Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Thư viết từ trại giam Xuyên Mộc: Thư 30 (phần 2)

Trần Huỳnh Duy Thức 
Theo FB Trần Huỳnh Duy Thức
“Trong hình học không có con đường dành riêng cho vua chúa”. Ông (Euclide) đã nói như vậy với 1 vị hoàng đế từ hơn 2000 năm trước. Khoa học chân chính là như thế, nó để phục vụ cho tất cả mọi người chứ không phải để tô điểm cho những kẻ quyền thế. Nó chỉ tuân theo những quy luật của chính nó – tức những con đường dẫn đến chân lý chứ không phục tùng ý muốn chủ quan của ai cả, kể cả hoàng đế. Nó không có màu sắc chính trị. Gắn màu sắc chính trị cho khoa học là một cách hiệu quả để bóp chết khoa học.
Các bạn có đồng ý với nhận định này không? Mời các bạn cùng đọc tiếp

29/10/2014
Có dân số đông nhất thế giới và được đánh giá là một dân tộc rất thông minh nhưng đến giờ TQ vẫn là nước chưa có nền khoa học phát triển dù được đầu tư và hỗ trợ rất nhiều, nhất là khoa học cơ bản. Công nghệ được ứng dụng rộng rãi ở TQ nhưng chủ yếu là sự sao chép, rất thiếu sự phát minh sáng chế. Việc nghiên cứu cá quy luật cơ bản chỉ được khuyến khích trong các lĩnh vực tư nhiên chẳng ai dại gì bỏ công sức tìm hiểu cái quy luật phát triển xã hội vì nó luôn đụng chạm đến những “vấn đề nhạy cảm” liên quan đến các hệ tư tưởng mà chính quyền TQ bảo vệ. Ngân sách nhà nước TQ chi rất nhiều tiền cho việc nghiên cứu khoa học tự nhiên nhưng kết quả thu được cho việc phát hiện ra những quy luật cơ bản mới là gần như bằng không. Cậu không biết là họ có nhìn thấy nguyên nhân thất bại chính là vì sự hỗ trợ như thế của nhà nước không. Họ chi tiền và yêu cầu phải phát triển một nền “y học XHCN đặc sắc TQ”, một nền “toán học XHCN đặc sắc TQ”, v.v… và v.v… Nói chung là họ nhuốm màu sắc chính trị cho khoa học. Cậu tin là chính họ cũng không hiểu được những ngành khoa học được gắn vào những tính từ màu sắc như thế thì chúng sẽ là gì. Nhưng họ vẫn nói thế vì chủ nghĩa bè phái và để thể hiện rằng mình khác biệt với phương Tây. Nhưng bản chất của khoa học là không có màu sắc chính trị gì cả. Trách nhiệm của khoa học là tìm ra chân lý, tức là cái quy luật của vũ trụ và sự thật khách quan của thế giới. Chân lý tồn tại bất chấp ý chí chủ quan của con người. Virus Ebola có thể có thể gây bệnh cho người chấu Phi, người Mỹ, người Trung Hoa hoặc bất kỳ màu da nào. Ai cũng có thể bị nó quật chết bằng những cách thức hay quy luật giống hệt nhau. Các nhà khoa học phải tìm ra quy luật đó thì mới xây dựng được cách thức điều trị hay phòng ngừa nó. Chẳng có thứ màu sắc chính trị nào có thể tham gia vào quy trình y học này được. Người ta có thể nói: một nền y tế XHCN, chứ không thể nói một nền y học XHCN mà không làm cho các nhà khoa học chân chính phì cười. Chính chương trình chăm sóc y tế của Obama – Obamacare làm người ta gọi ông là người có khuynh hướng XHCN hay là quá tả, quá đỏ. Y tế là quan điểm của con người nên có thể thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh của con người. Y học là những quy luật của vũ trụ điều khiển, tác động lên sự hoạt động sinh học của con người nên con người không thể thay đổi được các quy luật đó, mà chỉ có thể tìm hiểu nó để xây dựng nên những liệu pháp giúp sức khỏe con người được tốt hơn. Chẳng thể vì các màu sắc “XHCN đặc sắc TQ” mà virus Ebola không xâm nhập được vào nước này hoặc gây bệnh bằng những quy luật khác ở các nước khác. Vì vậy những màu sắc chính trị đó chẳng giúp ích gì được cho khoa học, mà sẽ còn gây hại. Có lẽ TQ bị nhầm lẫn giữa 2 tên gọi y học phương Đông và y học phương Tây. Sự phân biệt này hoàn toàn không mang màu sắc chính trị, nó chỉ là sự khác nhau của các cách thức chữa trị của y học.
Tụi con còn nhớ câu nói nổi tiếng của nhà toán học xuất chúng Euclide không? “Trong hình học không có con đường dành riêng cho vua chúa”. Ông đã nói như vậy với 1 vị hoàng đế từ hơn 2000 năm trước. Khoa học chân chính là như thế, nó để phục vụ cho tất cả mọi người chứ không phải để tô điểm cho những kẻ quyền thế. Nó chỉ tuân theo những quy luật của chính nó – tức những con đường dẫn đến chân lý chứ không phục tùng ý muốn chủ quan của ai cả, kể cả hoàng đế. Nó không có màu sắc chính trị. Gắn màu sắc chính trị cho khoa học là một cách hiệu quả để bóp chết khoa học. Cậu đã kể cho tụi con một ví dụ về các nhà sinh học bị đàn áp ở LX vì đã tìm ra công nghệ đột biến gien rồi phải không? TQ đang đi vào đúng vết xe đổ đó của LX. Các ngành khoa học bị gắn vào màu sắc chính trị nên bị diễn giải một cách chủ quan, thường là theo quan điểm ý thức hệ của giới cầm quyền TQ. Vì vậy các sản phẩm nghiên cứu khoa học không còn mang tính khoa học chân chính mà hầu hết để nhằm củng cố cho các quan điểm trên, kể cả trong lĩnh vực tự nhiên. Các nhà khoa học chân chính hoàn toàn có thể bị chụp mũ “phản động”, “xét lại” nếu công bố những sự thật khách quan mâu thuẫn với các quan điểm này. Do đó người ta không thể có động lực để đi vào con đường chân chính nhưng lại có thể kiếm được nhiều tiền và địa vị cao nếu theo con đường phục vụ cho giới cầm quyền. Vì thế cho dù chính quyền TQ không có mục đích ngăn cản sự phát hiện các quy luật tự nhiên cơ bản nhưng trong một môi trường xã hội như thế thì chúng khó thể xuất hiện được. Giới cầm quyền TQ bị một sai lầm rất nghiêm trọng là họ dùng quyền lực của mình, thông qua pháp luật, để bảo vệ những quan điểm mà họ tin rằng đó là những quy luật phát triển của xã hội. Điều này không chỉ cản trở sự xuất hiện các quy luật phát triển xã hội đúng đắn mà còn vô hình trung ngăn cản sự xuất hiện của các quy luật tự nhiên cơ bản. Chân lý chỉ có thể được bảo vệ bằng khoa học. Mọi sự bảo vệ khác đều dẫn đến sự bóp nghẹt chân lý. “Chân lý” mặt trời quay quanh trái đất đã được bảo vệ bằng thứ quyền lực tuyệt đối, mạnh ghê gớm nhất nhưng nó vẫn cứ sụp đổ, vẫn cứ sai trái. Chân lý trái đất quay quanh mặt trời đã chứng minh bằng khoa học, được bảo vệ vững chắc bởi luật vạn vật hấp dẫn Newton. Quy luật này đã tồn tại vững chắc mấy trăm năm và tạo ra một nền cơ học giúp nhân loại phát triển rực rỡ, thành tựu của nó đến ngày nay vẫn còn được áp dụng hằng ngày. Nhưng nếu vì như thế mà dùng pháp luật để bảo vệ nó như một chân lý, kiểu như Giáo hội La Mã bảo vệ thuyết địa tâm thì có lẽ bây giờ thế giới vẫn chưa biết đến Thuyết tương đối của Einstein để có được sự tiến bộ như ngày nay. Khoa học là như thế, là vô cùng như điểm tận cùng của vũ trụ vậy. Thuyết cơ học Newton chỉ đúng cho những chuyển động với vận tốc thấp so với vận tốc ánh sáng. Phải có những quy luật khác chi phối sự vận độngcó tốc độ ánh sáng như chuyển động của nguyên tử. Từ đó mà Einstein phát hiện ra những quy luật của Thuyết tương đối. Có thể vài năm, vài chục năm hay vài trăm năm nữa con người sẽ nhận thấy những thực tế khác trong vũ trụ mà sự vận động của nó không thể giải thích bằng Thuyết tương đối. Lúc ấy các nhà khoa học lại tìm ra những quy luật mới của vũ trụ. Đó là con đường của khoa học – con đường để tìm ra chân lý. Chân lý không thể được phát hiện và bảo vệ bằng quyền lực, bằng sự áp đặt. Khoa học không chấp nhận sự bất bình đẳng.
Điều đó cũng có nghĩa rằng khoa học phải có được sự tự do để hoạt động. Muốn vậy những QCN về tự do tư tưởng, tự do bảo vệ quan điểm, tự do nghiên cứu, phát minh, sáng chế phải được bảo vệ trên hết. Không được có bất kỳ ai hay quan điểm tư tưởng nào được đặt trên cái quyền này. Tụi con hãy nhìn vào những nước có khoa học phát triển xem có phải vậy không. Đây là một thách thức mà những nước như TQ phải vượt qua nếu muốn có nền khoa học phát triển. Khoa học không phát triển thì quốc gia khó mà phát triển. Ở HQ, giai đoạn đầu canh tân, thời kỳ của tổng thống độc tài Park Chung Hee, chính quyền của ông ấy cũng chỉ chú trọng thúc đẩy các quyền kinh tế cho người dân và cũng đạt được các thành tựu phát triển rực rỡ về mọi mặt khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị sau khi các phong trào đấu tranh cho QCN thắng thế để người dân HQ bầu lên cái chính quyền dân chủ. QCN giờ đã được bảo vệ trên hết ở HQ.
(hết phần 2)
Bản viết tay:




Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"