Viết Từ Sài Gòn
Mấy ngày qua, thông tin về những người bị mắc kẹt trong hầm nước ở
công trình thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng luôn là mối quan tâm hàng đầu của
rất nhiều độc giả, trong đó, báo giới trong nước cũng bày tỏ sự quan
tâm của họ bằng các thông tin cập nhật liên tục, chi tiết. Và, cơ quan
lãnh đạo Lâm Đồng cũng bày tỏ sự quan tâm của họ bằng cách viết thư động
viên (thông qua ống dẫn oxy vào hầm, như vậy, thư quí hơn oxy, nếu thư
mắc kẹt nửa chừng, oxy không vào được thì vẫn có thư lãnh đạo gửi trước
khi chết ngạt!)! Cuối cùng, sau bốn ngày chịu đựng ngột ngạt, đối diện
với cái chết, mười hai công nhân cũng được cứu. Sau đó, họ được hỗ trợ
10 triệu đồng mỗi người. Chuyện nghe cứ như đùa!
Sở dĩ nói chuyện nghe cứ như đùa vì chúng ta đang sống trong một đất
nước mà theo lời bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan là “dân chủ gấp
trăm lần các nước tư bản”, lẽ nào lại đối xử với con người tệ hại đến
mức như vậy?
Nói là đối xử với con người quá tệ hại, cũng không dám so sánh với
Chi Lê, một đất nước tư bản, chỉ dân chủ bằng 1% Việt Nam thôi (theo lời
bà Doan). Nhưng họ đã làm gì với những công nhân hầm mỏ của họ? Đích
thân Tổng thống của họ đã đến hiện trường để đôn đốc cứu sống những công
nhân đang mắc kẹt trong hầm, họ đã vận dụng mọi phương tiện có được để
cứu các công nhân và họ chấp nhận để mọi đài truyền hình trên thế giới
đến hiện trường để tường thuật cuộc cứu hộ của họ.
Vì sao 1% dân chủ này lại để truyền hình các nước đến tường thuật cứu
hộ? Vì chỉ với 1% dân chủ so với Việt Nam nhưng họ lại dám công khai
thông tin, điều này không những có lợi cho vấn đề truyền thông quốc tế
mà có lợi cho cả những người bị nạn đang nằm dưới hầm, bởi chính truyền
thông sẽ mang hình ảnh cũng như thông tin về vụ sụp hầm đến mọi nơi, và
cũng thông qua truyền thông, những cơ quan cứu hộ thuộc loại xuất sắc
cùng với công nghệ tiên tiến nhất của họ sẽ tìm đến để hỗ trợ cứu hộ nếu
xét thấy cần. Đó là những gì cần có đối với mạng người.
Nhưng, ở Việt Nam thì mọi chuyện lại hoàn toàn khác, sau hàng loạt
kiểu thử nghiệm từ mũi khoan này cho đến mũi khoan khác vẫn chưa thấy
gì, đến khi bộ đội công binh vào cuộc, đào bằng thuỗng, xẻng, cuốc và
còng lưng đào, cuối cùng, họ cứu được những người trong hầm. Trước đó
mấy giờ đồng hồ, cơ quan tỉnh Lâm Đồng còn đưa ra lời hứa sẽ khoan ít
nhất ba ngày nữa mới cứu được các nạn nhân và gửi thư động viên họ cố
sống mà chờ đợi. Và cũng đương nhiên, không có đài truyền hình nước
ngoài nào đến đây tác nghiệp, truyền hình trực tiếp cuộc cứu hộ. Vì làm
như vậy, lỡ không cứu được thì biết ăn nói làm sao?!
Thế mới biết các phương tiện công nghiệp, các công nghệ khi tham gia
cứu người không bằng cái cuốc, cái xẻng của nông dân, hèn gì xứ sở này
việc gì nổi trội cũng do nông dân làm, từ chiếc máy bay tự chế, cho đến
xe hơi tự chế, xe tăng… đều do nông dân làm. Không lý giải được, xứ sở
này vốn vậy, công nghệ ở nước người có thể chấp vài chục lần người lao
động, thậm chí chấp vài trăm lần tay không, nhưng khi về đến Việt Nam,
nó chào thua bàn tay lao động. Có lẽ vì thế mà Việt Nam có huân chương
lao động từ hạng Một đến hạng Ba cũng không chừng!
Và khi được cứu ra khỏi hầm ngập nước, cái điều làm người ta ngạc
nhiên nhất là những người bị nạn cho biết họ đã sống được nhờ vào lá thư
của chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, nhờ sự động viên của ông ta mà họ tin là
mình sống, mình được cứu… Và sau cùng, tập thể 12 người được lãnh đạo
tỉnh Lâm Đồng và huyện Lạc Dương đến ‘thăm hỏi’ và ‘động viên’ bằng gói
tiền ‘hỗ trợ’ mười triệu đồng mỗi người. Một con số khá ấn tượng để
tưởng thưởng cho những lao động đã dũng cảm vượt qua cái chết, tránh
mang lại tai tiếng cho lãnh đạo Cộng sản Việt Nam. Bởi nếu như mười hai
người này chết, chắc chắn bộ sậu lãnh đạo sẽ mang tai tiếng nhiều thứ,
trong đó lộ ra hàng loạt mắc xích tham ô, rút ruột công trình.
Và cũng có một điều dễ nhận thấy là bà bộ trưởng y tế Kim Tiến không
bỏ lỡ cơ hội này, đến đôn đốc cấp cứu và tiếp tế sữa, đạm trong lúc hàng
chục sinh mạng trẻ em tử vong do tiêm nhầm thuốc thì bà không hề lên
tiếng, thế mới gọi là dân chủ, tiến bộ!
Nhưng, đáng buồn cười nhất vẫn là ở xứ 100% dân chủ này, mức độ tiến
bộ còn đáng sợ hơn nhiều, một cầu thủ sút vào lưới trong trận cầu khu
vực ít nhất cũng được thưởng vài trăm triệu đồng, may mắn thì tiền tỉ.
Như vậy, nếu so sánh những mạng sống vừa thoát khỏi hầm ở Đạ Dâng với
một quả bóng sút vào lưới, những mạng sống kia còn lâu mới kịp quả bóng,
nếu không nói là bằng 1% của quả bóng.
Đó lại là một chuyện hay khác, một tỉ lệ rất tương ứng, các nước tư
bản chỉ dân chủ bằng 1% Việt Nam và mạng người ở Việt Nam lại bằng 1%
trái bóng sút vào lưới! Còn gì buồn cười, khôi hài và đáng phỉ nhổ hơn
cái chính thể này?!
Và, phải nói rằng số tiền mà nhà cầm quyền Việt Nam (dù ở cấp nào
chăng nữa) đã trao cho những người vừa thoát nạn là một số tiền không
sòng phẵng, sự sống của họ không đơn giản là được cứu sống mà đó là sự
sống đã cứu cho bộ mặt của chính thể, sự sống cứu nguy một phen bẽ mặt
của một nhà cầm quyền vốn dĩ xem thường người lao động, không quan tâm
đến chế độ của người lao động, bòn rút, tham nhũng, đầu cơ chức quyền…
Tất cả những thứ ấy sẽ bị đánh xoáy, phanh phui thêm một lần nữa nếu như
những người lao động chết trong hầm.
Mười triệu đồng cho một mạng người sống sót và che đậy chế độ, một mức giá thật đặt biệt!