Mai Vân
RFI
Tổng thống Miến Điện Thein Sein phát biểu tại tổ chức Asia Society, New York, 27/09/2012
REUTERS
Sau khi bất ngờ lên tiếng công khai ca ngợi bà Aung San Suu Kyi ngay
trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, vào hôm nay, 30/09/2012, đương kim tổng
thống Miến Điện đã cho biết là ông không chống lại việc lãnh tụ đối lập
kế nhiệm ông làm tổng thống “nếu đó là nguyện vọng của người dân”.
Tuy nhiên, ông Thein Sein cũng nói rõ là ông không có quyền một mình
sửa đổi Hiến pháp để bà Aung San Suu Kyi có thể nắm giữ chức vụ tối cao
này.
Trả lời phỏng vấn của đài BBC, ông Thein Sein nói rõ là việc bà Aung San Suu Kyi lên làm tổng thống “tùy
thuộc vào nhân dân Miến Điện. Nếu nhân dân Miến Điện đồng ý, thì tôi
phải chấp nhận… Hiện nay chúng tôi cùng làm việc với nhau, không có vấn
đề gì giữa hai bên cả”.
Đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi
hiện được cho là có nhiều triển vọng thắng cử trong cuộc bầu Quốc hội
mới vào năm 2015.
Vấn đề đặt ra là chồng lãnh tụ đối lập là một người Anh, 2 con bà
cũng mang quốc tịch Anh, trong lúc theo Hiến pháp Miến Điện năm 2008,
những người có thân nhân là ngoại quốc như trong trường hợp của bà,
không được nắm giữ quyền lãnh đạo tối cao. Đó là lý do khiến ông Thein
Sein nói rõ là một mình ông không thể sửa đổi Hiến Pháp, mà điều này
phải do Quốc hội Miến Điện tiến hành. Khả năng sửa đổi Hiến pháp phải
được Quốc hội và ngưòi dân ủng hộ.
Hơn nữa, ông Thein Sein còn nhấn mạnh đến vai trò thiết yếu của quân
đội, hiện nắm 1/4 số ghế trong Quốc hội. Hiến pháp Miến Điện, theo ông,
đã quy định rõ ràng vai trò của quân đội, do đó không thể tách rời lực
lượng này ra khỏi đời sống chính trị.
Xin nhắc lại là tổng thống Thein Sein đã nhiều lần bày tỏ thái độ tôn
trọng đối với lãnh đạo đối lập. Tại Liên Hiệp Quốc, vào tuần này, ông
đã công khai ca ngợi các nỗ lực và đóng góp của giải Nobel Hòa Bình cho
nền dân chủ Miến Điện.
Theo giới quan sát, ông Thein Sein đã thuyết phục được cộng đồng quốc
tế về ý muốn cải tổ thực sự của ông qua các chủ trương, hành động từ
một năm rưỡi nay, mà kết quả là phần lớn các biện pháp trừng phạt quốc
tế đối với Miến Điện trước đây đã được đình hoãn hay bãi bỏ.
Liên Hiệp Quốc lo ngại xung đột giữa người Phật giáo và Hồi giáo ở Miến Điện lây lan
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, vào hôm qua, đã tỏ mối quan
ngại là mối hiềm khích gây căng thẳng giữa cộng đồng Phật giáo và Hồi
giáo ở bang Rakhine sẽ tác động đến công cuộc cải tổ ở Miến Điện và lây
lan qua các nước láng giềng.
Theo phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Martin Nesirky vào hôm qua,
29/09/2012, ông Ban Ki Moon đã nêu nguy cơ trên với tổng thư ký Tổ chức
Hợp tác Hồi giáo, OCI, cho rằng vấn đề ở bang Rakhine phải được xử lý
một cách rất thận trọng do hệ quả của nó trên tiến trình cải tổ ở Miến
Điện và tình hinh các quốc gia khác.
Phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc còn cho biết là tổng thống Miến Điện
Thein Sein đã có cuộc gặp riêng với ông Ban Ki Moon bên lề khóa họp Đại
hội đồng Liên Hiệp Quốc, và ông đã cam kết làm dịu tình hình.
Hai người đã gợi lên các khả năng trước mắt và lâu dài nhằm khuyến
khích sự chung sống hài hòa giữa các cộng đồng, giải quyết căn nguyên
sâu xa của tình hinh căng thẳng trong vùng này
*****
Nguồn: