Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Vụ án 3 nhà báo tự do và quan hệ Việt-Mỹ

Tư Ngộ

SÀI GÒN (NV) - Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, chính phủ Hoa Kỳ đều lên tiếng đòi hỏi chế độ Hà Nội trả tự do cho ba nhà báo tự do, blogger bị đưa ra tòa nhằm bịt miệng họ.
Một số blogger và thân hữu chụp hình mặc áo đen với logo đòi trả tự do cho các blogger bị ra tòa ngày 24 Tháng Chín ở Sài Gòn gồm Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải. (Hình: Dân Làm Báo)
Cũng giống như những kêu gọi trước đây, trả tự do cho những người bất đồng chính kiến bị tù tội phi lý, lần này, CSVN vẫn giả điếc giả mù như vậy.
Một mặt chế độ Hà Nội luôn luôn rêu rao “chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.” Nhưng mặt khác, vẫn không ngừng trừng phạt tất cả những ai sử dụng quyền tự do phát biểu, tự do báo chí, tự do hội họp như điều 69 bản Hiến Pháp của chế độ công nhận.

Các nhà báo tự do và blogger Ðiếu Cày (Nguyễn Văn Hải), Tạ Phong Tần, Anhbasaigon (Phan Thanh Hải) bị ra tòa ngày 24 Tháng Chín sau ba lần trì hoãn không ai biết lý do. Họ đối diện với các bản án từ 10 đến 20 năm tù, nặng hơn tất cả những vụ xử trước đây với những ai bị vu cho tội “tuyên truyền chống nhà nước...” theo điều 88 Luật Hình Sự CSVN.
Nhìn về mặt chính trị, bản án mà họ có thể bị áp đặt dù ở mức độ nào, cũng cho người ta lượng định mối quan hệ chiến lược Việt Nam và Hoa Kỳ đi theo chiều hướng nào.
Từ năm 2010, Việt Nam và Mỹ bắt đầu các cuộc đối thoại quan hệ quốc phòng cấp thứ trưởng hàng năm.
“Hai bên tập trung trao đổi chính sách quốc phòng của hai nước, đánh giá tình hình quốc tế, khu vực và bàn về hợp tác Việt-Mỹ trên lĩnh vực quốc phòng,” theo bản tin TTXVN nói về phiên họp đầu tiên ở Hà Nội ngày 17 Tháng Tám, 2010.
Khi gặp Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton nhân dịp dự Diễn Ðàn Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương (APEC) ở Honolulu, Hawaii, hồi Tháng Mười Một, 2011, TTXVN thuật lời ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước, “bày tỏ vui mừng trước sự phát triển sâu rộng của quan hệ hai nước, trên cả bình diện song phương và đa phương, tạo cơ sở quan trọng để đưa quan hệ Việt-Mỹ lên một tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.”
Dịp này, tin tường thuật của báo chí nói bà khuyến cáo chế độ Hà Nội cải thiện tình trạng nhân quyền.
Ngày 3 Tháng Năm là Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới, Tổng Thống Mỹ Barack Obama nhắc nhở mọi người hãy nhớ đến những người đấu tranh cho quyền tự do phát biểu mà bị tù đày như nhà báo tự do Ðiếu Cày ở Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, nhiều nghị sĩ và viên chức chính phủ Hoa Kỳ đã đến Việt Nam gồm cả nữ Ngoại Trưởng Clinton và Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Pantetta. Họ đều thúc hối Hà Nội cải thiện tình trạng nhân quyền tồi tệ để phát triển bang giao toàn diện với Hoa Kỳ. Thượng Nghị Sĩ John Mc Cain từng cho hay Hà Nội đưa một danh sách dài nhiều loại võ khí trang bị quốc phòng muốn mua của Mỹ nhưng đều được nhắc nhở đến điều kiện cải thiện nhân quyền.
Ngày 13 Tháng Sáu, sau chuyến viếng thăm Cam Ranh và Hà Nội của Bộ Trưởng Quốc Phòng Panetta, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố một bài phát biểu phản ảnh quan điển chính thức của Hoa Kỳ về hợp tác quân sự, nhân quyền với Việt nam.
Ðây là một phần của bài phát biểu: “Cũng giống như những lần trước đây, khi các giới chức Hoa Kỳ khác gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam, Bộ Trưởng Panetta nói rõ là muốn cho quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nâng lên một tầm mới, Việt Nam phải làm nhiều hơn nữa để tôn trọng và bảo vệ quyền của công dân.”
Những luật lệ có ngôn từ mơ hồ cho phép các giới chức an ninh bắt bớ và cầm giữ những nhà hoạt động chính trị, dù họ chỉ tham gia những cuộc biểu tình ôn hòa. Những biện pháp mới của chính phủ Việt Nam cũng hạn chế tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do hội họp.
Ðối với chính phủ Hoa Kỳ, tôn trọng nhân quyền là một khía cạnh không thể tách rời trong mối quan hệ với Việt Nam. Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam hùng mạnh, phồn thịnh và độc lập, và nếu như chính phủ Hà Nội có thái độ ủng hộ nhiều hơn đối với các vấn đề nhân quyền thì sẽ giúp xây dựng một mối quan hệ song phương hiệu quả và gần gũi hơn.
Nhưng ngay sau ngày ông Panetta rời Hà Nội, báo Quân Ðội Nhân Dân (cơ quan tuyên truyền chính thức của Bộ Quốc Phòng CSVN) viết một bài bình luận có tựa đề “Làm thất bại chiến lược Diễn Biến Hòa Bình” đả kích các áp lực từ bên ngoài và cả quyết “Trước sau (Cộng Sản) Việt Nam vẫn là (Cộng Sản) Việt Nam.”
Chế độ Hà Nội nhìn thấy Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, có vẻ như có thể lợi dụng được sự thay đổi chiến lược này để giải tỏa phần nào áp lực của Trung Quốc trên biển. Nhưng CSVN còn cần dựa vào Bắc Kinh để bảo vệ sự tồn tại của guồng máy cai trị độc tài đảng trị và tham nhũng. Cái thế đu dây để tồn tại và bảo vệ quyền lợi của các nhóm tư bản đỏ đang lũng đoạn đất nước Việt Nam sẽ vẫn còn đó cho đến khi người dân hết sợ hãi.
Bản án dành cho Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần, Anhbasaigon sẽ là một thông điệp cho mọi người nhìn thấy chiều hướng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiến theo hướng nào.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"