Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Khi “Nhân dân” trở thành “thế lực thù địch”

Phan Thế Hải

Tiệc ta vẫn có thói quen, khi có điều gì trái ý mình đều cho rằng đó là “luận điểm của các thế lực thù địch.” Những năm cuối 70s, đầu 80s của thế kỷ trước, cái thời kỳ gọi là “Tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH”, Tiệc ta huy động cả hệ thống chính trị tiêu diệt nền kinh tế thị trường. Thời đó, một lực lượng đông đảo cán bộ công chức thiết lập hàng trăm trạm kiểm soát ngăn sông cấm chợ khiến đời sống dân chúng ngột ngạt, đói khổ đến kiệt quệ.
Để tồn tại và sống sót qua thời kỳ đó, một bộ phận dân chúng vẫn âm thầm phát triển kinh tế gia đình. Những làng nghề truyền thống như Đình Bảng, Làng Vân (Bắc Ninh)… vẫn lén lút hoạt động để cung cấp cho thị trường những mặt hàng thiết yếu. Tiệc ta gọi đó là “những mầm mống của kinh tế tư bản”, cần phải tiêu diệt. Một số hãng truyền thông quốc tế như BBC, RFA, VOV đưa tin về các vụ đàn áp kinh tế tư nhân, về thực trạng nghèo đói ở các vùng nông thôn VN bị Tiệc ta gọi là “luận điểm của các thế lực thù địch” nhằm “cản trở công cuộc xây dựng CNXH” của dân ta.

Thực tế cho thấy, nơi nào “quán triệt sâu sắc” chính sách cải tạo kinh tế của Tiệc đều trở nên đói kém, kiệt quệ, nơi nào “buông lỏng” chính sách quản lý thị trường của Tiệc đều khá giả và mở mày mở mặt. Điển hình là tỉnh Vĩnh Phúc của ông Kim Ngọc, nhờ áp dụng khoán chui mà hàng chục ngàn hộ nông dân đã thoát khỏi thiếu đói triền miên.
Khi nhờ “luận điểm của các thế lực thù địch” mà Tiệc ta mới nhận ra rằng, cứ “kiên định đường lối” thì nền kinh tế sẽ lao xuống vực thẳm, chính Tiệc ta cũng chẳng còn đồng xu nào để in ấn văn kiện nghị quyết, chẳng còn đồng xu nào để in pano, áp phíc tuyên truyền cho sự lãnh đạo sáng suốt... Hết nghị quyết, Tiệc chỉ là cái thây ma. Bản năng tồn tại mách bảo, Tiệc thả rông cho các thành phần kinh tế tự do phát triển. Nhờ đó thoát khỏi đói nghèo. Điều này được gọi là “công cuộc đổi mới” do Tiệc “khởi xướng và lãnh đạo”.
Trong bối cảnh nền kinh tế VN suy thoái, lạm phát tăng cao, nội bộ lục đục, nhiều tập đoàn KT nhà nước thua lỗ, một số trang blog như “dân làm báo”, “quan làm báo” phản ảnh thực trạng ấy, liền bị Thủ tướng cấm cán bộ truy cập những trang báo mạng và bị quy chụp là “phản động”, “bôi đen lãnh đạo”, “kích động chống Đảng”… và cho đó là luận điểm của “các thế lực thù địch”.
Điều đáng nói là, Tiệc ta đang sở hữu một bộ máy an ninh đông như quân Nguyên, có mặt ở khắp mọi ngõ ngách của đời sống, nhưng tuyệt nhiên không thể tìm ra “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái biến chất” hay “các thế lực thù địch”. Cái gọi là “có nguy cơ tụt hậu” thực chất là tụt hậu thực sự nhưng Tiệc vẫn dùng những mỹ từ để che đậy.
Cái gọi là “nền kinh tế suy thoái”, “tụt hậu”, “lạm phát tăng cao”, “đời sống nhân dân khó khăn”… được coi là “luận điểm của các thế lực thù địch” thực chất là những điều có thực, đang diễn ra. Nếu Tiệc ta thực lòng, làm một cuộc điều tra nho nhỏ sẽ thấy rằng, ít nhất là 90% dân chúng thừa nhận điều đó. Với tỷ lệ đó, có thể nói rằng đó là luận điểm của nhân dân. Vậy là, Tiệc ta đã đồng nhất “Nhân dân” với “các thế lực thù địch”.
Không biết điều này có đúng hay không nhưng chỉ biết rằng, Tiệc ta vẫn chủ trương “phải giữ bằng được chế độ” như tuyên bố của anh Trọng. Còn chuyện dân kêu ca rên xiết, đó chẳng qua là “luận điểm của các thế lực thù địch”.
Xin được tư vấn cho Tiệc: Muốn tiêu diệt được “các thế lực thù địch” thì tốt nhất hãy tiêu diệt hết 86 triệu người dân VN đi. Nếu không dẫu sử dụng bộ máy an ninh, các cơ quan công quyền với những chi phí khổng lồ cũng không thể tìm ra “các thế lực thù địch” là thằng nào.
Phan Thế Hải

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"