Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Thư viết từ trại giam Xuyên Mộc: Thư 30 (phần 3)

Trần Huỳnh Duy Thức 
Theo FB Trần Huỳnh Duy Thức
Quyền con người là tối thượng!!!
"Muốn có được một xã hội tốt đẹp thì việc trước tiên và quan trọng nhất là làm sao để người dân hiểu biết được các quy luật phát triển xã hội. Người dân là chủ thể của mọi sự vận động xã hội. Muốn vậy QCN của họ phải được bảo vệ đầy đủ và trên hết."


30/10/2014
Sẽ luôn là sai lầm và ảo tưởng nếu cho rằng chỉ cần cho khoa học tự nhiên, công nghệ được tự do còn khoa học về phát triển xã hội thì cần kiểm soát theo những quan điểm, tư tưởng nào đó. Điều này dẫn đến QCN chỉ được bảo vệ một phần. Kết quả thì như ở trên ta đã phân tích. Không đạt được cả khoa học tự nhiên lẫn sự phát triển xã hội. Thực ra các quy luật phát triển xã hội có tầm quan trọng không kém gì các quy luật tự nhiên. Việc tìm hiểu các quy luật tự nhiên để tạo nên công nghệ giúp tạo ra những thành tựu vật chất đã trở nên rất phổ biến. Nhưng sự hiểu biết các quy luật phát triển xã hội và ứng dụng chúng để làm cho xã hội phát triển bền vững, đạt được thịnh vượng và văn minh là việc còn chưa được chú trọng ở các nước đang phát triển. Các nước này có thể dễ dàng thừa nhận, thừa hưởng thành tựu khoa học công nghệ của các nước phát triển nhưng lại rất khó chấp nhận các quy luật phát triển xã hội được rút ra từ kinh nghiệm của các nước phát triển đó. Họ cho rằng nó không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của họ, họ cần đặc thù riêng theo ý thức hệ của họ. Với suy nghĩ như vậy, họ bị một nhầm lẫn rất lớn giữa các yêu tố thuộc về con người và những yếu tố không thuộc về con người. Các quy luật nói chung, cả tự nhiên lẫn xã hội, là sản phẩm của vũ trụ - của Tạo hóa, là những yếu tố không thuộc về con người. Con người có muốn hay không thì quy luật vẫn tồn tại, tồn tại bất chấp những hoàn cảnh khác nhau của con người. Những nguyên lý vận hành của một quy luật nào đó là như nhau tại những vị trí địa lý khác nhau, đối với những chủng tộc màu da khác nhau. Các vật thể ở Châu Mỹ thì cũng bị hút nhau theo những cách thức và cường độ giống hệt ở Châu Á. Hàng hóa khan hiếm ở Châu Phi cũng sẽ làm nó lên giá theo những cách thức và mức độ khan hiếm giống hệt ở Châu Âu. Nói cách khác, Luật vạn vật hấp dẫn hoặc quy luật kinh tế thị trường không thể tạo ra những tác động khác nhau dành riêng cho người Mỹ, TQ, VN, v.v… Cùng một nguyên lý tác động nhưng sẽ cho ra những kết quả khác nhau tùy theo sự vận động của con người. Sự khan hiếm hàng hóa ở TQ có thể khiến người dân ở đó hoang mang đổ xô đi mua hàng tích trữ, làm cho giá hàng hóa càng lên, hàng hóa càng khan hiếm, càng gây bất lợi cho họ. Nhưng cùng một sự việc nếu xảy ra ở Mỹ, nơi người dân có thể đã hiểu rõ quy luật thị trường nên sẽ không mua tích trữ, thay vào đó là tìm cách chia sẻ thông tin để đưa hàng từ nơi thừa sang nơi thiếu. Sự hiểu biết của con người về quy luật là yếu tố quyết định tính hiệu quả của sự vận động của con người (tức là hành xử của họ) trong xã hội. Muốn có kết quả tốt thì người ta phải càng hiểu biết quy luật, chứ không thể sửa đổi qquy luật hay làm nó biến mất được.
Muốn có được một xã hội tốt đẹp thì việc trước tiên và quan trọng nhất là làm sao để người dân hiểu biết được các quy luật phát triển xã hội. Người dân là chủ thể của mọi sự vận động xã hội. Muốn vậy QCN của họ phải được bảo vệ đầy đủ và trên hết. Khi đó khoa học mới phát triển và có đủ tự do để phổ biến kiến thức khoa học cho người dân, không chỉ về quy luật trong tự nhiên hoặc công nghệ mà cả về quy luật phát triển kinh tế xã hội. Dùng pháp luật để bảo vệ trên hết cho những đường lối phát triển xã hội nào đó sẽ dẫn đến việc ngăn cấm vận động cho những đường lối khác, tức làm cho QCN không được bảo vệ trên hết và đầy đủ. Kết quả vì vậy mà xã hội không thể nhận ra được chân lý là những quy luật phát triển xã hội mà con người cần hiểu biết. Nên xã hội không thể phát triển tốt đẹp. Đây là sự sai lầm về phương pháp thường thấy ở các đảng cầm quyền của nhiều nước chậm phát triển, cả ở những nước bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Khi đã nắm được quyền lực, các đảng này thường dùng pháp luật để bảo vệ những quan điểm mà họ tin là tốt cho xã hội – thực chất là dùng quyền lực để áp đặt mong muốn chủ quan của mình. Nhưng họ lại quên rằng sự phát triển xã hội là kết quả chủ yếu từ sự vận động của người dân. Một đường lối cho dù là tốt, là hợp với quy luật phát triển mà người dân không hiểu thì khi bị áp đặt họ chỉ hành động đối phó. Nêu cái tốt chỉ ở mãi trên giấy còn thực tế thì ngược lại: những kẻ xấu trong chính quyền lợi dụng đường lối đó để trục lợi, còn người dân thì thường phải chấp nhận cái xấu để tồn tại. Sự thất bại của nhiều chính sách xã hội thường xuất phát từ những sai lầm về phương pháp như vậy dù những chính sách đó thường xuất phát từ những mục đích tốt đẹp.
(hết phần 3)
Bản viết tay:


Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"