Cầu Nhật Tân
Thực hiện kế hoạch kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh
thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11, tiếp tục 2 đợt tự phê bình và kiểm
điểm mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành cuối tháng 7 và đầu tháng
8 vừa qua, tuần này, Bộ Chính, Ban Bí thư đã họp thông qua báo cáo kiểm
điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bản
tiếp thu giải trình, đánh giá chính thức về kết quả kiểm điểm, xem xét
việc kỷ luật (kiến nghị có hay không, đến mức nào) đối với tập thể và
từng cá nhân để báo cáo trước Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị TƯ 6
dự kiến tổ chức vào tháng 10.
Tứ trụ của Bộ Chính trị
Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng cho ý kiến về một số công tác xây dựng Đảng.
Trước đó, Bộ Chính trị đã tiến hành tự phê trước trong hai đợt. Đợt 1
từ 21 đến 25/7/2012, bốn đồng chí cán bộ cao cấp nhất Hùng, Dũng, Sang,
Trọng tự phê. Đợt 2 từ 1 đến hết 7/8/2012, các đồng chí Bộ Chính trị và
Ban Bí thư còn lại kiểm điểm và tự phê.
Quá trình kiểm điểm, phê và tự phê diễn ra rất gay cấn. Có đồng chí
phải dự thảo nội dung tự phê nhiều lần mà vẫn chưa sáng tỏ được các khúc
mắc, đặc biệt liên quan đến con cái, tham ô nên chưa thể thông qua. Một
số đồng chí phát biểu rất sôi nổi, hăng hái khi phê bình đồng chí của
mình vì vậy có nội dung tự phê của một đồng chí đã khiến thời gian phải
kéo dài hơn so với dự kiến. Những vấn đề chưa thể thông qua, Tổng Bí thư
đã trực tiếp giao Ủy Ban Kiểm tra Trung ương thẩm tra, làm rõ.
Lần này, hội nghị do Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn
Phú Trọng chủ trì. Tổng Bí thư thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết
luận về kiểm điểm của từng người. Bộ Chính trị sẽ ban hành các kết luận
này để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.
Để phục vụ việc kiểm điểm, tự phê của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ
Chính trị đã thành lập Bộ phận Thường trực giúp Bộ Chính trị gồm đồng
chí Tổng Bí thư (trực tiếp làm Trưởng Bộ phận), đồng chí Thường trực Ban
Bí thư và các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là Trưởng Ban
Tổ chức Trung ương, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Ban Bí thư ra
quyết định thành lập Tổ giúp việc Bộ phận Thường trực gồm các đồng chí
cán bộ lãnh đạo cấp vụ của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung
ương và Văn phòng Trung ương Đảng. Đồng chí Chánh Văn phòng Trung ương
Đảng được cử làm Tổ trưởng.
Thẩm tra của Trung ương lần này xoay quanh 25 nội dung về trách nhiệm
của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý doanh nghiệp
nhà nước, nhất là về các vụ việc Vinashin, Vinalines, tiêu cực tài
chính, ngân hàng, về một số dư luận bức xúc liên quan đến cá nhân, con
cái của một Ủy viên Bộ Chính trị, một số vấn đề về kiện toàn tổ chức,
xây dựng Đảng mà Trung ương đã đề ra.
Trước đó, một số hội nghị yêu cầu góp ý đã được tổ chức tại 3 miền.
Các tướng lĩnh, cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu được yêu cầu đóng góp ý kiến
bằng văn bản. Kết quả, có hàng trăm văn bản đóng góp được gửi tận tay
đồng chí Tổng Bí thư, trong đó tập trung vào mấy vấn đề: tham nhũng, chủ
quyền biển đảo và vai trò lãnh đạo của Đảng, điều hành kinh tế vĩ mô.
Đối với những bản góp ý nội dung kiểm điểm cá nhân các đồng chí Ủy
viên Bộ Chính trị mà các đồng chí nguyên cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà
nước gửi trực tiếp đến đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ
đạo Tổ giúp việc tập hợp nguyên văn các ý kiến này (không ghi tên người
gửi) để gửi đến tất cả các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
nắm thông tin.
Đa số các ý kiến toát lên bức xúc về tình trạng tham nhũng, đặc biệt
một số vụ vô cùng nghiêm trọng như Vinashin, Vinalines, điều hành các
tập đoàn kinh tế nhà nước, chính sách kinh tế vĩ mô, tiêu cực về tài
chính ngân hàng… trách nhiệm cá nhân của đồng chí trực tiếp lãnh đạo.
Về công tác xây dựng Đảng thực hiện Nghị quyết 4, Kết luận 21, Bộ
Chính trị đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư đã phê bình Chính phủ trình
các (ba) phương án Ban Phòng chống tham nhũng chưa quán triệt tinh thần
Hội nghị 4, Kết luận 21 của Hội nghị Ban Chấp hành TƯ 5. Quan điểm chỉ
đạo chung của Hội nghị Bộ Chính trị là lấy phương án một, song chưa nên
sa đà vào những chi tiết cụ thể, việc thể chế hóa có thể kiện toàn sau.
Trên cơ sở kết quả thẩm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các ý
kiến đóng góp vào nội dung kiểm điểm, tự phê của từng cá nhân mà Tổng Bí
thư trực tiếp kết luận nội dung kiểm điểm và tự phê của từng Ủy viên Bộ
Chính trị, đặc biệt một số trường hợp “có vấn đề” tồn từ Hội nghị trước
chưa kết luận được. Ý kiến kết luận của Tổng Bí thư được Bộ phận Thường
trực, Tổ Giúp việc tổng hợp để Bộ Chính trị báo cáo trước Trung ương
trong Hội nghị TƯ 6 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10.
Để đảm bảo dân chủ trong Đảng, tránh quy kết là áp đặt cá nhân như
đồng chí Lê Khả Phiêu đã từng chịu tiếng, Hội nghị Bộ Chính trị lần này
không đưa ra quyết định cuối cùng về một đồng chí Ủy viên. Trên cơ sở
kết luận của Tổng Bí thư mà Bộ Chính trị sẽ đưa vấn đề ra báo cáo, thảo
luận tại Hội nghị Trung ương để Trung ương sẽ có những kết luận phù hợp
cuối cùng dựa trên các nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Như vậy,
quyết định cuối cùng sẽ là quyết định của toàn thể Ban Chấp hành Trung
ương. Bộ Chính trị cũng có thể chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, Ban Tổ chức
Trung ương tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với nhân sự do Quốc hội phê
chuẩn trong trường hợp cần thiết (ám chỉ Thủ tướng vì chức danh này được
Chủ tịch nước đề cử và do Quốc hội phê chuẩn).
Tuy nhiên, tình hình thực tế sẽ không đơn giản. Lịch sử đã cho thấy,
nhiều kết luận, quyết định của Bộ Chính trị không triển khai được ở
Trung ương. Tương tự, nhiều nội dung, nghị quyết quan trọng mà Trung
ương đã thông qua nhưng khi đưa xuống Đảng bộ cơ sở và đưa sang Quốc hội
thì lại “có vấn đề”, thậm chí cho kết quả trái ngược với mong đợi ban
đầu, khi đem ra triển khai. Vụ kiện toàn Ban Phòng chống tham nhũng vừa
qua là ví dụ mới nhất. Về thực tế, tới đây, ai nắm được đa số Trung ương
ủy viên, người đó sẽ điều khiển được kết quả Hội nghị TƯ 6.