Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Trung Quốc bị mắc mưu chiến lược tại Châu Á - Thái Bình Dương?

Lê Ngọc Thống
Những tưởng vụ Scarborough, biển Đông mà Trung Quốc làm cho dậy sóng tạm lắng xuống thì tranh chấp biển đảo ở Hoa Nam nổi lên quyết liệt giữa Nhật Bản-Hàn Quốc, Nhật Bản - Đài Loan là 3 đồng minh của Mỹ và nóng nhất là Nhật Bản - Trung Quốc. Điều gì đang xảy ra?
Nhiều người cho rằng với Trung Quốc, Mỹ giống như kẻ “thả gà ra để đuổi bắt”. Nghĩa là dung dưỡng cho Trung Quốc phát triển hơn 30 năm nay, giờ thấy Trung Quốc lớn mạnh mới hốt hoảng kiềm chế, đối phó…, rằng, đã quá muộn cho Mỹ khi phát hiện ra Trung Quốc có ý đồ truất ngôi bá chủ…Nhầm to đấy, chê Mỹ như vậy chẳng khác nào chê “đĩ không biết vén váy”.
Mỹ được mệnh danh là thực dụng, điều này nói lên tính khoa học và tính thực tiễn của Mỹ. Mỹ làm điều gì cũng phải có lợi, đúng lúc, đúng nơi.
Mỹ trở lại châu Á - Thái Bình Dương là do Trung Quốc và các nước trong khu vực này “mời” Mỹ đến đấy chứ! Ai bảo tàu Cheonan bị chìm làm chi (té ra bị chìm là do chính mìn của Hàn Quốc); ai bảo Trung Quốc vào tháng 10/2011 định ăn tươi nuốt sống Nhật Bản trong vụ Nhật bắt tay thuyền trưởng vô danh tiểu tốt xâm phạm Senkaku làm chi…
Mỹ trở lại châu Á - Thái Bình Dương mới chỉ bằng tuyên bố, trong đó hùng hồn nhất là sẽ điều 60% lực lượng hải quân sang châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời tiến hành một vài hoạt động cài thế, nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương này đã nổi sóng.
“Tội” nhất là Nhật Bản. Bỗng dưng, Nhật Bản phải lao vào vòng tranh chấp chủ quyền biển đảo gay gắt, quyết liệt với Nga, Trung Quốc và ngay cả 2 đồng minh là Hàn Quốc và Đài Loan, đặc biệt là Trung Quốc.
Tại sao Trung Quốc lại quyết liệt như vậy?
Ngay sau khi Chính phủ Nhật Bản công bố mua lại 3 hòn đảo từ các chủ sở hữu tư nhân, mà vốn trước đây là cho thuê. Việc quốc hữu hóa mấy hòn đảo bị Bắc Kinh gọi là phi pháp và không có hiệu lực, đồng thời đe dọa thi hành biện pháp tùy thuộc theo sự phát triển tình hình.
Nếu như cho rằng, trước thềm Đại hội lần thứ 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc, cần lái sự chú ý của công chúng khỏi những vụ xì-căng-đan om sòm của nội bộ đảng cầm quyền, gắn với tên tuổi Bạc Hy Lai, Cốc Khai Lai và những danh tính khác, để chỉ ra rằng đảng và nhân dân Trung Quốc là một khối nhất trí…thì những hành động vừa qua của Trung Quốc kể cả điều 6 tàu Hải giám ra khu vực tranh chấp cũng chỉ đạt mục tiêu chính trị, vô thực.
Về phần mình, Chính phủ Nhật Bản cũng quan tâm khai thác chủ đề yêu nước, bởi rất cần phải xả van, hóa giải những dồn nén của công luận xã hội bắt nguồn từ những vấn đề chính trị trong nước. Đồng thời quan trọng nhất là đã đến lúc Nhật Bản được “cởi trói”, được tự mình tái vũ trang để chống lại “kẻ bắt nạt” (tất nhiên không phải là Hàn Quốc và Đài Loan) một cách “danh chính ngôn thuận”.
Nhật Bản tái vũ trang, không phải là chuyện đùa cho bất cứ quốc gia nào ở châu Á, nhất là Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà vị Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản tuyên bố: “Cần giữ nhà máy điện hạt nhân để răn đe…”. Điều này ai cũng hiểu và không có một chút nghi ngờ về khả năng, công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân trong tầm tay của Nhật Bản. Nhật Bản muốn là có.
Nhật Bản tái vũ trang, Trung Quốc phải cẩn thận, phải “suy nghĩ 2 lần”. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc không thể muốn gì được nấy.
Rốt cuộc, tình hình tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư nóng lên ai được lợi, Trung Quốc hay Nhật Bản?
Trung Quốc đã lợi dụng chủ nghĩa dân tộc để trục lợi, nhưng quá đà. Nếu không có những kẻ quá khích nhảy xổ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khiêu khích. Nếu như không có hàng loạt cuộc biểu tình chống Nhật trên khắp Trung Quốc, xé cờ Nhật, chặn xe đại sứ quán… kích hoạt, hun nóng máu dân tộc Nhật thì Nhật Bản chưa có cơ hội để quốc hữu hóa.
Nên nhớ rằng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Trung Quốc chỉ có thể gây nên khủng khiếp trong lòng đất nước Trung Hoa, nhưng chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Nhật Bản thì đã từng gây khủng khiếp cho cả thế giới.
Đến đây, dư luận có một câu hỏi mà không đặt ra thì không hiểu được bản chất của một vấn đề, rằng, Mỹ ở đâu và có vai trò gì?
Còn nhớ sự kiện ngày 16/3/2012 khi Triều Tiên tuyên bố sẽ phóng vệ tinh vào ngày 12-16/4. Ngay lập tức Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Đài Loan cũng tuyên bố sẽ đánh chặn nếu nó bay sang không phận.
Không như các lần trước, lần này họ không chỉ nói suông. Nhật bản từ ngày 6/4 đã triển khai xong hệ thống đánh chặn ở phía đông gồm rất nhiều bệ phóng. Hàn Quốc cũng thế, triển khai xong các hệ thống đánh chặn phía tây với một tinh thần “nếu tên lửa Triều Tiên xâm phạm không phận của họ dù chỉ 1cm sẽ tiêu diệt”. Còn Mỹ thì đem thi thố sử dụng trang bị cực kỳ hiện đại trong dò tìm phát hiện tên lửa như radar X-Band và chia xẻ thông tin cho Nhật, Hàn…Sự chuẩn bị của 3 nước này có vẻ rất chi là “hồ hởi”.
Vệ tinh thì phóng không thành công, nhưng cái “của nợ” mà Mỹ, Nhật, Hàn và Đài Loan đã triển khai thì còn tồn tại hay không và nếu tồn tại thì để làm gì, với ai… chỉ có Trung Quốc mới trả lời được.
Thế trận ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ và đồng minh đã cài xong.
Còn bây giờ? Đương nhiên Mỹ và đồng minh phải tăng cường lực.
Nếu Trung Quốc cho rằng, Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng thì sẽ yếu đi, lúc đó Trung Quốc có quyền mơ ước. Có thể đúng, nhưng, Mỹ cũng có nhiều nước cờ hay để chơi với Trung Quốc.
“Cởi trói” cho Nhật Bản để chia xẻ trách nhiệm cũng đủ kiềm chế Trung Quốc. Tình hình đã khiến Nhật Bản không muốn không được khi mà Trung Quốc đang chuẩn bị ăn tươi, nuốt sống để trả thù cho nỗi nhục thế kỷ trước, như họ đã từng nói.
Vậy là, điều lo ngại của các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã xuất hiện. Nhật Bản tái vũ trang chỉ là vấn đề thời gian.
Té ra thế giới cũng lắm người tài. Trung Quốc rất giỏi lợi dụng thời cơ thì Mỹ, Nhật, Hàn cũng thế, nhưng họ trên Trung Quốc một bậc bởi họ không chỉ thụ động lợi dụng mà còn giỏi tạo ra thời cơ để lợi dụng.
Trung Quốc sẽ làm gì khi về thế, Mỹ và đồng minh đã cài xong, về lực cũng đã được tăng cường, và, trong khi chính cái thế trận này Trung Quốc đang bị bao vây là chắc chắn?
Xem ra ý tưởng dùng thuốc nổ cài vào tàu cá để tấn công hải quân Mỹ của ông tướng Hải quân Trung Quốc nào đó; dùng sức mạnh hải quân bắt nạt, đe dọa, lấn lướt các nước nhỏ để tranh dành vài hòn đảo không người trên biển… của các nhà chiến lược, học giả uyên thâm, những “đại trượng phu” của Trung Quốc sao quá tầm thường so với ý tưởng chiến lược của Mỹ và đồng minh trên khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chẳng lẽ có được mấy hòn đảo giữa biển, Trung Quốc mới trở thành cường quốc biển hay sao?
Theo ông trung tướng Lưu Á Châu, tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, khi thảo luận vấn đề Đài Loan có một quan điểm được nhiều người tán đồng như sau: “Đài Loan như một cái ổ khoá. Nếu không giải quyết được vấn đề Đài Loan thì ổ khoá ấy sẽ khoá chặt cánh cổng lớn của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ không có lối ra biển cả”. Và ông Lưu Á Châu phản bác: Vậy, Tây Ban Nha sau khi trở thành cường quốc biển, đâu có thể ngăn cản anh hàng xóm Bồ Đào Nha cũng trở thành cường quốc biển. Eo biển Dover của Pháp cách nước Anh có 28 hải lý, Anh Quốc có thể ngăn cản Pháp trở thành cường quốc biển không?”.
Chưa dừng ở đó, ngày nay nhiều học giả Trung Quốc còn cho rằng Biển Đông là “sinh mạng của Trung Quốc” nữa cơ…thì quả là một sự ngụy biện cực đoan nguy hiểm.
Đúng vậy, một nước lớn mà tư tưởng dân tộc, hẹp hòi chi phối đường lối chiến lược thì khó mà thành một cường quốc khiến cho thế giới tâm phục khẩu phục, đặc biệt là khi muốn trở thành một cường quốc biển.
Vậy, cuộc chiến Trung – Nhật liệu có xảy ra không? Xin đừng tốn giấy mực để bàn luận chuyện này. Không đời nào xảy ra.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 19-9-12

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"