Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Xứ Chùa Vàng: Xinh đẹp nhưng khốn khổ vì áo đỏ áo vàng

Richard Bernstein
Khải Huyền chuyển ngữ

Một ủng hộ viên phe Áo Đỏ giơ cao hình chân dung nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra bị lật đổ và anh bà là cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, tại một cuộc biểu dương lực lượng ở Bangkok tháng 11 năm 2013
Thái Lan là một xứ sở từ lâu mang hình ảnh một quốc gia đất lành chim đậu, người dân sống trong thanh bình ổn định. Và đó là lý do chính mà Thái Lan, ít ra dưới mắt người Mỹ, từ lâu được nhìn như là một hy vọng lớn cho tương lai vùng Đông Nam Á. Mặc dù tăng trưởng không nhanh bằng Trung quốc, Thái Lan, một quốc gia tương đối phồn thịnh, có tỷ lệ tăng trưởng đáng kể lên tới 7% một năm. Nó cũng là nước xuất cảng gạo nhất nhì trên thế giới và ổ cứng máy tính lớn nhất thế giới. Duy chỉ có phía nam, Thái Lan gặp bất ổn vì có phong trào đòi tự trị của người Hồi giáo. Nhưng vùng đất này không lớn, nên không phải là vấn đề đáng lo về an ninh trật tự. Dân số Thái Lan gần như thuần chủng, người theo đạo Phật chiếm đa số áp đảo và được cai trị bởi một vị vua được tôn kính đã và đang trị vì dưới một triều đại dài nhất trong lịch sử. Đây là một quốc gia xinh đẹp, núi non một màu xanh tươi, và có một bờ biển tuyệt vời, đất đai màu mỡ phù sa dẫu cho hay bị ngập lụt. Ngoài không khí đô thị sôi động, nhộn nhịp và lôi cuốn đập vào mắt đã thu hút hàng triệu du khách mỗi năm ghé qua, Thái Lan còn là điểm du lịch thoải mái về kỹ nghệ tình dục vì vừa túi tiền du khách.

Nhưng trong tám năm qua, Thái Lan sa lầy vào một cuộc khủng hoảng chính trị không lối thoát vì có hai nhóm bất cộng đái thiên, được gọi là phe Áo Đỏ và phe Áo Vàng. Họ chống nhau kịch liệt, sẵn sàng xuống đường bất cứ khi nào phe này cảm thấy phe kia chiếm thượng phong. Hậu quả là đã có hơn một trăm người tử vong và nhiều người bị thương trong các lần xung đột bạo lực chính trị xảy ra tràn lan. Bốn chính phủ dân cử nối tiếp nhau bị lật đổ, trong đó hai chính phủ bị quân đội đảo chánh, mới nhất là chính phủ dân cử của bà Yingluck Shinawatra bị lật quân đội lật đổ vào ngày 22 tháng 5 năm nay. Sau nhiều tháng bất ổn, một lần nữa, dưới quyền chỉ huy của tướng Prayuth Cha-ocha, quân đội Thái Lan nhập cuộc làm đảo chánh.
Được biết, từ giữa tháng 11 năm ngoái cho đến thời điểm cuộc đảo chánh xảy ra, đã có 28 người chết vì bạo lực chính trị. Hai phe lúc nào cũng trong tình võ trang sẵn sàng chiến đấu khi cần. Nhiều người Thái Lan cảm thấy cuộc đảo chánh này không được chính nghĩa vì đâu có thiếu những giải pháp khác hợp pháp hơn để giải quyết bất ổn chính trị, tái lập trật tự. Nhưng cũng có không ít người Thái ủng hộ quân đội đảo chánh vì họ tin rằng, nếu tướng Prayuth không đảo chánh thì Thái Lan đã sa vào cuộc nội chiến. Là đồng minh quan trọng của Mỹ tại Đông Nam Á, tình hình Thái Lan như thế nào mà bị sa vào một cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt, không thuốc chữa như thế? Câu trả lời thích hợp nhất là vì Thái Lan có một đa số mới xuất hiện ở nông thôn có ý thức chính trị và quyết tâm. Họ hầu hết là những nông dân đã và đang sống bằng nghề nông trồng lúa, Đa số mới này nổi lên và đe dọa chiếm quyền lực trong tay của thành phần bá chủ chính trường Thái tưởng chừng không có ai có thể lật đổ thành phần này. Thành phần này được gọi là giới trí thức ưu tú ở Bangkok, thủ đô Thái Lan. Giới trí thức Thái này đã thất cử liên tục trong 13 năm qua. Vì thua trong mọi cuộc bầu cử, nên họ dùng cảnh sát và quân đội, thông qua can thiệp của tư pháp, để cướp chính quyền. Một trường hợp điển hình là đã có một thủ tướng bị giới trí thức ưu tú này và những người ủng hộ họ chống đối vì đã nhiều lần xuất hiện trên màn ảnh truyền hình dạy nấu ăn, nên đã bị tòa hiến pháp bãi chức với tội danh vi phạm luật làm việc dành cho các công ty tư nhân. Cho dù được phe Áo Đỏ ủng hộ mạnh mẽ, vị thủ tướng mới nhất bị lật đổ là bà Yingluck Shinawatra, em gái út của ông Thaksin Shinawatra. Ông anh này cũng là thủ tướng kiêm tỷ phú nổi tiếng được bầu từ năm 2001 và bị lật đổ năm 2006. Những tuần trước khi bị lật đổ, bà Yingluck bị tòa án bãi chức. Tòa án đã phải ra tay vì hang ngàn người biểu tình phe Áo vàng làm tê liệt hoạt động hàng ngày của chính phủ. Còn phe Áo Vàng, được hậu thuẫn và lãnh đạo của phe trí thức, chỉ muốn chấm dứt mọi hình thức bầu bán dân chủ.
Nhân vật trung tâm gây ra cuộc đối đầu đọ sức giữa lực lượng mới và cũ là chính ông Thaksin. Ông là một nhà kinh doanh tài ba, thuộc hạng cự phách ở Thái. Ông được bầu làm thủ tướng Thái vào năm 2001 và đây cũng là mở màn cho một đấu trường tranh chấp quyền lực cai trị ở Thái Lan. Ông Thaksin là một nhân vật năng động và thậm chí có viễn kiến. Ông đã làm cuộc cách mạng hóa chính trị Thái, tạo nên một đa số mới chưa từng thấy trước đây. Đa số này qui tụ những người dân nông thôn vốn không được bầu cử tại phía bắc và đông bắc Thái. Ông có cơ hội đi vào lịch sử Thái như là một người đã lãnh đạo đất nước đi vào một kỷ nguyên mới, thịnh vượng hơn và dân chủ hơn. Nhưng ông Thaksin cũng bị sa vào tệ nạn dĩ công vi tư, dùng chức vụ để làm giàu cho cá nhân. Và ông cũng bị tố cáo không oan ức là đã dùng những phương pháp độc tài, điển hình là ông đã đưa thân nhân và thuộc hạ nắm những chức vụ quan trọng, làm mất đi tính độc lập phải có của các cơ quan quan trọng về thi hành luật pháp. Cái mặt tiêu cực này vô hình chung đã giúp cho các địch thủ của ông có lý do chính đáng (hoặc, trong cái nhìn của nhiều người trung thành của ông, một cái cớ không đáng bị) cho họ sử dụng một loại hành động băng nhóm loại trừ ông.
Một đặc điểm thứ hai trong chính trường Thái Lan là quân đội có truyền thống cũ rích và công khai can thiệp qua hình thức đảo chánh. Quân đội Thái là một cơ chế nhiều quyền lực và thường được cảm phục ở trong một đất nước vốn có một lịch sử quan hệ căng thẳng với một vài lân bang. Kể từ năm 1932, khi Thái Lan trở thành thể chế quân chủ lập hiến, quân đội Thái đã làm đảo chánh nhiều chục lần, nhưng chỉ có 12 lần được coi là thành công. Những lần can thiệp khác, quân đội không trực tiếp ra tay mà dùng quyền lực sau sân khấu giật dây để chọn một nhà lãnh đạo dân sự cai trị thay cho áo ka ki. Sự thật thì đã có ít nhất một lần trong cuộc khủng hoảng chính trị đương thời, cụ thể là vào năm 2008, quân đội Thái đã áp lực một số dân biểu của một đảng đào ngũ chạy sang đảng khác để người được quân đội chọn làm thủ tướng mới có thể nhậm chức không cần bầu cử phổ thông.
Đặc điểm thứ ba và cuối cùng trong chính trường Thái Lan là có một hoàng gia mà vị vua là Bhumibol Adulyadej. Ông đã ngồi trên ngai vàng gần 70 năm và được coi là vị bồ tát hiện thân của sự khôn ngoan, một vị thánh sống. Hình ảnh nửa thần nửa người của ông bị những kẻ mưu tìm quyền lực tưởng rằng đó là một tố chất có tầm vóc quan trọng về pháp lý và có tính chất quyết định một mất một còn không thể không có đưa đến đoàn kết quốc gia. Vua Bhumibol luôn giữ thái độ ôn hòa, không giả dối và bị một nhóm cô vấn được coi là siêu trí thức bao vây và điều khiển. Ngài được dân Thái mến mộ và tôn trọng không để cho bất cứ ai phê bình chỉ trích này nọ, hoặc thậm chí nếu ai thắc mắc về sự hiện diện của vua Thái trên cõi đời này, đều bị kết tội khi quân và bị trừng phạt nặng nề. Ai thắc mắc về tính hợp pháp của vua Thái bị coi là một trọn tội. Nhưng ngài được báo cáo là sức khỏe suy yếu gần đất xa trời. Và nếu ngài băng hà,cuộc tranh giành đấu đá quyền lực trong chính trường Thái đi vào tình thế nguy hiểm khôn lường.
Hiện đang sống lưu vong tại Dubai, thủ đô Qatar ở vùng Trung Đông, ông Thaksin vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ với phe Áo Đỏ nên ông vẫn còn là một đe dọa cho chính quyền đương tại, không phải vì ông thắng cử và tham nhũng, mà vì ông là một nhân vật duy nhất không phải người của hoàng gia Thái Lan mà các đối thủ của ông vẫn tự hào là người được vua ưu đãi. Tình hình còn đi xa hơn nữa liên quan đến người sẽ kế vị ngai vàng Thái là hoàng tử Maha Vajiralongkorn. Nhiều người biết ông Thaksin đã vun trồng được một quan hệ gần gũi với vị vua tương lai này. Nói cách khác, ông Thaksin là một đe dọa lớn sẽ thay thế các nhóm siêu quyền lực đã và đang được hưởng sự ưu đãi nhờ gần gũi với vị vua đương thời. Điều này giải thích vì sao trong suốt cuộc khủng hoảng diễn ra trong tám năm qua, ông Thaksin đã bị tố cáo nghiêm trọng nhất, dù đúng hay không đúng, là người có âm mưu đặt hoàng gia dưới sự kiểm soát điều khiển của ông. Ngược lai, phe Áo Vàng thường huênh hoang khoe khoang rằng họ và những nhân vật trong giới trí thức đương quyền ủng hộ họ là những người bảo vệ hoàng gia. Và họ tin rằng, nếu Thái Lan không có hoàng gia thì xứ Chùa Vàng sẽ đi vào hỗn loạn.
Khẩu hiệu mới của chính quyền quân sự lâm thời mới lên nắm quyền vào mùa xuân năm nay sau khi loại người em của ông Thaksin là: “Đem hạnh phúc trở về cho nhân dân”, mà, phe đảo chánh cho hay họ đã hoàn thành được một phần lời hứa là đem lại sự hòa giải giữa hai phe đối nghịch nhau. Tướng Prayuth, tư lệnh quân đội hoàng gia Thái vào lúc làm cuộc đảo chánh, là một sĩ quan chuyên nghiệp có cách hành sử nói thẳng thừng và tự tin, hiện đang cố lấy long phe Áo Đỏ bằng cách tiếp tục một số chương trình đầu tư vào nông thôn được nông dân Thái ủng hộ. Những chương trình này do ông Thaksin nghĩ ra và áp dụng. Nhưng đồng thời, tướng Prayuth cũng đàn áp thẳng tay những cuộc nổi dậy chống chính quyền quân sự.
Nhưng sự phân hóa về chính trị tại Thái Lan đã đi quá xa và quá khốc liệt với sự thù hận ngày càng chồng chất. Ngoài ra người cầm đầu cuộc đảo chánh đã hăm dọa sẽ ra lệnh bãi bỏ nhiều quyền lợi xung khắc nhau. Phe quân sự lâm thời tự trình làng như là một chính quyền trung lập về chính trị và cố hòa giải giữa hai phe phân biệt nhau bằng “màu sắc” nhưng việc quân đội đảo chánh chiếm quyền là sự đã rồi và có lý do chính đáng vì được phe Áo Vàng coi là một chiến thắng của họ. Nếu quân đội cố dẹp tan sức mạnh của phe Áo Đỏ, thì sự yên tĩnh tình hình trong thời gian từ cuộc đảo chánh đến nay được tôn trọng, thì tình hình Thái Lan sẽ lại sa vào một vòng đối đầu khác khốc liệt hơn, đằng đằng sát khí hơn. Vài tuần sau cuộc đảo chánh quân sự, một cơ sở tư vấn hàng đầu ở Washington, thủ đô Mỹ, đã làm một cuộc nghiên cứu đưa đến một kết luận rằng, “cuộc đảo chánh có thể giúp giảm bạo lực và hỗn loạn chỉ trong ngắn hạn mà thôi vì nó không thể giải quyết rốt ráo cuộc khủng hoảng này cũng như không giải quyết được những vấn đề cốt lõi của Thái Lan”.
Ông Thaksin xuất thân từ một gia đình Thái Lan gốc Trung Hoa giàu có lập nghiệp gần kinh đổ cổ của Chiang Mai phía bắc Thái. Ông làm nên sự nghiệp giàu có vào thập niên 1990 trong lãnh vực viễn thông điện tử được chính phủ giành cho độc quyền. Vào năm 1998, ông thành lập một đảng mới, mang tên Thai Rak Thai – Người Thái yêu người Thái. Đảng này đã làm cho chính trường Thái Lan bị thay đổi và biến hóa một cách triệt để vĩnh viễn.
Ông Thaksin đã trở thành một nhà vận động đầy sáng tạo và được dân mến mộ nhờ ông có những sáng kiến, ý tưởng mới. Trong cuộc bầu cử năm 2001, đảng của ông đã chiếm đa số ghế tại quốc hội nhiều hơn bất cứ đảng nào khác trong những cuộc bầu cử trước đó ở Thái. Ông trở thành thủ tướng, và ngay lập tức ông thi hành đầy đủ những lời hứa của ông trong cuộc vận động tranh cử. Ý tưởng cơ bản của ông, được cảm hứng từ nhà kinh tế gia người Peru là ông Hernando de Soto đã đến thăm Thái Lan một lần, là gia tăng số và loại tài sản có thể có tại nông thông như là bảo chứng phụ thêm cho những món tiền vay lãi xuất thấp. Trong một bài diễn văn đọc năm 2003, ông Thaksin tuyên bố: “Tư bản chủ nghĩa cần vốn. Không có vốn thì không có chủ nghĩa tư bản. Chúng ta cần bỏ vốn vào các vùng nông thôn.” Ông tạo ra các chương trình kích thích trong đó có cả những món tiền cực nhỏ cho nông dân vay, tiền mặt tràn vào làng mạc Thái, những món tiền vay đi học lãi xuất nhẹ và một chương trình y khoa toàn quốc mới, theo đó, bất cứ người dân Thái nào khi chữa trị bệnh tật chỉ phải trả giá tiêu chuẩn 30 đồng bath Thái, tương đương một đô la Mỹ.
Các đối thủ tố cáo ông chi tiêu vung tay, nhưng tỷ lệ tăng trưởng của Thái Lan, từng bị thấp sau cuộc khủng hoảng tài chánh Á châu năm 1977, đã nhanh chóng tăn lên khoảng 7%. Chương trình của ông Thaksin đánh dấu một sự thay đổi cán cân tổng số ngân sách quốc gia, thay vì đi về Bangkok thì nay đi về cho các tỉnh nhiều hơn. Tỷ lệ nợ và sản lượng quốc gia của Thái nằm trong khoảng giữa 40 và 50% trong nhiều năm, được coi là phải chăng cho một quốc gia đang phát triển.
Khắp miền nông thôn Thái, lần đầu tiên người nông dân cảm thấy nhà lãnh đạo quốc gia năng động và mạnh mẽ đã đặt trọng tâm làm cho nông thôn thịnh vượng là ưu tiên hàng đầu của ông. Ông Thaksin củng cố vị trí của ông bằng một quan niệm hơi phi chính thống Phật giáo trong một quốc gia mà các giáo lý nhà Phật không thể thiếu trong các cuộc thảo luận chính trị. Nước Thái sống lấy triết lý đạo Phật làm chủ đạo, và kết hợp với vua Thái, đòi hỏi người dân hãy sống trọn vẹn theo kinh tế có trong tay. Đây là một khái niệm về lối sống đơn giản cần kiệm, không tham lam và chấp nhận những hoàn cảnh tối thiểu nào đó được coi là phải đạo. Ai ham muốn xa hơn nữa bị coi là biểu thị ảo giác bản thân.
Tướng Prayuth Chan-ocha, vợ ông (thứ hai từ phải), và thành viên nội các của ông cầu nguyện cho sức khỏe vua King Bhumibol Adulyadei, BangkoK, tháng 10 2014
Trong các bài diễn văn của mình, ông Thaksin cổ võ một khuynh hướng khác về tư duy của một nhân vật đương thời có tên là Buddhadasa Bhikkhu. Ông này chủ trương cải thiện cuộc đời thay vì tạo nghiệp tích lũy cho tương lai. Sau vụ đảo chánh lật đổ ông Thaksin vào năm 2006, một bản hiến pháp chú trọng mang lại kinh tế đầy đủ là nguyên tắc chỉ đạo. Bản hiến pháp này được chấp nhận qua một cuộc trưng cầu dân ý quốc gia. Mặc dù đã được tuyên truyền rầm rộ, các cuộc thăm dò cho thấy bản hiến pháp bị 62.8% người dân ở các tỉnh phía bắc bác bỏ.
Sự thức tỉnh của nông thôn trong lúc này đã được thấy trong các hoạt động của phe Áo Đỏvà hết còn là vì ông Thaksin. Ông xuất hiện theo trào lưu thời đại khi nông thôn Thái đã biết nhiều hơn về thế giới bên ngoài, vì thế miền quê tỏ ra tân tiến hơn và có nhu cầu hơn. Nhiều năm sau, hàng ngàn nông dân bỏ ruộng vườn cùng với những cựu nông dân rủ nhau vào làm việc tại 30 khu kỹ nghệ rải rác khắp nước để sản xuất phần cứng máy điện tóa và các sản phẩm tân tiến khác. Nhiều ngàn dân làng khác đã bỏ nông thôn về thành thị, đặc biệt về thủ đô Bangkok, để lái tắc xi hay xe gắn máy ôm, giúp việc nhà hay làm trong các khu du lịch cao cấp ở nông thôn và trong kỹ nghệ tình dục.
Những người ở nông thôn lên thành thị nhập cư đều ý thức mạnh mẽ rằng những khu buôn bán hào nhoáng tráng lệ không nằm trong tầm tay đồng lương khiêm nhường của họ, nên họ vẫn giữ liên lạc mật thiết với làng mạc gốc gác của họ, gửi tiền dành dụm cho cha mẹ, cho con cái mà họ bỏ lại ở quê nhà. Hoặc họ trở về để bỏ phiếu. Ông William Klausner, một nhà nhân chủng học đã nghiên cứu nông thôn Thái Lan trên 60 năm nay. Ông đã đến thăm một làng Thái trong thời Thaksin còn tại chức đã viết một bài tiểu luận cho biết vị sư làng đã không còn được một nhà hoạt động chính trị thân Áo Đỏ coi trọng theo truyền thống như trước đây. Ông Klausner nhận định: “Lập trường chính trị được bảo vệ chặt chẽ không gì lay chuyển nổi, ít nhất bởi những kẻ theo ông Thaksin. Ông Klausner ước lượng những người ủng hộ ông Thaksin chiếm tới 92% dân tại một số làng mạc.
Tại phía bắc và đông bắc, hầu hết làng mạc tự đặt cho họ là làng Áo Đỏ. Một lá cờ Áo Đỏ thường treo trước cửa vào nhà cùng với một chân dung ông Thaksin. Một đài phát thanh địa phương của Áo Đở loan tin tức và các cuộc phỏng vấn với ông ngay cả sau khi ông đã bị lật đổ và sống lưu vong ở ngoại quốc. Phe đảo chánh quân sự đã cấm tiệt hoạt động này của phe Áo Đỏ.
Sau khi tại chức trọn một nhiệm kỳ thủ tướng, ông Thaksin tái ứng cử nhiệm kỳ hai được tổ chức vào năm 2005. Đảng Thai Rak Thak thắng 375 trong tổng số 500 ghế quốc hội, đánh bại đảng đối thủ là Dân Chủ thua nặng nề. Ông Thaksin bắt đầu nhiệm kỳ hai trong chức vụ thủ tướng mạnh hơn bao giờ hết trong lịch sử Thái. Ông Pichai Chuensuksawadi, tổng biên tập tờ báo Bangkok Post bằng Anh ngữ, cách đây hai năm đã nói với tác giả bài này khi đến thăm Thái Lan rằng: “Ông ta đã làm những cuộc kháo cứu chính xác nên đã gửi những thông điệp đúng tim đen các cử tri nông thôn.” Ông Pichai nói tiếp: “Điều quan trọng là ông ta đã giữ lời hứa (làm được một số cải thiện) ngay sau cuộc bầu cử năm 2001. Từ đó, uy tín của ông ta lên như diều gặp gió, ngay cả hoàng gia cũng như phe đối lập cũng ủng hộ. Nhưng mặt khác, ông ta cũng đồng thời phá hoại tiến trình dân chủ.”
Chính cái mặt trái này là sai lầm nghiêm trọng của ông Thaksin. Trong những ngày đầu, thành phần chủ chốt chống đối ông là giới thương gia giàu có ở Bangkok vì họ coi ông như một đe dọa cho quyền lợi của họ. Nhưng tinh thần chống Thaksin lan rộng nhanh chóng thành một phong trào đám đông, bao gồm giới ký giả, nhiều công chức, những người trong giới có ngành nghề chuyên môn, một số nghiệp đoàn lao động, nhiều thành phần trong quân đội và cảnh sát, và một số thành viên của hoàng gia Thái chống đối ngầm. Nhiều người trong thành phần đối lập này cũng không có lợi gì về kinh tế nếu ông Thaksin bị lật đổ. Nhưng họ đã nhìn ông như là một dân cử có tiềm năng trở thành nhà độc tài, một strongman theo kiểu Vladimir Putin, hoặc có thể so sánh với Hun Sen của Cam Bốt nước láng giềng của Thái. Hun Sen cai trị bằng gọng kìm được hợp thức hóa bằng các cuộc bầu cử tự do.
Hai người viết tiểu sử ông Thaksin là Pasuk Phongpaichit và Chris Baker đã ghi lại những việc làm mờ ám của ông. Ông không quảng cáo những tờ báo đã từng chỉ trích phê bình ông và áp lực các cơ quan tin tức trừng phạt các ký giả đã công kích ông. Ông giẫm nát những quyền cá nhân trong một chiến dịch chống giới buôn lậu ma túy khiến cho hàng ngàn người bị lực lượng của Thaksin giết thẳng tay. Đây là một vi phạm lớn về pháp trị của ông Thaksin trong chức vụ thủ tướng Thái.
Và rồi có những hành động sai trái công khai của ông Thaksin, thậm chí ông ta còn trơ trẽn dùng vị thế chính trị để làm giầu thêm cho mình và cho gia đình. Vào năm 2006, sau chiến thắng bầu cử lẫy lừng, gia đình ông ta bán công ty Shin (viết tắt của Shinawatra) Corporation cho một công ty hàng đầu của Singapore, kiếm lời khẳm 2 tỷ đô la mà ông Thaksin chẳng phải trả đồng thuế nào. Tòa án không tìm thấy có điều gì phạm pháp trong vụ mua bán này. Tuy nhiên, vụ bán này cho thấy ông Thaksin có thể thao túng luật pháp sao cho có lợi cho mình. Nhưng nó cũng cho một người từng ủng hộ ông có đạn dược mới để chiếm được sự ủng hộ to lớn cho chiến dịch chống Thaksin. Đó là ông trùm truyền thông Sondhi Limthongkul.
Năm 2006, ông Sondhi lập đảng liên minh nhân dân vì dân chủ People’s Alliance for Democracy. Đảng này chọn màu vàng là màu của hoàng gia làm biểu tượng. Không bao lâu sau, đảng này đã có thể phát động một loạt các cuộc biểu tình đòi ông Thaksin từ chức. Tình hình xáo trộn kéo dài trong vài tháng dẫn đến cuộc đảo chánh năm 2006 trong khi ông Thaksin đang ở New York dự đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Hai năm sau, ông Thaksin bị kết tội lạm dụng quyền hành trong một vụ chuyển nhượng đất đai tại Bangkok. Ông bị kết án 2 năm tù khiến phải rời Thái Lan sống lưu vong năm 2008.
Tuy nhiên, ông Thaksin vẫn còn là một hình ảnh chủ đạo tại Thái Lan. Ông đưa ra những quyết định cho đảng Thai Rak Thai. Và ngay cả khi đảng này bị cấm hoạt động sau cuộc đảo chánh 2006, những người còn lại trong đảng phải đổi tên khác, họ vẫn thi hành những quyết định của ông Thaksin. Năm 2010, sau khi quân đội lập một chính phủ cho đảng Dân Chủ không bầu cử, có tới 300.000 người thuộc một tổ chức được biết qua cái tên mặt trận đoàn kết vì dân chủ chống độc tài United Front for Democracy Against Dictatorship của phe Áo Đỏ đã chiếm khu trung tâm thương mại ở Bangkok. Khu này qui tụ những thương xá và khách sạn đắt tiền nằm ngay bên cạnh sân golf xanh mướt quanh năm là Royal Bangkok Sports Club. Khu này là biểu tượng cho hố ngăn cách xã hội và kinh tế giữa người nổi dậy thôn quê có nước da ngăm đen nắng mưa,giọng nói nhà quê và giới trí thức ngành nghề da xanh mai mái và giọng nói thành thị không cho Thaksin nắm quyền hành. Sau ba tháng, quân đội Thái dùng súng và đạn thật giải tán cuộc chiếm đóng của phe Áo Đỏ sát hại khoảng 80 người biểu tình. Nhưng cũng có 12 người lính tử thương.
Vụ tấn công của quân đội năm 2010 vẫn còn là một ký ức khó quên cho phe Áo Đỏ. Đây là một nỗi đau buồn khôn xiết. Trong khi đó, cảnh sát và quân đội lại dung túng cho phe Áo Vàng, cho dù phe này đã làm những việc không những phá rối mà còn bất hợp pháp. Vào năm 2008, phe Áo Vàng đã trưng dụng hàng trăm xe buýt chiếm đóng phi trường Bangkok kéo dài hơn một tuần lễ, cắt đứt Thái Lan khỏi thế giới bên ngoài. Chưa hết, phe Áo Vàng còn bao vây tòa nhà quốc hội bằng giây kẽm gai để không cho một thủ tướng mới được cất nhắc lên điều hành chính phủ. Những hành động như thế được quân đội dùng để biện minh cho việc thiếp lập một tân chính phủ dân sự chống Thaksin vào năm 2008. Nhưng đến năm 2011, bầu cử được tổ chức và như thường lệ, đảng Thaksin lại thắng đa số không thể chối cãi. Em gái của ông Thaksin, bà Yngluck Shinawatra, được chính ông Thaksin đề cử lãnh đạo đảng bây giờ được gọi tên là Pheu Thai (Vì dân Thái) và trở thành thủ tướng.
Tháng 11 năm 2013, phe Áo Đỏ kiểm soát hạ viện đã thông qua một luật tổng đại xá. Luật tha thứ các thủ lãnh phe Áo Vàng trong vụ đàn áp phe Áo Đỏ năm 2010. Nhưng luật này cũng cho phép ông Thaksin về nước. Và đây là nguyên nhân dẫn đến một làn sóng biểu tình dữ dội mới. Đám dân quân phe Áo Vàng đã cưỡng bách lọt vào một số tòa nhà chính phủ và chiếm đóng nhiều tháng. Trong một nỗ lực chính thức hiếm có nhằm kiểm soát phe Áo Vàng, cảnh sát cố ngăn chặn không cho phe này chiếm trụ sở chính quyền Government House, nơi có văn phòng thủ tướng. Nhưng tòa nhà vẫn bị chiếm và bà Yingluck phải dời sang một nơi giữ bí mật để được an toàn.
Bà Yingluck kêu gọi một cuộc bầu cử mới nhưng phe Dân Chủ không tham gia và phái các đảng viên đến phong tỏa các phòng phiếu khiến cho nhiều đơn vị bầu cử không thể bầu được. Vì thế ủy ban bầu cử Election Commission tuyên bố vô giá trị kết quả bầu cử dựa trên lý do không đủ phiếu bầu. Trong khi biểu tình phản đối, phe Áo Vàng đã chiếm một vài đài truyền hình ở Bangkok, bắt các đài này phát hình và phát thanh một bài diễn văn của ông Suthep Thaugsuban, một cựu phó thủ tướng chống Thaksin kịch liệt, nay trở thành thủ lãnh phe Áo Vàng. Ông Suthep đòi bà Yngluck từ chức và “trả lại quyền lực cho nhân dân” trong vòng hai ngày. Ông này cũng kêu gọi xóa bỏ hệ thống bầu bán dân chủ ở Thái Lan và thành lập hội đồng do vua chỉ định để điều hành quốc gia như một chính phủ.
Trong những ngày này, dư luận đồn đoán và theo dõi tập trung vào tướng Prayuth xem ông ta giải quyết cuộc khủng hoảng Thái Lan như thế nào trong những tháng tới. Cho đến lúc này, ông ta đã giữ cho quốc gia yên tĩnh, loan báo nhiều biện pháp mới trong các buổi phát thanh hàng tuần và hứa dần dần sẽ đưa Thái Lan trở lại chính quyền dân sự. Nhưng có lẽ câu hỏi quan trọng hơn cả là phe Áo Đỏ sẽ làm gì và liệu họ sẽ quay trở lại với một đám đông biểu tình hay không?. Phe Áo Đỏ không quen biểu tình bất bạo động. Vào năm 2010, phe Áo Đỏ xuống đường đã làm nhiều người dân sợ hãi. Nhưng không thể nào không thông cảm cho họ. Những người lãnh đạo họ bầu lên trong các cuộc bầu cử tự do và công bằng bị mất chức vì lối hành xử theo kiểu anh chị, được giới trí thức ủng hộ và cuối cùng bị quân đội đóng dấu phê chuẩn.
Còn về phần ông Thaksin, ông vốn là một nhân vật thỏa hiệp, sẵn sàng dùng sản nghiệp khổng lồ để chiếm quyền lực. Nhưng có phải vì ông ta thuộc loại người strongman nên đã có những hành động việc làm khiến cho quân đội biện minh để lật đổ ông ta hay không? Điều rõ ràng là phe đối lập không chịu tham gia bầu cử vì họ biết sẽ bị thua. Hồi tháng 7, ông Apirux Wanasathop, một tham vấn kinh doanh có uy tín, đã nói với người viết bài này rằng: “Nếu luật pháp được thi hành thì đã giải quyết xong rồi”. Ý ông Apirux muốn nói là cảnh sát và quân đội không chịu tái lập trật tự ở Thái Lan bị phe Áo Vàng quậy phá mà không bị ngăn cản hay trừng phạt theo luật. Trong khi ông Thaksin còn nắm quyền, ông ta đã từng nói “vẫn phải tin tưởng” vào cử tri và tòa án. Ông Aspirux nhận định: “Ông ta đã bị bó tay còn quân đội lúc nào cũng rảnh tay hành động.”
Phe đảo chánh vẫn cố loại trừ ảnh hưởng từ xa của ông Thaksin bằng cách cấm phe Áo Đỏ hoạt động, đóng cửa các đài phát thanh Áo Đỏ và canh chừng các thủ lãnh Áo Đỏ sẽ bị tù nếu phát ngôn thẳng thừng. Hành xử theo cái kiểu cả vú lấp miệng em đại ca của tiểu thuyết 1984 của tác giả George Orwell, chế độ quân phiệt còn xóa tên Thaksin trong các sách lịch sử ở trường học. Đồng thời, nền kinh tế Thái đã chậm lại xuống còn tỷ lệ tăng trưởng 1.5% mỗi năm. Công nợ nông thôn đang gia tăng, trong nhiều nơi, các nông dân trồng lúa vay mượn để làm mùa nay không thể nào trả được nợ vì hạn hán nghiêm trong. Nói cách khác, như cơ sở tham vấn ở Washington từng phân tích, phe quân sự vẫn còn vật lộn với những vấn đề cốt lõi của Thái Lan. Vấn đề cốt lõi lớn nhất là sự tức giận và xa lánh của đa số người dân nông thông mà trình độ nhận thức của họ đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan ngay từ đầu. Xin đừng ngạc nhiên nếu phe Áo Đỏ lại cố nắm quyền một lần nữa.
(Nhận định của người dịch: Hãy chờ xem – Wait and See)
Tài liệu tham khảo:
1. See Andrew MacGregor Marshall’s A Kingdom in Crisis: Thailand’s Struggle for Democracy in the Twenty-First Century(Zed, 2014) for a full elaboration of the theory that a crisis over Thailand’s looming royal succession is the root cause of the turmoil. ↩
2. See Phuong Nguyen, Gregory B. Poling, and Kathleen B. Rustici, “Thailand in Crisis: Scenarios and Policy Responses,” Center for Strategic and International Studies, July 2010. The CSIS study outlined three possible future scenarios: the rise of a moderate middle, continued military rule, or civil war.
3. See Claudio Sopranzetti, “Burning Red Desires: Isan Migrants and the Politics of Red Desire in Contemporary Thailand,”South East Asia Research, Vol. 20, No. 3 (2012).
4. See William J. Klausner, Essays on Thai Culture in Transition: Social and Political Implications (Bangkok: Institute of Security and International Studies, 2010), pp. 64–67.
5. Thaksin (University of Washington Press, second edition, 2010).
6. Thomas Fuller, “Loved and Hated, Former Premier of Thailand Is Erased from Textbook,” The New York Times, September 16, 2014.
7. Thomas Fuller, “Household Debt and Signs of Drought Squeeze Economy in Thailand,” The New York Times, October 6, 2014.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"