Lời bạt của Alan Phan: Các đại biểu Hội đồng Nhân dân đã giám sát như thế nào đối với những địa phương mà dân- “người chủ” phải tự tổ chức sửa chữa, điều hành các dịch vụ công cộng, còn các “công bộc” thì làm gì? Cán bộ Nhà nước phải là “công bộc” của dân. Đã là công bộc thì phải do dân, vì dân cho tất cả những chuyện của dân. Nhưng khi người dân không cần… công bộc nữa, thì đó có thể là một sự cảnh tỉnh cho chính quyền cơ sở - nơi tập hợp các công bộc của dân không?
Dân phải tự làm và làm sai
Mới đây báo Tuổi Trẻ đưa thông tin về việc người dân tự vá đường quốc lộ 50 tại địa bàn thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Lý do dân phải tự làm ư?
Đơn giản là vì “đoạn đường này có cả ngàn ổ gà, ổ voi chi chít trên mặt đường, nước đọng, lầy lội…khiến tất cả xe cộ khi lưu thông qua đây đều phải “bò”" và “ngày nào cũng có tai nạn giao thông.
Có ngày 2-3 vụ, chủ yếu là người đi xe máy bị sụp ổ gà, ổ voi. Tính từ đầu năm 2012 đến nay, đoạn đường này đã xảy ra hơn 100 vụ tai nạn như vậy.
Trên trang online, báo Tuổi Trẻ đã đặt một cái tựa rất hiền: Người dân tự vá hơn 4km quốc lộ. Nhưng cái tựa trên Tuoitre Mobile có lẽ đúng bản chất vấn đề hơn: Dân tự cứu mình bằng cách góp tiền vá đường.
Vâng, người dân “phải tự cứu mình” chứ không phải vì đề xuất khen thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho công việc nọ. Ông Chủ tịch tỉnh biết và rất cảm động nên ông muốn khen dân, vậy thì các thuộc cấp của ông nên nhận những đề xuất gì đây khi đưa người dân vào thế… “phải tự cứu mình”?
Nó làm người viết nhớ lại thông tin người dân ở phường Liên Chiểu, Đà Nẵng phải tự làm rào chắn ngăn xe tải loại hàng chục tấn trên đoạn đường chỉ dành cho xe dưới 3,5 tấn. Có rào chắn, đường bị ngăn xuống cấp vì tiếng ồn từ xe tải cũng giảm hẳn nhưng chính quyền địa phương cho rằng việc tự dựng rào chắn như vậy là sai luật.
Đúng, dân đã sai!
Người dân đã sai khi làm thay phần việc của các “công bộc” ở cả hai trường hợp trên!
Người dân đã sai khi tự đứng ra điều chỉnh giao thông lúc tắc đường! Người dân cũng sai khi làm Lục Vân Tiên chống lại bọn cướp giật! Người dân sẽ sai nhiều hơn nữa khi buộc phải làm thay tất cả những vấn đề mà lẽ ra các công bộc của dân phải làm.
Nhưng khi người dân làm sai những việc cơ bản như đã nêu ở trên, các công bộc mà dân phải đóng thuế để nuôi, đang làm gì?
Người dân tự vá đường quốc lộ 50. Ảnh: Dân Việt
Ai giám sát hành chính công?
Hành chính công cần có để đảm bảo tính công bằng, an toàn và hiệu quả của các dịch vụ công cộng. Trong trường hợp này, Hội đồng Nhân dân các cấp tại địa phương là đơn vị giám sát.
Và người viết tự hỏi các đại biểu Hội đồng Nhân dân đã giám sát như thế nào đối với những địa phương mà dân- “người chủ” phải tự tổ chức sửa chữa, điều hành các dịch vụ công cộng, còn các “công bộc” thì làm gì?
Lấy ví dụ từ Đồng Tháp, một tỉnh nghèo nhưng có đến 30% công chức thuộc loại “có mặt để nhận lương” còn 30% còn lại làm việc cầm chừng như ông Chủ tịch tỉnh này thừa nhận.
Một đơn vị khác cũng giám sát hành chính công là Bộ Nội vụ. Các cán bộ giám sát các cán bộ của các đơn vị khác, đặc biệt trong mấy năm qua, về lĩnh vực cải cách hành chính. Nhưng cải cách hành chính không có nghĩa chỉ là có các khẩu hiệu và các bản báo cáo làm đẹp lòng… cấp trên.
"Về mặt nào đó người dân cũng vẫn… có lỗi một cách hệ thống, như báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh từng kết luận: “Đâm ra làm dân ngày càng khó. Có khi khó quá thế này, dân nên… từ chức đi!”
Trên thực tế, có nhiều công trình trăm tỉ, nghìn tỉ được xây dựng trong giám sát nhưng những đứa trẻ ở Tây Nguyên vẫn phải đu dây qua sông tìm chữ, những đứa trẻ ở vùng sông nước Tây Nam Bộ vẫn chết đuối vì… không có cầu và không biết bơi.v.v..
Giám sát hành chính công càng không phải là giám sát những cán bộ khi cuối năm đều được đánh giá thuộc loại tốt, hoàn thành nhiệm vụ. Điều đó có thể dẫn đến “hình mẫu” được nhân rộng của một cán bộ như Dương Chí Dũng chẳng hạn, chuẩn bị được bổ nhiệm lên cao rồi bất ngờ bị… truy nã sau những sai phạm ở Vinalines.
Tạm gác các yếu tố trên, về mặt nào đó người dân cũng vẫn… có lỗi một cách hệ thống, như báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh từng kết luận: “Đâm ra làm dân ngày càng khó. Có khi khó quá thế này, dân nên… từ chức đi!”
Nói cho vui, dân mà “từ chức” thì dân sẽ làm gì? Đâu phải muốn làm “công bộc cho dân” là được đâu. Nên dân không thể từ chức mà đành tự làm những công việc mà đáng lẽ những người dùng tiền thuế của dân phải làm. Cứ cái đà này, thật là không hay nếu không muốn nói là tệ hại.
Nhất Ngôn
________________________________
BEO - COI CHỪNG BIẾN TƯỚNG
Xuất phát điểm là những chàng thanh niên ưa làm việc nghĩa và đôi chút phần mạo hiểm. Xã hội tôn vinh những phẩm chất quý đang bị mai một ấy… Dừng tại đó thì hồn nhiên và cuộc đời này đẹp làm sao.
Không được học hành về luật pháp đến nơi đến chốn, để biết cái gì được phép và cái gì không được phép làm. Không được huấn luyện các thao tác chuyên nghiệp khi đối phó với cái ác, để bảo vệ chính mình. Không nơi quản lí điều hành, để hạn chế những bộc phát của bản năng. Với ba cái không ấy, lại dám dựng thành một tổ chức, gần như chuyên nghiệp, mang tên hiệp sĩ đường phố, chuyên săn bắt cướp.
Và CÁI NÀY là hệ quả từ cái không đầu tiên còn cái không thứ hai, hẳn ai cũng đã biết, thật đau xót.
Cái gì đến sẽ đến. Cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Từ hiệp sĩ thành mặc rô (kẻ bảo kê), từ anh hùng thành tội phạm, đôi khi khoảng cách chỉ là sợi chỉ.
Hoặc công an xem xét tuyển chọn họ vào ngành hoặc, ngay lập tức giải tán các đội nhóm này tại Bình Dương và Saigon, trước khi quá muộn.