Mai Việt Tú
Thấy trên Dân Luận đăng Phong Trào Con Đường Việt Nam phát động
cuộc thi viết với chủ đề "Quyền Con Người và Tôi", tôi cũng tìm một thí
dụ điển hình ngắn gọn nào đó để góp thêm ý cho các thí sinh để suy
nghĩ.
Có một lần con đường chính phía bên ngoài nhà tôi được chính phủ làm
bùng binh (roundabout - vòng tròn để khỏi phải lắp hệ thống đèn kiểm
soát lưu thông). Họ làm hết ngã tư trừ đường quẹo vào khu nhà tôi. Nghĩ
cũng hơi ấm ức nên tôi chờ nếu thấy tai nạn là viết ngay cho đại biểu
quốc hội đại diện đơn vị của mình.
Rồi một ngày một tai nạn xảy ra, tôi dừng xe lại lấy điện thoại chụp
xong, về viết ngay lá thư cho bà đại biểu quốc hội với chi tiết đầy đủ,
ngày giờ số xe và hỏi: tại sao làm hết con đường mà trừ một cái để cho
tai nạn xảy ra như thế. Tuần sau nhận được lá thư bà ấy trả lời là bà đã
viết thư cho Bộ trưởng giao thông. Vài tuần sau nhận thêm một cái thư
của bà ấy kèm theo lá thư của Bộ trưởng giải thích là thống kê cho thấy
đường quẹo đó "chưa có nhiều tai nạn" bằng mấy con đường kia và vì ngân
sách có hạn nên chưa làm ngay được. Bộ trưởng cũng hứa là cứu xét vào
ngân sách sang năm. Qua năm sau, cục giao thông không làm nguyên
roundabout nhưng làm thêm một lằn quẹo để cho an toàn. Nhớ câu chuyện
này giúp cho tôi vài suy nghĩ.
Do đó tôi vào vietlaw.gov.vn để đọc lướt qua Hiến Pháp Việt Nam năm 1992. Một số điều khoản của hiến pháp năm 1992 viết:
Điều 97
Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của
nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn
đại diện cho nhân dân cả nước.
Đại biểu Quốc hội PHẢI liên hệ chặt chẽ với cử tri, CHỊU sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh TRUNG THỰC
ý kiến và nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan Nhà nước
hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động
của mình và của Quốc hội; TRẢ LỜI những yêu cầu và kiến nghị của cử tri;
xem xét, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công
dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó.
Đại biểu Quốc hội phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội.
Điều 98
Đại biểu Quốc hội CÓ QUYỀN chất vấn Chủ tịch
nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành
viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp; trong
trường hợp cần điều tra thì Quốc hội có thể quyết định cho trả lời trước
Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc tại kỳ họp sau của Quốc hội hoặc cho trả
lời bằng văn bản.
Đại biểu Quốc hội CÓ QUYỀN yêu cầu cơ quan Nhà nước, tổ chức xã
hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang trả lời những vấn đề mà đại biểu
Quốc hội quan tâm. Người phụ trách của các cơ quan, tổ chức, đơn vị này
có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong
thời hạn luật định.
* * *
Kết luận
Do đó dựa chỉ trên Điều 97 và Điều 98 (chứ chưa dám định hết các điều
khác) của Hiến Pháp năm 1992 ghi rõ "Quyền của Cử Tri" thì mọi cử tri
(người đủ tuổi đi bầu) có quyền viết thư đến bất cứ đại biểu quốc hội
nào, thì họ phải chất vấn chính phủ và báo cáo lại cử tri. Cứ tưởng
tượng trừ người trẻ và 3 triệu đảng viên ĐCSVN (vì bị cột tay và khóa
miệng) thì còn mấy chục triệu cử tri mà gửi đến các đại biểu quốc hội,
thí dụ như cướp đất, cướp nhà, y tế, giáo dục, v.v... và họ phải trả
lời vì nếu không thì "ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐÃ VI PHẠM HIẾN PHÁP RẤT TRẦM
TRỌNG" đến mấy chục triệu lần thì đáng kể đấy. Nếu không rửa sạch cả nắm
đũa thì rửa vài cái một rồi thì cũng sạch nắm cả thôi.
Chúc tất cả các cử tri nói chung và thí sinh Việt Nam của Phong Trào
Con Đường Việt Nam phát động cuộc thi viết với chủ đề "Quyền Con Người
và Tôi" thành công, thành công, đại thành công.
Mai Việt Tú
(Mai này nước Việt đẹp hơn)
Ngày 1 Tháng 9 Năm 2012
(Mai này nước Việt đẹp hơn)
Ngày 1 Tháng 9 Năm 2012