Người Tôi Tớ
... Những cá nhân bị ràng buộc vì các quyền lợi riêng tư và đang trong tình trạng được hưởng đặc quyền, đặc lợi từ một thể chế nhất định thì lại không muốn thay đổi, dù cho cái thể chế chính trị kia không còn đáp ứng được vai trò quản lí xã hội mà [đa số] người dân mong muốn.
(Cảm nhận từ hành động của một số chí sĩ yêu nước trong thời đại mới)
Trong một thế giới với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, phương tiện truyền thông ngày một đáp ứng được nhu cầu thông tin của mọi người dân từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến nơi miền sơn cước hẻo lánh hay len lỏi đến tận nơi hải đảo xa xôi. Sự nối kết giữa người với người không còn bị hạn chế bởi yếu tố địa lí, yếu tố quốc gia, dân tộc, cũng không bị ngăn cách bởi những hệ quả của lịch sử trong quá khứ. Con người ngày càng xích lại gần nhau hơn và cũng chính vì thế sự tiếp thu tri thức, tiếp thu những giá trị tinh thần hay những cách thức trong quản lí xã hội ngày một nhiều thêm. Có người được tiếp thu các tri thức nhân loại, được thấy và hiểu biết về các quốc gia khác thông qua những phương tiện truyền thông hiện đại, một số may mắn hơn được trực tiếp giao lưu học hỏi và được sống, hay trải nghiệm thực tế.
Điều này cũng nảy sinh sự so sánh giữa xã hội này với xã hội khác, giữa cách thức quản lí xã hội của thể chế chính trị này so với cách thức quản lí của thể chế chính trị khác. Từ đó tìm ra sự vượt trội, tính ưu việt của một xã hội nhất định nhằm có thể phục vụ cho sự tiến bộ của đời sống con người, đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của mỗi người nói riêng và của cộng đồng nhân loại nói chung. Tuy nhiên, mong muốn thay đổi chỉ được thực hiện bởi những cá nhân có khả năng nhận thức về xã hội, có tri thức cao và đứng trung lập trong xã hội. Những cá nhân này không bị ràng buộc bởi các quyền lợi tư riêng, cũng như họ có lối suy nghĩ xây dựng và mong muốn cải tiến xã hội. Ngược lại, những cá nhân bị ràng buộc vì các quyền lợi riêng tư và đang trong tình trạng được hưởng đặc quyền, đặc lợi từ một thể chế nhất định thì lại không muốn thay đổi, dù cho cái thể chế chính trị kia không còn đáp ứng được vai trò quản lí xã hội mà người dân mong muốn. Hai hạng người với hai lối đi khác nhau trong cùng một đất nước nhất định, chắc hẳn sẽ xảy ra sự đụng độ và tranh chấp. Khi có sự đấu tranh thì kẻ nắm giữ quyền lực, kẻ tạm thời điều khiển đa số mọi lĩnh vực trong xã hội sẽ chiếm lợi thế và bằng những cách thức khác nhau tìm cách tiêu diệt đối phương.
Ở đâu đó trên đất nước Việt Nam chúng ta, chúng ta thường nghe thông tin về việc người này phản động, người kia bán nước, người nọ tuyên truyền chống phá cách mạng,… nhưng chúng ta đã thử tìm hiểu thật kĩ về thân thế cũng như đặt ra các giả thiết về các việc mà họ đã làm chưa, hay ít nữa là chúng ta có chịu nghe những thông tin bị Cộng Sản xem là “không chính thống”, để có một cái nhìn đúng đắn, tổng hợp và khách quan cho số phận của những người đó chưa.
Để có một cái nhìn đúng đắn về hành động của những nhà trí thức đang bị chính quyền Cộng Sản Việt Nam liệt vào tội chống phá nhà nước, phản động hay bán nước… Chúng ta hãy cùng nhau phân tích một vài điểm về bối cảnh xã hội Việt Nam hiện tại, về cách thức quản lí thông tin (báo chí), và thân thế cũng như việc làm của những nhà trí thức ấy.
Xã hội Việt Nam chúng ta đang sống bị đánh giá là tụt hậu cả về kinh tế cũng như trong cách thức quản lí xã hội:
Trong khi Việt Nam được xem là một đất nước có tiềm năng phát triển kinh tế vì nguồn tài nguyên phong phú dồi dào, con người thông minh, cần cù, sáng tạo… thì kinh tế Việt Nam trong thực tế hiện nay lại đang trên đà thụt lùi so với các quốc gia láng giềng trong khu vực, tụt hậu so với các nước Phương Tây. Đói nghèo, cái đói đang hoành hành trên người dân Việt Nam. Các chế độ phúc lợi xã hội dưới mức trung bình. Thất nghiệp, lạm phát leo thang và đa số người dân sống trong tình trạng bấp bênh… Cơ sở hạ tầng quy hoạch một cách bừa bãi, thiếu khoa học, gây nên sự trì trệ trong phát triển du lịch và phục vụ cuộc sống,….
Về chính trị, chúng ta đang duy trì cách thức quản lí đã bị loại bỏ hầu hết trên thế giới, bị xem là không phù hợp, kiềm chế sự phát triển xã hội và làm băng hoại xã hội. Nó không đáp ứng được xu thế phát triển của thế giới tự do. Với cách thức quản lí xã hội lạc hậu và phản dân chủ, chế độ chính trị của Việt Nam hiện tại đang dùng, gây nên sự biến chất của đạo đức con người và khiến con người thụ động, sợ hãi hay thiếu ý thức tự giác… Nạn tham nhũng, quan liêu là những căn bệnh trầm kha. Sự kém cỏi trong quản lí của các cấp chính quyền từ xã (phường), huyện (quận), tỉnh (thành) đến cả giai cấp lãnh đạo trung ương, do cơ chế “cha truyền con nối” gây ra đang tạo nên những bất cập và lộ rõ nhiều yếu kém. Tầng lớp tri thức trẻ không được trọng dụng tạo nên lối suy nghĩ phó mặc, tạo nên sự thụ động không còn mong muốn phấn đấu, nên con người Việt Nam đang trở nên thụ động không còn tìm tòi, học hỏi một cách có ý thức nữa. Tất cả người trẻ, tầng lớp sinh viên của các trường Đại học, Cao đẳng chỉ học lấy lệ, học vì bằng cấp và không trông mong gì vào tấm bằng mình sẽ nhận được sau khóa học… Thiếu nhân tài là do chính chế độ loại bỏ nhân tài, thiếu người làm việc hiệu quả là do thiếu chế độ biệt đãi nhân tài.
Nói về ngành truyền thông Việt Nam: Khi báo giới là công cụ, là phương tiện của nhà quản lí xã hội, phục vụ vì lợi ích của Đảng thuộc quyền quản lí trực tiếp của Đảng và chịu sự kiểm duyệt của cơ quan kiểm duyệt báo chí thuộc Đảng quản lí… được qui định trong Hiến Pháp và Pháp luật. Khi việc đào tạo báo chí chỉ nhằm nhấn mạnh đến “công tác tư tưởng cho nhân dân” và “định hướng dư luận”, thì những sự thật khách quan trong nước và quốc tế đều bị bẻ cong theo chủ ý của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Tôi còn nhớ khi đang là sinh viên báo chí, khi học môn Truyền thông đại chúng, một giảng viên đã khẳng định “Trước đây chúng ta có thể dùng cụm từ “bưng bít thông tin”, nhưng trong thời đại mà phương tiện truyền thông đại chúng phát triển như hiện nay, người dân có thể được xem, được nghe thông tin từ nhiều luồng khác nhau thì chúng ta tuyệt đối không được sử dụng cụm từ đó nữa, mà phải định hướng dư luận theo hướng của chúng ta”. Như vậy, trong bất cứ thời kì nào giới truyền thông Việt Nam cũng không làm nhiệm vụ thông tin cho nhân dân, không có sự thật nào được nói lên đúng với vốn có của nó. Tất cả thông tin sự kiện đều bị “lái” đi một hướng khác có lợi cho nhà cầm quyền và làm lạc hướng dư luận. Bên cạnh đó, với biện pháp cứng rắn và phản dân chủ, nhà cầm quyền Việt Nam lại cấm tuyệt đối không cho ra báo tư nhân và độc quyền trong lĩnh vực báo giới.
Một vài nhận định sơ lược về truyền thông thông tin ở Việt Nam trên, ta có thể hiểu ngay việc nhà cầm quyền muốn kết tội ai, muốn biến một trí thức yêu nước nào thành kẻ “phản động”, thành đối tượng chống phá nhà nước đều là điều dễ dàng thực hiện được. Đánh lừa nhân dân để gây phẫn nộ trong nhân dân là chiêu bài mà nhà cầm quyền thường áp dụng để tiêu diệt hết những người yêu nước, nhằm giữ cái ghế lãnh đạo mang lại nguồn lợi to lớn kia.
Khi đã hiểu được điều đó, chắc chắn chúng ta sẽ đặt ra nhiều mối nghi về những gì mà nhà cầm quyền đang kết tội một số trí thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Từ đó, chúng ta sẽ có sự xem xét kĩ lưỡng hơn, khách quan hơn bằng cách tìm hiểu thông tin và đặt ra những nghi vấn từ thân thế và việc làm của những người trí thức đang bị giam cầm và bị liệt vào số những kẻ phản động, chống phá kia. Chắc chắn, là những người tiếp cận được với tri thức tiến bộ cùng với lòng tôn trọng sự thật, chúng ta sẽ cất công tìm hiểu về họ, nhằm trả lại danh dự và nhân phẩm đang bị Cộng Sản Việt Nam chà đạp cho họ.
Ở đây, tôi muốn đưa ra một điển hình là Luật sư Lê Công Định. Đó là một nhà trí thức, tạm thời chúng ta chưa bàn đến lòng yêu nước của ông mà chỉ nói đến thân thế sự nghiệp và cái “tội” mà ông đang phải mang. Tốt nghiệp cử nhân Luật Đại học Tổng hợp TPHCM năm 1989. Có nguồn tin ghi ông Định là cử nhân Luật cả hai trường: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Tổng hợp TPHCM, nhưng không ghi năm tốt nghiệp. Sau đó, làm việc ở Phòng Công chứng số 1, thời gian sau nghỉ việc để học lớp luật do Luật sư Tiến sỹ Triệu Quốc Mạnh mở ở Đại học Tổng hợp TP. HCM. Học thêm tiếng Pháp và Luật với Tiến sĩ Võ Phúc Tùng đến 8 năm.
Năm 1997 giành được suất học bổng ngành luật của Trường đại học Tổng hợp Pantheon - Assas (Paris 2).
Năm 1998, ông giành được học bổng Fulbright đi Mỹ.
Học một khóa triết của Đại học Sorbonne. Đến tháng 5 năm 1999 rời Paris, (không thi những môn cuối cùng của bậc thạc sĩ (vào cuối tháng 6 năm 1999) để sang Mỹ học cao học luật ở Đại học Tulane - Columbia đến năm 2000.
Trong nước, Lê Công Định là một trong những luật sự có tên tuổi và uy tín. Tham gia vào luật sư đoàn TP. Hồ Chí Minh và giữ chức Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2005 - 2008. Ông rời luật sư đoàn và mở văn phòng luật sư riêng.
Câu hỏi đặt ra là tại sao ông lại bỏ con đường đang rất rộng lớn về tiền đồ tương lai như vậy?
Gia đình giàu có, bằng cấp cũng không thua ai; ông cũng có kết hôn với cựu hoa hậu Nguyễn Thị Ngọc Khánh. Như vậy, tiền đồ, sự nghiệp hay cả giai nhân ông cũng đều không thiếu; có thể nói một tương lai tươi sáng luôn rộng mởm trước mắt ông. Vậy tại sao ông lại bị bắt vì “chống phá nhà nước”, tại sao bị kết tội phản động?
Tại sao ông lại tham gia liên lạc với Đảng Nhân Dân Hành Động (tại Mỹ) và Đảng Dân Chủ Việt Nam Thế Kỷ 21, và lên chương trình hành động cho việc thành lấp Đảng mới – Đảng Lao Động, ông không biết sự nguy hiểm của việc làm này sao?
Lê Công Định thiếu tiền mà phải tham gia vào việc làm nguy hiểm đến tiền đồ và sự nghiệp của mình sao?
Đây là điều mà nhà cầm quyền Việt Nam không muốn người dân đặt ra nghi vấn. Bởi vì Lê Công Định không thiếu thứ gì cho sự phát triển tiền đồ và danh vọng bản thân nếu cứ ngoan ngoãn, nhắm mắt làm ngơ trước sự quản lí kém cỏi của nhà cầm quyền Cộng SảnVN. Để trả lời cho những câu hỏi trên chỉ còn một cụm từ “yêu nước”, chỉ còn một lối nghĩ “vì người khác và muốn nâng người khác lên cuộc sống tốt đẹp mà họ đáng được hưởng”. Ông không thể làm ngơ trước sự sống chết của những người dân Việt Nam đang bị nhà cầm quyền lừa gạt, ông không thể chỉ vì bản thân mình mà làm ngơ trước sự thật về một nước Việt Nam đang ngày càng xuống cấp cả đạo đức lẫn mức sống. Là một người có ăn học, lại được tiếp thu với cuộc sống tự do thật sự ở bên ngoài, ông hiểu và bắt buộc mình phải làm một điều gì đó có ý nghĩa cho đất nước, cho dân tộc. Hành động của ông khi muốn tận gốc thay đổi cuộc sống của người Việt Nam là điều chính nghĩa, là việc làm đáng hoan nghênh nhưng nó lại đụng chạm đến quyền lợi của những người Cộng Sản đang nắm giữ quyền lực. Đảng Cộng Sản muốn duy trì một chế độ mà họ có thể độc quyền trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, họ duy trì một chế độ: không có đối thủ cạnh tranh với quyền lãnh đạo của họ. Họ không vì nhân dân, không vì sự tồn vong của dân tộc mà vì tư lợi bản thân.
Lê Công Định và những nhà chí sĩ yêu nước khác như Luật sư Lê Thị Công Nhân, Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, Lm. Nguyễn Văn Lý,… thì không như thế: Họ hi sinh mình để giới thiệu cho người dân Việt Nam về một xã hội đúng nghĩa, về một xã hội tự do dân chủ và về một xã hội mà ở đó con người được sống trong tiện nghi và sống đúng với nhân quyền của mình… Họ muốn đa nguyên vì họ hiểu giá trị của nó. Tôi xin nhắc lại câu nói nổi tiếng của Lê Công Định: “Đa nguyên không đáng ngại, mà trái lại rất cần thiết nếu biết điều tiết thích hợp. Đa nguyên là động lực của sự phát triển, điều đó miễn bàn cãi”.
Họ đã không để ý đến hậu quả xấu cho bản thân mà can đảm nói lên chân lí, họ muốn ai ai trong đất nước Việt Nam này cũng đều có được một cuộc sống như họ, nên họ đã hi sinh chính cuộc sống riêng tốt đẹp kia để đổi lấy nhận thức cho người dân Việt.
Yêu nước và hành động. Đấu tranh và loại bỏ cái yếu kém, loại bỏ sự gian trá và lừa gạt. Nói lên sự thật và để mọi người dân được tiếp cận với thế giới tự do, trả lại quyền làm người và những quyền lợi mà đáng ra tất cả mọi người Việt Nam được hưởng chứ không riêng gì những người cầm quyền. Đó có thể là phản động, là bán nước, là chống phá hay không?
Cần có thái độ đúng đắn và cần có một cái nhìn sâu sắc hơn về những nhà chí sĩ yêu nước kia. Đảng Cộng Sản hãy trả lại cho họ thanh danh và sự tự do đúng nghĩa. Chúng ta hãy trả lại cho họ sự tôn trọng vì họ đang hành động vì chúng ta.
Hoan hô tinh thần của những nhà chí sĩ yêu nước trong thời đại mới. Hoan hô Luật sư Lê Công Định, Lê Thị Công Nhân, Cù Huy Hà Vũ, linh mục Nguyễn Văn Lý, linh mục Phan Văn Lợi,…!
Người Tôi Tớ