Cái bài sau đây tui đọc từ hồi năm nào nhớ mang máng ở một comment như một bài phiếm, sau đó ban biên tập của tờ Đàn Chim Việt đưa lên thành một bài riêng thì phải, vì những điểm cũng đúng như chiến lược của một đảng cầm quyền, không hiểu sao bây giờ được chuyển đi như tài liệu "mật" của đảng cầm quyền :-) Có lẽ vì tầm nhìn xa (góp ý)của tác giả.
Làm sao để Đảng ta mãi mãi độc tôn?
Nguyễn Tâm Bảo
Thưa các đồng chí...
Ðảng quang vinh của chúng ta muốn tồn tại và phát triển, giữ vai trò
là đảng tiên phong và duy nhất lãnh đạo đất nước, thì có mấy mục tiêu
quan trọng sau đây phải được quan tâm đúng mức:
1. Phải làm cho dân chúng vừa yêu vừa sợ: Nếu không
thể làm cho người dân yêu mến – điều mà tôi e là sự thật cay đắng cần
chấp nhận – thì cũng phải tuyệt đối duy trì nỗi sợ hãi để họ không bao
giờ có đủ ý chí mà nổi loạn.
2. Phải giữ cho cái gọi là “phong trào dân chủ đối lập” không thể trở thành phong trào đúng nghĩa,
không thể bén rễ và lan rộng. Phải làm sao để nó chỉ là hoạt động manh
mún, rời rạc, tự phát của các cá nhân đơn lẻ; làm cho có nhiều “lãnh tụ”
mà ít hoặc không có quần chúng; có nhiều “nhân sĩ trí thức” mà ít hoặc
không có một tổ chức nào có thực lực; có nhiều những hoạt động lãng mạn
hời hợt có tính phô trương – mà người dân có biết đến cũng chỉ mỉm cười ý
nhị – chứ ít hoặc không có những hoạt động thiết thực có tầm mức ảnh
hưởng sâu rộng đến xã hội; có thật nhiều những hoạt động “chống cộng cực
đoan” có tính chất phá hoại từ bên trong, gây phản cảm đối với người
dân lao động, thậm chí làm cho những gia đình cách mạng và đội ngũ cựu
chiến binh phẫn nộ… Tóm lại, phải làm cho người dân nếu không quay lưng
thì cũng thờ ơ với cái gọi là “đấu tranh dân chủ”.
3. Phải chủ động trong việc nâng cao dân trí để làm bàn đạp
mà phát triển kinh tế, nhưng lại phải lèo lái để “dân trí cao” không
đồng nghĩa với “ý thức dân chủ cao’. Phải làm sao để chất lượng
giáo dục bậc đại học được cải thiện nhưng đa số sinh viên phải trở nên
thực dụng hơn, có tinh thần “entrepreneurship” - khao khát tiền bạc và
công danh, mạo hiểm và sáng tạo trong kinh doanh, cầu tiến trong sự
nghiệp riêng, tôn thờ Bill Gates và chủ nghĩa tiêu thụ – nhưng đồng thời
cũng tuyệt đối thờ ơ với những lý tưởng và hoài bão cải biến xã hội, xa
lạ với những tư tưởng trừu tượng viễn vông, tìm kiếm những giải pháp cá
nhân thay cho ý thức công dân, và đặc biệt là tránh xa âm mưu thay đổi
chế độ.
4. Phải chủ động trong việc mở rộng xã hội dân sự, thuần phục
và trung hòa giai cấp trung lưu đang lớn mạnh (gọi là ‘co-optation’)...
Làm sao để trong mỗi tổ chức dân sự đều có chân rết của ta. Các tổ chức
trung gian như mặt trận tổ quốc, công đoàn, hội phụ nữ, các hội cựu
chiến binh, các câu lạc bộ hưu trí… phải phát huy vai trò tối đa trong
việc trung hòa những nhân tố nguy hiểm, điều hòa những xung đột nếu có
giữa nhà nước và xã hội, giảm thiểu sự bất mãn của dân chúng… Làm sao để
xã hội dân sự vẫn được mở rộng nhưng theo hướng có kiểm soát của chúng
ta, chứ không trở thành mối đe dọa. Quan trọng hơn cả là chúng ta phải
tiếp tục nuôi dưỡng nỗi sợ hãi - dù chỉ là nỗi sợ mơ hồ trong tiềm thức –
nhưng đồng thời cũng không để cho nhân dân cảm thấy tuyệt vọng... Cho
dù người dân có bất mãn về chuyện này chuyện kia thì vẫn làm cho họ nuôi
hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Và phải làm điều này một cách
hết sức tinh vi, kiên nhẫn, đôi lúc phải can đảm cắt bỏ những khối u
trong đảng để làm nguội bớt nỗi tức giận của nhân dân.
Trong trường hợp này thì việc thả Nguyễn Việt Tiến và việc bắt giam
hai nhà báo là sai lầm. Lẽ ra chúng ta phải không tiếc một số ít các
đồng chí tham lam quá mức, biến họ thành dê tế thần để giành lại niềm
tin của nhân dân, hoặc ít nhất cũng làm họ giảm bất mãn, trong nỗ lực
chống tham nhũng của chúng ta.
Một người bất mãn cực độ là một người nguy hiểm. Một người tuyệt vọng
đôi khi còn nguy hiểm hơn. Một người lạc quan, nhiều hy vọng, thì
thường cũng là một người dễ bảo, yêu chuộng sự ổn định và do đó không có
ý định phản kháng. Chúng ta phải biết dùng mồi để nhử, đánh vào thói
tham lam ích kỷ lẫn thói háo danh của người đời, vừa phải làm sao để
tinh thần thực dụng và chủ nghĩa mánh mung chụp giật trở thành bản tính
của dân tộc - vốn đã rã rời về ý chí, tan vỡ về niềm tin, chán ngán các
loại ý thức hệ; nhưng đồng thời cũng phải chuẩn bị sẵn những cái van để
dân chúng có chỗ giải tỏa ẩn ức.
Tuyệt đối không để sự bất mãn trong xã hội tích tụ lại vượt quá
ngưỡng kiểm soát của chúng ta. Kiên quyết tiêu diệt mọi mầm mống có khả
năng dẫn đến các loại hoạt động đối kháng có tổ chức, có sự phối hợp
rộng rãi; tuyệt đối ngăn chặn khả năng huy động được đông đảo quần chúng
tham gia.
Chúng ta phải nghiên cứu tất cả những tư tưởng gia vĩ đại trong việc
chiếm đoạt quyền lực và duy trì vị trí độc tôn, từ Tôn Tử, Ngô Khởi,
Trương Tử Phòng, Lý Tư… và Mao Trạch Ðông ở phương Ðông, cho đến
Machiavelli – tác giả cuốn cẩm nang ‘The Prince’ nổi tiếng ở phương Tây,
thậm chí cả Napoleon, Hitler, Stalin… hoặc Hugo Chavez thời nay. Tất cả
đều có những điều rất đáng để chúng ta học hỏi, từ nghệ thuật mị dân
cho đến những thủ đoạn cứng – mềm linh hoạt trong việc đối phó với địch,
và cả những sai lầm chiến thuật của các vị này.
Phải làm sao để chúng ta vẫn trấn áp được đối lập dân chủ, nhưng vẫn
không làm sứt mẻ quan hệ ngoại giao đang ngày một tốt hơn với Hoa Kỳ và
phương Tây – vốn là những kẻ đạo đức giả, duy lợi và thực dụng nhưng
thích rao bán tấm áo “dân chủ tự do” cùng với những khẩu hiệu cao đẹp
khác.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải khái quát những luận điểm của
Machiavelli để có thể áp dụng cho một chế độ, một đảng phái có cơ cấu
phức tạp, chứ không phải là một nhà độc tài quân phiệt giản đơn. Một nhà
độc tài dù tàn độc đến đâu, ranh ma đến đâu, thì cũng chỉ là một kim tự
tháp trên sa mạc, tĩnh lặng và không tiến hóa – nên trước sau cũng sẽ
để lộ sơ hở chết người. Nhưng một đảng chuyên quyền thì luôn luôn biến
động, thay đổi và lớn lên không ngừng; biết bù đắp khiếm khuyết, che dấu
yếu điểm, phô trương sức mạnh một cách vô cùng linh động… và đặc biệt
có đủ tài lực và nhân lực để lan tỏa chân rết đến mọi ngõ ngách của xã
hội, kiểm soát cả dạ dày lẫn linh hồn của nhân dân.
Bác Hồ đã dạy: người cách mạng phải không ngừng học hỏi, học từ nhân
dân và học từ kẻ địch; phải không ngừng tiến hóa về mặt tư duy lẫn thủ
đoạn để sống sót mà vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh nào; phải luôn uyển
chuyển và linh động để sẵn sàng thay máu đổi màu khi cần thiết, thậm chí
sẵn sàng đào thải cả những đồng chí quá tham lam và ngu dốt có hại đến
lợi ích chung của đảng. Ðối với địch thủ thì phải thiên biến vạn hóa,
ranh ma tàn độc đủ cả… và đặc biệt phải biết dùng hình nộm kết hợp với
thủ đoạn đấu bò tót kiểu Tây Ban Nha để thu hút ám khí và sừng bò của
đối thủ.
Trong lúc đối thủ tiêu hao lực lượng vì đánh vào những hình nộm rơm,
hoặc phung phí thời gian và sức lực vào những mục tiêu viễn vông, thì
chúng ta lạnh lùng quan sát, phân tích thấu đáo địch tình, ra đòn bất
ngờ và hợp lý để địch chết không kịp ngáp... Ðặc biệt chúng ta ngầm
khuyến khích những hành động tự sát theo kiểu “không thành công cũng
thành nhân” – tất nhiên là phế nhân. Chúng ta cũng phải biết lắng nghe
những phê phán của địch thủ mà thay đổi cho thích hợp. Kẻ đối địch luôn
có những bài học quí giá mà chỉ có những người bản lĩnh và khôn ngoan
mới nhìn ra. Nếu kẻ địch lãng mạn viễn vông với những khẩu hiệu trừu
tượng như ‘dân chủ’, ‘nhân quyền’, ‘tự do’... thì chúng ta phải thực tế
với những tiêu chí cụ thể như ‘ổn định xã hội’, ‘tăng trưởng kinh tế’,
‘xóa đói giảm nghèo’...
Nếu kẻ địch hô hào những điều khó hiểu du nhập từ phương Tây như ‘đa
nguyên’, ‘đa đảng’, ‘pháp trị’, ‘khai phóng’... thì chúng ta phải tích
cực cổ vũ mô hình Nhân Trị của đấng Minh Quân - nhưng ở đây Minh Quân
phải được hiểu là đảng cộng sản - cũng như đề cao những ‘giá trị Á châu’
một cách khéo léo.
* Phát huy dân chủ cơ sở – tập trung. Chúng ta cũng
phải phát huy ‘dân chủ cơ sở’, ‘dân chủ tập trung’, ‘dân chủ trong
đảng’… để làm sao cho dân thấy đảng không phải là cái gì đó cao xa vời
vợi, mà đảng cũng là dân, ở ngay trong dân, từ dân mà ra, đã và đang
đồng hành cùng với dân.
Phải cho dân thấy là nếu đảng có xe hơi thì dân cũng có xe máy – chứ
không phải đi bộ; nếu đảng có đôla thì dân cũng có tiền in hình Bác đủ
tiêu xài – chứ không quá túng thiếu; nếu đảng có cao lương mỹ vị thì dân
cũng có gạo ăn – không chết đói mà còn dư thừa để đem xuất khẩu.
Ðặc biệt là phải tích cực tuyên truyền và giải thích để người dân
hiểu được ý nghĩa của ‘dân chủ’ theo cách có lợi cho chúng ta: ‘dân chủ’
nghĩa là đảng luôn lắng nghe dân, phản ánh ý nguyện của dân (phần nào
thôi) qua những chính sách vĩ mô và vi mô, thỏa mãn niềm tự ái của dân
vì được dạy dỗ đảng, cũng như kích thích lòng tự hào dân tộc của dân để
hướng nó vào những kẻ thù mơ hồ dấu mặt ở bên ngoài.
Ðối thủ của chúng ta thường lãng mạn và nhiều nhiệt tình nhưng ít
chịu học hỏi, hoặc nếu có học thì chỉ qua quýt đủ để thuộc lòng những
khẩu hiệu trừu tượng như ‘nhân quyền’, ‘dân chủ’… rồi nhai đi nhai lại
làm dân chúng phát nhàm. Nói chung, đối thủ của chúng ta thường chỉ biết
đến một số cuốn cẩm nang về dân chủ có ngôn từ rất kêu, rất đẹp, nhưng
nghèo nàn về phương pháp thực tế, lẫn lộn giữa cứu cánh và phương
tiện... Ngược lại, chúng ta cần phải tích cực nghiên cứu sâu sắc những
trước tác của các học giả phương Tây về khoa học chính trị và kinh tế
học. Chúng ta phải nhận thức được đã có rất nhiều những nghiên cứu khoa
học về mối quan hệ biện chứng giữa ‘thể chế chính trị’ và ‘phát triển
kinh tế’. Hai phạm trù ‘dân chủ’ và ‘phát triển’ có quan hệ hết sức phức
tạp, phi tuyến, chứ không phải là quan hệ nhân – quả. Nghiên cứu kỹ về
vấn đề này sẽ rất có lợi cho chúng ta trong việc chủ động phát triển
kinh tế mà không cần phải ‘dân chủ hóa’.
Chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế là: phát triển kinh tế làm
phát sinh một số yếu tố hiểm nguy cho chế độ. Tuy nhiên, điều này còn
tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, tùy thuộc vào khả năng ‘tháo ngòi nổ’
của chúng ta, cũng như khả năng khai thác những yếu tố hiểm nguy này của
đối lập dân chủ. Chẳng hạn, học giả Daron Acemoglu của đại học MIT danh
tiếng đã có nhiều phân tích về ‘nguồn gốc kinh tế của các chế độ độc
tài và dân chủ’. Trong đó ông đã chỉ ra rằng phát triển kinh tế kèm theo
việc phân bố của cải vật chất một cách tương đối công bằng, đồng thời
với việc nới lỏng một cách chừng mực những tự do dân sự, thì bất mãn của
xã hội sẽ không quá cao, do đó hoàn toàn có thể duy trì chế độ độc tài
mà vẫn thúc đẩy kinh tế phát triển. Ðó là trường hợp của Singapore, điển
hình của một nhà nước độc tài sáng suốt. Một ví dụ nữa là những nghiên
cứu của Bruce Bueno de Mesquita, đã chỉ ra cho chúng ta những kinh
nghiệm quí báu trong việc đàn áp cái gọi là ‘coordination goods’, tức là
những yếu tố vốn không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, nhưng nếu
được vận dụng bởi đối lập dân chủ thì lại trở thành những vũ khí đáng
sợ. Ðó là nghệ thuật ‘đàn áp có chọn lọc’ mà tôi đã có dịp phân tích.
* Giới trẻ và sinh viên học sinh: Một kết quả bất
ngờ mà theo tôi cũng là một kinh nghiệm quí trên mặt trận tuyên truyền
nhồi sọ: việc chúng ta bắt ép sinh viên phải học tập chủ nghĩa Marx –
Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã đem lại những kết quả ngoài mong ước.
Thành công của chúng ta không phải đã đạt được mục đích ban đầu là làm
cho thế hệ trẻ tôn thờ thứ chủ nghĩa mà ngay cả chúng ta cũng không tin.
Ngược lại, thành công của chúng ta là đã làm cho thế hệ trẻ chán ngán
đến tận cổ khi phải học mãi một thứ ý thức hệ lỗi thời, bị nhồi nhét đến
phản cảm những tư tưởng cũ kỹ. Nhờ vậy chúng ta đã đào tạo ra một thế
hệ trẻ thờ ơ vô cảm với tất cả các loại tư tưởng và ý thức hệ, chai sạn
với lý tưởng và hoài bão mà thanh niên thường có, trở nên thực dụng và
ích kỷ hơn bao giờ hết.
Thế hệ trẻ hôm nay, ngoài cái đức tính thực dụng và tinh thần chụp
giật, cũng như niềm khao khát tiền bạc, công danh, ám ảnh bởi chủ nghĩa
hưởng thụ, thì chỉ còn le lói ‘tinh thần dân tộc’ vẫn còn sót lại trong
máu huyết của mỗi người Việt.
Ðây là con dao hai lưỡi, là con giao long đang nằm yên, mà chúng ta
cần phải biết lèo lái một cách khôn ngoan để không xảy ra một tiểu Thiên
An Môn ở Ba Ðình.
Dưới chế độ chuyên chế nào cũng vậy, sinh viên và trí thức trẻ luôn
luôn là những kẻ nguy hiểm nhất, là ngòi nổ của quả bom, là kíp mìn hẹn
giờ, là hạt nhân của các phong trào đấu tranh. Các cuộc cách mạng nhằm
lật đổ chế độ độc tài bao giờ cũng do sinh viên và trí thức dẫn đầu;
công nhân, nông dân, và các tầng lớp lao động khác chỉ là sức mạnh cơ
bắp..
Chỉ có trí thức và sinh viên mới đủ lý luận để huy động được đông đảo
quần chúng, mới có lý tưởng để dấn thân, và mới có khả năng tổ chức và
phối hợp.
Triệt tiêu được những phong trào sinh viên, cô lập được những trí
thức phản kháng, chính là đánh vào đầu não chỉ huy của địch. Những thứ
còn lại như ‘dân oan biểu tình’, ‘công nhân đình công’… chỉ là cơ bắp
của một cơ thể đã bị liệt não.
Như trên đã nói, chúng ta đã thành công trong việc làm cho sinh viên
trở nên lãnh cảm về các loại ý thức hệ, thờ ơ với những tư tưởng tự do
khai phóng từ phương Tây. Chúng ta chỉ còn phải đối phó với tinh thần
dân tộc của sinh viên đang có nguy cơ thức dậy, mục đích là để nó ngủ
yên, nếu không phải lèo lái nó theo hướng có lợi cho chúng ta.
* Trí thức: Ðối với tầng lớp trí thức, những biện
pháp ‘vừa trấn áp vừa vuốt ve’ từ xưa đến nay đã đem lại kết quả khả
quan.Chúng ta đã duy trì được một tầng lớp trí thức hèn nhát, háo danh,
và nếu không quá ngu dốt thiển cận thì cũng chỉ được trang bị bởi những
kiến thức chắp vá, hổ lốn, lỗi thời.
Nói chung, đa số trí thức của chúng ta đều hèn, đều biết phục tùng
theo đúng tinh thần ‘phò chính thống’ của sĩ phu xưa nay. Phần lớn những
kẻ được coi là trí thức cũng mang nặng cái mặc cảm của việc học không
đến nơi đến chốn, ít có khả năng sáng tạo, và so với trí thức phương Tây
về cả tri thức lẫn dũng khí đều cách xa một trời một vực.
Trí thức của chúng ta vẫn mãi mãi giữ thân phận học trò, kiểu sĩ hoạn
mơ ước được phò minh chủ, hanh thông trên đường hoạn lộ, chứ không bao
giờ vươn lên thành những nhà tư tưởng lỗi lạc.
Tầm mức ảnh hưởng của trí thức đến xã hội không đáng kể, không dành
được sự kính trọng từ các tầng lớp nhân dân, thậm chí còn bị người đời
khinh bỉ bởi sự vô liêm sỉ và thói quen ném rác vào mặt nhau.
Chỉ có một số ít trí thức vượt qua được cái vỏ ốc hèn nhát, nhưng
thường là quá đà trở nên kiêu ngạo tự mãn, coi mình như núi cao sông
sâu, là lương tâm thời đại. Những người này quả thật có dũng khí, nhưng
cũng không đáng sợ lắm bởi đa phần đều có tâm mà không có tài, có đởm
lược mà ít kiến thức.
Ða phần trong số này cũng chỉ đến khi về hưu mới thu gom được dũng
khí mà ra mặt đối đầu với chúng ta, do đó sức cũng đã tàn, lực cũng đã
kiệt. Một số ít trẻ trung hơn, nhiệt huyết còn phương cương, thì lại
chưa có kinh nghiệm trường đời, chưa được trang bị lý luận chu đáo, chưa
có kiến thức về dân chủ sâu rộng. Với những kẻ này chúng ta đàn áp
không nương tay, bỏ tù từ 3 đến 7 năm. Ðó là phương cách giết gà từ
trong trứng.
Thử tượng xem một tài năng trẻ phải thui chột những năm tháng đẹp
nhất của cuộc đời trong lao tù, cách ly với môi trường học vấn, gặm nhấm
nỗi cô đơn thay cho việc học hành nghiên cứu, thì sao có thể phát triển
hết khả năng? Khi ra tù thì cũng đã quá tuổi trung niên, mệt mỏi, chán
chường. Nếu vẫn còn dũng khí thì cũng đã tụt hậu về kiến thức, bị trì
néo bởi gánh nặng gia đình, còn làm gì được nữa?
Với những phân tích như trên tôi cho rằng chế độ của chúng ta vẫn còn
bền vững ít nhất thêm hai mươi năm nữa. Nhưng thời thế đổi thay. Chúng
ta không thể kiêu ngạo mà tin rằng sẽ trường tồn vĩnh viễn. Chúng ta
luôn học hỏi và thay đổi để sống còn và vươn lên, nhưng cũng nên biết
rằng đối thủ của chúng ta có lẽ cũng không quá ngu ngốc.
Nếu kẻ địch cũng nhìn ra được mạnh – yếu của chúng ta, cũng biết tự
đổi thay để thích nghi, cũng biết học cách đấu tranh có phương pháp, có
tổ chức, có chiến lược… thì chuyện gì sẽ xảy ra sau hai mươi năm nữa
thật khó mà biết được.
Ðó là một cuộc đua đường trường mà kẻ nào dai sức hơn, bền chí hơn, khôn ngoan hơn, thì sẽ đến đích trước.
Chúc các đồng chí chân cứng đá mềm và luôn nhớ lời dạy của Hồ Chủ
tịch: “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng!”