Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Nhà dấn thân Miến Điện tới Washington

Đính từ Thức chuyển ngữ 
Da vàng
ASSK portrait
Bà Aung San Suu Kyi với Huân Chương Vàng Quốc Hội
giữa Lãnh tụ Thiểu số Hạ Viện Nancy Pelosi (trái),
và Bộ Trưởng Ngoại Giao Hillary Clinton (phải)
dưới vòm tòa Capitol tại Hoa Thịnh Đốn ngày 19 tháng 9 năm 2012

Trong tất cả những năm dài bị quản thúc tại gia, bà Aung San Suu Kyi đã tự kiểm chế không nuôi một con chó làm bạn đồng hành.
“Tôi không nghĩ điều đó là công bằng đối với con chó,” bà nói với các ký giả của báo Washington Post trong cuộc thăm viếng tòa báo vào ngày thứ tư 19-09.
Bây giờ bà đã được tự do, trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên trong bốn thập nỉên, bà đã được Quốc Hội Hoa Kỳ trao tặng danh dự cao nhất là Huân Chương Vàng Quốc Hội vào chiếu thứ Tư 19-09-2012, và hiện bà cũng đã có một con chó. Sự công bằng vẫn là điều bà quan tâm, trong thời gian hỗ trợ sự chuyển tiếp an bình không thể ngờ từ độc tài sang dân chủ tại đất nước 50 triệu dân của bà.
Tôi đã có dịp viết về bà Aung San Suu Kyi trong nhiều năm, nhưng chưa bao giờ có dịp gặp bà. Con người thật của bà cũng giống như những hình ảnh đã được phổ biến, mà có thể còn trội hơn: nghiêm trang nhưng thông minh sắc sảo, tự tin nhưng khôi hài về mình, tôn trọng tinh thần nhưng vô cùng thực tế.
Bà nói, “Phẩm chất cao nhất của con người là sự tử tế”, khi chia sẻ một trong những kinh nghiệm bà học được trong gần hai thập niên bị cô lập. “Nó là điều không mất tiền mua, và tôi không hiểu tại sao người ta quá keo kiệt về sự tử tế”.
Đây là nguyên tắc của bà để có một cuộc sống tốt đẹp, và bà cũng coi như một chiến lược trong việc phát huy sự thay đổi về chính trị và kinh tế tại Miến Điện, nơi đã bị cai trị bởi chế độ quân phiệt trong nửa thế kỷ, hầu hết thời gian từ sau thời thuộc địa.
Các tướng lãnh và cựu tướng lãnh đã cởi mở một vài lãnh vực. Họ đã thả một số nhưng không phải tất cả tù nhân chính trị, cho phép bà Aung San Suu Kyi và một số khác trong đảng của bà được tranh cử một số ghế trong cơ quan lập pháp và cũng nới lỏng nhưng chưa bỏ luật kiểm duyệt. Họ vẫn nắm giữ quyền chỉ huy, và thử thách lớn nhất có lẽ sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử dự trù cho năm 2015.
Bà Aung San Suu Kyi đã tự mình trở thành đối tác cùng với những người chủ trương cải tổ trong chế độ, đáng kể nhất là Tổng Thống Thein Sein, tới mức khiến một số người ủng hộ từ lâu phải ngỡ ngàng. Họ hoang mang làm thế nào bà có thể kêu gọi chuyện bác bỏ cấm vận khi tiến trình tới dân chủ còn quá mong manh, tại sao bà không phát biểu mạnh mẽ hơn để chống lại những ngược đãi của chính quyền đối với các sắc dân thiểu số.
“Lên án [chính quyền] không phải là sở trường của tôi”, bà Aung San Suu Kyi trả lời. “Nếu lên án làm cản trở tiến trình hòa giải, thì tôi không thấy có gì lợi trong chuyện đó”.
Trong cuộc gặp gỡ chúng tôi, bà tỏ ra hoàn toàn tích cực. Bà nói: những doanh nhân bị nhiều người dè bỉu – như những kẻ cấu kết với chế độ – xứng đáng được thử thời vận trong nền kinh tế mới. Chuyện bà bị chính quyền quản thúc tại gia không nhất thiết là một hình phạt: “Họ chỉ muốn ngăn tôi ra khỏi những sinh hoạt mà họ nghĩ sẽ gây khó khăn.” Chế độ mở cửa về phía Tây phương không phải để chống lại sự đô hộ của Trung Quốc, mà chỉ vì quan tâm tới đất nước bị nghèo đói sau nhiều năm bị trừng phạt về kinh tế.
Sự mỉa mai, nếu có, chỉ thoáng bộc phát lúc bà trả lời câu hỏi của tôi về điều kiện làm việc tại thủ đô mới mẻ, “hoành tráng” nhưng vắng người của Miến Điện. Bà nói: “Con chó của tôi rất thích. Tôi thì dè dặt hơn nó”.
Trong khi trả lời câu hỏi khác, bà đồng ý là rất nhiều người Miến Điện đã khổ nhục vì chế độ hơn bà, nhưng ngay cả với họ, bà vẫn biện bạch lời kêu gọi của mình là “phục hồi công lý”, chứ không phải trả thù.
Bà nói: “Tôi không nghĩ chỉ vì một người đau khổ, người ta có thể xóa bỏ sự đau khổ đó bằng cách làm người khác đau khổ.”
Không ai có thể nghi ngờ sự chân thành của bà trong tinh thần muốn quên đi những cay đắng, càng đáng kể khi bọn côn đồ của chế độ đã gần thành công trong âm mưu giết bà vào năm 2003 và bao nhiêu người đồng đảng của bà đã bị tra tấn trong nhà tù khét tiếng Insein.
Cũng không ai có thể ngờ vực sự khẳng định tích cực của bà phù hợp với một chiến lược chính trị nhắm vào tầm xa. Bà tin rằng chế độ nới lỏng hệ thống chính trị một phần vì họ đã tin tưởng vào tuyên truyền của chính họ – lầm nghĩ chế độ được dân ưa chuộng hơn là trong thực tại, và tưởng rằng đảng NLD (National League for Democracy) của bà kém thế hơn. Khi NLD thắng 43 trên 44 ghế trong cuộc bầu cử một phần vào tháng Tư, “có vẻ như một số người trong bọn họ đã bị sốc”, bà nói.
Bây giờ các tướng lãnh hiểu ra rằng NLD vẫn được dân chúng ủng hộ như hồi 1990, khi đảng bà thắng lớn và bị chế độ hủy bỏ ngay kết quả, nhưng tại sao họ có thể cho phép một cuộc bầu cử toàn thể quốc hội có triển vọng đưa đến chỗ thay đổi quyền lực?
“Tôi hy vọng họ sẽ không câu nệ khía cạnh thân dân của tôi, mà chú trọng tới điều tôi mong muốn hợp tác với họ”, bà trả lời. “Tôi muốn hòa giải”.
Bà đã nghiên cứu trường hợp các nước đã thực hiện hoặc toan tính sự chuyển tiếp: Nam Phi, Indonesia, Kampuchia, Chile. Bà biết nó khó khăn như thế nào, và Miến Điện chỉ mới đi bước đầu. Để giúp dân chủ tiến bước, bà đã phải tự làm lại chính mình, từ thần tượng tự do thành một vai trò khó khăn hơn: nhà chính trị.
Bà nói với chúng tôi: “Tôi ưa chuộng mọi bước tiến sẽ mang lại hài hòa dài lâu.”

Nguồn:
Fred Hiatt, Burma’s Champion Comes to Washington,” Washington Post (Wednesday, 9/19/12)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"