Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

NHÌN LẠI LỊCH SỬ *


VỀ CỘI NGUỒN VÀ HAI CUỘC THIÊN DI CỦA NGƯỜI VIỆT

KS. PHAN DUY KHA
Từ trước đến nay, khi nghiên cứu về thời kỳ hình thành cộng đồng dân tộc ta, các nhà nghiên cứu đều cho rằng nguồn gốc người Việt được hình thành từ phía Bắc mà trung tâm là vùng Việt Trì, Phong Châu (Vĩnh Phú) rồi tiến dần xuống phía Nam. Quan niệm chung hiện nay đều như vậy. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về vùng khu Bốn cũ, chúng ta đều nhận thấy một điều đặc biệt, đó là: cho đến hiện nay, vùng khu Bốn cũ mà trung tâm là Nghệ Tĩnh vẫn còn bảo tồn được nhiều nhất ngôn ngữ, phong tục tập quán, lối sống của người Việt cổ. Xin trích một đoạn trong cuốn Chấn hưng các vùng và tiểu vùng văn hóa ở nước ta hiện nay (Huỳnh Khái Vinh chủ biên – NXB Chính trị quốc gia – 1995): “Xét về không gian văn hóa, vùng đất này là nơi gạn lọc và truyền giữ cho mai sau những gì là tinh hoa độc đáo, những gì là bản sắc dân tộc… Vùng Hà Tĩnh vì thế còn giữ được một cách độc đáo nhất vốn từ vựng, lời ăn tiếng nói của cư dân Việt cổ (trang 52-53).

Khi đi sâu tìm hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán, lối sống, sinh hoạt của vùng Nghệ Tĩnh (nói riêng) và khu Bốn cũ (nói chung), chúng ta thấy có hai điều đáng ngạc nhiên. Một là, sự bảo tồn ngôn ngữ Việt cổ. Hai là, sự trùng hợp kỳ lạ giữa những từ ngữ cổ của vùng Nghệ Tĩnh (nói riêng) và khu Bốn cũ (nói chung) với ngôn ngữ cổ của dân tộc Mường (xem thêm TGM số 158). Phải chăng, như một số tác giả đã giải thích: do điều kiện địa lý vùng Nghệ Tĩnh như một cái cuống phễu, nền văn hóa, phong tục, lối sống của người Việt cổ từ phía Bắc tràn xuống phía Nam, đi qua khu Bốn cũ, gặp cuống phễu (tức địa hình eo hẹp) nên dừng lại và đọng lại ở đây (có thể xem cuốn sách đã dẫn ở trên để rõ hơn về cách giải thích này). Nếu giải thích như vậy thì chúng ta sẽ gặp hai điều bất hợp lý. Một là, nếu coi cội nguồn của người Việt khởi đầu từ phía Bắc rồi tràn xuống phía Nam thì tại sao ở các vùng phía Bắc (trong đó có cả nơi được coi là cái nôi của người Việt cổ là Vĩnh Phú) lại không bảo tồn được phong tục tập quán, lối sống, ngôn ngữ của người Việt cổ như ở vùng Nghệ Tĩnh nói riêng và khu Bốn cũ nói chung? Hai là, ở vùng Nghệ Tĩnh nói riêng, từ xưa việc giao lưu với các vùng khác rất khó khăn do điều kiện thiên nhiên hiểm trở (sách Đại Nam nhất thống chí gọi là tứ tắc, tức bốn bề hiểm trở). Nếu sự giao lưu khó khăn, thì đáng lý ra, việc chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Việt cổ (từ ngoài vào) sẽ ít hơn, mờ nhạt hơn các vùng khác, chứ sao lại đậm đặc nhất, tập trung nhất như nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá?
Để lý giải được những điều bất hợp lý trên, chúng ta không còn cách nào khác là thừa nhận vùng Nghệ Tĩnh nói riêng và khu Bốn cũ nói chung là cái nôi, là nơi phát sinh đầu tiên của người Việt. Lập luận này tưởng chừng như võ đoán nhưng lại là hợp lý. Bởi vì không ở nơi nào lưu giữ, bảo tồn được nếp sống, phong tục tập quán, ngôn ngữ của một dân tộc bằng chính nơi đã phát sinh ra dân tộc đó. Sau đây là một số luận điểm của chúng tôi về vấn đề này:
Bản đồ minh họa hai cuộc thiên di của người Việt trong tiến trình lịch sử
Chúng ta hãy quay trở lại khoảng 5.000 năm về trước ở nơi đã phát sinh ra những cộng đồng người Việt đầu tiên. Đó là vùng sông Mã, sông Cả (tức sông Lam). Lúc này cư dân sống rải rác theo các triền núi, các gò đồi thấp bằng nghề phát nương đốt rẫy. Còn ở vùng đồng bằng là đất sình lầy, chua mặn, hay bị ngập lụt nên chưa được khai phá (việc khai phá vùng đồng bằng được tiến hành muộn hơn so với vùng gò đồi). Từ vùng gò đồi của khu Bốn cũ, cư dân phát triển, tiến dần ra phía Bắc. Theo quy luật chung là phát triển ra bốn phía, nhưng ở trường hợp này phía Đông đã bị biển ngăn cản, về phía Tây bị chặn bởi dãy Trường Sơn (phía Nam, chúng tôi chưa có cơ sở để khẳng định). Về hướng Bắc, người Việt men theo các triền núi thấp, các vùng gò đồi Thanh Hóa, Hòa Bình, tiến dần ra Vĩnh Phú. Tại vùng Việt Trì, Phong Châu (Vĩnh Phú), gặp được vùng gò đồi trung du, đất đai rộng rãi, màu mỡ, rất thuận tiện cho việc phát triển nghề nông (trải hàng ngàn năm canh tác, đất đai mới bạc màu như ngày nay). Gặp điều kiện thuận lợi, người Việt phát triển mạnh và dẩn dần quần tụ ở đây đông đúc hơn, thành một bộ tộc hùng mạnh. Đây là thời điểm ra đời của quốc gia Văn Lang của các vua Hùng (khoảng thế kỷ VII trước Công nguyên TCN). Cuộc thiên di này kéo dài khoảng vài ngàn năm và là thời kỳ mà Lĩnh Nam chích quái đã ghi lại (theo truyền thuyết): Cư dân sống ven rừng… lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ tranh làm chiếu, lấy nước cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây tung lư làm cơm, lấy cầm thú, cá, ba ba làm mắm, lấy rễ gừng làm muối. Phát nương đốt rẫy, đất sản xuất được nhiều gạo nếp, lấy ống tre mà thổi cơm, bắc cây làm nhà tránh hổ sói .. Dấu vết để lại của vệt thiên di này là những địa bàn cư trú của dân tộc Mường hiện nay. Dân tộc Mường là những người Việt cổ ở lại núi, là hậu duệ của dòng người Việt thiên di đầu tiên này. Điều đó giải thích vì sao có sự đồng nhất giữa ngôn ngữ Việt cổ vùng Nghệ Tĩnh với ngôn ngữ Mường cổ. Chúng tôi gọi đây là cuộc thiên di thứ nhất (trong quá trình một bộ phận cư dân thiên di lên phía Bắc thì một bộ phận khác cũng đã tiến dần xuống đồng bằng, lập thành bộ tộc Việt Thường với trung tâm là Ngàn Hống, có trình độ văn minh cao, đã có chữ viết, như chúng tôi đã đề cập – xem TGM số 158).
Từ vùng Việt Trì, Phong Châu (Vĩnh Phú), người Việt dần dần phát triển xuống đồng bằng (phía Bắc, Đông Bắc và Tây Bắc đều bị ngăn cản bởi rừng núi hiểm trở). Lúc này kỹ thuật canh tác đã khá hơn, cư dân đông đúc hơn. Đồng bằng là vùng sình lầy, ngập lụt, chua mặn, việc cải tạo khó hơn, nhưng khi đã cải tạo được thì lại mở ra hướng phát triển mạnh cho nghề nông. Đây là thời kỳ mà sách  Thủy kinh chú của Trung Hoa đã từng ghi lại: Thuở xưa Giao Chỉ đất đai có ruộng Lạc, ruộng ấy theo nước thủy triều lên xuống mà làm, dân khẩn ruộng ấy mà ăn nên gọi là dân Lạc. Xuống đồng bằng, gặp được châu thổ sông Hồng rộng rãi phì nhiêu, bộ tộc Văn Lang càng mạnh, thu phục dần các bộ tộc khác, tiến dần xuống phía Nam và thu phục luôn nửa phía Bắc của bộ tộc Việt Thường (có thể lúc này đã suy yếu). Từ đó, ông cha ta tiến dần xuống phương Nam cho đến tận mũi Cà Mau. Cuộc thiên di này kéo dài từ thời Hùng Vương (thế kỷ VII – TCN) cho đến khoảng thế kỷ XVII – XVIII, tức khoảng 2.500 năm. Chúng tôi gọi đây là cuộc thiên di thứ hai. Như vậy, vùng Việt Trì, Phong Châu (Vĩnh Phú) là điểm cuối cùng của cuộc thiên di thứ nhất và là điểm khởi đầu cho cuộc thiên di thứ hai. Ý nghĩa của Đền Hùng, vua Hùng, theo chúng tôi là ở chỗ này.
Các nhà nho của ta xưa (và một số nhà nghiên cứu hiện nay) chỉ nhìn thấy cuộc thiên di thứ hai. Vì vậy, họ cho rằng người Việt của ta từ phía Bắc tràn xuống. Vì không giải thích được trước thời các vua Hùng, người Việt đã từng ở đâu, họ bèn suy luận theo lôgíc thông thường cho rằng trước thời vua Hùng, người Việt đã từng ở phía Bắc của vùng Phong Châu – Việt Trì (Vĩnh Phú). Nhưng vì từ Vĩnh Phú ngược trở lên phía Bắc toàn rừng núi hiểm trở, không thuận lợi cho sự sinh tồn và phát triển của dân cư, họ bèn đẩy… nguồn gốc người Việt lên tận hồ Động Đình (Trung Quốc). Động Đình cũng là tên vùng đất tả ngạn sông Hồng từ ghềnh Ngọc Tháp đến ngã ba Hạc. Đây là một vùng đất có nhiều đầm hồ. Có lẽ từ cái tên Động Đình này mà các nhà nho xưa đã hiểu nhầm, tưởng tượng ra vùng hồ Động Đình bên Trung Hoa rồi đồng nhất người Việt của ta với các nhóm cư dân Bách Việt của Trung Hoa chăng? Chính vì vậy, họ “sáng tác” ra việc Kinh Dương Vương làm vua ở châu Kinh, châu Dưỡng bên hồ Động Đình. Chúng tôi cho rằng đây là một sai lầm hết sức lớn của các nhà nho mà trong nhiều bài báo, chúng tôi đã phân tích. Một số nhà nghiên cứu hiện nay của ta cũng đi theo lối mòn của những quan điểm sai lầm này (có thể xem cuốn Việt Nam: Thần thoại và truyền thuyết của tác giả Bùi Văn Nguyên). Cư dân Việt cổ làm sao có thể vượt qua được vùng rừng sâu núi hiểm của Thập vạn Đại sơn của Trung Hoa và vùng núi Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang của ta để chạy dài xuống tận Việt Trì, Phong Châu (Vĩnh Phú)? Trong suốt 1.000 năm Bắc thuộc, dân tộc ta vẫn bám trụ trên đất đai của mình, vậy thì trước đấy hàng ngàn năm sao có thể xảy ra cuộc thiên di ồ ạt như thế? Có ai đuổi chúng ta đâu mà phải bức bách, mạo hiểm vượt qua bao rừng núi hiểm trở như thế. Trong quá trình làm ăn sinh sống, các cộng đồng tộc người có ý thức đi tìm những chỗ tốt hơn, thuận tiện hơn để canh tác. Việc di cư đó tiến hành một cách tự phát với tốc độ rất chậm. Việc các cộng đồng tộc người thiên di là theo lẽ tự nhiên, theo kiểu đất lành chim đậu và kéo dài hàng mấy ngàn năm chứ đâu phải một sớm một chiều. Các nhà nho của ta đã không hiểu được điều này. Vả lại, trong lịch sử, có một số các cá nhân từ Trung Hoa vì một lý do nào đó sang cư trú bên ta rồi lập thành một dòng họ, các nhà nho càng tin người Việt của ta có nguồn gốc từ Trung Hoa. Theo chúng tôi, đây là một quan niệm mơ hồ cần được đính chính” Người Việt là chủ nhân của nền văn minh Đông Sơn rất độc đáo sao lại có thể tìm nguồn gốc ở một nơi nào khác? (xin được nói thêm: các di vật khảo cổ tiêu biểu từ thời đồ đá cũ, qua thời đồ đá mới đến thời đại đồng thau, đa phần nằm trên địa bàn Thanh, Nghệ, Tĩnh như: Núi Đọ, Quỳnh Văn, Đa Bút, Thạch Lạc, Lang Vạc, Đông Sơn, Thiệu Dương…; điều đó càng củng cố quan điểm của chúng ta về nguồn gốc người Việt ỏ ngay trên đất nước ta mà điểm xuất phát là địa bàn khu Bốn cũ).
Hình ảnh của cuộc thiên di thứ nhất còn được lưu lại và truyền thuyết hóa trong một số thần tích, ngọc phả. Không phải vô cớ mà Ngọc phả Hùng Vương lại ghi nhận Ngàn Hống là Kinh đô đầu tiên của người Việt. Lại càng không phải ngẫu nhiên mà một số ngọc phả, thần phả ở đền thờ các nhân vật thời Hùng Vương lại cho rằng Kinh Dương Vương trong thời kỳ đóng đô ở Ngàn Hống đã lập lị cung ở ngã ba Hạc và phái các con mình là Hoàng Trị, Hoàng Tam ra cai trị vùng đất Việt Trì, Phong Châu (Vĩnh Phú). Đây chính là hình ảnh đã được truyền thuyết hóa của cuộc thiên di lần thứ nhất. Chúng ta có thể coi đây là cuộc Bắc tiến chiếm lĩnh dần vùng đồi núi thấp và trung du. Dấu vết để lại của cuộc thiên di này như chúng tôi đã đề cập, đó là vùng cư dân của dân tộc Mường miền Tây Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Vĩnh Phú (xem bản đồ phân bố dân cư hiện nay).
Về cuộc thiên di thứ hai, lịch sử đã ghi lại cụ thể, ở đây không có gì phải bàn thêm. Chúng ta có thể coi đây là cuộc Nam tiến chinh phục dần vùng đồng bằng và ở giai đoạn sau là cuộc mở mang lãnh thổ có ý thức của các triều đại phong kiến Đại Việt.
Chúng tôi cho rằng đây là hai cuộc thiên di cơ bản trong lịch sử dân tộc ta. Tất nhiên, trong mấy ngàn năm dựng nước còn có những cuộc di cư lẻ tẻ tiến dần lên các vùng cao, vùng xa, những cuộc thiên di của các dân tộc anh em để làm nên diện mạo phong phú của đất nước ngày nay.
* Nguồn: NHÌN LẠI LỊCH SỬ, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 2003, Tác giả: KS. PHAN DUY KHA – TS. LÃ DUY LAN – TS. ĐINH CÔNG VĨ.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"