Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Hội nghị 6: Sự thất bại thảm hại của đảng

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Hội nghị Trung Ương 6 kết thúc với sự thất vọng lẫn cay đắng lan tỏa khắp nơi và người có quan tâm cho rằng đây là thời kỳ đen tối nhất của lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam.
Mặc Lâm phỏng vấn GS Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã Hội Việt Nam để biết thêm ý kiến của một đảng viên lão thành trước diễn tiến cũng như kết quả của Hội nghị 6.
Kết quả là số không
Trước tiên Giáo sư Tương Lai cho biết:

GS Tương Lai: Ai cũng biết rằng thực chất hội nghị này là để giải quyết một vấn đề nổi cộm và muốn qua đó kỷ luật một anh mà xét về mặt hiện tượng thì nó đã tạo nên sự phẫn nộ trong dân chúng về hành vi tham nhũng, độc đoán, vội vã gây nên những hệ lụy rất tai hại. Nếu làm được điều này thì có nghĩa là lấy lại được uy tín cho ông Tồng bí thư, cho Bộ chính trị, cho Ban chấp hành Trung ương và nói chung cho thể chế chính trị mà ông Nguyễn Phú Trọng đang là người đứng mũi chịu sào.
Mặc Lâm: Thưa GS, tuy nói thế nhưng cuối cùng thì nhân vật mang tên “một đồng chí trong bộ chính trị” vẫn không nhận bất cứ kỷ luật hay chế tài nào. Như vậy thì kết quả của hội nghị có thanh công như Tổng bí thư khẳng định hay không?
GS Tương Lai: Kết quả là số không! Đây là một sự thất bại thảm hại. Bởi vì Ban chấp hành Trung ương là cơ quan quyền lực cao nhất của đảng. Thực ra Đại hội là cơ quan cao nhất nói về mặt đảng, Bộ Chính trị chỉ là cơ quan điều hành thôi, nhưng mà lâu nay người ta biến nơi đó thành một thứ đảng, phải nói là siêu đảng.
Thật ra đứng về mặt nguyên lý và điều lệ thì Ban chấp hành Trung ương mới là cơ quan cao nhất. Vậy thì kết quả của Ban chấp hành Trung ương người ta biểu quyết với tỷ lệ hơn 70 % không đồng ý với quyết định của ông Tổng bí thư và của Bộ chính trị, nhưng vẫn không kỷ luật hay đưa ra một biện pháp nào thì điều đó nói lên rằng bên này bên kia là rất phức tạp trong cơ quan quyền lực cao nhất của đảng. Đồng thời cũng là cơ quan giữ trách nhiệm cao nhất về sự tồn vong của chế độ. Nếu kỷ luật được cái ông Ủy viên Bộ chính trị mà người ta không nói tên ra nhưng ai cũng biết, ngay một việc đơn giản ấy cũng không làm nỗi!
Mặc Lâm: Điểm mà người dân chú ý và hy vọng nhất là luật đất đai sẽ được thay đổi nhưng Tổng bí thư khẳng định đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân, có nghỉa là không ai được có cái quyền tư hữu. Theo GS hành động này của đảng, của hội nghị có sáng suốt và thích hợp với nhu cầu thiết yếu của toàn dân hay không?
GS Tương Lai: Đương nhiên cũng có thể cải tiến chỗ này chỗ nọ như là một chiếc áo chấp mảnh vá cắt ở phía dưới đưa lên cầu vai. Đưa một mảnh sau lưng ra trước ngực…nhưng về cơ bản cái áo khoác nó rộng cỡ về sở hữu toàn dân, nó vẫn trùm lên toàn bộ vấn đề đất đai thì làm sao giải quyết được vần đề đất đai hiện nay?
Bởi vì nhân danh toàn dân, nhân danh nhà nước nên người ta sẵn sàng cướp đất của dân mà pháp luật thì đứng về phía những người ăn cướp. Vậy thì làm sao thỏa mãn nhu cầu của dân được?
Giải khát bằng độc dược?
Mặc Lâm: Khi mà đảng không thấy có nhu cầu phải theo nguyện vọng của dân thì cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận đối đầu với những tranh đấu sẽ tiếp tục xảy ra. Như vậy thì giải pháp chấp vá ấy có khác gì giải khát bằng thuốc độc?
GS Tương Lai: Về mặt logic thì hình như có vẻ đúng như thế. Nhưng trong diễn bíến tình hình thì tôi không tin nó sẽ diễn ra như thế. Tôi vẫn tin rằng trong Ban chấp hành Trung ương qua biểu quyết vừa rồi tôi hiểu có những người người ta đã suy tính, chỉ có điều là người ta có nói ra hay không. Lựa chọn thái độ lúc nào thì người ta nói ra hay không nói ra. Vì vậy không cho phép tiếp tục giải khát bằng thuốc độc đâu, tức là đàn áp, dùng bạo lực để đè bẹp tinh thần dân chủ. Tôi tin người ta không dám làm điều ấy, và muốn cũng không làm được mặc dầu về mặt logic thì điều này có thể diễn ra nhưng thực tế tình hình đã dạy cho người ta bài học nếu làm chuyện đó thì người ta sẽ không còn gì nữa.
Kết quả của hội nghị này nó đã đưa đến sự mất lòng dân ghê gớm. Những người làm chính trị khôn ngoan hiện nay chính là phải tìm những giải pháp khác để làm yên lòng dân.
Mặc Lâm: Trong bản tổng kết ông Tổng bí thư không hề có một câu nào nhắc tới vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, cụ thể là Biển Đông. Theo GS thì việc gì đang xảy ra phía sau hội nghị này? Phải chăng yếu tố Trung Quốc đang khống chế, bao trùm lên tất cả?
GS Tương Lai: Với một hội nghị trung ương quan trọng như thế, bàn thảo nào là vấn đề kinh tế, vấn đề giáo dục, rồi công nghiệp… đủ cả, nhưng không động một câu tới thực tế Biển Đông. Ông Chủ tịch nước đã phát biểu và báo Tuổi Trẻ đã giật một cái tít rất dài là: “Không được để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến mối quan hệ Việt Trung” Vậy thì thực chất mối quan hệ Việt Trung này là gì? Vấn đề Biển Đông là gì?
Đúng lúc Hội nghị trung ương 6 khai mạc thì chúng nó tổ chức mừng quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại thành phố Tam Sa. Lúc chúng làm như thế không biết Bộ Ngoại giao ta có biết không mà ém nhẹm đi để vẫn có một lời chúc mừng thắm thiết thì tôi thấy đấy là một xúc phạm ghê gớm đối với lòng tự tôn dân tộc.
Đương nhiên đứng về mặt ngoại giao chúc mừng thì cứ chúc mừng, thậm chí vừa nhổ nước bọt vào nhau mà vẫn chìa tay ra bắt tay nhau thì đấy là chuyện bình thường trong ngoại giao. Nhưng khi chúng nó kéo cờ quốc khánh của chúng nó trên lãnh thổ của chúng ta. Trên cái thành phố mà chúng nó thành lập ra ở Hoàng Sa trong đó gồm cả Trường Sa nữa để chúng nó mừng quốc khánh mà chúng ta vẫn gửi thư chúc mừng lời lẽ không có một cái gì khác, thì đấy là một nỗi nhục mà những người trí thức nào còn một chút nhân phẩm và lương tri không thề không phẫn nộ và lên án.
Mặc Lâm: Xin cám ơn GS
_________________
Việt Nam: Trung ương Đảng không theo Bộ Chính trị, điều chưa từng xẩy ra
Ngày 15/10/2012, Hội nghị của Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam kết thúc sau 2 tuần lễ họp kín. Một trong những điều đặc biệt gây bất ngờ được công luận chú ý từ hội nghị này là, Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã không chấp nhận đề nghị của Bộ Chính trị xin nhận một hình thức kỷ luật cho tập thể các lãnh đạo cao nhất và cho riêng cá nhân « một lãnh đạo », mà hầu như ai cũng biết là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Hội nghị Trung ương 6 của đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang khủng hoảng về nhiều mặt, trong đó, công luận đặt rất nhiều câu hỏi về vai trò của đảng Cộng sản, vai trò của Bộ Chính trị và Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đây là phần nhận định của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, từ Hà Nội.
RFI : Kính chào Tiến sĩ Lê Đăng Doanh. Như ông biết, ngày hôm qua, Hội nghị 6 của đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc, rất mong ông cho biết các nhận định của ông về quá trình diễn ra hội nghị này, về kết quả cũng như triển vọng của những diễn tiến tiếp theo.
Lê Đăng Doanh : Hội nghị 6 của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam chắn chắn là một hội nghị hết sức quan trọng. Đây không phải một hội nghị có tính thủ tục bình thường. Hội nghị này có lẽ sẽ đi vào lịch sử như là một trong những nỗ lực hết sức cao của ban lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là chấn chỉnh lại tổ chức, chấn chỉnh lại kỷ luật của Đảng, và chuẩn bị cho những bước phát triển tới đây của Đảng.
Mọi người đã hết sức nóng lòng theo dõi, và trên mạng cũng có rất nhiều tin đồn đoán. Đến buổi tối ngày hôm qua, đài truyền hình Việt Nam đã đưa toàn văn bài của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và thông cáo báo chí của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương.
Dĩ nhiên mọi người đều tập trung sự chú ý vào sự « phê bình và tự phê bình ». Điều đáng chú ý là, Bộ Chính trị đã 100% đồng ý là xin nhận khuyết điểm, và xin Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật tập thể Bộ Chính trị và một thành viên, một Ủy viên của Bộ Chính trị. Điều đáng ngạc nhiên là sau đó, Ban Chấp hành Trung ương đã không đồng ý, cả kỷ luật Bộ Chính trị, cũng như kỷ luật « đồng chí » đó.
Điều này hơi ngạc nhiên, vì Ban Chấp hành lại chỉnh sửa quyết định của Bộ Chính trị. Và đấy là một điều từ trước đến nay hầu như chưa xảy ra. Và đây là một điều làm cho các nhà quan sát đang hết sức quan tâm, theo dõi, thảo luận, và mọi người đang chuẩn bị để xem xem rằng, sau Hội nghị Trung ương 6 thì diễn biến trong thực tế sẽ như thế nào.
RFI : Xin ông giải thích về cái thực tế gần như chưa có tiền lệ này trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam.
Lê Đăng Doanh : Bình thường thì Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam là một cấp lãnh đạo rất có uy tín, và thường thì, nếu Bộ Chính trị đã có quyết định, thì Bộ Chính trị có đủ uy tín, lập luận, sức thuyết phục, để thuyết phục được Ban Chấp hành Trung ương, để thuyết phục thực hiện quyết định mà 100% thành viên Bộ Chính trị đã đồng ý.
Việc Bộ Chính trị không thuyết phục được Ban Chấp hành Trung ương là điều khiến mọi người ngạc nhiên. Đây là điều mà tôi thấy hiện nay chưa giải thích được, và chưa biết được rằng hệ quả sẽ như thế nào ?
Bởi vì quá trình « phê bình và tự phê bình » này là quá trình đấu tranh nội bộ rất thẳng thắn và mất rất nhiều công sức, như ông Tổng bí thư đã nói. Tức là đã họp đến 21 ngày từ tháng Bảy cho đến vừa rồi. Rồi Trung ương lại họp thêm 15 ngày. Trong đó, riêng về chủ đề này đã họp 5 ngày. Tôi nghĩ rằng, đây là một điều rất không bình thường, và không biết rằng là sắp tới đây Bộ Chính trị sẽ thực hiện sự lãnh đạo của mình như thế nào, nếu như mà việc Bộ Chính trị quyết định 100% đồng ý rồi, mà ra đến Trung ương lại không thuyết phục được.
Đây là điều mà cá nhân tôi, đã từng phục vụ cho một số đồng chí lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam trong một thời gian tương đối dài, hết sức lấy làm chú ý. Và hiện nay tôi chưa có thể giải thích được điều này.
RFI : Dường như xét theo quy định của đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương của Đảng, về mặt chính danh là cấp lãnh đạo, còn Bộ Chính trị chỉ là cấp thay mặt trong một thời gian nhất định. Do đó, phải chăng việc Ban Chấp hành Trung ương có ý kiến ngược với Bộ Chính trị thì cũng là điều bình thường về nguyên tắc ?
Lê Đăng Doanh : Theo điều lệ Đảng thì Trung ương là cấp lãnh đạo cao nhất, và có quyền quyết định về những vấn đề quan trọng và Bộ Chính trị nếu có quyết định thì phải báo cáo ra Trung ương, để Trung ương cho ý kiến, sẽ chuẩn y, hoặc đồng ý, hoặc bác bỏ. Về điều lệ, thì rõ ràng là như vậy.
Song, thực tế là Ban Chấp hành Trung ương bầu ra Bộ Chính trị, và Bộ Chính trị là cơ quan lãnh đạo tiêu biểu, tập trung trí tuệ, uy tín, chịu trách nhiệm về đường lối. Bộ Chính trị chính là cơ quan chuẩn bị các quyết định của Trung ương. Về uy tín, về trình độ, về sức thuyết phục thì, thường cho đến nay, người ta thường trông đợi rằng, Bộ Chính trị có đủ sức thuyết phục, có đủ uy tín, và có đủ khả năng để trình bày, thuyết phục Ban Chấp hành Trung ương, theo các quyết định (của Bộ Chính trị), mà trong trường hợp này là 100% đồng ý. Vậy mà Trung ương lại không đồng ý và bác bỏ.
Về mặt điều lệ, quyết định của Trung ương là cao hơn và quyết định của Trung ương như vậy là hợp lý (hợp theo điều lệ của Đảng). Nhưng người ta sẽ đề ra câu hỏi : Uy tín, sức thuyết phục của Bộ Chính trị như thế nào ? Đấy là cái điều làm cho tôi suy nghĩ. Vả lại rằng, sau việc Trung ương quyết định như thế này, thì sắp tới đây, diễn biến của tình hình sẽ như thế nào ? Sẽ tốt lên, sẽ có một sự sửa chữa và chỉnh đốn hết sức nghiêm túc ? Nếu như điều đó chưa xảy ra, thì lúc bấy giờ Bộ Chính trị có thể có những quyết định như thế nào, và liệu Bộ Chính trị quyết định lần này, thì liệu có thuyết phục được Trung ương không ?
Điều này sẽ là một thách thức và đem lại những hệ quả mà trong thời điểm hiện nay tôi chưa có thể lý giải được hết.
RFI : Thưa Tiến sĩ, có một số người quan sát nhận xét rằng, trong hội nghị rất đặc biệt này, Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức nhận lỗi về phần mình và xin chịu kỷ luật. Như vậy, có bình luận rằng, đây là một thành công của ê-kíp lãnh đạo, đã biết đứng ra chịu trách nhiệm, không phải trước xã hội và quốc gia, trước đất nước, mà là trước Ban Chấp hành Trung ương, tức là trong nội bộ Đảng. Đây có thể nói là một thành công của ban lãnh đạo hiện nay, có phải không ?
Lê Đăng Doanh : Rõ ràng là như vậy, việc ông Tổng bí thư thay mặt Bộ Chính trị, với một giọng nói hết sức nghẹn ngào, đã nhận khuyết điểm, đã gây ra sự xúc động lớn, đã gây ra sự chú ý, bởi vì đây là một nỗ lực rất lớn của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, của cá nhân ông Tổng bí thư.
Như vậy, thành công ở đây, theo tôi là thành công trong việc thể hiện sự nỗ lực chân thành và trách nhiệm đối với dân tộc, đối với Ban Chấp hành Trung ương. Nhưng người ta sẽ đặt câu hỏi là, tại sao Bộ Chính trị lại không thuyết phục được Ban Chấp hành Trung ương ?
Nếu như có kỷ luật này, thì tôi tin rằng, sức thuyết phục của Bộ Chính trị, và của đợt kiểm điểm « phê bình và tự phê bình », chắc chắn sẽ cao hơn. Nhưng điều này không xảy ra, vậy hệ quả sẽ là thế nào ? Sức thuyết phục và khả năng quyết đoán của Bộ Chính trị đến đâu trong thời gian tới đây ?
Bộ Chính trị đã có những quyết tâm như thế, đã có thảo luận kỹ như thế, rồi thì đã có một nỗ lực chân thành đến như thế, rồi ông Tổng bí thư đã có lời nhận khuyết điểm thống thiết đến như thế mà lại không thuyết phục được Ban Chấp hành Trung ương. Phải chăng Ban Chấp hành Trung ương có những cân nhắc khác ? Có những căn cứ khác với Bộ Chính trị chăng ? Và điều này, (sự mâu thuẫn) giữa lập luận của Ban Chấp hành Trung ương và lập luận của Bộ Chính trị, sẽ được lý giải ra làm sao ? Đấy là những điều cần phải được giải thích và làm rõ thêm.
Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
Trọng Thành
Theo RFI

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"