Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Sống không biết nhục!!

Nguyễn Ngọc Long
Tác giả Nguyễn Ngọc Long.
Trong buổi lễ kết nạp thành viên và ra mắt câu lạc bộ Chuyên Marketing của Trường Đại Học Công Nghiệp, một bạn sinh viên đặt câu hỏi cho mình rằng cái tôi cá nhân có quan trọng hay không? Mình không trả lời câu hỏi đó mà nói với 200 bạn sinh viên có mặt ở hội trường là ai tự thấy cái tôi cá nhân là quan trọng thì giơ tay lên.
Có khoảng hơn 90% các bạn sinh viên đã giơ tay lên đầy hứng khởi.
Thực ra đây là một câu hỏi rất dễ trả lời. Vì nếu cái tôi cá nhân không quan trọng thì còn gì quan trọng nữa bây giờ? Không ai muốn trở thành bản sao của bất cứ một người nào khác. Chúng ta chỉ có thể nỗ lực trở thành chính bản thân mình, hoặc trở thành... không ai cả!

Nếu nghĩ theo chiều ngược lại, rằng cái tôi cá nhân của mình là quan trọng thì cái tôi cá nhân của người khác cũng quan trọng không kém. Vì thế chúng ta phải biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt khi làm việc nhóm. Tại vì ý thứ 2 của câu hỏi là làm sao để dung hòa giữa cái tôi cá nhân và cái tôi tập thể?
Theo mình, sẽ không có sự khác biệt quá lớn về cái tôi cá nhân và cái tôi tập thể. Vì nếu một tập thể nào đó có định hướng, sứ mệnh, mục tiêu... khác xa lý tưởng sống của bạn thì tại sao bạn lại phải tham gia vào đó để bây giờ vật vã trong đau khổ vì không thể chấp nhận nổi nhau? Có lẽ những câu hỏi kiểu như thế này chỉ xảy ra ở những bạn đã có lựa chọn sai xuất phát từ việc thiếu thông tin về hội nhóm mà chỉ đăng ký cho vui, đăng ký theo phong trào hoặc giả là do chính cá nhân bạn chẳng hiểu nổi bản thân, rằng mình đang sống vì cái gì và đâu là mục tiêu quan trọng của cuộc đời.
Một bạn khác hỏi anh tham gia facebook để làm gì?
Mình trả lời ngay, mình tham gia facebook vì lý do ĐƯỢC NÓI. Hàng ngày chúng ta vẫn đang thao thao bất tuyệt ở đủ mọi nơi, nhưng thực ra đó không phải là nơi chúng ta được nói. Vì đó không phải là diễn đàn của chính chúng ta.
Ở tại gia đình, chúng ta thường đưa ý kiến trong diễn đàn của cha mẹ và thường sẽ phải chịu sự áp đặt theo truyền thống Á Đông. Sẽ thật hạnh phúc nếu như trong một gia đình mà con cái được tự do bày tỏ quan điểm của chính mình, nhưng số lượng đó có vẻ không nhiều. Ra ngoài xã hội chúng ta phải nói trong diễn đàn của những kẻ lắm tiền, khác biệt về tư duy suy nghĩ và ít khi chịu lắng nghe. Đi vào công sở chúng ta lại phải nói trong diễn đàn của sếp nhỏ, sếp lớn và sếp tổng.
Vậy thì tại sao không bày tỏ quan điểm ở trên facebook, blog hay nhật ký cá nhân truyền thống? Đó là nơi chúng ta được nói. Đó là diễn đàn của chính chúng ta. Càng có nhiều kinh nghiệm sống và trải nghiệm, các bạn sẽ càng nhận ra một điều rất đau khổ rằng tôi muốn nói, tại sao không ai cho tôi được nói? Vậy thì hãy thoải mái nói đi.
Và để làm được điều đó, chúng ta cần dũng cảm.
Rất nhiều bậc đàn anh, cha chú nói với bạn rằng hãy dũng cảm, hãy dấn thân và hết lòng thực hiện lý tưởng sống của chính mình. Rất nhiều diễn giả, nhiều cuốn sách, nhiều chương trình huấn luyện kỹ năng mềm cũng nói với bạn y chang như vậy. Hãy dũng cảm để thành công. Nhưng làm sao để dũng cảm bây giờ? Làm sao để vượt qua được những rào chắn trong suy nghĩ của bản thân? Mình thì nói với các bạn sinh viên một cách trần tục hơn, rằng các bạn muốn thành công thì phải tập cách sống và làm việc KHÔNG BIẾT NHỤC.
Bạn không thể cất lời ở giữa đám đông để nói lên những điều suy nghĩ vì bạn sợ nếu sai thì mọi người chê cười và mang nhục. Bạn không dám đưa ý tưởng lên cho sếp duyệt vì sợ không khả thi thì mang nhục. Bạn cứ ngồi một chỗ chờ một công việc như ý trong một công ty bự bự từ trên trời rớt xuống chứ không sẵn sàng làm những việc "level thấp" ở các công ty nhỏ nhỏ vì sợ nhục...
Khoảng năm học lớp 7 hay lớp 8, có một lần (như nhiều lần khác), sau khi lấy hết can đảm vẫn chẳng dám giơ tay lên bảng chữa bài thì tôi đã để mất cơ hội vào tay một người "dũng cảm" hơn. Thật đáng tiếc là bạn đó làm sai, sai một cách rất ngô nghê và căn bản. Kết quả là cả lớp cười rần rần và bạn đó đi về trong sự "xấu hổ và ê chề nhục nhã". Đến cuối giờ học ngày hôm đó, tôi rủ bạn đi đá cầu nhưng bạn nhất quyết không chịu và nói chỉ muốn ngồi một mình vì đang xấu hổ. Tôi ngớ người ra hỏi mày xấu hổ chuyện gì? Và phải mất một lúc sau tôi mới nhớ ra rằng hồi đầu giờ bạn đã làm sai, và đã mang nhục trong một khoảng thời gian... cực ngắn!
Từ đó, tôi chợt nhận ra một điều rằng thực ra nhục không có gì đáng sợ. Vì mỗi người chúng ta đều có quá nhiều việc quan trọng phải bận tâm, hơn là dành ra cả ngày cả tháng cả đời để đi khinh thường người khác. Nói chúng, chúng ta đắm chìm trong những nỗi nhục do chúng ta tưởng tượng ra nhiều hơn là những lời xì xào mà thiên hạ có thể nói về chính chúng ta.
Để thành công cần biết nắm bắt nhiều cơ hội, dựa trên nền tảng của lòng dũng cảm. Và lòng dũng cảm được cụ thể hóa thành một thứ rất đời thường vô cùng dễ hiểu, là không biết nhục. Bí quyết của mình chỉ đơn giản như vậy mà thôi, ai cũng muốn học cách không sợ nhục thì bấm Like và Share ủng hộ. Chúc cả nhà một ngày cuối tuần vui vẻ và đầy nhục nhã :-))))))))))

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"