Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Nguyễn Ngọc Già - Một ngòi bút chính trực

12bếnnước: Tôi cũng không biết ông NNG, ngoài việc đọc các bài viết của ông trên mạng. Sau khi ông ngưng gửi cho Dân Luận một thời gian,  tôi có đề nghị để tôi post bài dùm cho ông, và ông là tác giả duy nhất gửi bài cho blog tôi, tôi không làm báo chỉ là thích đọc và hay quên nên post lại khi chưa kịp đọc, để khỏi mất công đi tìm lại, vì thế tôi không biết bất cứ tác giả nào ngoài " nhà giáo" Nguyễn đình Ngọc.  Tuy nhiên gần đây khi email của ông NNG bị quấy rối, thì blog này cũng bị tình trạng tương tự.  Ông có khuyên tôi hay là tạm đóng blog một thời gian.  Tôi không làm, vì người hay quên như tôi đâu có muốn đóng đóng mở mở, nên cứ kệ, khi nào chán đọc thì bỏ blog.  Và không ngờ ngày trước trong email chúc Giáng Sinh, ông cho biết đã cắt đứt quan hệ anh chị em ruột từ 3 năm qua, ba má ông thì mất hơn chục năm rồi. Và ông chấp nhận cô đơn trong tự do tư tưởng để lên tiếng cho dân oan, tù oan. Rồi nghe ông trả lời RFA , tôi linh cảm dường như ông đã biết chuyện gì sắp xảy ra cho ông. Tôi không biết những ngày tháng sắp tới, ai sẽ là người thăm nuôi chăm sóc cho một người "tù".  Cầu mong tác giả mọi sự an lành trong những ngày sắp tới.  Và như tác giả Dương Hoài Linh nhận xét, tôi cũng nghĩ ông là một ngòi bút chính trực, có lẽ bởi ông là một nhà giáo như ông đã viết.
 
Dương Hoài Linh
Thể chế toàn trị Việt Nam đang đi vào giai đoạn cuối, giai đoạn tột cùng của sự tha hoá quyền lực. Ở giai đoạn này không hề có cái gọi là "nhân trị", "kỹ trị" hay "pháp trị" mà chỉ có "bất công trị", "thối nát trị". Đây cũng là lúc là lúc chế độ đang chơi bài ngửa, mọi phỏng đoán về nội tình, phân tích về Hiến Pháp, Luật Pháp chỉ là trò trẻ con. Đơn giản là quyền lực đang dùng miếng băng keo dán mồm. Trò chơi của những kẻ sa cơ, thất thế không còn tự tin vào chính mình.
Nếu nói theo logic bóng tối sợ ánh sáng, độc tài sợ dân chủ, phi nghĩa sợ chính nghĩa, bất chính sợ chân chính...và khi chính quyền không còn thuộc về nhân dân thì việc bắt giữ Nguyễn Ngọc Già của nhà cầm quyền Việt Nam đang thể hiện cái nỗi sợ ấy. Đúng hơn thì phải gọi đây là sự HÈN NHÁT. Bởi lẽ chẳng cần nói người dân hiện tại cũng thừa biết là chính phủ Mỹ, Anh, Pháp...không bao giờ làm cái trò hèn đó. Chỉ có bạo chúa mới đi cắt cái lưỡi người dân của mình. Mà đã là bạo chúa thì nói lý lẽ cũng là vô ích.

Nguyễn Ngọc Già nói như đám DLV là một cây bút cực đoan bậc nhất của RFA, chuyên viết cho các trang mạng lá cải, chuyên tấn công thóa mạ những người đi đầu chống bọn "rận chủ"...Nói như vậy hóa ra DLV tỏ ra coi thường tài bắt người của đảng quá. Đảng đâu có dư cơm nuôi tù. Câu cửa miệng của đảng luôn luôn là "xử lý theo pháp luật đúng người đúng tội" kia mà. Không lẽ sự hèn nhát đã khiến đảng sợ đến cả những kẻ tay không tấc sắt, cực đoan và lá cải?
Nguyễn Ngọc Già đang làm cái công việc mà đám "chuột nhắt" kia chẳng thể nào hiểu nổi. Bởi anh chẳng như chúng mỗi tháng kiểm tra xem trong tài khoản đã được rót tiền trả công cho các bài viết bảo vệ đảng, đả kích "rận"? Anh viết mà chẳng hề nhận được bất cứ khoản thù lao nào. Chỉ có một khoản thù lao duy nhất mà anh biết chắc chắn sẽ đến là những năm tháng bóc lịch trong nhà tù. Và anh cũng cảm nhận rất rõ rằng nếu muốn yên thân thì chỉ cần im mồm, xem như giả điếc, giả đui mù trước những điều mắt thấy, tai nghe. Thế nhưng khổ là cái "trách nhiệm công dân, trách nhiệm kẻ sĩ" lại không cho phép anh làm điều đó.
Lâu nay tôi vẫn dị ứng với các luận điểm "chỉnh đảng", "tăng cường dân chủ trong đảng" của giới trí thức phản biện trong nước. Đảng còn gì nữa mà chỉnh, "tăng cường dân chủ trong đảng" chỉ là một lối ngụy biện trắng trợn. Mafia thì cứ gọi đích danh là mafia, úp mở làm gì. Nguyễn Ngọc Già không e ngại điều đó, anh đã chỉ đích danh hình ảnh Bố Già trong loạt bài "Ông Thủ tướng chưa yên?" phần 1, 23. Những bằng chứng anh đưa ra đều được trích dẫn từ báo chí chính thống trong nước, với những lý lẽ đầy tính thuyết phục. Các mâu thuẫn trong việc phân chia lợi nhuận, mối quan hệ "cá ăn kiến, kiến ăn cá" giữa các tập đoàn, các nhóm lợi ích được anh vạch ra rất rõ ràng.
Nguyễn Ngọc Già cũng rất mặn mà với các bài viết về nhân quyền. Anh thường theo dõi các tiếp xúc của tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế để gởi đến RFA những bài viết kịp thời tố cáo tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính quyền Việt nam. Trong bài "Nhân quyền Việt Nam sau UPR" anh đã nêu lên các trường hợp của các nhà đấu tranh dân chủ trong nước như Đinh Đăng Định, Nguyễn Hữu Cầu, Bùi Hằng, Lê Quốc Quân, Trương Duy Nhất...Đồng thời cũng đưa ra các góp ý cho tổ chức "Nhân quyền ở Việt nam". Anh cũng đã thể hiện thái độ dứt khoát của mình khi trích dẫn câu nói của nhà văn Nga Alexandre Soljenitsym:
"- Khi thấy Cộng Sản nói láo, ta phải đứng lên nói nó nói láo. Nếu ta không có can đảm nói nó nói láo, ta phải đứng lên ra đi, không ở lại nghe nó nói láo. Nếu ta không can đảm bỏ đi mà phải ngồi lại nghe, ta sẽ không nói lại, những lời nó đã nói láo với người khác".
Nhưng có lẽ điều khiến chính quyền Cộng Sản gai mắt nhất có lẽ là thái độ của anh đối với chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Không như nhiều cây bút đấu tranh dân chủ trong nước, thái độ của Nguyễn Ngọc Già là rất rõ ràng. Anh không ngần ngại bộc lộ gia thế "Ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng Sản" của nhiều người thân trong gia đình mình. Thái độ "Tôi biết ơn Việt Nam Cộng Hòa" của anh là một thái độ đúng mực, không khoa trương "VNCH là lối thoát cho quốc gia, dân tộc" mà là rất giản dị:
"- Ngày ba tôi ra tù, ông vẫn mạnh khỏe. Về đến nhà chỉ một tuần sau là ông có thể bắt tay trở lại công việc làm ăn.
- Suốt thời gian ba và anh chị tôi bị điều tra cho đến lúc kết án chính thức, gia đình tôi (những người không liên quan) không hề bị săn đuổi, bắt bớ vô pháp, hành hung, xách nhiễu v.v... Má tôi đã gánh vác mọi việc làm ăn vào lúc đó. Chúng tôi vẫn đi học bình thường và sống trong môi trường không hề bị kỳ thị của bất kỳ thầy cô hay bạn bè nào. Hàng xóm láng giềng cũng không vì thế mà ghẻ lạnh, hắt hủi hay tiếp tay như kiểu bây giờ mà người ta gọi là "đấu tố thời đại mới".
- Anh tôi - người ở tù Côn Đảo, ngày trở về đất liền vẫn mạnh khỏe, dù ốm o đen đúa, nhưng không hề mang thương tật gì cả."
Bằng cách này anh đã xổ toẹt vào những vu cáo của chính quyền CS đối với một thể chế chính trị dân chủ thực sự đã từng được xây dựng trong lịch sử Việt nam. Anh đã cho thấy những điều Nguyễn Đức Thuận nói trong "Bất Khuất" là dối trá. Nguyễn Ngọc Già cũng không kìm được cảm xúc trong bài "Phó chửi của Lê Công Định" khi thấy Vũ Hợp Lân giành những điều bịa đặt để nói về chính quyền của ông Ngô Đình Diệm. Anh bỏ công tìm hiểu tư liệu và trình bày cho dư luận biết về luật 10/59, sự thật về việc "lê máy chém" đi khắp miền Nam mà chỉ chém duy nhất một mình ông Hoàng Lệ Kha của nền Đệ nhất Cộng Hòa. Bài viết của anh là một tiếng chửi đầy ắp văn hóa, xác đáng và khiến người đọc vô cùng thỏa lòng, thỏa dạ. Có thể nói "nghệ thuật chửi" của anh đã ở một mức độ thượng thừa.
Dù chỉ là một nhà báo, bài viết của Nguyễn Ngọc Già vẫn đôi lúc đầy ắp chất trữ tình văn học. Đó là khi anh viết về "Câu chuyện lá cờ", có một cái gì đó rạo rực thôi thúc trong lòng. Không lên gân giả tạo, không hoa mỹ Nguyễn Ngọc Già vẫn khiến người đọc rưng rưng với những cảm xúc khó nén. Viết về thành công của người VNHN anh như người trong cuộc nhưng vẫn giữ được sự tỉnh táo cần thiết. Khi so sánh lá cờ vàng với cờ đỏ anh tỏ ra khách quan, trung thực và dành hẳn cho người đọc sự lựa chọn dựa trên những phân tích rất chính xác.
Bắt giam Nguyễn Ngọc Già là một điều quá dễ, lợi dụng truyền thông để bôi nhọ anh nhằm dọn đường cho một bản án "đúng người, đúng tội" cũng là một điều quá dễ. Nhưng liệu là mấy ai trong nước hiện nay có thể tin những lời bộ máy truyền thông nhà nước hiện nay đơm đặt? Khi mà chỉ cần vào Google gõ cái tên Nguyễn Ngọc Già là tất cả các bài viết của anh đã hiện lên. Với tư duy nhận thức của tuổi trẻ, của đa số người Việt hiện nay thì không cần sự phân tích bình luận gì họ cũng đều có thể hiểu những điều anh viết, anh đang đứng về phía ai?C ó lẽ chỉ có những người tồn tại trong não một loại chất trăng trắng không thuộc về chất xám mới có thể tin lời đám DLV rẻ tiền đang ùa vào công kích anh, cũng như công kích Trương Duy Nhất, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Quang Lập...và nhiều cây viết có lương tâm, có trách nhiệm khác.
Cho đến hôm nay, giữa những thông tin về bệnh tật của Nguyễn Bá Thanh và âm mưu ám hại đấu đá trong hậu trường chính trị, tin về sự oan ức của Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải...trước giờ thi hành án, tin về sự bất lực của báo chí lề phải về Công Lý, về Dân Oan...sở dĩ chúng ta vẫn chưa mất hết niềm tin vì trong xã hội này vẫn còn có những con người như anh, Nguyễn Ngọc Già (Nguyễn Đình Ngọc). Anh đã cho thấy đối với con người, kim tiền không phải là tất cả, sự an nguy của bản thân đôi lúc cũng chỉ là hàng thứ yếu. Cái giá của SỰ THẬT mới là quan trọng và lắm lúc phải trả là khá đắt.
Viết những dòng này cho anh, một người không quen, tôi biết là chẳng hề làm tăng hay giảm cái mà chế độ CS đã dành sẵn cho anh, một bản án buộc tội cho người không có tội. Chắc anh cũng đã chuẩn bị đầy đủ tinh thần và tâm lý để đối diện với những ngày gian lao sắp tới. Tôi cũng chỉ thay mặt nhiều người khác để cám ơn những gì anh đã làm cho đất nước này. Tôi tin anh sẽ không cô đơn như anh viết, nhất định là sẽ có rất nhiều người đang đồng cảm với anh. Bởi ít ra chúng ta cũng đang có một sự cộng hưởng chung về trái tim, khối óc mà quyền lực không thể chi phối và bẻ gãy được.
Một lần nữa xin cám ơn anh, một con người chính trực.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"