Trịnh Hội
Tổng thống Obama bắt tay cử tri tại Columbus, Ohio
Mấy hôm nay không ngày nào mà tôi không nhận email từ những người có
quyền uy nhất nước Mỹ. Hôm thì từ Phó Tổng Thống Joe Biden hoặc Đệ nhất
Phu Nhân Michelle Obama. Hôm qua đến phiên Bill Clinton. Hôm nay là
đương kim Tổng Thống Obama viết email cảm ơn tôi đã hết mình ủng hộ ông
(vì tôi đã góp vào quỹ tranh cử của ông tất cả là…$8). Trước và ngay sau
khi ông đăng đàn phát biểu tại đại hội Đảng Dân Chủ để được chính thức
đứng ra đối đầu tranh cử với người đại diện cho Đảng Cộng Hòa tháng 11
sắp tới đây là ông Mitt Romney.
Thật ra thì cũng chưa chắc ông là người đã tự tay viết email gửi đi.
Cũng chưa chắc ông biết có bao nhiêu ủng hộ viên như tôi. Nhưng chỉ cần
chi ra một số tiền quyên góp minimum $8 là đủ để mình được thông báo
hàng ngày về lần tranh cử rất hào hứng này. Cũng là lần đầu tiên tôi có
quyền đi bầu ở Mỹ. Một lá phiếu không hơn một ai. Nhưng cũng chẳng kém
anh Mỹ da trắng, da đen hay da vàng nào cả.
Chỉ cần biết bấy nhiêu là tôi vui rồi.
Chỉ cần biết bấy nhiêu là tôi vui rồi.
Cũng nhờ vậy mà tôi mới biết chỉ nội trong tháng 8 đã có hơn 1 triệu
người như tôi đóng góp vào quỹ tranh cử của ông Obama. Và ông đã có
trong tay tổng cộng số tiền gây quỹ lên đến 114 triệu đô.
Một con số quá khổng lồ phải không các bạn?
Nhưng các bạn có biết không, mặc dù ông Mitt Romney là một gương mặt
mới, lần đầu tiên tranh cử tổng thổng, nhưng cho đến nay ông cũng đã gây
quỹ được lên đến 111 triệu đô.
Rõ là kẻ tám lạng, người nửa cân. Thật không biết ai sẽ thắng.
Rất nhiều người (trong đó thỉnh thoảng có tôi!) thường cho rằng nước Mỹ là nơi mọi người chỉ biết làm việc quần quật suốt ngày, để kiếm tiền, để hưởng thụ. Ngoài ra chẳng có chuyện gì mà họ thật sự quan tâm.
Rất nhiều người (trong đó thỉnh thoảng có tôi!) thường cho rằng nước Mỹ là nơi mọi người chỉ biết làm việc quần quật suốt ngày, để kiếm tiền, để hưởng thụ. Ngoài ra chẳng có chuyện gì mà họ thật sự quan tâm.
Nhưng lối suy nghĩ ấy thiết tưởng không chính xác lắm nếu so với thực
tế. Vì thực tế cho thấy hiện nay có ít nhất là 1 triệu người Mỹ, những
người dân bình thường trong xã hội, đã và đang rất quan tâm đến sinh
hoạt chính trị của nước Mỹ. Họ quan tâm đến độ quyết định góp tiền ủng
hộ Ông Obama tranh cử để được tiếp tục làm tổng thống.
Cũng như hàng triệu người khác đã và đang ủng hộ Ông Romney. Theo cách nhìn của họ.
Đây quả là một điều đáng cho tôi học hỏi. Vì tôi nhận thấy sinh hoạt
chính trị thường là điều được mọi người ít quan tâm đến nhất. Một người
bình thường trong xã hội, thuộc giới trung lưu, hoặc có thu nhập kém có
thể bỏ ra vài trăm đô hoặc vài ngàn đô để làm việc từ thiện. Ở các chùa,
viện mồ côi, trong các thôn làng xa, hẻo lánh.
Thế nhưng nếu bạn muốn gây quỹ ủng hộ một cá nhân nào đó để đứng ra tranh cử thì tôi thấy rất ít khi, nếu không muốn nói là rất khó khăn, để bạn nhận được vài trăm đô từ người này.
Thế nhưng nếu bạn muốn gây quỹ ủng hộ một cá nhân nào đó để đứng ra tranh cử thì tôi thấy rất ít khi, nếu không muốn nói là rất khó khăn, để bạn nhận được vài trăm đô từ người này.
Một phần có lẽ đây cũng là vì bản chất của con người. Chúng ta thường
chỉ cảm động, muốn giúp những gì ở ngay trước mặt ta. Để chúng ta có
thể thấy được ngay lập tức niềm hạnh phúc mà chúng ta vừa mang lại cho
những kẻ khốn cùng. Khác với việc phải tranh đấu, phải bỏ công lao sức
lực và tiền bạc để thay đổi những chính sách bất công đòi hỏi nhiều thời
gian và sự dấn thân vào việc vận động hậu thuẫn chính trị để thay đổi
chính sách. Vài năm sau chưa chắc đã thấy kết quả.
Một phần khác tôi nghĩ đây có lẽ cũng là vì trong việc dạy dỗ con cái
của người Việt chúng ta, các bậc cha mẹ thường không khuyến khích con
mình tham gia vào các hoạt động mang tính cách chính trị. Mà họ chỉ
thiên về việc ‘ăn hiền, ở lành’, khuyên con nên đi làm việc thiện ở chùa
hơn là trực tiếp tranh đấu để xã hội được công bằng hơn.
Mặc dù chúng ta ai cũng biết, hoạt động chính trị chắc chắn và luôn
mang lại những ảnh hưởng to lớn nhất, sâu đậm nhất trong xã hội. Nó có
thể đem đến sự phú cường chỉ trong hai, ba thập niên cho cả đất nước
(Nam Hàn, Đài Loan) hay đến bờ vực thẳm chỉ vì một thế hệ lãnh đạo bất
tài, ác độc, coi mạng người như cỏ rác (Đức Quốc Xã, Trung Quốc trong
suốt ba thập niên 1950 – 1970).
Không có bất kỳ một công tác từ thiện nào có thể mang đến những thay
đổi lớn lao trong xã hội bằng những biến chuyển từ chính sách mà các
hoạt động chính trị mang lại.
Vì thế mỗi ngày tôi càng thấm câu: ‘you may not think about politics
but politics thinks about you’. Có thể bạn không nghĩ về chính trị nhưng
chính trị luôn nghĩ về bạn.
Năm năm về trước khi tôi quyết định về lại Việt Nam tôi tưởng rằng
nếu như tôi không nghĩ về chuyện chính trị, không làm chuyện chính trị
thì những việc chính trị sẽ không liên quan đến tôi.
Nhưng tôi đã lầm. Vì chính trị, đặc biệt là nền chính trị độc đảng
hiện tại ở Việt Nam rất thích nghĩ về tôi. Và tất cả những ai còn quan
tâm đến quyền kiểm soát chính trị độc tài, độc đảng của Đảng!
Thế thì dại gì mà tôi không suy nghĩ để dấn thân bằng những hành động cụ thể nếu như tôi không thích nó?
Nhưng mà thôi. Đấy lại là một chuyện khác. Trước tiên và ngay bây giờ
là tôi cần phải học cách làm việc của Team Obama. Để làm sao có email
của tất cả những ai đã và đang ủng hộ việc tôi làm, đã từng đóng góp cho
tổ chức thiện nguyện VOICE, 5 đô, 10 đô để chúng tôi có thể thông báo
cho họ biết công việc mà chúng tôi vẫn đang tiếp tục thực hiện.
Đó là giúp đỡ cho những thuyền nhân Việt Nam cuối cùng được định cư ở Canada.