Phạm xuân Nguyên
Đó là dòng tiêu đề gồm ba từ sáu chữ luôn xuất hiện cùng quốc
hiệu Việt Nam trong 67 bảy năm qua, từ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sau
ngày 2/9/1945 đến Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay. Sáu chữ
đơn giản nhưng đó là “ham muốn tột bậc” của người khai sinh ra chính thể
cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á, là cái đích Người đặt ra cho những
người đồng chí hướng của mình phải phấn đấu hy sinh đưa lại cho dân tộc
mình, cho quốc dân đồng bào mình. Ba từ bình dị mà thiêng liêng đã được
Người nung nấu từ lòng yêu nước luôn cháy bỏng trong lòng. Có lẽ Người
đã nghiền ngẫm nhiều từ câu khẩu hiệu nổi tiếng của cuộc Đại cách mạng
Pháp “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” (Liberté, Égalité, Fraternité).
Trong
hoàn cảnh Việt Nam “bình đẳng” trước hết phải là “độc lập”. Thực dân
Pháp khi sang đô hộ nước ta đã dựa vào cái tư tưởng chủng tộc văn minh,
tiến hóa, thể hiện trong câu nói “Có đồng đẳng mới bình đẳng”. Dưới mắt
chúng, giống dân da vàng là thấp kém về chủng tộc, về văn hóa, không
thể nào sánh vai ngang hàng được với giống dân da trắng văn minh, tiến
bộ. Người thanh niên Nguyễn Ái Quốc cũng như bao người Việt Nam yêu nước
khác không bao giờ chấp nhận sự áp đặt lịch sử phi tự nhiên đó. Độc lập
dân tộc sẽ đưa lại bình đẳng cho quốc gia và con người. Cuộc cách mạng
tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã chứng minh
cho mục đích đó. Khi Hồ Chí Minh sang Pháp tháng 6/1946 Người đã ở vị
thế chủ tịch của một nước Việt Nam mới độc lập, thoát khỏi ách thống trị
của nước Pháp và buộc nước Pháp phải đón tiếp ở tư thế thượng khách.
Bình đẳng luôn phải trong tư cách độc lập, càng ở tầm vóc quốc gia càng
phải vậy.
Độc lập đi liền với tự do. Độc lập dân tộc đi liền với tự do của
người dân. Chính Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh tư tưởng nếu nước
độc lập mà người dân không được tự do thì cái độc lập đó cũng không để
làm gì. Tự do là một tài sản quý giá và vĩnh hằng của con người, có thể
coi đó cũng là một quyền tự nhiên của con người. Chính trong Tuyên ngôn
độc lập của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu tư tưởng của các nhà
lập quốc Hoa Kỳ để từ những quyền cơ bản của con người, trong đó có
quyền tự do, suy rộng ra quyền của một dân tộc. Cũng trên tinh thần đó,
tôi nghĩ, vị chủ tịch của nước Việt Nam mới đã mở rộng tư tưởng “bác ái”
thành “hạnh phúc”. Bác ái là tình thương, lòng yêu mến con người rộng
khắp, bao trùm. Hạnh phúc là tình thương được cụ thể hóa thành “ai cũng
có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Hạnh phúc là tình thương cho
mọi con người được chan hòa bình đẳng trong một cộng đồng ấm no, hòa
bình. Hạnh phúc là khi con người được thỏa mãn những nhu cầu và yêu cầu
chính đáng của mình. Hạnh phúc là khi người dân được sống đầy đủ các
quyền công dân của mình trong một đất nước độc lập, dưới một nhà nước
bảo đảm cho họ quyền tự do dân chủ, nhất là tự do tư tưởng. Năm 1956 đến
nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, trường Đại học Nhân
Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ ràng điều này: “Chế độ ta là chế độ
dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề,
mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là
một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người.”
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Mỗi năm đến ngày cách mạng tháng Tám và
ngày Quốc khánh, tôi thường ngẫm về ba từ sáu chữ này. Gắn với tên nước
và tên gọi chế độ từ thuở ra đời, ba từ đó theo tôi là toàn bộ di sản
chính trị và toàn bộ lòng yêu nước của một con người mang tên Hồ Chí
Minh để lại cho đất nước và nhân dân ta. Trong những ngày này năm nay,
độc lập càng đòi hỏi được bảo vệ và củng cố, tự do càng được yêu cầu bảo
đảm, hạnh phúc càng được khát khao đạt tới. Ba từ nói thì dễ, đọc thì
nhanh, nhưng làm thì khó khăn, lâu dài, đó là một chuyện đơn giản khó
làm.
Hà Nội 31.8.2012
(Bài đăng báo Tuổi Trẻ, 1/9/2012, đây là bản chính của tác giả)
(Bài đăng báo Tuổi Trẻ, 1/9/2012, đây là bản chính của tác giả)