Tùng Lâm
Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị thăm và tặng quà cho tân thủ khoa trường Đại học Dược
Hàng năm cứ sau mỗi kỳ thi tuyển sinh vào đại học lại có thêm một
danh sách mới những tân thủ khoa của các trường. Thông thường mọi người
đều đón nhận những thông tin này một cách phấn khởi, hồ hởi và ngưỡng
mộ. Xã hội, gia đình, bạn bè của các em đều dành cho các em “tân thủ
khoa” một tình cảm yêu mến, trân trọng và hãnh diện.
Năm nay cũng vậy, bên cạnh 7 tân thủ khoa các trường khác là em Lê
Đức Duẩn - tân thủ khoa của trường Đại học Dược Hà Nội được vinh dự đăng
quang. Các hãng Thông tấn thi nhau đưa tin về những “tân thủ khoa” của
năm học mới với nhiều hình thức, nhiều góc cạnh. Những thông tin về
thành tích học tập, điểm thi hay tinh thần học tập của các tân thủ khoa
đương nhiên đều xuất sắc. Về hoàn cảnh, mỗi em mỗi vẻ, đều khó khăn gian
khổ nhưng đặc biệt mức độ nghèo khó thì trường hợp của em Lê Đức Duẩn
khiến ta phải nghẹn ngào rớt nước mắt. Thành tích của em là một kỳ tích,
song hoàn cảnh của em lại như một mũi dao trích sâu thêm vào nỗi đau
của mỗi chúng ta - những người có trách nhiệm với xã hội, nó dấy lên
trong ta một tâm trạng khó tả.
Một học sinh lớp mười hai, mười tám tuổi, cân nặng chỉ 33 kg. Suốt
những năm học cấp 2, cấp 3 chỉ đi chiếc xe đạp quấn lốp, không phanh,
không chắn bùn, không pê đan… lại đạt thủ khoa, thật hết sức chua xót.
Đọc thêm những mẩu chuyện về em qua những người thân kể lại, mới biết
bữa ăn của em chỉ có rau, có cà; cả ba năm học cấp 3 em chỉ có hai chiếc
áo sờn và đôi dép đứt quai. Gia đình em ở ngay Phú Xuyên - một Huyện
thuộc Thành phố Hà Nội, vậy mà thu nhập của ba mẹ con mỗi tháng không
nổi 500.000 VNĐ, khiến ta càng ngẹn ngào và có cảm giác như mình là
người có tội.
Công việc làm thêm và chiếc xe cà tàng của tân thủ khoa trường Đại học Dược
Sau những tin ban đầu về các thủ khoa nói chung và em Lê Đức Duẩn nói
riêng, đến lượt các trang báo thi nhau giật tít về các nhà hảo tâm, các
vị quan viên, chức sắc xuất hiện như những vị cứu tinh làm nhoà đi hình
ảnh các vai chính. Cho đến nay các thông tin đọng lại nổi bật nhất trên
các báo (báo lề đảng) chủ yếu là: “Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trực tiếp chỉ đạo học viện Quân Y đặc cách nhận thủ khoa Lê Đức Duẩn vào trường”, rồi đến “Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị đã trực tiếp đến thăm, động viên gia đình em ở Phú Xuyên và tặng sổ tiết kiệm 10 triệu đồng”…
Ông bạn tôi - một người 50 năm tuổi đảng đưa ra một nhận xét hài hước: “đảng và chính phủ luôn có mặt kịp thời và động viên đúng lúc, đặc biệt là việc tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn”. Tôi bỗng liên tưởng đến những hình ảnh “rất đáng nhớ”
của các vị lãnh đạo phải đi hàng trăm km bằng máy bay trực thăng hay xe
chuyên dụng đến tận hiện trường tặng những phần quà (chăn màn hay mỳ
tôm) cho đồng bào bị lũ lụt ở một tỉnh nào đó, họăc thăm đồng bào vùng
sâu vùng xa vào những dịp năm hết tết đến.
Có vẻ như mỗi lần có tai hoạ ập đến, đổ xuống đầu người dân thì ta
lại thấy nổi lên những khuôn mặt “khả ái” luôn biết “chăm lo” đến đời
sống của dân. Những dịp ấy ta lại thấy một danh sách dài những vị hảo
tâm, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước dùng nguồn vốn đóng
thuế của dân (đang lỗ nặng, còn nợ tiền lương và bảo hiểm của người lao
động) vẫn hết mình với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, trao tặng những
món tiền khổng lồ từ vài tỷ đến vài trăm tỷ. Không biết số tiền ấy đến
tay người dân được bao nhiêu phần trăm???
Bỗng tôi không kiềm chế được đành tranh luận đến cùng với ông bạn 50 năm tuổi đảng của tôi:
- Theo ông: các vị quan chức kia nghĩ gì về cảm tưởng của gia đình em
thủ khoa Lê Đức Duẩn? Có lẽ các vị nghĩ rằng em và gia đình em phải hàm
ơn đảng và Nhà nước của ông lắm? Chả thế mà những bức ảnh chụp các vị
thể hiện sự mãn nguyện ra mặt với nghĩa cử “hào hiệp” của mình.
- Việc dành tình cảm hay sự hỗ trợ cho một cá nhân (em Duẩn) là điều
cần thiết và cũng đáng trân trọng. Nhưng nếu tôi là Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng thì trong những ngày qua, trước việc Nhà cầm quyền trung Quốc
ngang nhiên có hành động khiêu khích và xâm chiếm lãnh thổ Việt nam thì
tôi sẽ thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng
thể hiện một thái độ hết sức cứng rắn và cương quyết để một mặt đáp trả
thái độ ngang ngược của bon Bành trướng, mặt khác động viên nhân dân hơn
là xuất hiện trong vụ thủ khoa này.
- Nếu tôi là Bí thư Hà Nội thì tôi đã không để cho những “thần dân“
của mình nên nông nỗi đó. Thật xấu hổ cho một một Quốc gia và một Thủ đô
khi mà những người dân chăm chỉ, thông minh phải chịu một cuộc sống bần
cùng cơ cực đến thế. Không chỉ riêng gia đình em Duẩn, mà biết bao
nhiêu gia đình khác, thậm chí còn khổ hơn thế. Họ đang ngày đêm vật lộn
với miếng ăn, với cuộc sống, trong khi rất nhiều quan chức thì sống phè
phỡn. Chúng đánh bạc hàng triệu đô và chơi gái một đêm cả trăm triêu.
Con cái chúng đi những chiếc xe hàng chục tỷ và mua những biệt thự hàng
trăm tỷ. Tiền nuôi chó cảnh của nhà chúng cũng đủ nuôi cả một làng.
- Nếu tôi là Bí thư Hà nội thì ngay sau biết câu chuyện về hoàn cảnh
gia đình em Duẩn, trước hết tôi cách chức Chủ tịch xã, kiểm điểm Chủ
tich huyện về việc để một học sinh giỏi như thế phải chịu khổ suốt 10
năm hoc (em đã học giỏi lâu rồi chứ không phải khi thi mới phát hiện
ra). Nếu qua thống kê thấy tỷ lệ đói nghèo của huyện nào cao sẽ cách
chức Chủ tịch, nếu nhiều huyện như thế, tôi sẽ xin lỗi dân và nộp đơn
xin từ chức.
Nói vậy thôi chứ có lẽ đấy cũng là nét văn hoá của hầu hết các lãnh
đạo quốc gia này chứ chẳng riêng hai vị “to đầu mà dại” ấy. Đặc biệt đây
lại là một quốc gia có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa (đang trên con đường thử nghiệm) thì đương nhiên nó phải thế. Hành
động này cũng phần nào giống trường hợp Thủ tướng trực tiếp tổ chức lễ
vinh danh Giáo sư Ngô bảo Châu nhân dịp GS nhận giải thưởng FIELDS tại
Trung tâm hội nghị Quốc gia Mỹ Đình ngày 29/8/2010. Thật hoành tráng.
Câu chuyện này đã qua 2 năm rồi nhưng vẫn đọng lại trong tôi một cảm
giác rất khó tả. Nhân vật chính (người được giải thưởng) thì thể hiện
thái độ đúng mức, khiêm tốn, giản dị và… rất có học. Ngược lại người
vinh danh cho anh ta lại khác hoàn toàn. Nếu không theo dõi từ đầu thì
rất dễ nhầm lẫn giữa hai vai, nhiều người còn cho là “hơi phản cảm”.
Điều này khác hẳn với các nước phương Tây. Nơi nhiều nhà khoa học, nhà
văn, nhà thơ, nhà chính trị được giải thưởng Nobel hoặc các ngôi sao màn
bạc nhận giải thưởng Oscar, giải Cannes hay Cành Cọ Vàng, người vinh
danh (dù là ở cương vị nào) thường đứng ở một tư thế “khiêm tốn” hẳn so
với người được vinh danh, họ nói rất ít. Những lễ phong tặng danh hiệu
“hiệp sỹ” được Vua hoặc Nữ hoàng trực tiếp trao cũng đều thể hiện rất
đúng với vai của họ. Họ không “ồn ào”, không trịch thượng và “vơ vào”,
mà luôn thể hiện sự biết ơn đến những nhân vật anh hùng đã làm nên kỳ
tích đó.
Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng và Giáo sư Ngô Bảo Châu.
Tổng thống Obama cụng tay binh sỹ Mỹ tại Iraq.
Nhưng thôi, có lẽ mọi so sánh đều khập khiễng. mỗi quốc gia có một
trình độ phát triển, mỗi dân tộc có một bản sắc văn hoá, ta cứ tạm cho
những hành vi như thế là phù hợp với đẳng cấp và văn hoá dân gian trong
giai đoạn này. Những hành vi đó dù sao cũng có thể bỏ qua được.
Nhưng những vụ bê bối dẫn đến thất thoát đến hàng trăm ngàn tỷ như
Vinashin hay Vinaline thì sao? Rồi các loại Vina khác cũng đang ngày đêm
cùng với nhóm lợi ích thâu tóm ngân hàng đang phá hoại nền kinh tế, đẩy
xã hội đến sa sút về mọi mặt thì sao? Những dự án “Khủng” tàn phá môi
trường, bóc lột đến khánh kiệt tài nguyên thiên nhiên hay vay tiền vô
tội vạ để chồng chất món nợ cho tương lai thì sao? Đấy nhất thiết không
phải là “bản sắc văn hoá dân tộc”. Không thể bỏ qua!
Những thủ khoa như Lê Đức Duẩn và hàng triệu học sinh nghèo, suy dinh
dưỡng khác đang oằn mình vừa làm vừa học để tồn tại, vừa cùng với gia
đình trả gánh nặng quá khứ, vừa phải cõng trên vai một món nợ đã được
ghi sẵn cho tương lai của các em.
Đây là niềm kiêu hãnh hay nỗi nhục? Là thành tích hay tội ác? Là nụ cười hay những giọt nước mắt?
Tùng Lâm
Hà Nội 03.09.2012
Hà Nội 03.09.2012