Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Bạc Ác & Xuẩn Động

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
Dân Luận
Đối nghịch với Nhân dân, khác nào con thuyền, ngược dòng trong bão tố. Đợi đến khi: “Lật thuyền, mới biết sức Dân như nước” thì mọi chuyện đã trở nên quá muộn mằn. Nguyễn Tiến Dân
Bữa rồi, Giáo Sư Ngô Vĩnh Long có than phiền (đôi chút) về ông Nguyễn Phú Trọng:
“Tôi nghĩ rằng người ta cũng không nên khinh rẻ dân chúng. Khi mà dân chúng, người cử tri hỏi những câu hỏi đàng hoàng, thì người ta cũng nên trả lời một cách đàng hoàng mà không nên thái quá.”
Tưởng gì chớ nói năng không được “đàng hoàng” hay “bạ đâu nói đó” (vốn) là đặc tính chung của giới lãnh đạo Hà Nội, chớ không phải chỉ mình ên ông Tổng Bí Thư. Về vụ này, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cũng đã đưa ra một nhận xét tuy khái quát nhưng hoàn toàn chính xác:
“Họ không nói được cái gì cụ thể, mà chỉ xoay quanh các khẩu hiệu quen thuộc, kiểu như ‘dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…’ những bài nói chuyện của lãnh đạo VN rất khó gần với người dân do ngôn ngữ cứng đơ và kém thân thiện, và cách họ triển khai bài nói chuyện quá xa rời công chúng.”
Nói nào ngay thì giới lãnh đạo có không muốn “xa rời công chúng” e cũng không được, bởi thiên hạ đâu có ai thích “gần” với họ. Dân ngán mấy chả thấy mụ nội luôn. Nhà văn Phạm Đình Trọng xem đây là “Nỗi Ngán Ngẩm Thường Ngày” của riêng ông:

“Là nhà lãnh đạo cấp cao đương chức nên ông thường xuất hiện trên truyền hình trong các chương trình thời sự. Vì thế, hầu như ngày nào tôi cũng phải thấy ông! Đang chăm chú theo dõi thông tin về những sự việc dồn dập của cuộc sống sôi động, thấy ông xuất hiện, tôi ngán ngẩm quá phải nhìn đi chỗ khác hoặc bấm remote chuyển sang kênh thể thao, giải trí nước ngoài.”
Chỉ sau vài tuần sống ở Việt Nam, một nhà văn khác – Hoàng Mai Đạt – cũng đã cảm thấy (“ngán ngẩm”) y như vậy:
“Như tránh người ăn mày, tôi cũng dần dần làm ngơ tin tức trên đài truyền hình. Trong vài ngày đầu tiên ở Việt Nam, tôi ngạc nhiên khi thấy mọi người vội tắt máy truyền hình đúng giờ có tin tức…nhiều người ở đây thản nhiên rời máy truyền hình, để làm những công việc khác trong giờ tin tức buổi chiều. Họ có thể ăn uống, vào nhà vệ sinh, ra ngoài hiên hút thuốc lá, hoặc ngồi chơi với chó.”
Nói tóm lại (và nói cách khác) thì các đồng chí lãnh đạo muốn nói gì, và nói sao, cũng được. Ăn cũng thế. Miệng người sang có gang có thép mà. Ăn bi nhiêu thì ăn. Cứ ăn tất tần tật. "Ăn của dân không từ một cái gì" mà có ai (dám) ho he hay hó hé gì đâu.
Người dân chỉ phiền hà về những việc làm vô cùng bạc ác, rất thất nhân tâm (và cũng rất ngu xuẩn) của qúi vị thôi. Xin đơn cử vài thí dụ.
Trong cuốn Đèn Cù II, vừa xuất bản, Trần Đĩnh kể lại chuyện sau:
“Vấn có bạn là Bác sĩ Mai Thế Trạch, con bà Lợi Quyền tư sản lớn từng lẫy lừng chuyên quyên góp rất nhiều vàng cùng nhà cửa trong Tuần lễ Vàng. Còn lại một ngôi nhà, sau được Ban tuyên huấn trung ương đến hỏi. Chê đắt. Đùng một hôm, xe tuyên huấn chở mấy bao tải tiền đến mua, đắt cũng được. Ba ngày sau đổi tiền. Tố Hữu, nguyên trưởng ban tuyên huấn, đã hạ thời cơ tuyệt hảo chấm dứt cơ nghiệp đại gia tư sản Lợi Quyền có tiếng ở Hà Nội. Bằng giấy lộn.”
Còn trong cuốn Hậu Chuyện Kể Năm 2000, sắp xuất bản, lại có câu chuyện khác:
“Hơn mười năm sau, khi cháu Bùi Quang Dũng học đại học Hàng Hải, nhà trường có chủ trương tất cả sinh viên đều làm hộ chiếu. Tôi biết điều gì sẽ đến với cháu, nhưng chẳng lẽ bảo con đừng khai, đừng nộp hồ sơ lên công an. Quả nhiên hồ sơ cháu được Công An Phường ghi: “Bố đi tù 5 năm về tội phản tuyên truyền.” ... Tôi cơ hồ tuyệt vọng. Hoàn toàn không nghĩ là con mình được vào đại học, bởi con em nông dân lao động không vào hợp tác xã cũng không được học đại học huống hồ con một tên phản động!"
(Bùi Ngọc Tấn. Hậu Chuyện Kể Năm 2000. Tiếng Quê Hương. Fallchurch, Virginia, 2014).
Bùi Ngọc Tấn đã về cõi vĩnh hằng. Cái mô hình kinh tế hợp tác xã cũng không còn nữa. Chuyện cũ (thôi) nhắm mắt cho qua luôn đi nhưng những câu chuyện tiếp nối (vẫn còn nguyên tính cách thời sự) thì thiệt là ... không biết phải nhét vào đâu đây, cho nó đỡ kỳ. Coi:
Ngày 15 tháng 5 năm 2014, trên trang F.B của nhà văn Nguyễn Tường Thụy, người ta đọc được những dòng chữ sau của tác giả Dương Thị Tân:
“Tiếng chuông điện thoại đổ liên hồi. Tôi nhấc máy, đầu dây bên kia một giọng nói nghẹn ngào: ‘Chị ơi, mẹ con em khổ quá.’ Định thần mãi tôi mới nhận ra giọng của cô Dinh, vợ thầy Đinh Đăng Định. Nhắc cô bình tĩnh, nói từ từ thì tôi mới nghe được.
Cô kể rằng con cô, cháu Đinh Phương Thảo đang dọn nhà trong mưa mà không biết phải đi đâu vì trong hơn một tháng qua đã phải đi thuê nhà ba lần, nhưng chỉ ở được ít ngày thì lại phải dọn đi vì bị chủ nhà đuổi...
Sau đó tôi gọi cho cháu Thảo. Cháu kể: ‘Con vừa mang món đồ cuối cùng lên gác thì cô chủ nhà đến nói: xin lỗi con có phải là Đinh Phương Thảo không, nếu là Đinh Phương Thảo thì cô chủ không cho con thuê được đâu. Vì lúc nãy có người gọi điện cho cô chủ yêu cầu cô ấy hoặc là không cho người có tên Đinh Phương Thảo thuê nhà, hoặc là tất cả những khách đang thuê phải dọn đi hết.
Vì vậy, cô ấy chỉ còn cách năn nỉ xin con hãy chuyển đi nơi khác giùm mà thôi. Con nói tối rồi, mà trời lại đang mưa, cô hãy cho con ở tạm qua đêm, sáng mai con tính. Cô chủ đồng ý nhưng ít phút sau cô lại lên nói con phải đi ngay trong đêm, không được ở lại đâu. Nếu không đêm nay người ta sẽ đến khám xét nhà trọ. ‘Kể đến đây, cháu khóc: ‘Cô ơi, con biết đi đâu bây giờ..."
dinhdangdinh.jpg
Đám tang nhà giáo Đinh Đăng Định. Ảnh: boxitvn<
Không ai, kể cả nhà văn Bùi Ngọc Tấn, biết nguyên do ông phải vào tù nhưng mọi người Việt Nam đều biết tại sao nhà giáo Đinh Đăng Định bị bắt giam: Ông công khai và cương quyết chống lại “chủ trương nhất quán của Đảng” về việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên.
Chủ trương lớn này gây lỗ lã và tác hại ra sao (đến nay) mọi người đều đã rõ: càng làm càng rõ! Nhà giáo Đinh Đăng Định cũng đã từ trần. Thân nhân của người quá cố không hề nhận được một lời tạ lỗi (đã đành) mà còn bị tiếp tục săn đuổi, và áp bức cho đến nỗi không còn chỗ dung thân!
Tại sao qúi vị lãnh đạo lại “quyết tâm” đến thế? Và ác tâm như thế để làm gì? What’s the point? Sao không dành sự “quyết tâm” tương tự cho hàng trăm thứ tệ đoan đầy rẫy khắp xã hội, hay cho việc việc bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải đang bị ngoại bang uy hiếp?
dinhphuongthao.jpg
Đinh Phương Thảo. Ảnh: http://cachmanghoalai
Ngày 12 tháng 10 năm 2014, phóng viên Hoà Ái (RFA) phỏng vấn một thành viên Mạng Lưới Blogger Việt Nam, về việc nhân vật này vừa bị bạo hành. Sau đây là câu trả lời của nạn nhân, cô Nguyễn Hoàng Vi:
“Việc xảy ra vào khoảng 3:30 giờ chiều hôm qua lúc đi bộ ra ngoài. Khi đi thì thấy có nhiều người an ninh mặc thường phục đi theo. Bắt đầu khi đi về nhà thì có 3 phụ nữ đi trên 2 xe máy, tông vào em trong khi xung quanh có rất nhiều dân phòng lẫn an ninh mặc đồ bình thường.
Em nghĩ là họ đang muốn kiếm chuyện cho nên khi bị họ tông như vậy thì em chỉ né qua một bên, nhảy lên lề chứ không có động thái nào nói lại họ hay gây hấn gì với họ hết. Nhưng 3 người phụ nữ này vẫn đuổi theo em. Họ chạy lên trước em và quay đầu xe lại để tiếp tục tông vào người em.
Lúc đó em quay lại phía sau, thấy có nhiều thanh niên mặc thường phục lẫn dân phòng và có nhiều phụ nữ rất đông. Em cố chạy về nhà nhưng không kịp. Họ từ tứ phía vây lại, đánh em rất nhanh, rất dã man. Người phụ nữ tông xe vào em thì dàn cảnh hô lên là em giựt chồng này kia.”
danlambao.jpg
Ảnh: Dân Làm Báo
Tôi nghe xong mà mặt cứ đỏ mãi vì xấu hổ. Không hiểu kể từ lúc chở cả xe tiền đi mua nhà của một vị ân nhân cách mạng (rồi ba ngày sau có lệnh đổi tiền) đến màn “dàn cảnh” đánh ghen (tuần qua) thì cái chủ trương (gian xảo, đểu cáng, bẩn thỉu, đê tiện) nhất quán và xuyên suốt của Đảng đã đã kéo dài được bao năm rồi?
Liệu cái phương cách “trị an” (đốn mạt, bạc ác, ngu xuẩn và ti tiện) như vậy thêm được bao lâu nữa? Và sau khi vở kịch cách mạng hạ màn thì các đồng chí lãnh đạo sẽ trốn vào cái xó nào?
Tôi không có ý dọa ai mà chỉ muốn bầy tỏ nỗi lo âu (trong tương lai gần) khi chính qúi vị – cũng như thân nhân – đều biến thành đích nhắm cho sự oán hận, và phẫn uất đã chất chứa trong lòng người từ hơn nửa thế kỷ qua! Dân Việt vốn bao dung, nhân ái, và độ lượng nhưng nếu qúi vị vẫn tiếp tục những hành vi bạc ác và gian ác (cho đến ngày tàn) thì chung cuộc e rất khó lường!
Xin ngưng ném mắm thối, ném phân, đổ nước tiểu vào nhà người dân hay nhất định dồn họ đến bước đường cùng để (mai hậu) những chuyện tương tự sẽ không xẩy ra cho chính gia đình và con cái của qúi vị!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"