Nguyễn Hưng Quốc
Kết thúc bài “Người Việt Nam lười viết”, tôi nêu lên câu hỏi: Tại sao người Việt, nói chung, lười viết thư và nhật ký như vậy?
Tôi ngờ lý do chính là tình trạng mù chữ cả hàng ngàn năm của dân tộc
Việt Nam. Theo tôi, tình trạng mù chữ phổ biến và kéo dài này chính là
yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc định hình diện mạo của nền văn học
Việt Nam từ xưa đến nay. Chứ không phải là truyền thống chống ngoại
xâm, chống thiên tai, nạn phong kiến kéo dài hay truyền thống hoà đồng
các luồng tư tưởng lớn của Đông Phương (Nho, Phật và Lão) như điều mà
giới nghiên cứu văn học Việt Nam lâu nay thường khẳng định.
Cho sự mù chữ ấy là một truyền thống của Việt Nam có thể làm cho
nhiều người cảm thấy như bị thương tổn. Tuy nhiên không thể vì tự ái mà
né tránh sự thật. Chắc chắn hiện tượng mù chữ kéo dài ấy đã để lại rất
nhiều dấu ấn trong nền văn học dân tộc. Tìm hiểu và ghi nhận những dấu
ấn ấy may ra cũng là một cách để thoát dần ra khỏi nhà tù của quá khứ
vốn, theo tôi, là một trong những nguyên nhân chính khiến nền văn học
Việt Nam lâu nay cứ trì trệ mãi.
Điều dễ được chấp nhận là suốt cả ngàn năm Bắc thuộc, Việt Nam là một
dân tộc mù chữ. Từ khi dành được độc lập năm 939, dần dần hình thành
một lực lượng trí thức ngày càng đông đảo. Ít nhất cho đến thế kỷ 14,
thứ văn tự mà họ học, họ sử dụng là chữ Hán. Chỉ là chữ Hán. Chúng ta
vẫn có thói quen xem biết chữ Hán là biết chữ, đồng nhất khái niệm "chữ
Hán" và khái niệm "chữ" nói chung. Tuy nhiên, theo tôi, sự đồng nhất ấy
thật đáng ngờ. Chữ Hán, với người Việt Nam, chỉ là một tử ngữ. Đó là thứ
ngôn ngữ học thuật chứ không phải thứ ngôn ngữ giao tiếp. Về phương
diện văn hoá, những trí thức chỉ biết chữ Hán là những người biết chữ,
hơn nữa, có thể là một bậc thông thái, bởi vì thứ tử ngữ mà họ thông
thạo ấy có thể giúp họ thu lượm được khá nhiều kiến thức kim cổ.
Nhưng về phương diện văn học, theo tôi, họ lại là những kẻ mù chữ: họ
không viết ra được cái thứ tiếng mà họ thường dùng để tâm tình với
người thân hay thường nói thầm trong đầu, cái thứ tiếng đã tan hoà vào
trong máu thịt, trong từng nhịp thở và từng giấc mơ của họ. Khối óc của
họ thì ăm ắp chữ nghĩa mà trái tim của họ thì lại mù chữ. Khi muốn tự
thể hiện họ, họ phải đóng vai một người khác, sử dụng một thứ ngôn ngữ
khác.
Biết chữ, với người Việt Nam, chỉ có nghĩa là biết chữ Nôm hay chữ
quốc ngữ. Chữ quốc ngữ thì không nói làm gì: mặc dù được hình thành từ
thế kỷ 17, nhưng chỉ được công nhận là một văn tự chính thức từ cuối thế
kỷ 19, lúc Việt Nam đã thành thuộc địa của Pháp, và chỉ thực sự được
phổ dụng từ giữa thế kỷ 20, trước và sau thời điểm Việt Nam được độc lập
một tí, do đó, nó không có ảnh hưởng gì đáng kể trong di sản văn hoá và
văn học dân tộc. Còn chữ Nôm, tuy xuất hiện từ khá sớm, có thể ngay từ
thế kỷ thứ 10 hay 11 hoặc muộn hơn một chút, nhưng mãi đến thế kỷ 14, nó
mới tương đối hoàn chỉnh để có thể được sử dụng như một phương tiện văn
học.
So với nhiều quốc gia khác trên thế giới, thời điểm xuất hiện như thế
không phải là quá muộn. Nhưng vấn đề là: từ khi chữ Nôm tương đối hoàn
chỉnh cho đến hết thế kỷ 19, chỉ trừ hai thời kỳ cực kỳ ngắn ngủi dưới
thời nhà Hồ và nhà Tây Sơn, thứ chữ ấy vẫn chỉ được xem là thứ chữ ngoại
hôn, không được cả dân chúng lẫn chính quyền thừa nhận như một thứ văn
tự chính thống.
Hậu quả là, thứ nhất, thứ chữ ấy vĩnh viễn "tương đối hoàn chỉnh" chứ
không bao giờ thực sự hoàn chỉnh; không có cá nhân hay tổ chức nào bỏ
công sức để hệ thống hoá cách cấu tạo chữ Nôm để ai cũng có thể đọc
giống nhau, tránh được cảnh đoán mò kéo dài đến tận bây giờ.
Thứ hai, quan trọng hơn, thứ chữ ấy chưa bao giờ thực sự được coi
trọng. Trong tâm lý của dân chúng, Nôm đồng nghĩa với quê mùa (nôm na);
hơn nữa, đồng nghĩa với cả sự thiếu đứng đắn và đáng bị khinh bỉ (nôm na
là cha mách qué). Cả giới cầm bút cũng không thoát khỏi tâm lý ấy, xem
những tác phẩm bằng chữ Nôm là lời quê ("Lời quê góp nhặt dông dài").
Các tuyển tập văn học lớn của Việt Nam ngày xưa, từ Trích diễm thi tập
của Hoàng Đức Lương (đầu đời Lê) đến Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn,
Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích... đều chỉ tập hợp các tác phẩm
bằng Hán văn. Ngay đến giữa thế kỷ 19, khi viết lời tựa cho cuốn Hoa
Tiên, Cao Bá Quát cũng còn phân vân: "Than ôi! Lấy quốc ngữ [tức chữ
Nôm] mà làm văn chương thì ta chưa dám" (1).
Cuối cùng, như là hậu quả của tất cả những sự kiện trên, chữ Nôm chưa
bao giờ được phổ biến sâu rộng. Số người biết chữ Hán đã ít; số người
biết chữ Nôm hẳn lại càng ít hơn (2).
Ít là bao nhiêu? Theo David G. Marr, tác giả cuốn Vietnamese
Tradition on Trial 1920-45, vào cuối thập niên 30 của thế kỷ này, khoảng
10 phần trăm dân số Việt Nam biết chữ; trước đó hơn 10 năm, vào giữa
thập niên 1920, con số này chỉ hơn năm phần trăm mà thôi. Trước thế kỷ
20, trong thời Hán học thì sao? David G. Marr đoán là có thể đến khoảng
25 phần trăm những người trên 15 tuổi có thể biết khoảng vài trăm từ Nôm
và Hán Việt đủ để đọc được gia phả và các loại văn bằng hay khế ước
thông thường (3). Không ai biết chính xác con số những người biết chữ
Hán và chữ Nôm đến trình độ có thể sáng tác hay thưởng thức các tác phẩm
văn học. Nhưng khó tin được là nó vượt quá năm phần trăm dân số.
Số người biết chữ (tức là biết chữ Nôm) vốn cực kỳ hiếm hoi. Điều
kiện xuất bản lại lạc hậu và khó khăn đến ngặt nghèo. Một phần vì kỹ
thuật in ấn và kỹ thuật sản xuất giấy lạc hậu, phần khác, vì sự kiểm
soát chặt chẽ của các triều đình phong kiến: suốt đời Lý, đời Trần và
đầu đời Lê, trừ kinh sách trong chùa, còn thơ văn, muốn in thì phải được
phép của nhà vua (4). Đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh, việc in ấn ít
nhiều vượt ra ngoài tầm kiểm soát của vua chúa, tuy nhiên, các vua chúa
lại nhìn điều ấy như một dấu hiệu suy thoái về phong hoá, do đó, năm
1663, Trịnh Tạc sai Phạm Công Trứ soạn 47 điều giáo hoá, trong đó, có
điều ngăn cấm dân chúng tự tiện in thơ văn, đặc biệt thơ văn bằng chữ
Nôm. Gần đúng một trăm năm sau, vào năm 1760, chúa Trịnh lại sai Nhữ
Đình Toản diễn nôm 47 điều giáo hoá ấy để phổ biến rộng rãi trong dân
gian, trong đó, có đoạn:
Ngũ kinh chư sử xưa nay,
Với chư tử tập cùng rày văn chương,
Dạy bèn có ích đạo thường,
Mới nên san bản bốn phương thông hành.
Kỳ như Thích, Đạo, phi kinh,
Lời tà mối lạ tập tành truyện ngoa,
Cùng là truyện cũ nôm na,
Hết thơ tập ấy lại ca khúc này,
Tiếng dâm dễ khiến người say,
Chớ cho in bán, hại nay thói thuần (5).
Ngũ kinh chư sử xưa nay,
Với chư tử tập cùng rày văn chương,
Dạy bèn có ích đạo thường,
Mới nên san bản bốn phương thông hành.
Kỳ như Thích, Đạo, phi kinh,
Lời tà mối lạ tập tành truyện ngoa,
Cùng là truyện cũ nôm na,
Hết thơ tập ấy lại ca khúc này,
Tiếng dâm dễ khiến người say,
Chớ cho in bán, hại nay thói thuần (5).
Trong những điều kiện kỹ thuật, xã hội và văn hoá như thế, số lượng
sách được in cực kỳ hiếm hoi. Hình như trong số các nhà thơ lớn của Việt
Nam không có ai được may mắn nhìn thấy sách của mình được in lúc còn
sống. Ngay cả những nhà thơ tương đối gần đây, thuộc thế kỷ 19, như
Nguyễn Du (1766-1820), Nguyễn Công Trứ (1777-1858); và ngay cả Nguyễn
Khuyến (1835-1909) và Trần Tế Xương (1780-1907) ở tận cùng thế kỷ 19 và
đầu thế kỷ 20, cũng không bao giờ được cầm trong tay một cuốn sách nào
của chính mình. Mãi đến những năm 1920, sách báo dưới dạng in mới tương
đối phổ biến tại Việt Nam (6).
Điều này có nghĩa là, cho đến thời điểm đó, tuyệt đại đa số các tác
phẩm văn học của Việt Nam chỉ tồn tại dưới dạng chép tay và được phổ
biến dưới hình thức truyền miệng. Bởi vậy, hoàn toàn không cường điệu
chút nào nếu chúng ta nói là, từ đầu thế kỷ 20 trở về trước, văn học
Việt Nam chủ yếu là văn học truyền miệng.
Sự phân chia văn học ra làm hai dòng, dòng văn học thành văn (hay bác
học) và dòng văn học truyền khẩu (hay dân gian) như thói quen phổ biến
từ trước đến nay thực chất chỉ là một sự phân chia có phần giả tạo và có
ý nghĩa rất tương đối bởi vì tuyệt đại đa số những tác phẩm được gọi là
"thành văn" hay "bác học" ấy chủ yếu được xuất bản miệng rất lâu trước
khi được người đời sau sưu tập và in lại dưới hình thức văn bản cố định.
Tôi muốn xem khuynh hướng truyền miệng ấy như là một đặc điểm nổi bật
đầu tiên của văn học Việt Nam.
***
Khuynh hướng truyền miệng có nhiều biểu hiện khác nhau. Ở nhà trường, đó là thói quen "nghe sách" và "bình văn".
"Nghe sách" là hoạt động thường xuyên, hầu như hàng ngày: vì không
phải ai cũng có sách, ngay cả loại sách giáo khoa căn bản, cho nên, thầy
giáo thường phải nhờ một học sinh có giọng tốt đọc một đoạn trong kinh
sách để mọi người cùng nghe, sau đó, thầy giáo mới giảng giải, phân tích
và bình luận. Từ đầu đến cuối, học sinh chỉ chăm chú lắng nghe và ghi
nhớ.
"Bình văn" cũng tương tự: người ta đọc to thơ và văn của ai đó một
cách trầm bổng, ngân nga, theo những nhịp điệu và tiết tấu nhất định để
mọi người cùng thưởng thức. Cách đọc trong các buổi bình văn không giống
hình thức lãng tụng ở Trung Hoa và cũng không giống hình thức đọc diễn
cảm ở phương Tây, theo Lê Trí Viễn, "có lẽ chỉ có ở ta" (7).
Ở các trường học còn thế, ngoài xã hội, việc tiếp xúc trực tiếp với
văn bản một tác phẩm văn học nào đó là một điều hy hữu. Phần lớn, người
ta chỉ nghe đọc và ghi nhớ, sau đó, đọc lại cho người khác hoặc chính
mình nghe. Hầu hết các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam đều được
lưu hành trong dân gian, từ đời này qua đời kia, bằng phương cách ấy,
trước khi được in thành sách để người ta có thể cầm trên tay mà nghiền
ngẫm.
Khuynh hướng truyền miệng như thế nhất định có nhiều hệ quả quan trọng.
Thứ nhất là sự mất mát cũng như nạn tam sao thất bổn trong các tác phẩm văn học.
Thứ hai là tâm lý coi trọng lời nói hơn chữ viết của cái lời nói ấy
(chữ Nôm) ở cả tác giả lẫn độc giả. Câu tục ngữ "Trăm năm bia đá thì mòn
/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ" là minh chứng rõ rệt nhất cho cái
tâm lý ấy.
Thứ ba, nó cũng là nguyên nhân chính làm cho văn vần có vị thế áp đảo
trong nền văn học Việt Nam: có thể nói nền văn học bằng tiếng Việt
trước thế kỷ 20 chủ yếu là một nền văn học bằng văn vần. Thơ bằng văn
vần, đã đành. Người ta cũng viết cả lịch sử, tuỳ bút, chính luận và tiểu
thuyết bằng văn vần. Tại sao? Có lẽ có nhiều lý do nhưng chắc chắn lý
do chính không phải là vì người Việt Nam yêu thơ như chúng ta thường
nhầm tưởng mà là vì một sự chọn lựa đầy tính chất thực dụng: văn vần dễ
nhớ và dễ lưu truyền trong một xã hội hoặc chưa có chữ viết hoặc đã có
nhưng rất hiếm người biết cái thứ chữ viết ấy.
Những hệ quả trên tương đối dễ thấy. Theo tôi, khuynh hướng truyền miệng còn có tác động lên cả ngôn ngữ chúng ta sử dụng.
Trước hết, trong hoạt động xuất bản miệng, chúng ta chỉ làm quen với
khía cạnh âm thanh của ngôn ngữ, do đó, dù muốn hay không, khía cạnh âm
thanh của ngôn ngữ cũng dần dần nổi bật: cho đến nay, phần lớn người
Việt Nam vẫn còn bị mê hoặc bởi những câu văn mang hơi hướm biền ngẫu du
dương và trầm bổng. Dần dần, một cách tự phát, chúng ta ít nhiều đồng
nhất cái đẹp của văn chương với việc thuận tai. Điều này chắc chắn là
gây nhiều ảnh hưởng tai hại trong lãnh vực thẩm mỹ: nó dẫn đến ưu thế
của sự tròn trịa, êm ái, ngân nga. Thơ, do đó, cứ oằn mãi dưới gánh nặng
của những vần điệu dễ dãi và quen thuộc. Từng được thử nghiệm cả hơn
nửa thế kỷ, đến nay, thơ tự do vẫn chưa được quần chúng công nhận là...
thơ có lẽ cũng vì thế.
Hơn nữa, khuynh hướng truyền miệng một mặt làm phát triển tính chất
cụ tượng trong tiếng Việt (8), nhưng mặt khác, lại làm giảm bớt tính
chất duy lý và trừu tượng của nó. Khi sự truyền thông chủ yếu dựa trên
lời nói, sự giản dị và cụ thể là những nguyên tắc chủ đạo. Chỉ khi chữ
viết phát triển, người ta mới nâng cao được khả năng tư duy trừu tượng
mơ hồ và phức tạp: người viết có nhiều thì giờ để nghĩ ngợi, nối kết ý
này với ý kia, xây dựng các câu văn có lối kiến trúc nhiều tầng nhiều
lớp, và người đọc cũng có thể đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm, trăn trở,
nhìn lui nhìn tới để nắm bắt mạch luận lý của tác giả.
Theo Eric Havelock, triết học của Plato, với những tư tưởng duy lý và
cực kỳ tinh tế, là sản phẩm của một hệ thống văn tự hoàn chỉnh, khác
với thơ ca của Homer vốn là sản phẩm của một nền văn hoá truyền miệng
(9).
Một sự kiện tương tự cũng có thể được nhìn thấy ở Trung Hoa: sự phát
triển rất sớm của hệ thống văn tự đã làm nở rộ nền triết học Trung Hoa
thời cổ đại với những tên tuổi kiệt hiệt như Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh
Tử... hay bách gia chư tử nói chung.
Điều này có lẽ giải thích tại sao hầu hết các quốc gia có nền triết
học cổ đại phong phú đều là những quốc gia có chữ viết rất sớm: Trung
Hoa, Hy Lạp, La Mã, Ấn Độ và Ai Cập. Điều này phần nào cũng giải thích
tại sao Việt Nam không những không có một nền triết học hoàn chỉnh mà
cũng không có, hoặc có rất ít, những thể loại văn học thiên về tư duy
trừu tượng như văn chính luận, biên khảo, lý luận và phê bình văn học.
Khuynh hướng truyền miệng dẫn đến thói quen ham kể chuyện, chỉ biết
kể chuyện của người cầm bút và thói quen nghe kể chuyện, chỉ thích tò mò
nghe kể chuyện của người đọc. Người Việt Nam nào mở miệng ra cũng khen
ngợi Truyện Kiều là kiệt tác và dường như sẵn sàng bóp cổ bất cứ ai
tuyên bố điều gì ngược lại. Nhưng có bao nhiêu người Việt Nam thực sự
đọc Truyện Kiều? Đọc cả Truyện Kiều chứ không phải đọc lõm bõm vài ba
đoạn trích ngắn trong chương trình giáo dục cấp phổ thông. Bao nhiêu
người?
Trong tâm lý chỉ thích kể chuyện và nghe kể chuyện, các yếu tố kỹ
thuật và ngôn ngữ bị xem là thứ yếu. Cả đến văn bản cũng trở thành thứ
yếu. Thói quen này biểu hiện rất rõ trong cả việc giảng dạy lẫn việc phê
bình và nghiên cứu văn học của chúng ta: chỉ thích sa đà trong các vấn
đề chung chung về bối cảnh lịch sử, tiểu sử tác giả và việc tóm tắt cốt
truyện nhưng rất ít khi dừng lại phân tích các yếu tố hình thức trong
từng tác phẩm cụ thể.
Cuối cùng, khuynh hướng truyền miệng kéo dài cũng góp phần ngăn cản
việc đa dạng hoá các phong cách văn học. Tồn tại dưới hình thức truyền
miệng là một cách tồn tại vô hình và thường thì vô danh. Nó không giống
hình thức tồn tại dưới dạng sách với một hình thù nhất định để gợi ra
cho người đọc và cả người viết ý niệm về cấu trúc, về hệ thống, về các
yếu tố hình thức của nghệ thuật; với một cách đọc thầm lặng và cô độc để
gợi ra ý niệm về nhu cầu diễn dịch và phân tích, từ đó, làm nở rộ các
hoạt động phê bình và nghiên cứu văn học; và với một tên tác giả nhất
định để gợi cho người đọc và cả người viết ý niệm về bản sắc cá nhân.
Tính chất truyền khẩu đã làm cho hàng ngàn câu ca dao từ vô số địa
phương khác nhau trở thành hao hao như nhau: đó là một sinh hoạt tập
thể, mang nặng tính chất tập thể.
Cho nên không có gì lạ khi diện mạo các tác giả cổ điển Việt Nam ít khi có nét riêng và thường thì rất dễ lẫn vào nhau.
***
Chú thích:
Thơ chữ Hán Cao Bá Quát, nxb Văn Học, Hà Nội, 1976, tr. 350.
Nên lưu ý là tuy ở Nhật Bản và Đại Hàn, người ta cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của văn học Trung Hoa và văn tự của họ cũng thoát thai từ chữ Hán, nhưng so với Việt Nam, văn tự của họ có vị trí khác hẳn. Thứ nhất là, chúng không bị khinh rẻ như chữ Nôm. Thứ hai là chúng được hoàn chỉnh khá sớm: Ở Đại Hàn, từ giữa thế kỷ 15, chữ hangul đã hoàn chỉnh đủ để dịch hầu hết các tác phẩm kinh điển của Nho giáo (Đại Học, Trung Dung, Mạnh Tử, v.v...) và của Phật giáo (Suraamgàmasutra, Lotus Sutra, Diamond Sutra, v.v...). Và thứ ba, chúng được phổ biến khá sâu rộng: trong khi tầng lớp bên trên sính dùng chữ Hán thì tầng lớp trung lưu và giới bình dân vẫn dùng chữ hangul để ghi chép sổ sách buôn bán, dạy dỗ con cái, viết thư từ và nhật ký, nghĩa là hầu hết các sinh hoạt bình thường trong ngày. Có lẽ vì thế mà cũng giống như ở Nhật Bản, số lượng nhật ký còn lại ở Đại Hàn khá nhiều, trong đó nổi tiếng nhất là các cuốn Sansong ilgi, Hwasong ilgi, Kyech'uk ilgi, Uiyudang ilgi... (Xem Understanding Korean Literature, của Kim Hunggyu, do Robert J. Fouser dịch sang tiếng Anh, M.E. Sharpe, New York, 1997).
Nên lưu ý là tuy ở Nhật Bản và Đại Hàn, người ta cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của văn học Trung Hoa và văn tự của họ cũng thoát thai từ chữ Hán, nhưng so với Việt Nam, văn tự của họ có vị trí khác hẳn. Thứ nhất là, chúng không bị khinh rẻ như chữ Nôm. Thứ hai là chúng được hoàn chỉnh khá sớm: Ở Đại Hàn, từ giữa thế kỷ 15, chữ hangul đã hoàn chỉnh đủ để dịch hầu hết các tác phẩm kinh điển của Nho giáo (Đại Học, Trung Dung, Mạnh Tử, v.v...) và của Phật giáo (Suraamgàmasutra, Lotus Sutra, Diamond Sutra, v.v...). Và thứ ba, chúng được phổ biến khá sâu rộng: trong khi tầng lớp bên trên sính dùng chữ Hán thì tầng lớp trung lưu và giới bình dân vẫn dùng chữ hangul để ghi chép sổ sách buôn bán, dạy dỗ con cái, viết thư từ và nhật ký, nghĩa là hầu hết các sinh hoạt bình thường trong ngày. Có lẽ vì thế mà cũng giống như ở Nhật Bản, số lượng nhật ký còn lại ở Đại Hàn khá nhiều, trong đó nổi tiếng nhất là các cuốn Sansong ilgi, Hwasong ilgi, Kyech'uk ilgi, Uiyudang ilgi... (Xem Understanding Korean Literature, của Kim Hunggyu, do Robert J. Fouser dịch sang tiếng Anh, M.E. Sharpe, New York, 1997).
Marr, David G. (1981), Vietnamese Tradition on Trial 1920-45, University of California, Berkeley, tr. 34.
Trần Văn Giáp (1990), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tr. 38-9.
Dẫn lại theo Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân và Mai Cao Chương (1978),
Văn học Việt Nam thế kỷ 10 - nửa đầu thế kỷ 18, tập 1, nxb Đại Học và
Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, tr. 26.
Xem Shawn McHale (1995), "Printing and Power: Vietnamese Debates over
Women's Place in Society, 1918-1934", in trong tập Essays into
Vietnamese Pasts, do K.V. Taylor và John K. Whitmore biên tập, Cornelle
University Press, Ithaca, tr. 174.
Lê Trí Viễn (1997), Đến với thơ hay, nxb Giáo Dục, Hà Nội, tr. 10.
Về tính cụ tượng của tiếng Việt, xin xem phần "Chúng ta qua tiếng nói" in trong cuốn Tiểu luận của Võ Phiến, nxb Văn Nghệ, California, 1988, tr. 315-363.
Về tính cụ tượng của tiếng Việt, xin xem phần "Chúng ta qua tiếng nói" in trong cuốn Tiểu luận của Võ Phiến, nxb Văn Nghệ, California, 1988, tr. 315-363.
Dẫn theo Alvin Karnan (1990), The Death of Literature, Yale University Press, New Haven, tr. 128-9.