Lê Diễn Đức
Được biết, chủ trang web Dân Luận, ông Nguyễn Công Huân, hiện
sống ở Đan Mạch, làm Trưởng ban điều Hành “Con đường Việt Nam” (CĐVN) do
Lê Thăng Long khởi xướng.
Ngày 12/9 có bài “Tờ rơi quảng bá cuộc thi viết “Quyền Con Người và Tôi” được phân phát ở thành phố Hồ Chí Minh” trên Dân Luận, tôi đọc thấy CĐVN có sự tham gia của Nguyễn Xuân Ngãi ở Hoa Kỳ, buộc lòng tôi phải viết vài lời.
Năm 2005 cụ Hoàng Minh Chính (1920- 2008) qua Mỹ chữa bệnh theo lời
mời của Nguyễn Xuân Ngãi và Nguyễn Sĩ Bình. Tháng 1/2006 cụ Hoàng Minh
Chính đã quyết định cho phục hoạt Đảng Dân Chủ (1944 -1988) mà cụ đã
từng làm Tổng thư ký, một đảng tồn tại hợp pháp song song với ĐCSVN
nhưng mang tính hàng mã, bị ĐCSVN giải tán từ năm 1988. Đảng Dân Chủ
phục hoạt với tên mới là “Đảng Dân Chủ Thế Kỷ 21″(ĐDC TK21).
Lúc bấy giờ, một người thân tín với cụ Hoàng Minh Chính, gợi ý đề
nghị tôi làm đại diện cho ĐDC TK21 ở nước ngoài, nhưng tôi từ chối, với
lý do, là người cầm bút, tôi không muốn có chân trong bất kỳ tổ chức
chính trị nào để giữ tiếng nói độc lập và khách quan về nhãn quan chính
trị.
Tháng 8/2006, hàng ngàn người đủ mọi thành phần xã hội trong và ngoài
nước ký tên ủng hộ Tuyên ngôn dân chủ của một phong trào quy tụ lúc ra
đời 118 thành viên, được xem như là tuyên ngôn của phong trào dân chủ
trong nước, mang tên Tuyên ngôn Dân chủ của phong trào 8406.
Lúc ấy, dư luận bị đưa vào tình trạng bối rối, khó hiểu, vì một bên
là các nhà tranh đấu dân chủ trong nước như Linh mục Nguyễn Văn Lý, ông
Trần Khuê, Đỗ Nam Hải…; một bên khác là các ông Nguyễn Xuân Ngãi, Nguyễn
Sĩ Bình – đều lên tiếng nhìn nhận Tuyên Ngôn Dân Chủ như là tác phẩm
của mình. Ông Bình và ông Ngãi còn lập lờ đánh lận con đen, lập trang
web mang tên “Tuyên ngôn Dân Chủ”, họp báo, như muốn làm cho dư luận
thấy Tuyên Ngôn Dân chủ là của ĐDC TK21 mà các ông ấy làm đại diện ở
nước ngoài, sau khi đã giải tán đảng “Nhân dân Hành động” của họ trước
đó.
Lúc đó tôi đã viết bài “Tranh nhau chiếc bánh ‘Nhà Dân Chủ Lớn’”, phê
phán tình trạng này, bởi vì sự tranh giành công trạng ngay lúc phong
trào vừa ra đời, dân chủ thì chưa thấy đâu, đã gây ra nghi kỵ, làm giảm
giá trị, nếu không nói là phá hoại Tuyên ngôn Dân chủ nói riêng và sức
mạnh đoàn kết của Phong trào 8406 nói chung. Nhiều người tuy đã ký tên
ủng hộ, trong đó có tôi, đã không còn tham gia tiếp tục nữa vì mất lòng
tin.
“Con đường Việt Nam”
thực ra được xuất bản tại Mỹ từ lâu với tên tác giả Nguyễn Sĩ Bình được
xem như cuơng lĩnh hành động của ông Ngãi và ông Bình, cạnh tranh với
những tổ chức chính trị khác có tiếng ở hải ngoại như Việt Tân. Cả hai
ông Ngãi và ông Bình trong thập niên 90 đã một số lần về Việt Nam.
Được biết, các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy
Thức đều là những thành viên của ĐDC TK21, từng gặp gỡ Nguyễn Sĩ Bình,
Nguyễn Xuân Ngãi ở Mỹ, Thái Lan và tất cả đều đã bị bắt và đang ngồi tù,
riêng Lê Thăng Long, bạn của Trần Huỳnh Duy Thức, được trả tự do trước
thời hạn vì nhận tội và xin được nhà cầm quyền CSVN khoan hồng.
Những thông tin trên đây và sự tham gia tiếp tục của Nguyễn Xuân Ngãi
đặt ra nhiêu dấu hỏi cho “CĐVN” được phát động hiện nay, về sự khả tín
của những con nguời khởi xướng/lãnh đạo và tính chất chính trị-xã hội
của nó.
Ảnh: Ảnh minh hoạ cho bài viết “Tranh nhau chiếc
bánh “Nhà dân Chủ Lớn” của tôi trên Đàn Chim Việt gây nhiều tranh cãi
hồi tháng 8/2006.
_______________________
[*] Bài viết được dẫn từ Facebook của ông Lê Diễn Đức,
với tựa đề do BBT Con Đường Việt Nam đặt. Một số đường link trong bài
do BBT Con Đường Việt Nam thêm vào để độc giả có thể tham khảo các bài
viết có liên quan.
* * *
Lời minh định của Phong Trào Con Đường Việt Nam
Nhân ý kiến của ký giả Lê Diễn Đức trên trang facebook cá nhân của
ông, tôi xin thay mặt Ban Quản Trị phong trào có một số lời minh định
như sau:
Thứ nhất, vấn đề Tuyên Ngôn Dân Chủ của Đảng Dân Chủ Thế Kỷ 21
(DCTK21) do ai viết, mối quan hệ giữa các đảng viên Đảng DCTK21 như thế
nào v.v… là vấn đề nội bộ của Đảng DCTK21. Con Đường Việt Nam không có
nghĩa vụ phải giải thích hay bàn bạc về chuyện này. Ở đây tôi sẽ chỉ
minh định vấn đề thứ hai, tức là mối quan hệ giữa Đảng DCTK21 và phong
trào Con Đường Việt Nam.
Tôi có thể xác nhận rằng ông Nguyễn Xuân Ngãi và ông Hồ Văn Khởi là
hai thành viên Ban Quản Trị hiện hành của phong trào, và đồng thời cũng
là đảng viên Đảng DCTK21. Ông Lê Công Định, một trong những người khởi
xướng phong trào, trước khi bị bắt là Tổng thư ký của Đảng DCTK21. Ông
Trần Huỳnh Duy Thức và ông Lê Thăng Long chưa từng là đảng viên của Đảng
DCTK21, tuy nhiên ông Thức đã từng cùng ông Định gặp gỡ ông Nguyễn Sỹ
Bình ở Thái Lan để trao đổi về cuốn sách Con Đường Việt Nam. Sau khi ông
Thức, ông Định và ông Long bị bắt tại Việt Nam ngày 24 tháng 5 năm
2009, ông Nguyễn Sỹ Bình đã xuất bản cuốn sách Con Đường Việt Nam và
đăng tải tại đây: http://conduongvietnam.wordpress.com. Độc giả có thể tìm đọc cuốn sách này để thấy rằng ngoài tựa đề “Con Đường Việt Nam”, cuốn sách có rất ít điểm tương đồng với mục tiêu của phong trào “Con Đường Việt Nam” là “làm
cho Quyền Con Người được tôn trọng và được bảo vệ trên hết và bình đẳng
tại Việt Nam để người dân có thể tự tin sử dụng đầy đủ mọi quyền pháp
định của bản thân để làm chủ đất nước và làm chủ cuộc sống của mình“.
Hiện tại phong trào Con Đường Việt Nam có một Ban Quản Trị có vai trò
lãnh đạo phong trào và Ban Điều Hành để điều phối các hoạt động của
phong trào. Các quyết định do Ban Quản Trị đưa ra dựa trên cơ sở bỏ
phiếu quá bán. Ông Nguyễn Xuân Ngãi và ông Hồ Văn Khởi chiếm 2 phiếu
trong tổng số 11 phiếu của Ban Quản Trị (tham khảo danh sách BQT ở đây).
Điều này có nghĩa là không thể nói Đảng DCTK21 có ảnh hưởng mang tính
quyết định đối với phong trào, dù rằng trong BQT có đảng viên của Đảng
DCTK21 tham gia.
Thứ hai, tôi xin nhấn mạnh rằng, mọi quyết định của Ban Quản Trị cũng vẫn phải tuân thủ tôn chỉ của phong trào Con Đường Việt Nam.
Mọi hoạt động và tuyên bố của những người khởi xướng, của quản trị
viên, của điều hành viên, hay của thành viên phong trào đi ngược lại
tinh thần của văn bản này đều bị coi là không hợp lệ. Là một người chọn
đi theo phong trào Con Đường Việt Nam vì mục tiêu tốt đẹp của nó, tôi sẽ
là người đầu tiên rời bỏ phong trào nếu thấy nó đi ngược lại tôn chỉ
này.
Thiết tưởng nên nhắc lại ở đây, rằng Phong trào Con đường Việt Nam
không phải là một đảng chính trị hoạt động nhằm tìm kiếm nhiệm kỳ cầm
quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên chúng tôi chào đón sự hợp tác của các cá
nhân dù thuộc về bất cứ tổ chức dân sự, đảng phái, quan điểm chính trị
nào để cùng nhau bảo vệ và phổ biến các giá trị Quyền Con Người tại Việt
Nam. Ngược lại, chúng tôi sẽ phản đối bất cứ cá nhân, tổ chức, đảng
phái nào có hành vi hay thái độ chống lại các quyền cơ bản này.
Trân trọng,
Nguyễn Công Huân
Trưởng Ban Điều Hành phong trào Con Đường Việt Nam
Nguyễn Công Huân
Trưởng Ban Điều Hành phong trào Con Đường Việt Nam