Jossé Manuel Prieto
(LND: Nhân chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Cuba Raúl Castro, xin mời độc giả đọc tiếp bài phóng sự của nhà văn Cuba định cư tại Mỹ, José Manuel Prieto, để hiểu thêm về Cuba dưới cái nhìn của người trong cuộc. Một Cuba xã hội chủ nghĩa đang "giãy chết", buộc lòng phải đổi mới).
Tin liên quan:
"Bác" Raúl Castro và thiếu nhi Hà Nội, ngày 8/7/12.
Victor Fowler, người bạn văn chương mà tôi đến thăm khuya hôm đó trong bóng tối và cơn mưa tầm tã đã nói: “Cho
dù Cuba gắng sức ve vãn Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn không muốn tham gia
duy trì quan hệ với một hòn đảo xa xôi, như Matxcơva đã làm trước đó”.
Liên Xô, người chủ nợ hào phóng trong hơn ba mươi năm đã nuôi dưỡng
cách mạng Cuba với hàng tỉ đô la, đã qua đời vào năm 1991. Chỗ trống
được Venezuela thay chân, quốc gia này bán cho Cuba mỗi ngày 100.000
thùng dầu, để đổi lấy dịch vụ y tế. Nhưng mô hình này cũng bắt đầu suy
sụp do những sai lầm của Hugo Chávez và tình hình phức tạp mà đất nước
này đang gặp phải.
Vì thế mà các nhà lãnh đạo đành phải kêu gọi đến chủ nợ cuối cùng,
vốn luôn ở bên cạnh: đó là nhân dân Cuba. Trong suốt nhiều thập kỷ, họ
đã trói tay trói chân người dân, và nay thì quay về phía dân chúng với
tất cả sức mạnh thần thánh. Khởi đầu là với những người rời bỏ khu vực
nhà nước, nay không còn bị xem là những kẻ đầu cơ hay ăn bám nữa, nhưng
lại nhận được một danh hiệu hoàn toàn mới: cuentapropista (tư doanh). Bởi vì đó là đấng cứu rỗi cuối cùng.
Một chiếc Chevrolet đời 1957 trên đường phố La Habana.
Giai đoạn đầu tiên là công bố công khai một danh sách các ngành nghề
được cho phép, gồm 178 loại hoạt động, kể cả những nghề kỳ quặc nhất
như nghề làm hề, nghề bọc nút áo. Danh sách vẫn có vẻ thận trọng: một số
nghề nghiệp không được ghi vào. Chẳng hạn như bác sĩ hay lập trình
viên, là những nghề được cách mạng tài trợ trong quá trình học tập, hơn
nữa các bác sĩ còn là một trong những nguồn thu của đất nước. Cuba gởi
đội ngũ quan trọng các “phái đoàn y tế” đến Venezuela, và cả Nam Phi xa
xôi, nước anh em Bolivia và các quốc gia khác nữa.
Dù gì đi nữa, kế hoạch trên đã được tiến hành trống giong cờ mở, và
tờ Granma thông tin rằng ngay từ tháng 11/2010, đã có 80.000 người Cuba
nộp đơn xin giấy phép cuentapropista. Thấy tầm cỡ của hiện tượng
như thế, chính phủ loan báo sẽ nhập khẩu 130 triệu đô la hàng hóa để
thành lập một thị trường bán buôn, nơi các doanh nghiệp mới lập có thể
mua được những vật liệu cần thiết. Cũng không ngại tự mâu thuẫn, chính
Nhà nước, theo Lineamientos, chịu trách nhiệm ấn định giá cả và
đánh thuế lợi tức, với tỉ lệ mà một số người cho là quá cao, thậm chí có
thể ảnh hưởng đến tương lai tồn tại của các doanh nghiệp mới.
Các nghịch lý này được giải thích một cách rất là ý thức hệ. Trong
bài diễn văn đọc trước Quốc hội như đã dẫn, Raúl Castro nói: “Không
một người nào nên nhầm lẫn: Lineamentos chỉ ra con đường hướng về tương
lai xã hội chủ nghĩa thích ứng với hoàn cảnh Cuba, chứ không phải hướng
về quá khứ tư bản và tân thuộc địa đã bị cách mạng đập tan. Đây là vấn
đề kế hoạch hóa chứ không phải là kinh tế thị trường, tạo nên đặc thù
cho nền kinh tế chúng ta, và như Lineamentos đã nói rõ tại điểm thứ ba
của phần khái quát - việc tích tụ tư bản bị cấm đoán”.
Xảo ngôn
Một biện pháp khác đương nhiên làm cho cả La Habana bàn tán xôn xao,
đó là các vụ sa thải. Cho đến cuối năm 2011, chính quyền phải nói lời
từ biệt với 500.000 công chức, và con số này sẽ lên đến 1,3 triệu người
trong vòng ba năm. Thông tin trên đây đã làm tôi khiếp hãi khi đọc được ở
New York, nhưng tại Cuba, có hai điều làm cho tôi đặc biệt chú ý.
"Doanh nghiệp tư nhân" Raul Perez Sanchez, lương hưu 8 đô la/tháng, bán đậu phộng rang.
Trước hết, không có ai trong số các bạn bè đông đảo của tôi làm việc
cho nhà nước cả, từ bạn học cũ cho đến những người gặp gỡ trên đường phố
mà tôi đã tranh luận. Tôi còn gặp một nữ bác sĩ đã bỏ việc để khỏi phải
làm nghĩa vụ với nhà nước và có thể đi nước khác sinh sống khi nào có
thể đi được (các bác sĩ buộc phải làm việc thêm 5 năm nếu muốn đi định
cư).
Một điều nữa là tôi cảm thấy người dân không quá lo ngại. Phải chăng
đó là do lương bổng nhà nước hầu như chỉ là tượng trưng, nên việc bị sa
thải không còn mấy ý nghĩa. Số tiền lương chết đói từ nhà nước, trung
bình là 15 đô la một tháng, hầu như không tạo ra được sức mua nào.
Trong một nền kinh tế mà phí điện thoại di động có thể lên đến 40 đô
la một tháng – có 1 triệu chiếc điện thoại di động tại Cuba – thì đương
nhiên tiền bạc không đến từ Nhà nước. Một người bạn mà tôi không nêu
tên ở đây nói rằng, anh coi việc sa thải “như là một sự giải thoát”, thậm chí như “một cơ hội đối với nhiều người Cuba. Chủ yếu là Nhà nước thực sự để yên cho chúng tôi được kiếm sống mà không chõ mũi vào”. Rời khỏi khu vực nhà nước khá là phiêu lưu, nhưng lại được tự do hơn rất nhiều.
Ở đây cần phải nói một cách chính xác hơn. Phải hiểu được ý nghĩa
thật sự phía sau tất cả những gì nghe được hay đọc được, tại một đất
nước như Cuba: một “người thất nghiệp” thực ra không thất nghiệp, một “cuộc biểu tình”
không phải là biểu tình mà là một hoạt động được chính quyền tổ chức.
Vân vân. Danh sách còn dài. Chủ nghĩa toàn trị, như Victor Klemperer
(nhà ngôn ngữ học Đức chuyên về “ngôn ngữ quốc xã”) đã giải thích rất
rõ, bắt đầu trước hết với một sự đảo lộn về ngôn ngữ so với thực tế.
Một sự xảo ngôn mà các blogger và báo chí độc lập chiến đấu chống
lại. Tôi theo dõi kỹ càng các blog viết từ Cuba, đặc biệt là blog của
Yoani Sánchez (desdecuba.com/generaciony), người từng là khôi nguyên của
nhiều giải thưởng, đã diễn dịch thảm họa Cuba với những từ ngữ dễ hiểu.
Thực sự là cuentapropista về thông tin, Yoani biết kể lại một
cách trung thực cuộc sống thường nhật của người dân Cuba. Theo thói
quen, người ta lên án ông là làm việc cho CIA, nhưng đó là những lời kết
tội không còn có ai tin nữa. Nhiều người đã hiểu rằng, bày tỏ sự bất
đồng chính kiến không có nghĩa là làm việc cho một cường quốc nước
ngoài.
Tuy nhiên tác động của các blog vẫn còn hạn chế. Tại Cuba, chỉ có
1,5 triệu người (tức gần 14% dân số) có thể truy cập internet, và giá
thuê bao thì khủng khiếp đối với những người không có phương tiện vào
mạng từ nơi làm việc. Ngoài ra tốc độ truy cập cũng vô cùng chậm – tôi
đã phải trả giá mới nhận ra được điều đó, khi muốn đọc mail tại phòng
báo chí Hotel Nacional. Thay vì truy cập trong công trình kiến
trúc tuyệt vời của thời đại vàng Cuba này, tốt nhất là đi ra ngoài vườn
để chiêm ngưỡng những chú công và nghe các nhạc công chơi những giai
điệu cũ rích của Buena Vista Social Club.
Tại đây tôi có hẹn với Orlando Pardo Lazo, 39 tuổi, bạn của Yoani và
cũng là một blogger - các bức ảnh của anh được dùng để minh họa cho bài
phóng sự. Nhà cựu khoa học này đã làm việc nhiều năm tại cơ quan nghiên
cứu khoa học của La Habana, về tái phối hợp các AND “để chế tạo vắc-xin”.
Anh cũng nói với tôi về những người “Phụ nữ Áo trắng”, vợ của một số
trong 75 nhà đối lập bị bắt giam trong “Mùa xuân đen” năm 2003.
Theo Orlando, quan trọng nhất là những người phụ nữ đã phản kháng
bằng cách biểu tình trên các đường phố La Habana trong trang phục màu
trắng, giơ cao những cành hoa lay-ơn, đã không bị người dân đả kích mà
thậm chí còn bắt đầu nhìn họ bằng cặp mắt đầy cảm tình. Số phận dành cho
người tù chính trị Orlando Zapata Tamayo, qua đời ở La Habana tháng
2/2010 sau thời gian dài tuyệt thực, đã gây nên một làn sóng phẫn nộ
trên báo chí thế giới và có thể là chất xúc tác ở trong nước.
Đối lập đang chờ thời
Hành động của các “Phụ nữ Áo trắng” và cuộc tuyệt thực của Guillermo
Farinas, sau này được tặng giải Sakharov, đã đóng góp vào sự kiện các
tù chính trị Cuba được trả tự do. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho công
cuộc hòa giải của Giáo hội công giáo, và nhân vật được biết nhiều nhất
tại Cuba của Giáo hội là Đức Hồng y Ortega. Hơn năm mươi nhà đối lập
trong số các tù chính trị được nhà nước nhìn nhận, đã được gởi sang Tây
Ban Nha. Tuy vậy hiện nhà đối lập nổi tiếng nhất là Oscar Biscet, một
bác sĩ 50 tuổi, vẫn còn ở trong tù (thực ra ông được thả ngày
11/03/2011). Biscet cũng bị bắt năm 2003, là người sáng lập Quỹ Lawton
vì nhân quyền, nhà đấu tranh chống phá thai và có lẽ là nhà ly khai uyên
bác nhất nước.
Orlando Luis Pardo Lazo nói với tôi: “Hiện nay chúng tôi đang trong một tình trạng gần như là hưu chiến. Đó là điều quan trọng nhất. Cả hai phe đang chờ đợi”.
Nếu bóng tối làm nản lòng, nó lại che khuất một hiện tượng mà vào
ban ngày có thể đập ngay vào mắt: sự đổ nát của thành phố. Bên ngoài khu
phố cổ được tân tạo (ở trung tâm thủ đô), nay có vẻ như một thành phố
Disney có các bảo tàng và nhà hàng bán tư nhân, sự điêu tàn của La
Habana có thể trông thấy một cách hiển nhiên.
Một căn nhà ở La Habana.
Trên các tòa nhà nhô ra những phần phụ được xây dựng một cách thô
thiển, và hằng hà sa số những công trình che chắn mà tôi chưa từng thấy:
không chỉ các cửa số và ban-công đều được gắn các chấn song sắt, mà cả
các cầu thang và cửa chính. Tôi không thể không nghĩ đến một hiện tượng
khác của sự thụt lùi của Nhà nước trên toàn quốc: nơi nào mà vỏ bọc ổn
định co lại, thì nơi đó các lực lượng tiêu cực, bọn tội phạm được tự do
hoành hành.
Thực tế là La Habana đầy dẫy những tin đồn về các vụ hành hung và
cướp giựt. Một trong số các vụ này làm tôi đặc biệt chú ý. Mẹ vợ tôi kể
lại vụ một nhóm người vũ trang tấn công một chiếc xe buýt và cướp toàn
bộ tài sản của các hành khách. Hết sức sợ hãi, bà nói thêm: “Y như ở Mêhicô”. Tin đồn lan truyền mạnh mẽ cho đến nỗi bản tin thời sự của đài truyền hình nhà nước hai ngày sau phải đính chính.
Xe hơi cũ tư nhân dùng làm taxi ở Cuba.
Tuy vậy La Habana vẫn còn an ninh hơn nhiều thành phố mà tôi đã sống
qua, hơn nữa lại còn có một ưu thế không thể chối cãi, đó là biển. Tôi
lang thang thật lâu trên con đường Malecón nổi tiếng dọc theo bãi biển,
trước khi bước lên một chiếc Oldsmobile đời 1956, tuy cổ lỗ sỉ, nhưng là
phương tiện di chuyển độc đáo của người dân La Habana.
Ở đây giao thông luôn là vấn đề: tôi trông thấy những đám đông chờ
đợi ở các trạm dừng, cho dù đã có những chiếc xe buýt mới được đưa vào
lưu thông, nhập khẩu từ Trung Quốc và có cả máy lạnh – một phép lạ! Tôi
chưa bao giờ tin được là lại có được tiến bộ như thế lúc tôi còn sống,
trong một đất nước nóng như thiêu như đốt. Trên thực tế, đó là những
chiếc xe H (xe cá nhân được cấp giấy phép chạy taxi tập thể), giúp cải
thiện đáng kể phương tiện giao thông, làm giảm đi áp lực cho hệ thống
nhà nước, với số tiền khiêm tốn là 10 đồng peso nội địa (tương đương 30
xu euro).
Một chiếc xe tải nhẹ được dùng làm xe khách...
Bên cạnh tôi, ngồi phía sau chiếc Oldsmobile, hai cô gái có lẽ là
khách du lịch trò chuyện với nhau bằng tiếng quan thoại. Sự hiện diện
của du khách rất rõ nét ở La Habana. Theo báo Juventud Rebelde, từ tháng Giêng đến tháng Mười năm 2010, Cuba đón tiếp khoảng 2 triệu khách– một kỷ lục lịch sử.
..Và bên trong chiếc xe khách này, giờ cao điểm.
Nhưng thực ra, những người bạn đồng hành của tôi là các sinh viên
Trung Quốc, đến đây học tiếng Tây Ban Nha tại một trường đại học nằm ở
ngoại ô La Habana, tại Tarará. Một ngạc nhiên: tôi đã quên rằng Cuba còn
là đất nước để du học. Cho dù cuộc khủng hoảng dữ dội đang diễn ra trên
đất nước, có trên 30.000 sinh viên ngoại quốc đang học tập tại đây,
trong đó có khoảng một trăm thanh niên Mỹ đang học y khoa ở Escuela
Latinoamericana de Medicina. Tuy vậy Cuba cũng đang thiếu giảng viên, và
việc giáo dục không còn giống như thời tôi còn trẻ (hơn phân nửa số bài
giảng nay có thể tham khảo dưới dạng video.
Vừa nuối tiếc quá khứ, vừa muốn tìm tài liệu cho cuốn sách đang
viết, tôi đã đến ngôi trường mà tôi đã mài đũng quần trong thập niên 70
xa xưa - trường Escuela Vocacional Lenin. Ngôi trường được xây dựng giữa
những vòm cây xanh nhiệt đới um tùm, theo khuôn mẫu xô-viết cái gì cũng
vĩ đại, có thể đón nhận 4.000 học sinh. Ngày nay trường chỉ còn là cái
bóng của thời xưa cũ, khi được ông Leonid Brejnev khánh thành vào năm
1974. Vào thời đó, việc giảng dạy có chất lượng rất cao - tất nhiên là
không thể thiếu hàng trăm liều tuyên truyền ý thức hệ - và trong các
điều kiện mà, ngày nay khi tôi đến thăm khu nhà trọ và nhà ăn tập thể,
thì tôi lại cảm thấy hồi đó thật là phong lưu.
(Còn tiếp một kỳ)