi là bị phê bình, kiểm điểm! Có một nhúm dân mà cũng phe này cánh nọ, phức tạp ra phết. Nhất là mấy ông bà về hưu, cực kỳ thiếu hiểu biết về pháp luật, hợp lực với cánh đảng viên cũng trở thành một lực cản với cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của dân chúng tôi. Giá mà các ông các bà ấy có nhìn thấy các đảng viên cao cấp đang thi nhau tra tay vào còng vì tội tham nhũng nhỉ?
Trong lúc chờ đợi, thấy tay phó chủ tịch phường và cảnh sát khu vực đang đứng ngoài hiên, tôi bèn đến bên họ, bảo mấy tuần này bận quá, chưa kịp hỏi về nội dung chương trình giáo dục tôi gồm những gì, lịch liệc ra sao?...
Tay phó chủ tịch bảo có giáo dục gì đâu, chỉ quản lý thôi.
Ơ hay! Rõ ràng quyết định ghi là giáo dục hẳn hoi, làm gì có từ quản lý nào? Mà quản lý nghĩa là gì?
Tóm lại chả khác gì cách trả lời của tổ trưởng dân phố, sau khi nghe họ loanh quanh giải thích một hồi, tôi nhận ra rằng mục đích duy nhất của họ là “thuyết phục” tôi không đi ra khỏi nhà vào sáng chủ nhật!
Chắc nói trắng ra là cấm biểu tình thì sợ phạm luật. Nói tôi không nên đi “gây mất trật tự công cộng” nữa thì thấy vô lý và ngượng mồm! Thế là từ tổ trưởng dân phố đến phó chủ tịch phường (và tôi chắc đến ông chủ tịch thành phố thì cũng thế thôi – lý cong khí đoản mà) cứ nói chung chung là tôi không nên đi ra khỏi nhà vào sáng chủ nhật! Ngộ thế kia chứ.
He he! Nếu bây giờ biểu tình chống Trung Quốc vào những ngày khác thì sao nhỉ? Chắc là OK???
Tôi nói với hai vị công bộc của dân, rằng trong xã hội chỉ có hai hình thức giáo dục. Đó là nhà trường và gia đình. Tôi không còn ở cái tuổi đến trường nữa (về hưu rồi ạ). Vậy nên có chăng thì chỉ còn phải để bố mẹ giáo dục. Bố mẹ tôi còn sờ sờ ra đó mà chính quyền lại định qua mặt, đòi giáo dục tôi là thế nào? Muốn thế, chính quyền cần phải giáo dục bố mẹ tôi trước đã. Nhưng tôi xin thưa với các anh một điều, khi một chính quyền đòi giáo dục nhân dân thì đó là một chính quyền vô lễ! Cực kỳ vô lễ.
Tôi quên mất không nói thêm một điều, rằng chính quyền hãy lo giáo dục chính các cán bộ lớn bé đang lượt tra tay vào còng kia kìa. Đó mới là những kẻ có tội với đất nước này và cần phải giáo dục kỹ càng. Nhưng chắc chắn tôi sẽ còn nhiều dịp để nói điều đó với các vị công bộc của dân.
Đương nhiên, đây chỉ là dạng trao đổi ngắn bên lề một cuộc họp tổ dân phố. Xã hội còn có những thứ cần quan tâm đến hơn vấn đề bé bằng cái móng tay của cá nhân tôi. Hai vị công bộc cấp phường chẳng qua cũng chỉ là người thừa hành bất đắc dĩ. Trước những câu hỏi của tôi, họ chỉ cười! Một vị còn lo tôi nói toáng lên trước mặt bà con dân phố, nịnh khéo tôi, phong tôi là “trí thức” nên chắc sẽ không nói trong cuộc họp thế đâu.
Hay nhỉ? Cái đó thì có liên quan gì đến trí thức nhỉ?
Tôi bảo anh nhầm! Nếu các vị đưa vấn đề của tôi vào chương trình “nghị sự” thì đương nhiên tôi phải nói, để bà con còn nắm được vấn đề chứ.
Thế là họ lắc đầu quầy quậy, bảo sẽ không nói đến chuyện của tôi.
Kể cũng lạ! Một đối tượng mấy lần bị công an bắt, bị theo dõi (xem những ai đến nhà tôi), bị công khai ngăn chặn (chị muốn mua gì thì để chúng tôi cho người đi mua hộ chị, chỉ đề nghị chị không đi đâu ra khỏi nhà trong buổi sáng chủ nhật thôi!!!). Hàng phố xì xầm, bàn tán xôn xao vì chả bao giờ có chuyện như thế này để mà tám chuyện. Thế mà tổng kết công tác của tổ dân phố, họ lại giấu nhẹm đi, coi như hổng có chuyện gì! Hay họ ngại tôi “đăng đàn” nói về chủ quyền biển đảo ? Về quyền biểu tình mà Hiến pháp đã cho phép ngay từ năm 1946, sửa đổi năm 1992?
Tôi nói thật là tôi hơi bị quan liêu, chả biết đến một tổ chức nào ngoài tổ dân phố. Thế nên tôi ngạc nhiên lắm khi có cái gọi là mặt trận tổ quốc đứng ra chủ trì cuộc họp tổ dân phố. Tôi thắc mắc thì họ giơ cái văn bản có dấu đỏ ra, bảo là làm theo sự chỉ đạo của chính quyền. Ông chủ tịch mặt trận tổ quốc còn công phu chép tay một cái văn bản gì đó rõ là dài vào một cuốn sổ và đọc hùng hồn lắm.
Rốt cuộc chỉ vì cái từ chuyên môn hóa cao quá, là kiện toàn công tác của tổ dân phố nên sau khi đi từng nhà hô hào mới được hơn quá bán một tý. Rồi đọc báo cáo với góp ý lâu quá, đến lúc vào bầu bán thì rơi rụng mất một ít nữa. Tranh cãi om tý tỏi về việc có tiếp tục bầu hay không khi không đủ số người tham gia bầu. Tôi biết rõ ý đồ của chi bộ và mặt trận là muốn bầu một người dễ sai khiến, mà dân ta thì ngây thơ quá, cứ bảo quan trọng gì đâu. Lúc họ đếm số người đồng ý bầu, tôi bỏ ra ngoài đứng để họ khỏi đếm nhầm tôi. Thế mà họ vẫn đếm nhầm mới lạ. Thấy vậy, tôi lại đi vào xin phát biểu. Ngay lúc tôi đi vào, bí thư chi bộ và chủ tịch mặt trận đã cảm thấy không ổn nên định không cho tôi phát biểu. Tôi bảo tôi là một người dân ở đây nên tôi có quyền phát biểu ý kiến, không ai được phép ngăn cản tôi.
Tôi vớ lấy micro và tố cáo cái việc thậm thụt trên của chi bộ. Đề nghị bà con bầu cho người nào hoàn toàn không chịu áp lực từ chi bộ, mà phải vì quyền lợi chung của đa số bà con.
Rốt cuộc việc bầu bán vẫn xong xuôi. Bà con tỏ vẻ hài lòng về việc tôi thẳng thừng tố chi bộ không bảo vệ quyền lợi của dân. Thật ra người Việt ta vốn hay dĩ hòa vi quý, ngại nói thẳng mặc dù không ưa. Chẳng qua việc làm của chi bộ gây bất lợi cho cuộc đấu tranh của dân chúng tôi, thì vạn đất đắc dĩ tôi mới phải tố thế thôi.
Tôi cứ tưởng sau đấy ông bí thư và ông chủ tịch mặt trận thù tôi lắm. Thế mà chiều nay vừa ở thanh tra Sở xây dựng về, tôi lại chạm mặt cả hai ông ở sảnh chung cư. Cả hai ông đều cười tươi chào lại tôi. Xét ra chúng tôi đều đang trên một con thuyền cả. Nhưng giá mà các ông ấy thẳng thắn nói chuyện với tôi, tôi sẵn sàng bày tỏ quan điểm và chia sẻ thông tin cho các ông ấy một cách chân thành và trung thực nhất.