Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Chính sách ngoại giao “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Đỗ Thành Công
Cuối năm 2012, Hà Nội sẽ nhận chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên từ Nga. Đây là tàu ngầm nằm trong đợt đặt hàng 2.4 tỷ dollars mua vũ khí quân sự gồm 6 tàu ngầm Kilo và 12 chiến đấu cơ Su-30MKK. Su-30MKK là chiến đấu cơ tối tân, có thể bay hơn 4 giờ với tốc độ 1350km/hr, mỗi chiếc giá từ $40 đến $50 triệu đollars. Bên cạnh đơn đặt hàng mua vũ khí của Nga, Ấn Độ và một số nước khác. Do Thái cũng đã đồng ý tân trang vũ khí và thiết bị quân sự của Việt Nam từ thời chiến tranh Mỹ-Việt, giúp Việt Nam sửa chữa và nâng cấp hơn 300 chiếc xe tăng T54, T55 cho 10 tiểu đoàn lính tăng của Hà Nội.
Trong các cuộc thảo luận kín đáo, Việt Nam luôn muốn Mỹ tái trang bị các vũ khí quân sự cho Việt Nam, giúp Việt Nam sữa chữa nhiều quân dụng từ thời chiến Mỹ-Việt hiện đang nằm ụ vì không có chuyên viên và đồ phụ tùng thay thế. Mặc dù không có vũ khí tôi tân của Mỹ, Hà nội cũng có thể bỏ tiền mua vũ khí từ các nước khác, không có mợ thì chợ vẫn đông. Nhưng thực tế, một đội quân đang nỗ lực hiện đại hoá quân đội để “kẻ thù nào cũng đánh thắng” mà trang thiết bị quân sự, vũ khí tham chiến lại năm cha ba mẹ, thì khó lòng đối đấu với khả năng quân sự dồi dào và thuần chủng của Trung Quốc.
Thực chất Việt Nam cần vũ khí cũa Mỹ không chỉ đơn thuần ở bề mặt hiện đại hoá quân đội. Việc một Việt Nam sử dụng vũ khí Mỹ còn có tính răn đe và chiều sâu trong quan hệ chiến lược quốc phòng Mỹ-Việt.
Vừa Tân Trang Vừa Lo Sợ
Sách trắng quốc phòng năm 2009, Việt Nam tiết lộ đã chi 2% ngân sách cho quốc phòng, tương đương 2 tỷ dollars. Với những chi tiêu cho tàu ngầm, máy bay chiến đấu của Nga, vũ khí phòng thủ của Ấn Độ, nuôi ăn và trang bị cho hơn nữa triệu quân v.v.., chi phí quốc phòng Việt Nam cao hơn con số 2 tỷ rất nhiều. Mặc dù dấu kín nhưng theo các chuyên gia quốc tế, ngân sách quốc phòng Việt Nam có thể ước lượng từ 8 đến 10 tỷ dollars. So với ngân sách quốc phòng Trung Quốc, chi từ 150 tỷ đền 200 tỷ dollars, và tiềm năng kinh tế quốc gia vô cùng dồi dào; có thể nói Việt Nam có khả năng mua súng nhưng sẽ thiếu tiền mua đạn. Khi chiến tranh Biển Đông bùng nổ, không có tiếp viện quân sự, không có liên minh với các quốc gia đồng minh, không có hổ trợ của khối Asean, kinh tế bị yếu kém, uy tín quốc gia thì tồi, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ không đủ khả năng cầm cự trong giai đoạn ngắn hạn vì bị cô lập và kiệt quệ tài chánh. Vì vậy, nỗ lực lôi kéo Hoa Kỳ đứng về phiá Việt Nam vẫn là những ve vãn chiến lược để cầm chân Trung quốc mà giới quân sự Việt Nam đang nhắm tới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do thầm kín nội bộ, những tính toán của Việt Nam đã không thể hiện một cách nhất quán vì bị ảnh hưởng quá sâu từ Trung Quốc.
Trong bài nhận định về quan hệ quân sự Mỹ và Việt Nam, đại tá Hải quân William Jordan kết luận “Mặc dù Hoa Kỳ và Việt Nam cùng có chung quan điểm chiến lược về tình hình Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó không chấp nhận tham vọng đòi chủ quyền 12 hải lý của Trung Quốc và cần có một sự quân bình với quyền lực vừa trổi dậy trong vùng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa thể hiện cụ thể họ muốn gì trong quan hệ đối tác đồng minh với Hoa Kỳ để đạt được các mục tiêu trên”. (1)
Để có thể tạo ảnh hưởng Hoa kỳ đối với giới quân sự Việt Nam, đại tá William đề nghị Hoa Kỳ nên giúp đỡ Việt Nam mua các thiết bị quân sự để tái trang bị, sửa chửa máy bay UH-1 cũng như xe tăng bị hỏng từ thời Việt Nam Cộng Hoà. Qua đó, gia tăng mối giao dịch vũ khí để từng bước vận động giải toả các ràng buộc của qui chế bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Tuy nhiên, mặc dù cần Hoa Kỳ để làm thế đối trọng với Trung Quốc, bài bản của Hà Nội trong quan hệ quân sự với Mỹ cho thấy họ bị kẹt trong vòng quay của Trung Quốc. Nói cách khác, Việt Nam không dám dính chặt với Hoa kỳ về một số phương diện quân sự vì lãnh đaọ Đảng CSVN đã bị chi phối và đe doạ từ Trung Quốc. Theo William, Hà Nội khai dụng sự hiện diện của Hoa kỳ như một sự mặc cả với Trung Quốc. Ngược lại, quan điểm Trung Quốc với chính sách “cầm chân Trung Quốc” của Hoa Kỳ đã làm cho Việt Nam bị lúng túng trong quan hệ với Hoa Kỳ. Những chính sách đu dây của Việt Nam đã làm cho Hoa Thịnh Đốn khó hiểu và bực dọc, khi một mặc thì coi Trung Quốc là đối tượng có tham vọng ở Biển Đông cần phải ngăn chận. Ngược lại, trong nhiều trường hợp, Hà Nội đặt quan hệ hữu nghị với Trung Quốc ở mức độ cao, hết sức tin cậy, có cùng quan điểm chung vì quyền lợi . Và vì vậy, cần phải tái thẩm định quan hệ chiến lược quân sự với Hoa Kỳ.
Cái Thòng Lọng “Ba Không”
Với chính sách ngoại giao, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, Việt Nam hoàn toàn bị động trong quan hệ Mỹ-Việt-Trung vì không dám đứng hẳn về một bên. Ý đồ cân bằng quyền lực giữa Mỹ-Trung để Việt Nam mua thời gian “hiện đại hoá quân đội” và kéo dài tình trạng cai trị độc đảng, đã và đang bị áp lực từ nhiều phiá, nhất là trước tham vọng chiếm lãnh hải và đảo, công khai, và ngang ngược của Trung Quốc.
Liên hệ quân sự Mỹ – Trung – Việt chỉ mang tính giai đoạn, chiến thuật. Khi nào Trung Quốc ve vãn Việt Nam, thì quan hệ Mỹ-Việt trên bình diện quốc phòng lại bị cầm chân. Khi nào Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự, trở mặt lấn chiếm biển Đông, Việt Nam lại quay ra trong chờ Hoa Kỳ lên tiếng, áp lực. Hồi tháng 8 năm ngoái, khi Trung Quốc vuốt ve giới quân sự Việt Nam để ngăn chận ảnh hưởng Hoa Kỳ, Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ quốc phòng miễn cưỡng ký kết các thoả ước với Hoa Kỳ mà trước đó đôi bên đã từng đống ý. (1)
Trả lời báo chí hôm 25/8/2010 tại Bắc Kinh, Nguyễn Chí Vịnh tuyên bố: “Không nên đặt Việt Nam – Mỹ – Trung Quốc trong mối quan hệ tay ba, mà cần tách bạch quan hệ Việt – Trung và quan hệ Việt – Mỹ. Không nên vội vàng khi đánh giá về chiến lược của các nước, nhất là các nước lớn. Về phần Việt Nam, chúng tôi sẽ không bao giờ trở thành đồng minh quân sự của Mỹ. Và không chỉ với Mỹ, Việt Nam sẽ không trở thành đồng minh quân sự của bất kỳ quốc gia nào. Chính sách quốc phòng của Đảng và Nhà nước chúng tôi thể hiện nhất quán phương châm “ba không”: Không tham gia các liên minh quân sự, hoặc là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; Không cho bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam; Không dựa vào nước này để chống nước kia”.
Thực chất chính sách quốc phòng “ba không” của Việt Nam chính là “ba yêu sách” của Trung Quốc, nằm trong chiến lược vô hiệu hoá tiềm năng quốc phòng Việt Nam, để ý đồ thôn tính biển Đông của Trung Quốc dễ dàng thực hiện theo kế sách “đối thoại đơn phương, đối đầu đơn tuyến”, nhằm tách Việt Nam ra khỏi quĩ đạo liên minh quân sự với Mỹ và các quốc gia Á Châu.
Muốn Vũ Khí Mỹ Nhưng Không Dám Chơi Với Mỹ
Khuynh hướng chung của giới quân sự Mỹ đánh giá Việt Nam có thể giữ vai trò “trung gian quyền lực”. Mỹ cần giúp đỡ Việt Nam các mặt kinh tế, quân sự, ngoại giao, đầu tư, viện trợ để Việt Nam có thể hổ trợ Mỹ về an ninh vùng, ngăn chận tham vọng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Ngược lại, Việt Nam muốn Mỹ trở lại Đông Nam Á để cân bằng quyền lực, Việt Nam muốn Mỹ tỏ thái độ mạnh mẽ hơn trong các biến cố ở Biển Đông, nhưng bản thân lại lúng túng trong quan hệ tay ba với Trung Quốc và Mỹ, vì không dám làm mất lòng Trung Quốc.

F-22 Raptor Chiến đấu cơ tàng hình - Đối đầu chiến thuật A2AD
Trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 4 tháng 6 năm 2012 giữa Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, Leon Panetta và Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, đại tướng Phùng Quang Thanh, trả lời nhà báo Dan De Luce của AFP, khi đặt vấn đề mua bán vũ khí giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, sự hiện diện của Mỹ ở Vịnh Cam Ranh, cũng như quan tâm của Mỹ về lãnh vực nhân quyền và quyền tự do chính kiến ở Việt Nam. Ông Phùng Quang Thanh cho biết, Hoa Kỳ đã chấp thuận Hà Nội mua các thiết bị quân sư không sát thương, tuy nhiên vũ khí sát thương thì vẫn còn bị trở ngại. Việt Nam cũng muốn mua các thiết bị để có thể sửa chữa những vũ khí còn tồn đọng từ thời Việt Nam Cộng Hoà. Bước kế tiếp là tuỳ theo nhu cầu và khả năng tài chánh, Việt Nam sẽ mua thêm các vũ khí hiện đại để tân trang quân đội.
Bộ trưởng Hoa Kỳ, ông Panetta nói chuyến thăm viếng Việt Nam để củng cố quan hệ quốc phòng hai nước, sau khi Mỹ đã hình thành chính sách an ninh Á Châu – Thái Bình Dương, đặt nặng vai trò và khả năng các quốc gia vùng về quan hệ đối tác quân sự với Mỹ, trong đó có Việt Nam……Và trong chiều hướng thuận lợi lâu dài, Hoa Kỳ sẽ giúp đỡ Việt Nam. Tuy nhiên, việc này vẫn còn tuỳ thuộc vào yếu tố tiến bộ trên lãnh vực nhân quyền và các mặt cải tổ khác….
Dù được chính quyền Obama hưá hẹn, nhưng Việt Nam vẫn thất vọng vì đơn đặt hàng mua vũ khí sát thương đã bị từ chối. Phát biểu tại Bangkok sau chuyến thăm Việt Nam, Thượng nghĩ sĩ John McCain tuyên bố “Hà nội đang có một danh sách dài về các vũ khí cần mua của Mỹ”. Tuy nhiên “quan hệ an ninh hai bên sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của lãnh vực nhân quyền. Thực chất đã không có tiến bộ, tệ hại hơn nữa lại còn vi phạm nhân quyền nhiều hơn trong thời gian qua”. Riêng Thượng Nghị sĩ Joe Lieberman cho biết “ cần có sự chấp thuận của Quốc Hội Hoa Kỳ thì Việt Nam mới mua được vũ khí sát thương – Có nhiều vũ khí Việt Nam muốn mua và Mỹ cũng muốn chuyển giao cho họ, nhưng điều này chưa thể xảy ra được, trừ khi chính quyền Việt Nam chứng tỏ họ tôn trọng nhân quyền”
Về lâu dài, Hà nội cũng sẽ đạt được tham vọng mua vũ khí sát thương của Mỹ. Chỉ cần giả vờ tôn trọng nhân quyền, thả một số tù nhân chính trị và các nhà bất đồng chính kiến, nới lỏng các hoạt động dân chủ thì Việt Nam có thể đạt được ý đồ. Bài học thả lỏng dân chủ để được tham gia Mậu Dịch Quốc Tế (WTO) và đăng đàn tổ chức hội nghị APEC ở Hà Nội năm 2006 cho thấy CSVN sẵn sàng lật lọng để đạt mục tiêu. Tuy nhiên, lần này không như các lần trước, vào Mâu Dịch Quốc Tế rồi thì không lật ngược được, nhưng mua vũ khí tôi tân của Mỹ sẽ diễn ra rất nhiều lần. Một lần bất tín thì khó thuyết phục dư luận Hoa Kỳ bán vũ khí sát thương cho Hà Nội lần thứ hai. Lúc đó nếu có chiến tranh ở Biển Đông thì “tự cứu lấy thân”, vì thành tích lật lọng, bất hảo vì đàn áp nhân quyền sẽ khó lòng bào chửa trước công luận.
Việt Nam cần mua vũ khí tối tân của Mỹ để hiện đại hoá quân đội. Việt Nam cần Mỹ hiện diện ở Biển Đông để quân bình lực lượng và ngăn chận tham vọng của Trung Quốc. Nhưng Viêt Nam lại tuyên bố “không bao giờ trở thành đồng minh quân sự của Mỹ”. Rỏ ràng nhà cầm quyền Hà Nội đang tự nguyện đút đầu vào thòng lọng của Trung Quốc. Cho dù chính quyền Obama muốn bán vũ khí sát thương cho Hà Nội, muốn viện trợ cho Hà Nội như một đối tác quân sự, nhưng liệu Quốc Hội Mỹ có thoải mái trước một Việt Nam thủ đắc vũ khí tối tân của Mỹ, nhưng lại muốn làm chư hầu của Trung Quốc?
Chiến Lược Quân Sự Hoa Kỳ “Vì Hoà Bình Nên Chuẩn Bị Chiến Tranh”?
Hoa kỳ có nhu cầu cầm chân Trung Quốc để quân bình an ninh ở Á Châu-Thái Bình Dương. Đề xuất của các chuyên gia quốc phòng, thuộc nhóm học giả “Trung tâm chiến lược và Nghiên cứu Quốc tê” – “Centre for Strategic and International Studies” về chính sách an ninh Á Châu cho chính quyền Obama, trong trường hợp chiến tranh với Trung Quốc, đã vạch rõ “vì hoà bình nên chuẩn bị chiến tranh” và nhấn mạnh “lực lượng quân sự Mỹ phải ở tư thế sẵn sàng và khả năng chiến đấu, để thắng, trong bất cứ tình huống nào kể cả đối đầu trong môi trường “chống tiếp cận/chống xâm nhập” (anti-access/area denial –A2AD) và các trường hợp đe doạ khác đối với các hoạt động quân sự Mỹ ở Tây Thái Bình Dương”. (2)
Chiến thuật quân sự A2AD, tức là “chống tiếp cận, chống xâm nhập” của Trung Quốc gồm thành lập hàng rào cản phòng thủ và phản công với các vũ khí tối tân như hệ thống rada, tàu ngầm, hoả tiển, các tàu chiến và chiến đấu cơ có tiềm năng phá hủy và tấn công mục tiêu từ xa, nhằm tiêu diệt tiềm lực hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương đang là mối đe doạ cho khả năng vận chuyển hàng hải và an ninh trên biển đối với Hoa Kỳ. Đề xuất chiến lược “diều hâu” mới của Hoa Kỳ cũng mạnh mẽ bác bỏ ý kiến cho rằng cần phải tương nhượng quyền lực với Trung Quốc để tránh chiến tranh. Các nhà nghiên cứu quốc phòng cũng đề nghị Hoa Kỳ cần tái thẩm định lực lượng quân sư ở Nhật, Nam Hàn và gia tăng tiềm lực quân đội ở đảo Guam và các đảo ở phiá Bắc Rariana, nơi có các căn cứ quốc phòng thuộc vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Cần chuẩn bị các tàu chiến ở Singapore, nhanh gọn và tinh nhuệ để thu thập tình báo, đổ bộ lục quân và thiết giáp, đồng thời khai dụng lực lượng cơ hữu của Hải quân Úc, căn cứ không quân và 2,500 Thuỷ quân Lục chiến đang đóng quân ở phiá bắc Darwin. Chiến lược mới cũng nhấn mạnh mối quan tâm đến vai trò của các quốc gia vùng như Thái, Phi Luật Tân và Việt Nam, trong chiều hướng vận động cho phép sử dụng các căn cứ quân sự và hợp tác huấn luyện quân sự với các nước này. Đống thời, Hoa kỳ cần tăng cường các tầu ngầm nguyên tử có khả năng tấn công đang đóng ở đảo Guam, tăng viện tàu chiến ở Nam Hàn và nâng gấp đôi quân số đóng ở Hawaì nhằm chuẩn bị ứng chiến v.v…..Chính sách quốc phòng mới này đã và đang được thực hiện cho thấy quan điểm “chuẩn bị chiến tranh” được sự đồng tình của Hành Pháp và Lập Pháp Hoa Kỳ.
Việt Nam Ở Trong Rọ
Việt Nam không thể tiếp tục đu dây trong bối cảnh tự đút đầu vào rọ qua chiến lựơc “ba không”. Lãnh đạo đảng CSVN hiểu rõ nếu trở thành tay sai cho Trung Quốc, thì cũng là một hình thức tự sát về mặt chính trị. Những áp lực và thái độ ngang ngược qua chính sách tầm ăn dâu, lấn biển, chiếm đảo, lúc đánh lúc đàm, hay “đánh đánh, đàm đàm” của Trung Quốc không thể che đậy được công luận. Sự phẫn nộ của nhân dân Việt Nam trước thái độ nhịn nhục hay làm tay sai của lãnh đạo đảng CSVN trước tình thế hiện nay sẽ báo hiệu một biến động chính trị bất thường. Lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, kết hợp với trào lưu cách mạng dân chủ, có thể quật ngã chế độ độc tài, tham nhũng bất cứ lúc nào.
Tham vọng chiếm Trường Sa – Hoàng Sa của Trung Quốc là mối đe doạ thường trực cho Việt Nam. Khi Biển Đông dậy sóng, hơn 3000 km đường biển sẽ bị Hải quân Trung Công phong toả, đường vận chuyển biển, tiếp liệu quốc tế sẽ bị giới hạn. Các quốc gia láng giếng như Miên, Lào ngã theo Trung Quốc vì áp lực và quyền lợi. Nằm trong gọng kìm kinh tế và chiến tranh chừng vài tháng thì “một không” cũng chết chẳng cần đến “ba không”. Bị kẹp trong vòng phong toả của Trung Quốc về kinh tế lẫn quân sự, bị cô lập vì theo đuổi chính sách “đơn phưong đối thoại”, “đơn tuyến đối đầu”, lãnh đạo đảng CSVN phải nhục nhã ký hiệp ước qui hàng. Lúc đó lại mất thêm đảo biển, lại phải bồi thường chiến tranh là điều khó tránh khỏi.
Với tiềm năng quốc gia eo hẹp, kinh tế đang có nguy cơ sụp đổ vì tham nhũng, vì lợi nhuận “ảo”, vì kinh tế quốc doanh “xã hội chủ nghĩa”. Việt Nam không đủ khả năng chi tiêu quốc phòng về lâu dài. Chi từ 8 tỷ đến 10 tỷ dollars, gần 10% tổng sảng lượng quốc gia là một con số mất quân bình về phương diện ngân sách. Tiếp tục chạy theo khuynh hướng “hiện đại hoá” quân đội để mua tàu ngầm, sắm vũ khí tối tân như các năm vừa qua không phải là phương cách tối ưu của một nước nghèo. Nói cách khác, cho dù có tân trang vũ khí hiện đại từ Mỹ, tiếp tục theo đuổi đường lối quân sự “ba không”, vẫn không giúp Việt Nam chổng đở nổi nguy cơ bị mất chủ quyền.
Bị Trung Quốc kèm kẹp và uy hiếp ở thượng tầng lãnh đạo, CSVN đang lúng túng về chiến lược. Đi với Mỹ, bị Trung Quốc doạ đánh, bị đè nặng áp lực về kinh tế. Đi hẳn với Trung Quốc thì bị nhân dân Việt Nam khinh ghét, nội bộ chia rẽ mà chủ quyền lãnh thổ cũng không bảo vệ được. Trước nanh vuốt của Trung Quốc, Việt Nam cần Mỹ chứ Mỹ chẳng cần Việt Nam. Đừng tự quan trọng hoá bởi quan niệm cổ điển Việt Nam là cửa ngõ chiến lược Biển Đông, hay Cảng Cam Ranh là Cảng Hải quân quan trọng nhất ở Đông Nam Á. Nếu thực sự tối quan trọng, Mỹ đã không làm ngơ cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa từ 1974. Nếu Cam Ranh là yết hầu ở Biển Đông, Mỹ đã không phủi tay bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà từ 1975. Với Hoa Kỳ, chính sách an ninh quốc gia thay đổi theo từng chính quyền, chỉ có quyền lợi Mỹ mới lâu dài.
Thực ra, Việt Nam không cần phải đi với Mỹ lẫn Trung Quốc, chỉ cần lãnh đạo đảng CSVN quay về với dân tộc, đi với nhân dân thì họ có thể giải quyết được những bế tắc hiện nay, đưa đất nước ra khỏi vòng kềm toả của các thế lực ngoại bang. Điều này, đòi hòi đảng CSVN ở thái độ khôn khéo, can đãm học bài học từ lãnh đạo Miến Điện, để vừa tránh được cảnh nồi da xáo thịt, vừa bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ, vừa đưa đất nước ra khỏi thảm cảnh suy thoái về kinh tế và chậm tiến trên lãnh vực chính trị.
© Đỗ Thành Công
© Đàn Chim Việt

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"