Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Chợ đêm ở Huế, chợ của người nghèo

Phi Khanh/Người Việt

HUẾ - Nếu như ban ngày, đất Huế nhộn nhịp bước chân du khách qua những đền đài, lăng tẩm, thì đêm về, thành phố cố đô trở nên im vắng lạ thường. Rồi đến 12 giờ đêm thì một đời sống khác của thành phố bắt đầu. Ðời sống của những người nông dân từ các mảnh ruộng, các khu vườn ở ngoại vào thành phố kiếm sống.

Chợ Ðông Ba

Nói về chợ, có lẽ chợ Ðông Ba tuy không lớn nhất ở Huế nhưng nó nổi tiếng nhất, một phần nổi tiếng vì đẹp, nằm bên cạnh dòng sông Hương nước trôi lững lờ. Nhìn về phía Ðông thấy Vỹ Dạ. Nhìn về phía Tây thấy cầu Tràng Tiền, núi Ngự Bình. Nhìn về phía Nam là đèo Hải Vân mây trắng và xa xa bên kia đèo là những huyền thoại về vùng “đất mới” của người Việt. Nhìn về phía Bắc là đền đài rêu phong cùng những phế tích của một thời hoàng kim...

Mệ Hiền, người có thâm niên hơn hai mươi năm đi bán rau cải chợ đêm Ðông Ba, cho biết: “Thường thì những người có điều kiện chỉ cần đi mua sắm ban ngày là đủ, người nghèo thì tranh thủ đi chợ đêm để mua giá rẻ hơn một chút.”
“Và cả những người buôn bán buổi sớm nữa, nếu bán bún bò chẳng hạn, thì phải đi chợ đêm để mua rau về cho tươi, có như vậy mới bảo đảm vệ sinh và thơm ngon. Ai quen đi chợ khuya rồi thì thấy chợ đêm rất hay, nghỉ một bữa là nhớ, không khí Huế về đêm hơi lạnh, yên vắng và nghe như cổ tích...”
Chính vì vậy mà chợ Ðông Ba sớm đi vào thơ ca và cũng sớm trở thành điểm hẹn của du khách khi ghé Huế.
Chợ Ðông Ba về đêm im vắng và trầm mặc như chính vùng đất của nó. Chừng 11 giờ rưỡi đêm, những gánh dưa, gánh cải, hàng cá đồng, rau hẹ, bánh xèo, bánh bao, bánh chưng, bánh mì bắt đầu ghé về. Kẻ mua người bán í ới.
Nhưng thú vị hơn cả, có lẽ những chợ đêm ở ngoại ô Huế. Ở đây, người ta sẽ cảm nhận được cái không khí xa xưa rất cổ độ của vùng đất lắm vương giả nhưng cũng lắm kẻ bần nông trắng tay này.

Chợ Tây Ba

Cùng nằm trên một nhánh của sông Hương, chợ Tây Ba, một ngôi chợ cổ nằm phía biển so với chợ Ðông Ba (nhưng lại gọi là Tây - con sóng phía Tây) có tuổi đời hơn trăm năm với nhiều mái ngói xiêu vẹo, nhiều tấm bia khác chữ cổ, gốc đa to vài người ôm, vài quán trà, quán cà phê cho mấy ông xe ôm, mấy o, mấy mệ đi chợ khuya lót dạ...
Một chút dư âm chợ đêm còn sót lại lúc bình minh ở chợ Tây Ba. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Anh Huân, người bán quán khuya ở chợ Tây Ba cho biết: “Mình đi chợ đêm nhiều, từ Ðông Ba, Ðại Lộc, An Cựu, Phú Lộc, An Lỗ Ðông... Mỗi chợ mỗi vẻ, mỗi ký ức. Nhưng với mình, Tây Ba có nét quyến rũ của một chợ đêm ngoại ô không nơi nào có được.”
“Cái hồn vía của chợ này là toàn người nghèo, nông dân đến mua, bán với nhau để rồi sáng mai còn thời gian ra đồng, làm vườn, bôn tẩu kiếm cơm, đạp xe thồ, chạy xe ôm... Chính vì cùng giới nên cách nói chuyện, tâm sự của họ cũng dung dị, chân chất và không nói thách, nói đúng giá, khỏi phải mặc cả.”
“Mọi thứ ở đây đều rẻ hơn nhiều so với mọi chợ, một ly cà phê đen đá chỉ có bốn ngàn đồng, một cặp bánh chưng chỉ có hai ngàn đồng, nói chung là sống được cho người nghèo, bởi nghèo nên mới đầu tắt mặt tối, lặn lội đêm hôm, nếu giá mà mắc thì làm sao nghèo sống cho nổi!”
Cụ Hiên, 90 tuổi, sinh ra trong khu chợ Tây Ba cho biết thêm: “Vì đây là chợ đông về đêm, nên con nít ở đây trưởng thành rất tốt, học hành đỗ đạt, không có đứa nào bị ảnh hưởng không khí kẻ chợ mà hư hỏng.”
O bán thịt này bảo rằng: “Nhờ chợ đêm mà nhà O thoát nghèo, con O học xong 12 và vừa đậu đại học.” (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
“Cái hay của chợ đêm là nó hiền hòa, không ồn ào, sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác, lúc chợ đông là lúc trẻ con đã học bài xong, đi ngủ. Chính vì vậy mà chợ đêm rất an toàn cho môi trường văn hóa, đạo đức.”
“Nếu mình còn trẻ để làm lãnh đạo, mình sẽ biến mọi cái chợ ngày trên đất nước thành chợ đêm tất tần tật.” Cụ Hiên kết thúc trò chuyện bằng câu này rồi nhấp một ngụm trà.

Ðạo đức... chợ

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết phần lớn những chợ đêm ở Huế mang tính “biên ải.” tại sao chợ ngay thành đô, gần thành đô mà lại có tính “biên ải”?
Cụ Thuận, người cao niên ở xã Quảng An, gần chợ Tây Ba, cho biết: “Chợ đêm ở Huế có nét đặc thù của nó, những chợ đầu tiên thường nằm ở vùng đồn trú của lính thú ngày xưa. Có lẽ vì ở ngoài đồn trú xa xôi, vắng vẻ và buồn nên các ông hay chơi bài, rồi đi ăn khuya, từ đó sinh ra các bà, các mệ bán hàng đêm, dần dà thành chợ.”
“Mình không biết chợ đêm ở nơi khác như thế nào, chứ ở Huế, chợ đêm là nơi hội tụ của giới lao động nghèo, cho đến bây giờ cũng thế, và nói về chợ đêm là y như đang nhắc đến một cái gì đó thuộc về thân phận dân nghèo. Nó nhắc về những ký ức đèn dầu tù mù mùa Ðông, nhắc về sự chuyển vận bốn mùa trong đôi quang gánh của người mẹ, bốn mùa vần xoay mà đời mẹ vẫn nghèo khó, kham khổ....”
Một góc các gian hàng bán hoa trong chợ đêm ở Huế. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Câu nhận xét giàu chất thơ, đậm tính nhân văn của cụ Thuận làm chúng tôi nghĩ đến những con đường mưa trơn trợt, gánh hàng khuya chập chờn trong sương đêm, dáng nhỏ thó của những người mẹ chắt chiu từng đồng lẻ gởi con ăn học.
Cứ như thế, những đôi gánh đồng hành cùng chợ khuya, chở theo không biết bao giấc mơ đèn sách, để mong con mình có cơ hội đổi đời trong một đất nước, một thể chế mà ở đó, mọi quyền lợi, mọi ước mơ thuộc về kẻ có quyền, có tiền.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"