Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Kính thưa Anh

Bùi Công Tự
Kính thưa anh! Em hay gặp anh trên truyền hình, những lúc ấy em thường lặng lẽ ngắm dung nhan anh và chăm chú nghe nuốt từng lời anh nói. Nhất là từ ngày anh triển khai nghị quyết IV, tuy anh có vẻ đăm chiêu nhưng giọng nói có sắc thái kiên quyết, dứt khoát, em mừng lắm. Nhân dân ta ai chẳng căm ghét bọn tham nhũng, anh chủ trương tiêu diệt chúng nó là được lòng dân lắm.
Hôm nay em có câu chuyện nhỏ nhặt này muốn thưa với anh.
Số là hôm 5/9/2012 anh về thăm cán bộ và nhân dân xã Môn Sơn (huyện Con Cuông, Nghệ An) một xã miền núi biên giới. Xã này có nhiều thành tích, bình quân thu nhập 10 triệu đồng/người/năm; mỗi hecta canh tác đạt 80 triệu đồng/năm. Tuy thế xã Môn Sơn vẫn còn hơn 60% hộ nghèo. Xem chương trình thời sự VTV1 lúc 19h hôm đó em thấy anh phát biểu đầy vẻ ngạc nhiên và phấn khởi như sau, em xin chép nguyên văn:
Bất ngờ ở chỗ tôi đi nhiều nơi nói là nơi nghèo nơi khổ vùng cao vùng núi nhưng mà về đây thấy thì nó hoàn toàn nó không phải thế, đường đi thì rất là tốt, trên đường đi thì đồng lúa đẹp, các vườn cam bà con đâng chuyển đổi mô hình trồng cây tập trung, hỏi đồng chí bí thư huyện thì bảo tiêu thụ rất tốt, đến đây là mua sản phẩm, bây giờ bà con dùng cái máy để hái quả, không phải bằng tay. Đi hai bên đường kể cả khu cũ khu mới nhà cửa rất đẹp, khang trang, nhà sàn đẹp, rất nhiều trường học mọc lên, nhìn vào tôi nói còn hơn cả một số nơi ở đồng bằng. Tôi nghĩ bảo như thế này mà còn là nghèo thì mình mừng quá, chứng tỏ ta còn nhiều tiềm năng để phát triển.” (Theo VTV1)
Anh ạ, em thấy anh thỏa mãn quá. Tự nhiên em thốt lên câu: “Ới anh Trọng ơi”.
Em thấy hôm ấy anh phấn khởi quá. Nhưng em thấy lạ, có gì đâu mà phấn khởi hả anh? Bình quân thu nhập 10 triệu đồng/người/năm quy ra chưa được 500 USD, tức là mới bằng 40% bình quân thu nhập cả nước. Thế thì có gì đáng mừng? Con số 80 triệu đồng/hecta/năm liệu có đủ tin cậy không? Ở nơi bờ xôi ruộng mật chưa chắc đã đạt được như thế, huống hồ là miền núi? Rồi con số hiện còn hơn 60% hộ nghèo nữa là đáng buôn chứ? Sao anh lại nói: “Bảo như thế này mà còn là nghèo thì mình mừng quá”. Còn những ngôi nhà mà anh nói khang trang kia, anh đã vào xem trong đó có những tài sản gì chưa? Hay chỉ là mấy cái vại sành, cái chảo gang? Chắc cũng có tivi, xe máy nhưng đáng mấy đồng? Ấy là chưa nói đến đời sống tinh thần ra sao?
Thời bao cấp em có anh bạn làm thư ký cho một đồng chí bí thư tỉnh ủy. Anh bạn em đi công tác cơ sở về báo cáo bà con bị đói. Đồng chí bí thư tỉnh đập bàn:
- Ai bảo nhân dân ta bị đói?
- Thưa anh bà con xã viên bảo đã hết sạch gạo ăn.
- Chúng nó nói thế mà anh cũng nghe à? Anh phải có quan điểm của mình chứ!
Lại nhớ cũng thời ấy, có hợp tác xã tiên tiền xây khu chuồng trại chăn nuôi hoành tráng lắm. Nhưng rồi chuồng bỏ trống vì chăn nuôi lỗ mất hêt vốn. Nghe tin có đồng chí cấp cao về thăm, chủ nhiệm ra lệnh đi mượn lợn của các gia đình xã viên đem về thả vào chuồng tập thể. Cấp cao về khen ngợi hết lời.
Những chuyện ấy bây giờ thấy thật ấu trĩ. Tuy nhiên cái bệnh thành tích, bệnh quan liêu, bệnh lừa dối thì vẫn còn nguyên, thậm chí trầm trọng hơn anh ạ.
Thưa anh, anh nghe em, lần sau nếu về địa phương anh nên vi hành như các bậc minh quân ngày trước. Lúc ấy anh sẽ được tận mắt nhìn thấy những ngôi nhà xệp xệ, những em bé đói ăn, những cảnh nghèo nàn không kể xiết của nhân dân ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu vùng xa.
Những nơi hoành tráng lộng lẫy ở các đô thị kia đều là của các quan chức trục lợi, của các doanh nhân trúng quả, của số ít người may mắn … Chứ công nhân, nông dân, trí thức quèn ai được bén mảng vào đấy.
Vả lại đời người không chỉ cần cơm ăn áo mặc, cái xe để cưỡi, cái nhà để chui ra chui vào. Ngay cả khi ăn đã ngon, mặc đã đẹp, nhà cửa đã khang trang nhưng chưa có những quyền tự do dân chủ thì cuộc sống vẫn là bất hạnh. Làm lãnh đạo như anh chắc chưa thể an tâm?
B.C.T
SG 6/9/2012.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"