Hàn Vĩnh Diệp
VNTB - Chúng tôi nhận được lá thư ngỏ dưới đây do một cách mạng lão thành ở Đà Lạt gửi đến, phản bác bức thư đăng tải công khai gần đây của bà Nguyễn Thụy Nga chỉ trích nặng nề đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôn trọng sự thật khách quan và bảo đảm tính công bằng về các sự kiện lịch sử, BBT VNTB xin đăng nguyên văn lá thư ngỏ của tác giả Hàn Vĩnh Diệp.
Đơn kiến nghị của bà gởi các cán bộ lãnh đạo Đảng - Nhà
nước - Quốc hội về những vấn đề lý lịch Đại tướng Tổng tư
lệnh Võ Nguyên Giáp; nhưng không biết từ nguồn nào mà được
phát tán rộng rãi trên các trang mạng, tư liệu truyền tay v.v…
Nhiều công dân là người hưu trí, dân thường, học sinh sinh viên …
mà tôi đã được tiếp xúc, trao đổi đều rất bất bình, chê trách
bà đã viết những nội dung ấy (dựa trên những lời thầm thì
riêng tư của ông Lê Duẩn) nhằm bôi xấu thần tượng Võ Nguyên Giáp
trong lòng nhân dân ta và những người có lương tri trên thế
giới. Chúng tôi đã đọc vài lần bài viết của bà, xin được có
mấy cảm nghĩ.
1. Trước hết, xin lỗi bà, chúng tôi đã dùng từ vợ bé vì
trong dân gian gọi vợ bé, vợ lẽ là những người vợ không phải
là vợ chính thất; vả lại, trong dư luận thì không biết chồng
bà có bao nhiêu người vợ nữa, liệu bà đã phải là vợ hai chưa?
(Trong đám tang ông Lê Duẩn, mọi người đều thấy có mấy bà đội
mũ tang sau bà chính thất!). Cho nên, cách gọi như vậy chắc
cũng không có gì là không phải; mong bà bỏ quá cho.
2. Những nội dung bà đề cập đến trong bài viết đều hoàn toàn không có gì mới
(trừ một chi tiết sẽ nói sau). Những luận điệu này đều là
của những kẻ xấu bụng, những người ganh ghét với uy danh, tài
trí, đức độ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (như Lê Đức Thọ, Lê
Đức Anh, Trần Quỳnh, Nguyễn Đức Tâm, Đoàn Khuê, Nguyễn Thanh
Bình, Đặng Đình Loan, Nguyễn Bắc Son v.v…) tung ra.
Lợi dụng diễn đàn hội nghị TWĐ 12 khóa 6, họ đã tung ra bản báo cáo tuyệt mật
để vu khống trắng trợn và kết tội Đại tướng TTL (báo cáo
tuyệt mật này tuy không được BCH TW phê duyệt nhưng họ vẫn cho
lưu hành đến cấp Tỉnh ủy và tương đương). Đại tướng TTL và
nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao cấp đã phản bác tất cả những
điều vu khống trên (trong bài viết của bà đã sao chép nguyên văn
bài báo cáo tuyệt mật này) và yêu cầu TWĐ điều tra, làm rõ
vụ việc, công khai đưa ra trước đại hội VII để đại hội khẳng
định đúng, sai; nếu Đại tướng TTL không có những điều vu khống
nhơ nhớp đó thì phải truy tội những người đã cố tình đặt
điều, lợi dụng quyền lực phá hoại sự đoàn kết trong Đảng,
Nhà nước … Bị đẩy vào thế cùng, họ bịa ra vụ án chính trị
“Năm Châu - Sáu Sứ” vu khống Đại tướng TTL và mội số tướng
lĩnh, cán bộ cao cấp tội âm mưu lật đổ. Vụ việc đã được Ban
chuyên án, đứng đầu là tướng Võ Viết Thanh (Thứ trưởng bộ công
an) làm rõ là hoàn toàn bịa đặt, vu khống hèn mạt. Đại hội
VII Nguyễn Văn Linh tảng lờ không giải quyết, đùn đẩy cho các
đại hội sau. Chính thái độ cố tình vô trách nhiệm của các
Đại hội Đảng 7, 8 … và những người đứng đầu Đảng thời bấy
giờ đã tạo cơ hội cho bọn có lòng dạ đen tối, nham hiểm trên
và tay sai của chúng tiếp tục làm cái việc nhơ bẩn bôi bác
thanh danh Đại tướng TTL.
Còn cái chi tiết chúng tôi coi là mới của bà đưa ra trong
hàng đống vụ việc vu khống của chúng là lời nói của cậu con
út của bà mà bà dùng làm căn cứ để kết tội Đại tướng TTL
đã “cướp công” của chồng bà về mệnh lệnh nổi tiếng “Thần
tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa” trong chiến
dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Một đứa trẻ con chẳng hiểu mô tê ất giáp gì nghe được lõm
bõm chuyện người lớn (cứ cho là nó đã được nghe các cụ bàn
chuyện!), sau bao nhiêu năm thuật lại, người trí não bình thường
ai mà tin được lời nó nói! Một khía cạnh khác, tòa biệt thự
ông Lê Duẩn ở đâu nghèo nàn đến nỗi phòng tiếp khách đồng
thời là phòng ngủ? Ông Lê Duẩn, một chính trị gia tầm cỡ, sao
mất cảnh giác đến mức khi bàn chuyện quốc gia đại sự tuyệt
mật lại để người nhà nghe?
Sự kiện này thật ra đã diễn tiến như sau: Sáng ngày
31/3/1975 Bộ chính trị họp mở rộng bàn về đòn chiến lược thứ
ba, đòn cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Đại
tướng TTL thay mặt Tổng quân ủy - bộ Tổng tư lệnh báo cáo tình
hình và phương hướng, sách lược bước tiếp theo. Đại tướng
nhấn mạnh: “Thời cơ lớn đã xuất hiện … Đánh một trận là
giành thắng lợi. (…) Phương châm phải bám chắc là Thần tốc,
táo bạo, bất ngờ, chắc thắng.” Sau khi hội nghị thảo luận và
nhất trí hoàn toàn báo cáo của Tổng quân ủy, ông Lê Duẩn đã
điện cho các chiến trường quyết định của Bộ chính trị. Trong
bức điện, ông đặc biệt nhấn mạnh phương châm hành động “Thần
tốc, táo bạo, bất ngờ.” Ngày 07/4/1975 Đại tướng TTL ra mệnh
lệnh! “Thần tốc, thần tốc hơn nữa - Táo bạo, táo bạo hơn nữa.
Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng
miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.” Chỉ thị của Bộ chính
trị do ông Lê Duẩn ký và mệnh lệnh chiến đấu do Tổng tư lệnh
ký, đó là điều đương nhiên, sao có chuyện tranh giành?
Theo kế hoạch tiến đánh Sàigòn, các cánh quân sẽ đồng
loạt nổ súng vào 5 giờ 30 sáng 30/4/1975. Nhưng do diễn biến
của tình hình, tướng Lê Trọng Tấn tư lệnh cánh
quân phía Đông xin được nổ súng trước, 18 giờ ngày 29/4/1975.
Nửa đêm, Đại tướng TTL và cục trưởng cục tác chiến Lê Hữu Đức
đến nhà ông Lê Duẩn đề nghị chuẩn y cho cánh quân phía đông nổ
súng trước. Ông Lê Duẩn rất tán thành. Theo hồi ký của Đại
tướng TTL (và có sự khẳng định đúng của tướng Lê Hữu Đức -
Hồi ký), Đại tướng TTL hỏi: “Điện ký tên Anh chứ ?” Ông Lê Duẩn
trả lời: “Không! Anh là Tổng tư lệnh, ký tên anh”. Sau đó, ông
nói thêm: “ Ký thêm tên tôi cũng được, hoặc nói rõ
đã trao đổi với anh Ba và anh Ba nhất trí”. Về cơ quan, Đại
tướng TTL điện trả lời ngay cho tướng Lê Trọng Tấn đồng điện
cho ông Văn Tiến Dũng. Trên cương vị Tổng tư lệnh chỉ huy toàn
bộ cuộc chiến, Đại tướng TTL rất quyết đoán; nhưng với ý thức
tôn trọng tổng bí thư, nên đã tranh thủ ý kiến trước khi ra
lệnh. Việc làm như vậy là hết sức đáng kính phục, sao bà lại
nghe đứa con nít để vu vạ cho Đại tướng TTL “cướp công”.
3. Đọc văn bản này của bà, chúng tôi có cảm nghĩ: hình như người ta
viết rồi đưa cho bà ký tên hoặc bà viết theo gợi ý của người
ta (!?) Đọc hồi ký của bà (Xuân Ba ghi - thể hiện), chúng tôi
thấy cuộc đời tư của bà thật éo le, đáng thương. Thời gian bà
được sống gần ông Lê Duẩn (từ 1956 về sau) không nhiều, do sự
đố kỵ của các con bà lớn; ông Lê Duẩn không giải quyết được
sự xô xát trong gia đình để bảo vệ bà. Vì vậy, tuy hòa bình,
có điều kiện sum họp với chồng con, bà vẫn phải sống xa cách
chồng con. Ông bà đâu có nhiều thì giờ để trò chuyện riêng tư,
để chồng bà tiết lộ những bí mật về quan hệ trong nội bộ
Đảng, Nhà nước … nói chung và đối với các cá nhân (như Bác
Hồ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Trường Chinh …) nói riêng. Còn
tư liệu riêng của ông Lê Duẩn thì chắc các con bà lớn giữ chứ
bà làm sao có được?
Giá như, trước khi viết hoặc ký vào văn bản trên, bà đã
tham khảo các hồi ký chính trị của các tướng lĩnh như Trần
Văn Trà, Hoàng Minh Thảo, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Lê Hữu
Đức, …, của Hoàng Tùng, Hoàng Đạo Thúy …, các bài phản bác
Trần Quỳnh của Nguyễn Trần Thiết, Trần Nhật Độ, Phạm Chí
Dũng… thì chắc bà không cho lưu hành văn bản trên.
4. Bản “đơn kiến nghị” của bà, một lần nữa đã làm suy
giảm uy tín của ông Lê Duẩn trong công luận xã hội. Chắc bà
còn nhớ, khoảng năm 1984, ông Lê Duẩn đã chỉ đạo, hướng dẫn
nhà báo Thép Mới viết ký sự “Thời đánh Mỹ”, (đăng nhiều kỳ
trên báo Nhân dân) nhằm tụng ca công lao vĩ đại của ông Lê Duẩn,
linh hồn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước! Bài báo đăng
được vài kỳ, gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của công luận cả
nước; cho nên mới đăng được vài kỳ thì báo Nhân Dân không dám
đăng tiếp! Cũng vào thời gian này, ông Lê Duẩn đã vào Sàigòn
tổ chức nói chuyện trực tiếp với cán bộ cao cấp chính trị,
quân sự các tỉnh phía Nam. Kết quả hoàn toàn ngược lại, nếu
trước đây, nhiều người trong số cán bộ này hết sức kính phục,
tôn trọng ông Lê Duẩn thì sau buổi nói chuyện ấy lòng tin yêu
của họ đối với ông bị sứt mẻ, đổ vỡ.
Xưa nay, không phải chỉ ở nước ta, công luận xã hội không bao giờ chấp nhận chuyện một người đi nói xấu sau lưng
người khác, nhất là người ấy đã từng là đồng chí, cộng sự
của mình; và không bao giờ đánh giá tốt một người chồng (hoặc
vợ) là cán bộ phụ trách hay cán bộ thường đem chuyện riêng
bí mật trong nội bộ cơ quan, đơn vị nói với vợ (hoặc chồng,
con cái) trong nhà. Ông Lê Duẩn, cho dù có đem chuyện mà ông cho
là xấu về Đại tướng TTL và những lãnh tụ, chiến hữu khác
nói với bà thì bà nên giữ kín trong lòng chứ không nên phô ra,
chỉ làm tổn hại uy tín của ông Lê Duẩn và bà.
Chúng tôi không đi sâu trình bày những chi tiết trong bài
viết của bà (kể cả những vấn đề xem ra khá ấu trĩ, ngây thơ
về nhận thức như: Nguyên tắc cao nhất của chiến dịch Điện Biên
Phủ “đánh chắc thắng” do Bác Hồ và thường vụ TWĐ (tức Bộ
chính trị) đề ra với việc thay đổi phương châm tiêu diệt địch
từ “đánh nhanh - thắng nhanh” sang “đánh chắc - tiến chắc” và
vai trò của cố vấn Trung quốc trong chiến cuộc Điện Biên Phủ;
vai trò, vị trí của Bí thư Tổng quân ủy - Tổng tư lệnh trong
toàn cuộc chiến Mùa xuân 1975; vai trò ông Văn Tiến Dũng trong
chiến dịch ấy v.v…) bởi, đã có quá nhiều tư liệu xác đáng
viết về những điều ấy.
Việc Bộ chính trị, TWĐ, Nhà nước, Quốc hội đã quyết định tổ chức quốc tang
trọng thể (vượt lên trên sự quy định của Nhà nước) Đại tướng
TTL là sự mặc nhiên thừa nhận công tích đặc biệt của Người và
hàng vạn vạn người dân đủ cả các tầng lớp đến viếng và
tiễn đưa Người; từ ngày Đại tướng TTL mất, hàng ngày có hàng
trăm, ngàn người dân cả nước đến viếng mộ Người là sự đánh
giá chân xác nhất của ý chí, niềm tin của tuyệt đại bộ quần
chúng nhân dân cả nước; là một sự thật lịch sử đúng đắn nhất
không ai có thể xuyên tạc, bóp méo.
Trân trọng kính chào bà.
Hàn Vĩnh Diệp
(Cán bộ hưu trí ở Đàlạt)