James Parker, The Diplomat
Bảo Anh chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Bảo Anh chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Đây là thời điểm khó khăn đối với Việt Nam. Sau hơn một thập kỷ
có mức tăng trưởng ấn tượng, nền kinh tế Việt Nam đang bắt đầu chậm
lại. Các sự kiện đầy kịch tính trong những tuần gần đây cho thấy khó
khăn vẫn tiếp tục leo thang.
Nền kinh tế Việt Nam đã trở nên ngày càng khó khăn hơn để quản lý. Hà
Nội đã phải vật lộn với vấn nạn giá cả tăng cao trong nhiều năm qua. Từ
năm 2008, Việt Nam đã phải chịu hai cơn lạm phát chỉ số giá tiêu dùng
(CPI). Riêng trong năm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, giá
cả tại nước này đã tăng vọt hơn 20%. Trong năm 2011, chỉ số CPI hàng
tháng đều trên mức 15% hầu như trong suốt cả năm.
Chỉ số chứng khoán thị trường đã giảm mạnh kể từ đầu tháng Năm, và
đang ở mức thấp nhất so với đỉnh điểm sau cuộc khủng hoảng hồi năm 2009.
Tiền tệ đã mất giá đáng kể từ năm 2008, một phần là do dụng ý của cơ
quan chính phủ, mặt khác vì các mối quan ngại nghiêm trọng về cấu trúc
và trạng thái của nền kinh tế hiện hành.
Trong thực tế, mô hình kinh tế của Việt Nam rất giống với nước láng
giềng Trung Quốc. Được xem như là một nước có thể thay thế Trung Quốc
đối với các công ty nước ngoài có nhu cầu tận dụng chi phí sản xuất giá
rẻ, Việt Nam hiện đang gặp phải một số vấn đề tương tự như phía Bắc
Kinh. Những vấn đề này bao gồm: một hệ thống phân bổ tín dụng bị bóp
méo, trong đó các công ty thuộc sở hữu nhà nước có nhiều ưu đãi tín dụng
hơn – và họ không sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, mở rộng tín dụng
trong thời gần đây đã làm gia tăng nguy cơ bong bóng bất động sản, bất
ổn xã hội trong các vụ tranh chấp đất đai, khoảng cách giàu nghèo ngày
càng rộng, và những lời chỉ trích ngày càng gia tăng chống lại các quan
chức chính phủ cũng như giới kinh doanh đối với vấn nạn tham nhũng và
“chủ nghĩa thân hữu”.
Những vấn đề này lại đặc biệt nổi bật trong thời gần đây. Vào cuối
tháng Tám, ông trùm Nguyễn Đức Kiên bị bắt liên quan đến kinh doanh trái
phép, làm lũng đoạn ngắn hạn tại ngân hàng Thương mại Á Châu (Asia
Commercial Bank) mà ông là một trong những người đồng sáng lập. Ngày 4
tháng Chín vừa qua, Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Vinalines – Tổng
công ty Hàng hải Việt Nam thuộc quyền sở hữu nhà nước hiện đang gặp
nhiều khó khăn, đã bị bắt bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sáu giám đốc điều
hành khác của Vinalines cũng đã bị bắt giữ trong năm nay. Trong cùng
một tuần, Phạm Thanh Bình, cựu Chủ tịch Vinashin, đã bị tòa bác bỏ đơn
kháng cáo đối với án tù hai mươi năm liên quan đến những hoạt động bất
thường tại công ty này. (Vinashin là công ty chuyên về hoạt động đóng
tàu thuộc quyền sở hữu của nhà nước, gần đi đến phá sản vào cuối năm
2010 vì các khoản nợ cũng như nhiều sai phạm nghiêm trọng trong cách
quản lý).
Trong khi một số những vụ bắt giữ gần đây được cho có liên quan đến
cuộc đấu tranh quyền lực trong chính phủ, thì mặt khác nó cũng cho thấy
tình trạng bất ổn kinh tế đang ngày càng gia tăng và cần khẩn cấp giải
quyết vấn đề này trong thời gian sớm nhất. Các doanh nghiệp nhà nước
(DNNN) có đặc quyền vay mượn tín dụng đã góp phần đưa tổng số nợ khổng
lồ lên đến 50 tỷ USD, và hiện tại thì các doanh nghiệp này lại làm trì
trệ nền kinh tế nói chung. Các khoản nợ xấu (những trường hợp khách hàng
vay mượn nhưng không có khả năng trả được nợ) đang tăng cao.
Trong tháng Bảy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết hiện nay có
khoảng 8,6% các khoản cho vay trong hệ thống ngân hàng là nợ xấu. Đây là
tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN, ngay cả khi độ tin cậy của các dữ liệu
này bị một số chuyên gia nghi ngờ.
Ngân hàng Nhà nước đã hành động đúng lúc để ngăn chặn cuộc khủng
hoảng tại ngân hàng ACB, nhưng hiện họ phải đối mặt với nhiều vấn đề khó
khăn khác trong hệ thống tài chính của đất nước. Những khoản nợ chồng
chất đang tăng lên quá nhanh và thắt chặt kiểm soát tín dụng trong năm
nay đã dẫn đến kết quả suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Cải cách hệ
thống tài chính và quan trọng hơn là vị trí cũng như tình trạng của các
doanh nghiệp nhà nước là điều cấp bách. Một số doanh nghiệp nhà nước
khác được cho rằng cũng đang gặp phải tình trạng thiệt hại tương tự như
Vinalines và Vinashine, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Cải cách không bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt khi giới tinh hoa
quyền lực đang có nhiều quyền lợi trong các tập đoàn này. Tuy nhiên,
việc bắt giữ Nguyễn Đức Kiên cho thấy những hành động cụ thể đang được
tiến hành. Điều này cũng có thể thấy rằng ở Việt Nam, cũng như ở nhiều
nơi khác, chính trị và kinh tế luôn đi đôi với nhau.
Nguồn: The Diplomat
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012