Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tướng Phùng Quang Thanh thăm TQ gần đây.
Ngay sau khi Blogger Điếu cày – Nguyễn Văn Hải được trả tự do để Việt
Nam đổi lấy việc được Mỹ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam,
nhiều người đã hy vọng về việc cải thiện quan hệ với Mỹ và một xã hội
dân sự sắp hình thành ở Việt Nam.
Nhưng chỉ hơn một tháng sau, một Blogger nữa – ông Hồng Lê Thọ lại phải
vào tù. Những hy vọng về một Việt Nam thay đổi liệu có phải quá lạc
quan?
Sau sự kiện dàn khoan Hải Dương 981 tiến vào biển Đông, giới lãnh đạo
Việt Nam không còn cách nào khác phải phản ứng quyết liệt. Việc biểu
tình chống Trung Quốc được nới lỏng, cả nước sôi sục với hy vọng một
cuộc thoát Trung đang đến gần.
Nhưng nếu nhìn nhận một cách tỉnh táo, ngay trong lúc nước sôi lửa bỏng
nhất, Việt Nam khi ra diễn đàn đa phương cũng không dám chỉ trích Trung
Quốc.
'Động tác giả với Mỹ'
Ngày 31-5, tại Hội nghị đối thoại Quốc phòng an ninh châu Á (Shangri La
2014), trong khi Mỹ và Nhật lên án mạnh mẽ Trung Quốc và “hỗ trợ tối đa
mọi nỗ lực của các quốc gia Đông Nam Á nhằm bảo vệ an ninh trên biển và
trên không… Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam và Phillippines trong bảo vệ
lãnh hải”, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã làm tất cả
(trừ Trung Quốc) phải tiu nghỉu:
“Quan hệ giữa Việt Nam và nước BẠN láng giềng Trung Quốc về tổng thể
trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp
chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng
thẳng như sự việc ngày 1/5/2014”.
Những cái bắt tay với Mỹ cũng chỉ để đánh động với Trung Quốc, đất nước
mà “dù mưa nắng, hay bão lũ vẫn mãi là láng giềng” và nhắc nhở về
“phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt” như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
vừa phát biểu trước Quốc hội.
Như vậy ngay từ đầu Việt Nam đã xác định mối quan hệ với Trung Quốc là
không thể thay đổi dù bất cứ điều gì xảy ra. Những phản ứng của Việt Nam
rốt cuộc cũng chỉ để làm màu.
Đặc biệt sau khi Trung Quốc rút giàn khoan vào ngày 16/7, xu thế này
càng rõ hơn. Ngày 19/7, Đài truyền hình Quốc gia quay trở lại những lời
lẽ nặng lời với Mỹ do quan hệ trong quá khứ, có lẽ để mở đường cho Bí
thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thăm Mỹ trong chuyến đi mà không ai
biết để làm gì.
Chuyện nổi bật nhất trong chuyến đi này là ông Phạm Quang Nghị tặng
Thượng nghị sĩ John McCain tấm ảnh chụp lại tấm bia “Ngày 26 10 1967 tại
hồ Trúc Bạch quân và dân Hà Nội bắt sống TÊN John sney ma can thiếu tá
không quân Mỹ lái chiếc máy bay A4...”.
Chúng ta thì thấy bình thường, nhưng nếu Trung Quốc sang thăm Việt Nam
mà tặng những dấu tích với lời lẽ như thế về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bị
tù đày ở Trung Quốc thì người Việt Nam sẽ nghĩ gì?
Có thể thấy rằng Việt Nam muốn thăm Mỹ không phải với tư thế của người
đi cầu cạnh, chúng ta muốn ở tư thế bề trên, kiểu như: Anh ngày xưa thua
chúng tôi, bị chúng tôi bắt làm tù binh đấy.
Chuyến đi của Phạm Quang Nghị cũng chỉ để cho có, ngay từ cái chức vụ
ông nắm cũng đã nói lên điều đó. Tại sao chuyến đi đáng lẽ được nhiều
người kỳ vọng như thế lại để người lãnh đạo một thành phố dẫn đầu? Ngay
từ chức Bí thư Hà Nội cũng đã cho thấy đây là một chuyến đi “vô hại”.
Người đáng lẽ ra phải đi theo lời mời vào ngày 21/5 của Ngoại trưởng
John Kerry là Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam để bàn về các vấn đề trên
biển Đông, nhưng gần 5 tháng sau ông Phạm Bình Minh mới được qua Mỹ.
Trong thời gian đó đã có quá nhiều sự kiện xảy ra, đặc biệt là chuyến đi
hâm nóng quan hệ Việt-Trung của Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh.
Bí thư thành ủy Hà Nội gặp gỡ Thượng nghị sỹ John McCain trong chuyến thăm Mỹ.
Chuyến đi của ông Phạm Bình Minh được đánh dấu bằng việc Mỹ thông báo gỡ
bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, nhưng ngay sau đó bị che
mờ bằng việc Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cùng 12 tướng lĩnh
khác sang thăm Trung Quốc.
Các hoạt động ngoại giao với Mỹ và Trung Quốc đều phải song song, ông
Phạm Bình Minh muốn sang Mỹ thì trước đó cũng phải đi Trung Quốc đã,
hoặc sau các chuyến thăm bình lặng đến Mỹ thì ngay lập tức phải có một
quan chức cao cấp hơn thăm Trung Quốc trong một chuyến đi trang trọng
hơn nhiều.
Những cái bắt tay với Mỹ cũng chỉ để đánh động với Trung Quốc, đất nước
mà “dù mưa nắng, hay bão lũ vẫn mãi là láng giềng” và nhắc nhở về
“phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt” như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
vừa phát biểu trước Quốc hội.
Những phát biểu này không thật sự thống nhất với chính phát biểu của Thủ
tướng cách đây vài tháng khi ông nói không chấp nhận đánh đổi chủ quyền
“để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
Chìa tay ra với Nga
VN đã đơn giản hóa thủ tục cho tàu chiến Nga vào Cam Ranh nhân chuyến thăm Nga của ông Trọng.
Những nước đi ngoại giao của Việt Nam bị nhiều người đánh giá là không
hiệu quả, nhưng với góc nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam thì rõ ràng đã
đạt được mục tiêu quan trọng nhất: Nối lại quan hệ nồng ấm với Đảng Cộng
sản Trung Quốc. Nếu lấy đó làm mục tiêu tối thượng, nhà cầm quyền Việt
Nam rõ ràng đã thành công.
Một bước đi quan trọng cuối cùng để phục hồi các mối quan hệ trước đây
chính là chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nga (chuyến
thăm được hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin một cách trang
trọng).
Dù nhiều người đánh giá rằng cách thức đón tiếp của Tổng thống Putin
không thật sự trọng thị, nhưng Việt Nam vẫn nối lại việc cho Nga ra vào
vịnh Cam Ranh – vịnh mà theo nhiều người là số một thế giới. Mỹ cũng rất
muốn thuê ở đây nhưng không được sự đồng ý của Việt Nam.
Nước Nga đang gặp vận bĩ và buộc phải quay sang Trung Quốc để tìm đối
tác chiến lược, chính vì thế mà họ không hề lên tiếng bảo vệ Việt Nam
khi Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan 981 . Chưa kể báo Nga lúc đó
đã rất thiếu thiện chí khi bình luận giàn khoan 981 nằm trên thềm lục
địa, cách bờ biển Trung Quốc chỉ 27 km trong khi cách bờ biển Việt Nam
đến 241 km và so sánh Việt Nam là Ukraine của Trung Quốc.
Chỉ trong vài tháng “rối loạn”, Việt Nam đã phục hồi nguyên trạng thế
“kiềng ba chân” với Nga và Trung Quốc như trước, đây là thế đứng lý
tưởng nhất đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam, đồng thời dập tắt hy vọng
xã hội dân sự vừa mới le lói. Cái đích cuối cùng vẫn là dân chủ kiểu
Nga, Trung Quốc chứ không phải kiểu Mỹ và phương Tây.
Ngay cả thời còn đang sử dụng cảng Cam Ranh, Nga cũng chẳng thể làm gì
giúp Việt Nam lúc “đảo Gạc Ma và một số đảo trong quần đảo Trường Sa
thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988” .
Nếu thân Trung Quốc còn có thể được nhà cầm quyền lý giải là “giả vờ” để
vừa hợp tác vừa đấu tranh, thì thân thiết trở lại với Nga mang mục đích
gì đây?
Không những thế Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn phản đối Mỹ và châu Âu
trừng phạt Nga. Có lẽ Việt Nam ủng hộ cách can thiệp quân sự vào nước
láng giềng như những gì Nga đang làm với Ukraine. Nếu sau này Trung Quốc
cũng làm vậy với chúng ta, không biết nhà cầm quyền có phản đối phương
Tây nếu họ trừng phạt nước láng giềng của ta hay không?
Chỉ trong vài tháng “rối loạn”, Việt Nam đã phục hồi nguyên trạng thế
“kiềng ba chân” với Nga và Trung Quốc như trước, đây là thế đứng lý
tưởng nhất đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam, đồng thời dập tắt hy vọng
xã hội dân sự vừa mới le lói. Cái đích cuối cùng vẫn là dân chủ kiểu
Nga, Trung Quốc chứ không phải kiểu Mỹ và phương Tây.
Việt Nam khá giống với một cô gái Á Đông truyền thống, chung thủy với
chồng dù có bị ngược đãi. Hôm nay bị chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay
có thể hờn dỗi đôi chút, nhưng ngày mai khi phu quân đấu dịu thì lại làm
lành như không có chuyện gì xảy ra.
Phần vì quá yêu thương chồng, phần vì phụ thuộc kinh tế vào chồng (không
làm chủ được bản thân như các cô gái hiện đại) nên “dù mưa nắng, hay
bão lũ vẫn mãi là” vợ chồng. Và người chồng khi đã biết vợ không dám bỏ
mình sẽ biết quý trọng vợ hơn? Không bao giờ! Được đằng chân lân đằng
đầu và bản tính thô bạo càng được dịp thể hiện. Ôi, thương thay thân
phận người phụ nữ!
Nguyễn Hải
Gửi cho BBC từ Quảng Ninh
Gửi cho BBC từ Quảng Ninh
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả.
(BBC)