Dân Luận tổng hợp
Thời điểm cuối năm 2014, tại Việt Nam thường là lúc người dân mua
sắm, trang trí nhà cửa để đón năm mới 2015 và chuẩn bị cho Tết Nguyên
Đán. Thế mà trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình, đình
công đòi quyền lợi của người dân. Từ cuộc biểu tình của những nhà hoạt
động tìm kiếm công lý cho tử tù Nguyễn Văn Chưởng đến các cuộc đình công
của công nhân HVS đã toát lên một bức tranh không đẹp của xã hội Việt
Nam năm 2014.
Khánh Hòa
Sáng ngày 26/12/2014, theo các báo trong nước loan tin thì có khoảng
2500 công nhân của nhà máy đóng tàu Huyndai – Vinashin (HVS), Cam Ranh
đình công để phản đối chủ doanh nghiệp về vấn đề tăng lương.
Báo Người Lao Động cho biết: Đình công tự phát vào đầu giờ làm việc
sáng 26.12, ngay sau khi lãnh đạo Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai
Vinashin (HVS) thông báo: năm 2015 toàn thể CBCNV chỉ được tăng 5% lương
cơ bản - không bằng 50% mức tăng lương của năm 2014 và quá thấp so với
kỳ vọng của công nhân.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cũng có mặt, tuy nhiên chỉ giao cho chủ doanh
nghiệp và công đoàn phối hợp để giải quyết. Cuộc đình công kéo dài đến
chiều tối 26-12 và chưa có dấu hiệu thỏa hiệp.
Một số hình ảnh cuộc đình công
Hà Nội
Ngày 27/12/2014 là ngày thứ 10 biểu tình ôn hòa, tọa kháng của bố mẹ
tử tù Nguyễn Văn Chưởng và những người hoạt động nhân quyền trước vườn
hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội. Tham gia cùng có những nhà hoạt động như Trương
Dũng, Lê Hoàng, Lê Hồng Phong, Sông Quê cùng các dân oan khác cũng đồng
hành.
Theo FB của chị Liberty Melinh (Nguyễn Thúy Hạnh) điều đặc biệt trong
cuộc biểu tình của ngày này là thu hút được sự quan tâm của các du
khách nước ngoài. Một số người khách quan tâm về trường hợp của tử tù
Nguyễn Văn Chưởng đã chụp ảnh, tìm hiểu thông tin và có hứa sẽ đồng hành
lên tiếng về trường hợp này. Công an, dân phòng đặt 1 chiếc xe tải nhỏ
phía trước mặt những người biểu tình, tuy nhiên không làm họ nao núng để
tìm kiếm sự sống cho một người bị kết án oan.
Người nước ngoài tìm hiểu về vụ án Nguyễn Văn Chưởng
Video: FB Trương Văn Dũng
Daklak
Theo các trang tin Daklak Buôn Ma Thuột cho biết, sáng ngày 27/12
trước “tượng đài chiến thắng” của thành phố đã diễn tra cuộc biểu tình
của khoảng 50 tiểu thương chợ cũ Buôn Ma Thuột. “Tượng đài chiến thắng”
thành phố Buôn Ma Thuột nằm ở bùng binh (vòng xuyến) ngả 6, khi biểu
tình nổ ra cảnh sát giao thông, công an, dân phòng đã phong tỏa cả 6 ngả
dẫn đến đây. Một số bạn trẻ bị công an bắt đi khi dùng máy chụp ảnh để
ghi lại những hình ảnh này.
Nguyên nhân của cuộc biểu tình được cho là giá thuê sạp khá cao,
người dân không có tiền để đóng nên đã nhiều lần yêu cầu công ty quản lý
chợ mới hạ giá nhưng không được đáp ứng. Theo Đời sống Pháp luật,
một tiểu thương cho biết, theo thông báo của Công ty quản lý chợ Buôn
Ma Thuột thì mỗi tiểu thương muốn vào kinh doanh tại chợ mới phải đóng
mức phí từ hơn 166 triệu đồng (9 năm) đến 770 triệu đồng (44 năm, đã
tính thuế GTGT).
Một số hình ảnh biểu tình của các tiểu thương Buôn Ma Thuột