Nguyễn Quang Thân
Xã hội văn minh nhất là xã hội có một nền pháp luật chan chứa tình người, có cái gốc nhân bản bền vững.
Nếu chúng ta ai đã từng trải qua những ngày khó khăn của thời sau
Cách mạng tháng Tám, những ngày chết chóc, máu lửa ở miền Nam, miền Bắc,
khi cơm áo gạo tiền không thừa thãi như bây giờ, đều hiểu rằng nếu
không có tình người thì không ai vượt qua nổi những thử thách cam go ấy.
Thời ấy, con người thương yêu, đùm bọc nhau, coi trọng chữ tín, tình
thương, danh dự hơn tiền bạc, của cải. Dân với quân như cá với nước. Cán
bộ với dân như người một nhà.
Quý hiếm thường đi đôi nhưng đồng tiền hiếm mà lại không được quý.
Những người dân lấy bọc tiền gói trong mo cau đưa ông chỉ huy nào đó vay
mua gạo cho lính, nhận một cái giấy biên nhận với chữ ký loằng ngoằng,
không cần biết tên người ký là ai, thuộc đơn vị nào, lại gác lên bếp,
quên luôn. Không ai mặc cả, đòi hỏi một lời khen hay bất cứ cái gì. Vì
thương bộ đội, vì tình người, vì kháng chiến chứ không ai nghĩ tới
chuyện góp tiền đầu tư kiếm lãi. Bạc vàng bỗng nhiên bị coi nhẹ như lông
hồng. Thời đó nếu ai bảo "Tình bạn là tạm thời, quyền lợi là vĩnh viễn" thì chắc đã bị nhổ vào mặt.
Ngày nay, dù nước ta vẫn là một nước nghèo, đa số dân chúng vẫn còn
thiếu thốn nhưng so với trước thì của cải dồi dào hơn, kiếm tiền dễ hơn,
hàng hóa phong phú hơn. Nhiều người có tiền để dành trong tài khoản
ngân hàng, không ít người trở nên giàu có (chính đáng hoặc bất chính) cỡ
triệu phú đô la. Nhưng có cái lạ là tiền càng nhiều, tiền lóe sáng khắp
nơi cả trong phòng hợp cẩn đêm tân hôn, thì tiền lại càng được quý,
được vồ vập. Quy luật hiếm mới quý không còn nữa.
Người ta hô hào, khuyến khích, coi việc làm ra tiền nhiều hơn là "ưu
việt". Người có tiền thì lập tức có quyền sai khiến, khinh khi, thậm chí
coi rẻ người khác. Tình người dường như quá dễ dàng bẹp dí trước đồng
tiền và tiện nghi, dù là thứ đồng tiền thất lý, phi nghĩa, dù đó là
những thứ tiện nghi nhiều khi rất quái đản của xã hội tiêu dùng.
Chỉ cần lướt mạng hoặc mở nhật trình vào bất cứ thời điểm hay ngày
tháng nào đó, chúng ta đều phải rùng mình đến ớn lạnh trước hàng đống
tin tức không ai muốn thấy, muốn đọc, nếu có nhắc lại cũng chỉ thêm đau
lòng. Tội ác của tuổi vị thành niên, của thành niên và cả của những
người lớn tuổi tưởng đã thoát được tục lụy.
Bức tranh khá ám đạm xảy ra hàng ngày ấy chỉ có một màu ảm đạm của
đồng tiền. Giết cha, đánh mẹ, bán em gái, con gái sang Tàu cũng vì tiền.
Bán rẻ, thọc lưng đồng chí bạn bè, dù bằng dao găm hay thủ đoạn tinh vi
bọc nhung cũng chỉ vì tranh ăn. Ai biết tình người là đâu?
Tất nhiên, giữa đống băng giá lạnh lẽo vẫn còn lóe sáng lên tình
người. Nhà giàu làm từ thiện, con nhà nghèo cắn răng giữ gìn nhân phẩm.
Nhưng đạo đức truyền thống của cha ông thường được cất lên yếu ớt nhiều
khi tuyệt vọng. Con người chân chính không phải lúc nào cũng có thể vượt
qua được sức cám dỗ. Và tình người luôn luôn như cái mầm cây yếu ớt
phải "liều mình như không có" để vươn khỏi sự đè nén của thói ty tiện,
ác độc của lối sống phi nhân, phi tình nghĩa, lấy thành tích vơ vét tiền
bạc làm "vẻ vang", lấy đau khổ và sự nghèo khó của đồng loại làm so
sánh để tự hào, làm "bánh mì" để sống tiếp.
Từ bao giờ người ta đã quay mặt, hoài nghi với tình người? Phải chăng
khi người ta chỉ phiến diện nhấn mạnh "làm giàu, làm giàu và làm giàu"
sau hàng thập kỷ phải sống trong nghèo khổ của loạn ly và chiến tranh
cũng như sai lầm bao cấp? Phải chăng người ta muốn thoát ra khỏi khủng
hoảng khi công nhận quy luật khắc nghiệt của thị trường nhưng lại không
kịp thiết lập một nền pháp trị có hiệu lực ngăn chặn sự lên ngôi của
thói phi nhân vốn là nhân tố hủy hoại hiệu quả nhất sự lành mạnh của bất
kỳ xã hội, chế độ nào? "Địa ngục là người khác" (L'enfer c'est l'autre -
Jean Paul Sartre) vốn chỉ là một phát hiện về não trạng tinh thần của
một xã hội bị băng hoại sau chiến tranh và giết chóc đã được mặc nhiên
biến thành một khẩu hiệu để sống. Tai nạn là ở chỗ người ta nhắm mắt đạp
lên người khác để vươn lên. Tình người, nhân tố kết dính con người bền
vững nhất bỗng tan rã vô phương cứu chữa nếu không quay đầu về bến.
Không thể vì hốt hoảng trước một thực trạng xã hội vắng tình người mà
lên án quy luật kinh tế thị trường. Cũng không thể quay sang với "đức
trị" khi tình người được đề cao, rao giảng nhưng không ít trường hợp là
để che đậy những mưu mô chà đạp con người của những kẻ ăn trên ngồi trốc
nhằm duy trì đặc lợi, đặc quyền và kìm hãm xã hội trong nghèo nàn, lạc
hậu hoặc tệ hơn trong sự quân bình phản tiến bộ có tác dụng hiệu quả
nhất để tạo ra nghèo đói và suy đồi văn hóa.
Trong xã hội mới, tình người được đề cao nhưng pháp luật vẫn là tối
thượng. Pháp luật không chống lại con người, không coi rẻ tình người mà
trái lại, đảm bảo quyền của con người - tất cả mọi người, mọi lớp người -
được sống, được yêu thương, được "mưu cầu hạnh phúc". Xã hội văn minh
nhất là xã hội có một nền pháp luật chan chứa tình người, có cái gốc
nhân bản bền vững.
Mọi con đường đều dẫn tới một xã hội pháp trị lấy con người (dân) làm gốc.
Theo TBKTSG