Câu chuyện Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN)
đang là chuyện tranh chấp nhau khá là quyết liệt giữa các phe nhóm trong
cung đình Hà Nội.
Cuộc tranh chấp khởi đầu từ sau khi cuộc họp ban chấp hành trung ương
đảng CS lần thứ 5 (khóa XI) giữa tháng 5/2012 quyết định chức vụ Trưởng
ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng lập ra từ năm 2006 do
thủ tướng làm trưởng ban sẽ được chuyển cho Tổng bí thư đảng CS.
Suốt 4 tháng nay vấn đề này chưa được thực hiện vì bị vướng mắc bởi
các văn kiện và thủ tục hành chính không rõ ràng, chồng chéo nhau của
chính phủ, quốc hội và đảng CS.
Một mặt ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tự cho rằng từ nay ông ta là
trưởng ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng, người trực tiếp
chỉ đạo và quyết định cuối cùng mọi công việc của cơ quan có nhiều quyền
lực này.
Trong khi đó về phía chính phủ, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho
rằng nghị quyết trung ương 5 chưa đủ giá trị thực tế theo hiến pháp và
luật pháp, cần bàn thảo kỹ hơn, cho nên hiện ông vẫn là người cầm đầu có
đủ uy quyền, là trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham
nhũng.
Sự tranh chấp quyết liệt về việc ai là Trưởng ban chỉ đạo trung ương
về phòng chống tham nhũng (PCTN) biểu hiện rõ trong các sự kiện vừa qua,
phía nào cũng nhận là mình đang nắm quyền hành, rằng mình đã quyết định
việc bắt giữ bị cáo Nguyễn Đức Kiên – Bầu Kiên, truy bắt Dương Chí
Dũng, tạm giam một số nhà kinh doanh kinh tế – tài chính Lý Xuân Hải,
Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Thị Bích Trang, đang đe dọa
truy tố một số người khác như Hồ Hùng Anh, Lê Hùng Dũng, Trầm Bê…, toàn
những tỷ phú có máu mặt hiện nay.
Việc tranh chấp trở nên quyết liệt đặc biệt khi trong bộ chính trị
đang chia ra thành các nhóm lợi ích khác nhau, có khi đối lập nhau tranh
dành lợi ích và quyền hành, khi Ban chỉ đạo trung ương có qưyền hành
quyết định đối với số phận của mỗi công dân, mỗi nhà kinh doanh bị coi
là phạm pháp.
Có thể coi Ban chỉ đạo PCTN là một thanh kiếm sắc nhằm trừng phạt,
chém đầu những kẻ tham nhũng lớn, hiện có 4 vị trong bộ chính trị đều
muốn có quyền nắm chắc trong tay chiếc cán kiếm để tỏ rõ vị trí, quyền
uy vững chắc của mình, đồng thời che chở cho phe cánh của mình.
Trước hết là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng viện lý do là
đảng CS là thế lực lãnh đạo được Hiến pháp công nhận, lãnh đạo tuyệt
đối, toàn diện, thường xuyên đất nước, nên bộ chính trị trung ương đảng
nắm chắc Ban chỉ đạo PCTN là lẽ đương nhiên, do đó tổng bí thư đứng đầu
bộ chính trị làm Trưởng ban chỉ đạo là điều tự nhiên và tất yếu. Ông
Trọng còn dựa vào ưu thế là không bị mất uy tín vì tham nhũng, không bị
tai tiếng gì nặng nề về mặt này.
Hai là ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng lăm le nuôi tham vọng
cầm cán thanh kiếm PCTN, ông ráo riết vận động nâng cao thêm quyền hạn
chủ tịch nước trên các lĩnh vực An ninh, Quốc phòng, Ngoại giao, tuy
hiên thế của ông còn yếu, chân tay bộ hạ lưa thưa, uy tín cũng thấp,
đành phải kết liên minh với ông Trọng, tuy kẻ Nam, người Bắc.
Ba là ông chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ông đang ráo riết huy
động ủy ban tư pháp và ban thường vụ của Quốc hội đưa ra ý kiến là việc
quy định ai có quyền là trưởng ban chỉ đạo PCTN phải được bàn cãi kỹ
trong một phiên họp toàn thể của quốc hội vào cuối năm, nếu cần phải
thông qua thành Luật, hoặc quốc hội phải sửa đổi Luật PCTN hiện hành,
hoặc phải bổ xung Luật về chức năng của chính phủ, của viện kiểm sát tối
cao, toà án nhân dân tối cao…
Thứ tư, nhưng lại là nhân vật năng động nhất, là thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng, đang ráo riết tìm cách nắm chặt cán thanh kiếm PCTN trong tay
mình, như trong suốt 6 năm qua, với cái lý là thủ tướng đứng đầu chính
phủ có đầy đủ quyền hành PCTN có hiệu quả, có trong tay quân đội, bộ
công an, bộ tư pháp…không cần thay đổi gì cả.
Thủ tướng và chủ tịch quốc hội đang gắn bó chặt chẽ nhằm chí ít cũng
là trì hoãn việc thanh kiếm rơi vào tay tổng bí thư được chủ tịch nước
ủng hộ.
Sau cuộc họp của ủy ban tư pháp và của ban thường vụ quốc hội ngày
18/9 vừa qua, do chưa đạt được thống nhất ý kiến, nên 3 phương án khác
nhau về vai trò quyền hạn của trưởng ban chỉ đạo về PCTN sẽ được đưa ra
trình quốc hội trong phiên họp cuối năm.
Phương án 1 là giao cho tổng bí thư đảng chủ trì Ban chỉ đạo về PCTN,
ban nội chính trung ương đảng sẽ là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo
ấy. Để thực hiện việc này quốc hội cần bổ sung Luật về PCTN, xác định
rõ trách nhiệm của chính phủ, của viện Kiểm sát nhân dân tối cao, của
Toà án nhân dân tối cao và các cơ quan nhà nước khác trong mối quan hệ
phụ thuộc dưới quyền Trưởng ban chỉ đạo về PCTN.
Phương án 2 là gần như để như trước, chính phủ chịu trách nhiệm điều
hành việc PCTN, tổng bí thư và bộ chính trị tăng cường chỉ đạo, đôn đốc,
vì thủ tướng cũng đã ở trong bộ chính trị rồi. Cần bổ sung một số điều
khoản của Luật PCTN, như việc kê khai tài sản cán bộ những cấp nào, có
kê khai tài sản của vợ, con, cháu ruột, anh, chị em ruột không ? việc
không được di chuyển cán bộ đang bị cáo tội tham nhũng; ở các cấp tỉnh
thành, huyện, ngành, ban chỉ đạo PCTN do người cầm đầu đảng bộ hay cầm
đầu chính quyền làm trưởng ban.
Phương án 3, rất đơn giản, tổng bí thư nắm quyền trưởng ban chỉ đạo
về PCTN, tất cả mọi sự liên quan đều do bộ máy đảng giải quyết, dựa vào
điều 4 của hiến pháp.
Việc ai cầm chuôi cán của thanh kiếm như vậy là còn treo lại cho đến
cuối năm để cho 500 ông bà nghị tha hồ thảo luận, với chính kiến có vẻ
phân tán, khó đạt đồng thuận, trong khi đó 2 phe nhóm chính là phe nhóm 2
ông Trọng + Sang đối đầu dai dẳng với phe nhóm 2 ông Dũng + Hùng, cặp
tổng bí thư cùng chủ tịch nước chọi lại cặp thủ tướng cùng chủ tịch quốc
hội.
Nhóm Trọng + Sang dựa vào quyền uy của đảng, nhóm Dũng + Hùng dựa vào
ưu thế của chính quyền và của đồng tiền. Chưa có bên nào vượt trội hẳn
nên có thể dễ thỏa hiệp với nhau để cùng tồn tại và cùng ăn chia, 2 bên
cùng thắng, kiểu win-win.
Cả 2 nhóm trong thời kỳ còn chưa phân định rõ ràng đều tự nhận mình
có quyền nắm kiếm đằng chuôi để trừng phạt tay chân của nhóm đối lập, do
đó diễn ra chuyện cả 2 nhóm đều bị thương vong.
Sự chia rẽ trong chính phủ và trong quốc hội cũng như trong trung
ương đảng cũng diễn ra chưa từng có và ngay trong từng bộ như bộ công
an, bộ quốc phòng cũng diễn ra sự phân hóa. Điều này thể hiện rõ khi lấy
ý kiến các bộ trưởng về chuyện ai nên làm Trưởng ban chỉ đạo PCTN, vì
các bộ trưởng phần lớn cũng là ủy viên trung ương đảng.
Bi kịch tranh giành thanh bảo kiếm để chém đầu kẻ tham nhũng nằm ở
chỗ cả 2 phía đều tham quyền lực, tham tiền bạc như nhau, do đó chỉ làm
đầu đề cho những chuyện đàm tiếu mỉa mai trong dân gian.
Blog Bùi Tín (VOA)