Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Trách nhiệm đối với Quốc gia

Luật sư Lê Công Định, TP. HCM
16 tấn vàng của Việt Nam Cộng hòa nay được kết luận vẫn còn ở trong nước
Loạt bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ những ngày gần kỳ nghỉ lễ cuối tháng Tư năm nay về câu chuyện xung quanh 16 tấn vàng của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) trước ngày Sài Gòn thất thủ đã giải đáp nhiều nghi vấn về vấn đề này suốt 31 năm qua.
Sự thật câu chuyện đã đặt dấu chấm hết cho những tranh luận về số phận khối tài sản khổng lồ vẫn còn nguyên vẹn sau cuộc chiến tranh, nhưng đồng thời cũng đặt ra những vấn đề cần được làm sáng tỏ khác.

1. Công lao to lớn trong việc bảo toàn nguyên vẹn 16 tấn vàng có thể nói thuộc về Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hảo (cựu Phó Thủ tướng VNCH).
Nếu không có lòng yêu nước thương nòi và tinh thần trách nhiệm cao đối với quốc gia, ông đã không hành động như vậy. Trong khi sự lựa chọn đương nhiên và hợp lý của nhiều người vào thời điểm ngặt nghèo đó là rời bỏ đất nước để lánh nạn, ông đã ở lại tìm cách đóng góp cho quốc gia một cách có ý nghĩa nhất.
Trong tầm nhìn của ông, khác với những quân nhân ôm súng lao mình vào cổng Dinh Độc Lập lúc đó, nhu cầu khôi phục nền kinh tế quốc gia thời hậu chiến là điều cần phải thực hiện ngay và 16 tấn vàng rõ ràng là khối tài sản đắc dụng cho mục đích này.
2. Câu chuyện thêu dệt, bất kể vì dụng ý gì, về việc cựu Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu “đánh cắp” 16 tấn vàng đã kết thúc. Người trong cuộc đã được giải oan, ít nhất ở khía cạnh tham nhũng và ăn cắp của công.
Nếu biết được từ sau 1975 đến nay rất nhiều ấn phẩm trong nước đã thay nhau đổ tội và kết án ông Thiệu trong “vụ án” bịa đặt này với những “bằng chứng” chắc chắn như thể chính các tác giả đều tận mắt trông thấy, thì mới hiểu báo Tuổi Trẻ đã làm được một việc thiện như thế nào, xét từ góc độ lương tri.

"Người ta cũng dễ dàng tự hỏi rằng: Sau 1975 toàn bộ 16 tấn vàng đó đã được sử dụng như thế nào?"

Tôi đã từng đặt nhiều nghi vấn mà không biết làm sao giải đáp cho chính mình về câu chuyện 16 tấn vàng này, chẳng hạn làm sao người ta có thể mang 16 tấn kim loại ra khỏi Việt Nam một cách dễ dàng vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến như thể chỉ mang trong vali cầm tay 16 gram … giấy (?). Hoặc chẳng lẽ cả bộ máy chính quyền Sài Gòn, vẫn còn đó nhiều trí thức một lòng một dạ với non sông này, không còn một ai đủ lương tri đến nỗi sẵn sàng thỏa hiệp hoặc làm ngơ cho một ông tổng thống không còn quyền chức tha hồ vơ vét tiền quốc gia một cách công khai hơn cả các quan chức đương quyền trong vụ PMU 18 hay sao (?). Những câu hỏi đó giờ đây đã được báo Tuổi Trẻ giải đáp thỏa đáng.
3. Đương nhiên sau khi biết rằng khối tài sản quốc gia khổng lồ ấy đã được bảo toàn và chuyển giao nguyên vẹn từ chính quyền cũ sang chính quyền mới, người ta cũng dễ dàng tự hỏi rằng: Sau 1975 toàn bộ 16 tấn vàng đó đã được sử dụng như thế nào?
Lẽ nào số trữ kim to lớn ấy không giúp ích gì cho quốc gia để đến nỗi 10 năm sau 1975 nền kinh tế đất nước phải rơi vào khủng hoảng liên tục và đồng tiền mất giá không kìm hãm được? Liệu có vụ tham nhũng kinh khủng nào theo kiểu PMU 18 đối với 16 tấn vàng hay không?
Rất nhiều câu hỏi cần được giải đáp. Kẻ tham nhũng tất nhiên có thể đã xa chạy cao bay để tránh né sự trừng phạt của luật pháp, song như một định mệnh ở khắp nơi, nhân dân và lịch sử rồi cũng sẽ lôi tuột họ trở lại để đòi hỏi công lý dù sau 10, 20 hay 30 năm chăng nữa! Đời cha không trả thì đời con phải trả. Lưới trời lồng lộng.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"