Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Nhớ Lê Công Định

Lê Thăng Long
Năm 2008 tôi tư vấn cho một một đối tác nước ngoài thực hiện một dự án tại Hà Nội. Liên quan đến tư vấn luật, tôi giới thiệu cho họ một công ty luật ngoài Hà Nội để thuận tiện phối hợp. Nhưng đối tác này dứt khoát phải vào tận Tp. HCM để trao việc này cho DCLaw. Tôi hỏi vì sao thì được trả lời rằng họ được bạn bè ở nước ngoài giới thiệu rằng hãng luật này có một trong những luật sư giỏi nhất về luật thương mại quốc tế ở Việt Nam. Tôi cười vui vì biết công ty luật DCLaw là của bạn mình, luật sư Lê Công Định. Sau này tôi được biết đối tác nói trên đã trả cho DCLaw hàng trăm ngàn USD phí tư vấn tính theo giờ làm việc (gần 400 USD/giờ).

Thời điểm đó Định còn nổi tiếng không kém bởi những bài viết nặng lòng vì đất nước đăng tải trên các báo trong và ngoài nước như Tia sáng, Tuổi trẻ, BBC… Không những vậy anh còn dùng thời giờ quý như vàng của mình để làm luật sư bảo vệ cho các vụ án của anh Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), luật sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân. Đến bây giờ mà việc tìm được các luật sư sẵn sàng đứng ra bảo vệ cho những người bị cáo buộc về tội chính trị, xâm phạm an ninh quốc gia còn rất khó, đừng nói là vào thời đó. Người ta thường sợ dây vào những vụ án này vì sẽ bị ảnh hưởng đến công ăn việc làm của mình, hoặc chỉ chấp nhận bào chữa cho những trường hợp xin khoan hồng để giảm nhẹ hình phạt. Bảo vệ cho thân chủ vì công lý và quyền con người là một rủi ro nên tránh. Hơn thế nữa, Định luôn phải bù bằng tiền túi của mình để đi bảo vệ cho những vụ án như vậy.
Tôi bị bắt ngày 04/06/2009. Dù biết rằng thế nào người ta cũng bắt Định nhưng lòng tôi vẫn thắt lại khi nghe đài tiếng nói Tp. HCM loan báo việc bắt giữ Định kèm theo rất nhiều lời thóa mạ. Bản tin này (rạng sáng ngày 15/06/2009) bị ngắt giữa chừng và sau đó trại giam không mở đài hàng ngày nữa. Không đài, không TV, không báo. Tất cả những thông tin từ bên ngoài mà chúng tôi nghe được đều thông qua các nhân viên điều tra theo cách mà họ muốn chúng tôi biết. Âm thanh được nghe thường xuyên nhất là tiếng chìa khóa lắc cắc và tiếng đóng mở phòng giam mà dường như họ cố tình dập rất mạnh để làm cho người bị giam bên trong phải khủng hoảng. Bạn thử tưởng tượng, ở ngoài đời nếu một lúc không may bạn bị mất điện thoại thôi thì đã thấy mình bị “cô lập” như thế nào, thì sẽ hiểu phần nào tình trạng bị cách ly hoàn toàn trong tù. Bỗng dưng ta không còn gì cả ngoài chính mình và xung quanh toàn những cạm bẫy.
Chúng tôi bị giam riêng hoàn toàn, không hề được biết tin tức về nhau cho đến khi gặp nhau ở phiên tòa sơ thẩm (20/01/2010). Lần kế tiếp được gặp lại là tại phiên tòa phúc thẩm (11/05/2010). Với một chính sách cách ly như vậy tôi đã nghĩ rằng chúng tôi chỉ có thể gặp lại nhau sau khi ra tù. Nhưng thật bất ngờ, sáng ngày 07/07/2010 họ đưa cả ba chúng tôi lên chung một xe chạy về Xuân Lộc. Trên xe họ luôn tìm cách ngăn cản để chúng tôi không thể thoải mái nói chuyện, nên tôi lại nghĩ đến trại giam Xuân Lộc mỗi thằng sẽ mỗi nơi. Nhưng còn bất ngờ hơn nữa, cả ba chúng tôi lại được đưa đến chung một phòng trong khu cách ly, và chỉ có ba anh em. Ngày đầu tiên chúng tôi thức gần đến sáng, tranh thủ chia sẽ thông tin và bàn bạc với nhau, cứ lo họ có thể sẽ tách chúng tôi ra. Không hề ngạc nhiên nhưng chúng tôi vẫn buồn cho nhau vì sự nghiệp làm ăn đều mất hết sau 20 năm gầy dựng. Nhưng chẳng ai bi quan cả. Đặc biệt là Định.
Mọi người đều biết đến Định như một luật sư nổi tiếng. Nhưng ít ai biết rằng anh ấy còn có biệt tài có một không hai là sáng tác và kể chuyện tếu lâm. Suốt ngày chúng tôi không bao giờ vắng tiếng cười nhờ anh ấy. Cuộc sống trong tù vì thế không những chẳng nặng nề mà còn lạc quan vui vẻ, nhẹ như lông hồng.
Thời gian trôi nhanh thật, chúng tôi chia tay nhau đã hơn hai năm – ngày 10/08/2010 Định chuyển về Chí Hòa. Khi đi anh ấy ôm chặt tôi và anh Thức dặn giữ gìn sức khỏe. Phải nói mất cả tuần tôi và anh Thức mới nguôi ngoai nỗi nhớ bạn. Chắc chắn bạn ấy cũng thế. Chúng tôi đã có với nhau hơn một tháng ở chung phòng trong khu cách ly. Đó có lẽ là khoảng thời gian tuyệt vời nhất của cả ba chúng tôi. Nơi đó chúng tôi đã bàn luận những vấn đề để bây giờ có Phong trào Con đường Việt Nam. Chúng tôi có thời gian để ôn lại cả một quãng đường dài, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau và tha hồ mà cười ngặt nghẽo suốt ngày.
Còn một tài năng của Định mà có lẽ chỉ có tôi và anh Thức mới được chứng kiến. Tài năng ấy mới chỉ được khai lộ từ khi anh ấy vào tù. Đó là khả năng làm thơ thật xuất chúng. Chỉ trong hơn một năm từ khi bị bắt (ngày 13/06/2009) anh Định đã làm hơn 100 bài thơ trong lúc đang bị giam ở B34. Đây là thời gian tạm giam để điều tra và xét xử, rất khắc nghiệt. Bị cách ly cô lập hoàn toàn, giấy viết bị cấm tiệt, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong căn phòng khoảng chừng 12 m2. Định phải làm thơ trong đầu mà còn nhớ như in hơn cả trăm bài thơ của mình. Mà có bài rất dài, đến hơn 200 câu viết lại cả một chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam. Tôi và anh Thức nghe anh Định đọc thơ mà choáng luôn. Đủ các thể loại. Khí tiết thật tuyệt vời. Chỉ có những tâm hồn lớn mới làm nên những vầng thơ như vậy. Anh Thức là người hay thơ mà còn phải bái phục Định. Định có khả năng xuất khẩu thành thơ.
Vào một buổi chiều cuối tháng 07/2010, chúng tôi đang đi bộ vừa tập thể dục vừa bàn chuyện. Về hướng Nam có một ngọn núi lớn tên Gia Lào, anh Thức bảo Định: “Ông vịnh Gia Lào đi”. Chỉ vài phút sau anh Định cất tiếng:
Trời mây như vận phủ
Che đỉnh núi Gia Lào
Người nay cam bước thấp
Thế mai bừng vươn cao
Anh Thức tấm tắc khen bài thơ nhưng ánh mắt thoáng buồn nói: “Tôi thấu cảm tấm lòng của hai bạn. Vì đất nước các bạn đã phải chịu đựng để chúng ta có thể tiếp tục tiến bước. Với những người như chúng ta thì không có gì khủng khiếp hơn phải chịu đựng như vậy cả. Nhưng hãy nhớ ngày hôm nay, nhớ bài thơ này để đến một ngày không xa đất nước này, dân tộc này sẽ bừng vươn cao. Hai bạn phải chịu đựng nhiều hơn tôi.
Với tôi, Lê Công Định là một nhà thơ lớn. Tôi tin một ngày không xa nữa nhà thơ ấy sẽ bừng vươn cao cùng với những khát vọng của anh ấy cho đất nước.
Ngày 1 tháng 10 là ngày sinh Định. Mến tặng sinh nhật bạn.
Lê Thăng Long

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"