Nguyễn Văn Tuấn
Hai tuần vừa qua, môt số báo (như Giáo dục Việt Nam, Pháp luật Việt Nam, Vietnamnet,
v.v.) đồng loạt đăng một số bài về luận án tiến sĩ… vô bổ. Loạt bài này
thật ra không mới, nhưng có vài chi tiết rất thú vị. Chẳng hạn như có
luận án “Tắm giặt cho chiến sỹ miền núi”! Không biết thật hay đùa, nhưng
mới nghe qua thì quả là rất vui. Nhưng một cách nghiêm chỉnh: tiêu chuẩn gì để đánh giá một đề tài nghiên cứu cấp tiến sĩ? Bài này sẽ cung cấp vài câu trả lời cho câu hỏi đó theo chuẩn mực khoa học và kinh nghiệm cá nhân.
Dưới tựa đề có thể nói mang tính giật gân, “Việt Nam có bao nhiêu luận án tiến sĩ… vô bổ”,
báo Giáo dục Việt Nam cung cấp nhiều thông tin rất thú vị. Tôi nghĩ
chẳng ai có thể trả lời câu hỏi này. Con số bao nhiêu luận án thì chắc
chắn Bộ Giáo dục & Đào tạo có thể trả lời, nhưng bao nhiêu là “vô
bổ” thì khó trả lời. Làm sao đánh giá một luận án là vô bổ? Chẳng hạn
như đề tài mà bài báo đề cập đến, “Nghiên cứu nhận thức của sinh viên ĐHSP về sức khỏe sinh sản”,
thì khó nói là vô bổ được, vì vẫn cung cấp thông tin. Vấn đề đặt ra là
nội dung thông tin đó có xứng đáng một đề tài nghiên cứu cấp tiến sĩ hay
không.
Người viết bài này đã có dịp đọc qua nhiều luận án trong ngành y từ
Nam chí Bắc thì cảm nhận chung là luận án tiến sĩ ở VN chưa đạt tiêu
chuẩn. Thật ra, tôi chưa thấy (chứ không phải “không thấy”) một luận án
nào có qui mô và đáp ứng tiêu chuẩn của một luận án tiến sĩ. Đại đa số
những luận án tôi đọc qua chỉ báo cáo 1 nghiên cứu duy nhất, chỉ có duy
nhất một luận án báo cáo 2 nghiên cứu. Nội dung thì rất đơn giản, phần
lớn chỉ mang tính kiểm kê lâm sàng (giống như làm bài tập thống kê, và
đếm bao nhiêu ca bệnh). Phương pháp cũng chưa đạt, vì hình như các tác
giả chưa am hiểu phương pháp nghiên cứu. Cách trình bày kết quả là một
thất vọng lớn, vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những bảng số liệu và
biểu đồ hết sức đơn giản, chỉ nói lên một điểm! Bàn luận càng thất vọng
hơn, vì hình như các tác giả chưa biết viết bàn luận. Do đó, tất cả các
luận án tiến sĩ y khoa mà tôi xem qua chỉ có 50 đến 120 trang. Thật ra,
số trang thì chẳng nói lên điều gì, nhưng ở đây, vì nội dung luận án quá
đơn giản nên tác giả cũng chẳng có gì để viết. Có thể nói không ngoa
rằng những luận án tôi xem qua chỉ xứng đáng luận án cử nhân danh dự hay
cao học ở các trường y bên Úc mà thôi.
Vậy thì câu hỏi mấu chốt cần đặt ra là: dựa vào tiêu chuẩn gì để đánh
giá một đề tài nghiên cứu xứng đáng cấp tiến sĩ? Trả lời câu hỏi này
không dễ, vì cái hay còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố và quan điểm của
từng chuyên ngành. Có người nói rằng một câu hỏi nghiên cứu hay là câu
trả lời có thể ứng dụng trong thực tế. Tôi không đồng ý với nhận định
này, bởi không phải nghiên cứu khoa học nào cũng có thể ứng dụng trong
thực tế. Do đó, cách tiếp cận câu hỏi thế nào là một câu hỏi nghiên cứu
hay, chúng ta cần phải có cái nhìn tổng thể. Một câu hỏi nghiên cứu tốt
phải có bốn tiêu chuẩn gói gọn trong 4 chữ cái tiếng Anh: F I N E R:
F là feasible (tính khả thi)
I là interesting (tính thú vị)
N là novelty (có cái mới)
E là ethics (đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức)
R là relevance (có ảnh hưởng)
I là interesting (tính thú vị)
N là novelty (có cái mới)
E là ethics (đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức)
R là relevance (có ảnh hưởng)
Khả thi
Không phải ý tưởng nào cũng có thể thực hiện được, và không phải câu
hỏi nào cũng có thể trả lời. Nhà nghiên cứu cần phải nhận thức được hạn
chế trong thực tế ngay từ khi suy nghĩ đến câu hỏi nghiên cứu. Không nên
tốn thì giờ và công sức khi đã làm nghiên cứu đến nửa chừng mới biết
rằng công trình nghiên cứu không khả thi. Trong nghiên cứu lâm sàng và y
học, tính khả thi có thể giải thích thêm qua 5 yếu tố: số lượng đối
tượng, kĩ thuật, tài chính, và phạm vi.
Đối tượng. Nhiều nghiên cứu không thể thực hiện được đặt ra
lúc ban đầu, vì nghiên cứu không thể nào tuyển dụng đủ số lượng đối
tượng cho nghiên cứu. Có khi vì bệnh quá hiếm nên không cách gì có đầy
đủ số bệnh nhân trong một thời gian ngắn (như 5 năm), và những công
trình như thế rất khó khả thi. Do đó, bước đầu tiên trong nghiên cứu lâm
sàng là ước tính cỡ mẫu hay số đối tượng cần thiết. Bước kế tiếp là ước
tính số đối tượng có thể tuyển được, với tiên đoán trước rằng một số sẽ
không thỏa mãn các tiêu chuẩn tuyển và một số sẽ bỏ nghiên cứu giữa
chừng, cũng như một số sẽ mất liên lạc. Ngay cả lên kế hoạch một cách
cẩn thận, nhiều nghiên cứu vẫn cho ra những ước tính quá lạc quan, và
hậu quả là kết quả nghiên cứu rất khó diễn giải. Trong thực tế, đối với
những nghiên cứu quan trọng, nhà nghiên cứu cần phải tiến hành nghiên
cứu sơ bộ để đánh giá tính khả thi nếu triển khai ở qui mô lớn hơn hay
phải điều chỉnh các tiêu chuẩn và qui trình nghiên cứu. Nếu số đối tượng
không đủ, nhà nghiên cứu có thể nới rộng tiêu chuẩn chọn đối tượng, bỏ
những tiêu chuẩn loại trừ không cần thiết, hoặc kéo dài thời gian tuyển
đối tượng, hoặc hợp tác với các đồng nghiệp khác để tuyển thêm đối
tượng.
Kĩ thuật. Các nhà nghiên cứu phải có nắm chắc kĩ thuật, có
thiết bị hoặc phương tiện nghiên cứu, có kinh nghiệm thực hiện nghiên
cứu, và có khả năng quản lí cũng như phân tích dữ liệu. Cách tốt nhất là
làm quen với những công trình nghiên cứu trước, tìm hiểu kĩ qui trình
và thiết bị của họ trước khi thiết kế nghiên cứu của mình. Nếu cần phải
phát triển một phương pháp hay công cụ mới (như một bộ câu hỏi) cho
nghiên cứu, nhóm nghiên cứu cần phải có người có chuyên môn tốt.
Kinh phí và thời gian. Nghiên cứu thực nghiệm cần kinh phí
thích hợp. Do đó, cần phải ước tính kinh phí của một dự án nghiên cứu.
Những kinh phí quan trọng liên quan đến nhân sự, thiết bị, phòng lab cần
phải phác thảo và ước tính. Nếu nghiên cứu đòi hỏi một kinh phí quá
cao, có thể phải thay đổi mô hình nghiên cứu, bằng cách xem xét đến
những mô hình ít tốn kém hơn (và có thể giá trị khoa học cũng thấp hơn),
hoặc tìm các nguồn tài trợ mới. Nếu nghiên cứu quá tốn kém và cần thời
gian quá lâu, thì cần phải xem xét lại qui trình và các thiết kế mới.
Phạm vi. Kinh nghiệm thực tế cho thấy nhiều người mới bắt
đầu nghiên cứu thường có quá nhiều “tham vọng”, họ muốn giải quyết tất
cả các câu hỏi. Nhưng trong điều kiện hạn hẹp về kĩ thuật, thời gian và
kinh phí, những tham vọng đó trở nên bất khả thi. Giải pháp cho vấn đề
này là nhà nghiên cứu cần phải định nghĩa phạm vi nghiên cứu hẹp lại,
câu hỏi cụ thể hơn và mục tiêu phải mang tính tập trung hơn. Nghiên cứu
khoa học thường chỉ giải quyết một vấn đề, và phải có nhiều nghiên cứu
mới đi đến một bức tranh tổng thể.
Thú vị
Nhà nghiên cứu thường có nhiều động cơ để theo đuổi một nghiên cứu
khoa học. Những động cơ đó có thể là làm cơ sở để viết luận án, để thăng
tiến trong sự nghiệp khoa bảng, để giúp bệnh nhân, để khám phá và khám
phá dẫn đến nguồn lợi tài chính, hay lí tưởng hơn là đi tìm sự thật thú
vị và cống hiến vào khoa học, v.v. Tôi thích động cơ sau cùng, vì đó
cũng chính là động cơ để nhà khoa học tự thỏa mãn tính tò mò của mình và
giúp các đồng nghiệp khác vượt qua những khó khăn trong quá trình
nghiên cứu. Một câu hỏi nghiên cứu thú vị phải là câu hỏi có thách thức,
làm cho đồng nghiệp phải thấy giật mình (vì họ chưa nghĩ đến). Tuy
nhiên, cần phải bàn với thầy cô xem câu hỏi có thật sự thú vị trước khi
tiêu ra thời gian để phát triển thành một đề cương.
Cái mới
Những nghiên cứu có giá trị thường đóng góp thông tin mới, dữ liệu
mới. Một nghiên cứu chỉ đơn thuần lặp lại những gì người khác đã làm
(tiếng Anh gọi là nghiên cứu me too) không xứng đáng để tốn tiền và công
sức. Cái mới trong nghiên cứu có thể là mới về ý tưởng, mới về cách
tiếp cận, mới về phương pháp, mới về kết quả, hoặc mới về cách diễn
giải. Ngày nay, rất khó có một nghiên cứu hoàn toàn mới, mà chỉ mới
trong một hay hai khía cạnh trên. Do đó, một câu hỏi nghiên cứu không
cần phải hoàn toàn mới và nguyên thủy, nhưng cần phải có cách tiếp cận
hay phương pháp mới. Câu hỏi nghiên cứu có thể là quan sát trước đây có
thể lặp lại, hoặc phát hiện trước đây có thể áp dụng vào một quần thể di
truyền khác, hoặc cải tiến phương pháp / kĩ thuật có thể làm rõ hơn mối
liên hệ giữa các yếu tố nguy cơ và bệnh. Một nghiên cứu xác định có khi
rất có ích nhất là nghiên cứu trước có nhiều khiếm khuyết.
Đạo đức
Một câu hỏi nghiên cứu hay phải là câu hỏi có đạo đức. Nếu nghiên cứu
mang tính quá xâm phạm cơ thể bệnh nhân, hoặc phơi nhiễm bệnh nhân với
các yếu tố nguy hiểm khó chấp nhận được thì không thể là có đạo đức
được. Nếu chưa chắc chắn về nghiên cứu có vi phạm y đức và đạo đức khoa
học hay không, nhà nghiên cứu cần phải thảo luận với thầy cô hay những
người có kinh nghiệm, từng phục vụ trong các hội đồng y đức.
Ảnh hưởng
Không bao giờ đặt một câu hỏi nghiên cứu mà khi có câu trả lời nhà
nghiên cứu chẳng biết phải làm gì với nó. Một trong những đặc điểm của
một câu hỏi nghiên cứu tốt là tính liên quan, có ảnh hưởng. Có thể nói
rằng tính ảnh hưởng là tiêu chuẩn quan trọng nhất của một câu hỏi nghiên
cứu tốt. Một cách tốt nhất để xác định nghiên cứu có ảnh hưởng hay
không là tưởng tượng đến những kết quả có thể thu thập được, và xem xét
các khả năng mà kết quả đó có thể đóng góp vào sự phát triển kiến thức,
hay ảnh hưởng đến thực hành lâm sàng, ảnh hưởng đến chính sách y tế, hay
đóng góp vào việc soạn thảo phác đồ điều trị mới, hoặc mở ra một định
hướng nghiên cứu mới.
Tiêu chuẩn FINER là cách mà chúng tôi dựa vào để đánh giá một đề
cương nghiên cứu hoặc một đề cương cấp tiến sĩ. Trong thời gian gần đây,
tôi có dịp giảng về nghiên cứu khoa học ở trong nước, và mỗi khi nhắc
đến FINER, ai cũng rất thích thú vì thấy mới, nhưng ai cũng lắc đầu nói
khó đáp ứng. Trong thực tế, không phải đề tài nào cũng đáp ứng 5 tiêu
chuẩn FINER, nhưng ít ra một luận án tiến sĩ phải có gì đóng góp vào tri
thức khoa học; nếu không thì khó có thể nói luận án đó xứng tầm tiến
sĩ.
Trong thực tế Việt Nam, qui trình học tiến sĩ mới nhìn qua thì rất
chặt chẽ và rườm rà, nhưng xem đầu ra thì rất ư là thất vọng. Trong cuốn
“Việt Nam từ năm 2011” (Nxb Tri Thức 2011) Gs Trần Văn Thọ viết và tôi
rất đồng ý: “Những vấn đề lớn của Việt Nam là hiểu chưa đúng về chuẩn
mực của luận án tiến sĩ nói riêng và trình độ của người được cấp bằng
tiến sĩ nói chung, cơ chế đào tạo quá lỏng lẻo, tiêu chuẩn của giáo sư
hướng dẫn không được quy định nghiêm túc, chưa xác lập được cơ chế đánh
giá khách quan về luận án tiến sĩ và suy nghĩ sai về ý nghĩa của văn
bằng này.” (Trang 286). Ở một đoạn khác, anh Thọ viết: “Cách suy nghĩ về
việc chọn đề tài ở Việt Nam chỉ làm cho luận án thiếu tính học thuật và
phần lớn thiếu tính độc sáng. Nội dung, trình độ của luận án do đó còn
rất xa mới đạt tiêu chuẩn tối thiểu của thế giới, và người được cấp bằng
trong trường hợp đó khó có thể thảo luận khoa học với chuyên gia nước
ngoài trong cùng ngành”. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét trên.
Văn bằng tiến sĩ là một văn bằng quốc tế. Người có văn bằng đó phải
chứng tỏ có trình độ, kĩ năng, và kiến thức tương đương với các tiến sĩ
khác trên thế giới. Luận án tiến sĩ chỉ dựa trên 1 nghiên cứu duy nhất
là luận án cử nhân hay cao học, chứ chắc chắn không phải là tiến sĩ. Ở
nước ngoài (như nhóm của tôi chẳng hạn), một luận án tiến sĩ phải có ít
nhất 3 nghiên cứu (và thường phải công bố quốc tế). Hi vọng rằng tiêu
chuẩn FINER sẽ đóng góp một phần vào việc chấn chỉnh đào tạo cấp tiến sĩ
ở Việt Nam.
N.V.T
Chú thích: Trong cuốn "Đi vào nghiên cứu khoa học", tôi có đề cập đến tiêu chuẩn FINER chi tiết hơn.