Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Không ai có thể điềm tĩnh nổi

Trương Duy Nhất

Lại một tuần lễ quá nhiều sự thể nóng, quá nhiều chuyện bất an. Đợt tắm rửa với kỳ vọng làm sạch đảng vẫn chưa tìm ra con sâu đáng kể nào trong “một bầy sâu”, cho dù đó là “bộ phận không nhỏ”.
Ban cán sự đảng chính phủ cũng vừa tự kiểm điểm xong sau một phiên kéo dài 5 ngày được loan báo là “nghiêm túc, cầu thị, thẳng thắn, trách nhiệm”. Những hạn chế, yếu kém được đánh giá thống nhất là: “Chưa thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước. Năng lực tư duy, tổ chức triển khai còn hạn chế. Thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của đảng có mặt còn chậm, chưa sát thực tiễn. Hiệu lực, hiệu quả điều hành chưa cao, kinh tế, xã hội còn nhiều mặt yếu kém. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chưa đạt được mục tiêu đã đề ra là ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Một số lãnh đạo tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế và bức xúc trong xã hội” (nguồn: website chính phủ)

Ồ, như thế thì quả là một chính phủ quá yếu kém.
Dương Chí Dũng được loan báo là đã bị bắt, nhưng chưa thấy thêm bất kỳ thông tin gì, cho dù chỉ là một bức ảnh.
Sau một tháng bị bắt giam, ông trùm tài phiệt Nguyễn Đức Kiên được cơ quan điều tra thông báo là sẽ khởi tố 2 tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 139 và 165 bộ luật hình sự - Hai khung tội đều có mức cao nhất đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Ở một động thái khác, cơ quan điều tra quyết định bắt giam thêm 2 thuộc cấp của bầu Kiên: giám đốc và kế toán trưởng công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội Trần Ngọc Thanh- Nguyễn Thị Hải Yến.
“Cú sút” bầu Kiên cùng sự kiện ACB thêm một kịch tính khi hôm qua 19/9, cả Chủ tịch và 2 Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng thương mại cổ phần Á châu ACB đồng loạt từ nhiệm. Ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch ACB (cựu Bộ trưởng Kế hoạch- đầu tư) được cho là “vì lý do sức khỏe”. 2 Phó chủ tịch Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang được loan báo là “vì lý do cá nhân”.
Cùng lúc, Phó chủ tịch ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), ông Phạm Trung Cang, cũng có đơn từ nhiệm vì “lý do cá nhân”. Tuy nhiên theo lời ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank thì ông Cang từ nhiệm “do liên quan đến trách nhiệm điều hành khi còn làm việc tại ACB".
Ông Phạm Trung Cang nguyên là Phó chủ tịch HĐQT ACB được cử sang làm đại diện của nhóm ACB tại Eximbank và được bầu làm Phó chủ tịch HĐQT Eximbank vào tháng 4/2010. Đến 1/1/2011, theo quy định của ngân hàng nhà nước một cá nhân không được làm thành viên HĐQT của hai doanh nghiệp, ông Cang đã thôi Phó chủ tịch ACB để chỉ làm Phó chủ tịch Eximbank.
Trước đó, Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải cũng được báo là “từ nhiệm vì lý do cá nhân”, nhưng sau đó vài ngày bị bắt.
Trên một “trận chiến” khác, báo chí được một tuần rầm rộ tổng tấn công đả phá 2 trang blog mang tên “Quan làm báo” và “Dân làm báo”, sau một lệnh của Thủ tướng được phát ra từ công văn hỏa tốc của văn phòng chính phủ cho rằng những trang blog này đã “đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống đảng và nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội. Đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch” và nghiêm cấm “cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động” này (nguồn: website chính phủ)
Ở một động thái khác, trước đó, Trưởng văn phòng đại diện công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn (SGI), ông Nguyễn Duy Hưng đã bị bắt vì hành vi “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. SGI là công ty của đại biểu quốc hội giàu có tiếng tăm Đặng Thành Tâm.
Cùng lúc đó, thêm một nhân vật nữa bị bắt giữ vì tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”: bà Nguyễn Thị Bích Trang, nhân viên công ty cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITACO). Đây là doanh nghiệp của bà chủ Đặng Thị Hoàng Yến, chị ruột ông Đặng Thành Tâm, cựu đại biểu quốc hội vừa bị phế truất.
Không nghe bà Yến lên tiếng. Nhưng ông Đặng Thành Tâm đã có văn bản, được gọi là “đơn kêu cứu” gửi Bộ Chính trị. Đơn của ông Tâm đồng thời được gửi cho nhiều vị đại biểu quốc hội đương nhiệm và cơ quan báo chí. Trong suốt mấy ngày qua, điện thoại của ông Tâm không liên lạc được. Còn bà Yến chị ông Tâm, nghe nói đang ở Mỹ.
Nhiều lúc, nhiều người cũng chỉ muốn an phận, thôi thì mặc, như ai đó từng bảo “mọi việc đã có đảng và nhà nước lo”. Nhưng nhiều sự thể liên tiếp, dồn dập đến mức người điềm tĩnh nhất cũng phải nhổm dậy hỏi: đó là cái gì?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"