Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Điều 258: „Lợi“ cũng dăm bảy đường

Thiện Chí
Điều 258 Bộ Luật Hình Sự:
Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân:
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Những vô lý về pháp lý và logic trong điều 258:

1- Không thể có cái gọi là „lợi ích của Nhà nước“.

a- Nhà nước (State) là bộ máy tổ chức quản lý và lãnh đạo xã hội, là trung tâm quyền lực của một Quốc gia. Người đứng đầu Nhà nước là Chủ tịch Nhà nước (hoặc Tổng thống ở nhiều Quốc gia khác), việc gọi chức danh Chủ tịch Nhà nước thành Chủ tịch Nước là sai.
Tổ chức Nhà nước gồm bốn cơ quan trực quyền:
- Cơ quan Hành pháp, Chính phủ (Government).
- Các cấp Chính quyền địa phương (Local Government)
- Cơ quan Lập pháp, Quốc hội (Parliament).
- Cơ quan Tư pháp, Tòa án (Court of justice)
b- Nước, Quốc gia, Tổ quốc (Country) cấu thành bởi 2 thành tố: Nhân dân (people) và Lãnh thổ (Teritory) và thỏa mãn 2 điều kiện:

- Tổ chức xã hội bằng Nhà nước hợp pháp thông qua bầu cử của nhân dân.
- Phần Lãnh thổ hợp pháp được Quốc tế công nhận pháp lý.
Nước, Quốc Gia (Country) hoàn toàn khác với Nhà nước (State) cả về tên gọi và nội dung, mặc dù tiếng Việt có chung từ „nước“. Nhà nước vận hành nhờ tiền thuế đóng góp của người dân. Mọi hoạt động của Nhà nước phải đảm bảo tính minh bạch về nguyên tắc, phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Quốc hội và Nhân dân. Những công dân đảm nhiệm chức trách trong bộ máy Nhà nước và Chính phủ phải trung thành với lợi ích và an ninh của Quốc gia và Nhân dân.
Mục tiêu xuyên suốt mọi hoạt động của Nhà nước và Chính phủ nhằm gắn với lợi ích của Quốc gia và Nhân dân. Hiện nay tình trạng „lợi ích nhóm“ có liên quan tới quan chức trong bộ máy Nhà nước và Chính phủ tạo nên căn bệnh Tham nhũng là xâm hại tới lợi ích Quốc gia.
Rõ ràng trong thực tế chỉ có lợi ích của Quốc gia mà không thể có cái gọi là „lợi ích của Nhà nước“, tại sao điều 258 cố tình tạo ra cái gọi là „lợi ích của Nhà nước“ một cách khiên cưỡng là một nghi vấn cần lưu ý.

2- Không thể kết tội hình sự về cái gọi là „lợi dụng các quyền tự do dân chủ“.

Hiến pháp sửa đổi 2013:
Điều 25
„Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.“
Đã gọi là Quyền, nghĩa là pháp luật và xã hội đã công nhận, mọi công dân đều được hưởng, được làm, được xử dụng và được đòi hỏi. Một khi đã là Quyền, Quyền tự do đã được ghi trong Hiến pháp, mọi Công dân được quyền tự do sử dụng, công khai sử dụng.
Điều 258 gán tội cho Công dân sử dụng „các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác“ là lợi dụng, điều đó đồng nghĩa với việc chứng tỏ Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam là một chính thể không có các quyền tự do tư tưởng, cho dù các quyền này được ghi trong Hiến pháp.
Trường hợp nào thì bị coi là „nghiêm trọng“?
Mặc dù không giải thích rõ thế nào bị coi là „nghiêm trọng“, việc loại đối tượng bị hại thành ba loại Công dân, Tổ chức và Nhà nước có vẻ mặc định tương xứng với hình thức tăng nặng cho người phạm tội. Điều 258 chủ về Quyền tự do cá nhân về tư tưởng và tôn giáo, nếu Công dân không xâm hại tới lợi ích và an ninh Quốc gia và không tồn tại lợi ích Nhà nước thì không thể tìm thấy tình tiết tăng nặng trong điều luật này. Hiện nay ở Việt Nam đang phát triển một loại lợi ích rất đặc biệt gắn liền với đặc quyền đặc lợi của quan chức có hỗn danh „lợi ích nhóm“.
Thật nực cười ở điều 258, khung hình hình phạt chung „phạt tù từ sáu tháng đến ba năm“ còn trong khung phạm tội nghiêm trọng thì „bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm“, có nghĩa rằng khung hình phạt từ hai đến ba năm nằm ở đâu cũng được.
Ai là đối tượng điều 258 nhắm tới?
Qua thống kê từ 2006 đến nay qua kênh báo chí trong nước đăng tải, có ít nhất 32 vụ bị bắt về điều 258, trong đó phần lớn trong số những người bị bắt là Blogger, phóng viên hoặc liên quan tới báo chí. Có thể kết luận điều 258 được đưa vào bộ Luật Hình sự nhằm đàn áp tự do Báo chí.
Gần đây nhất là hai Blogger „Người Lót Gạch“ của Giáo sư Hồng Lê Thọ và „Quê Choa“ của nhà văn Nguyễn Quang Lập đang được dư luận chú ý. Qua xem xét diễn biến vụ việc bắt giữ hai Blogger này, cơ quan Hành pháp có những sai phạm pháp lý nghiêm trọng:
1- Bắt quả tang
Sau khi ông Hồng Lê Thọ bị bắt, bản tin BBC tiếng Việt loan tin: „Hiện không rõ công an bắt quả tang ông Thọ phạm tội danh bị cáo buộc như thế nào và ai là ‘quần chúng tố giác’ ông Thọ.“, với ông Nguyễn Quang Lập „bắt quả tang, ra lệnh khám xét khẩn cấp và tạm giữ hình sự.“
Trao đổi với BBC hôm 07/12, bà Hồ Thị Hồng, vợ ông Lập, nói: "Bắt quả tang cái gì, (anh ấy) đang viết văn thì bắt quả tang viết văn à? Anh ấy đang ngồi viết văn...“
Việc cơ quan Hành pháp viện cớ „bắt quả tang“ đối với hai Blogger này khi họ đang ở trong nhà riêng của họ nhằm hợp thức hóa việc bắt người khi không có lệnh của Tòa án.
Hiến pháp sửa đổi 2013:
Điều 20
2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang...
Bộ luật Tố tụng hình sự:
Điều 86. Tạm giữ
1. Tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
2- Bắt tạm giam:
Mặc dù cơ quan Hành pháp bắt tạm giam hai Blogger này với cáo buộc “bắt quả tang“, nhưng việc bắt giam người không có quyết định kèm theo thời hạn tạm giam. Tính từ ngày bị bắt tạm giam đến nay ông Hồng Lê Thọ đã là 16 ngày và ông Nguyễn Quang Lập cũng đủ 9 ngày, trong khi Luật quy định không quá 3 ngày.

„Lợi“ và „Hại“ trong việc đàn áp tự do báo chí?

Rõ ràng hậu quả đem lại từ việc cơ quan Hành pháp bắt giữ các Blogger đến lợi ích Quốc gia, bị nhiều Nước trên thế giới lên án. Điều 258 là một điều Luật vi Hiến nhằm đàn áp Quyền tự do của Công dân, đặc biệt là tự do báo chí. Làn sóng đòi trả tự do vô điều kiện cho hai Blogger này ngày càng tăng trong và ngoài nước. Cơ quan Hành pháp qua vụ việc bắt giam hai Blogger này bộc lộ sự lừa dối công luận, ngụy tạo chứng cớ, bắt giữ người trái phép ngay trong nhà riêng của họ và áp đặt tội cho Công dân bất chấp Luật pháp. Không những bất chấp sự lên án của dư luận trong và ngoài nước, cơ quan Hành pháp vi phạm điều 123 và 124 bộ Luật hình sự . Câu hỏi đặt ra: Tại sao cơ quan Hành pháp ra tay bắt hai Blogger này? Và tại sao họ ra tay vào thời điểm này?
Việc bắt Blogger Nguyễn Quang Lập gây bất ngờ trong dư luận, nhất là vào thời điểm xảy ra việc Blogger Hồng Lê Thọ bị bắt trước đấy một tuần, cùng vào ngày thứ Bảy. Vào thời điểm Blogger Nguyễn Quang Lập bị bắt, có nguồn tin trên mạng cho rằng ông đăng tải rất nhiều bài „nhạy cảm “gây chia rẽ nội bộ lãnh đạo đảng và nhà nước“. Một trong số đó đáng chú ý tin từ Nguyentandung.org, một trang tin không được đương kim đứng đầu cơ quan Hành pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận, đăng: “Trong một thời gian dài, ông Nguyễn Quang Lập đã viết và đăng tải lên mạng rất nhiều bài, như xúc phạm, bôi nhọ uy tín của đồng chí Tổng Bí Thư(đảng) Nguyễn Phú Trọng, nhưng lại đề cao vai trò của Chủ tịch (Nhà) nước Trương Tấn Sang“.
Việc phát tán tin kiểu này trên Nguyentandung.org là một mũi tên bắn vu vơ trên mạng mhawfm hai mục đích. Đích thứ nhất tạo trong dư luận tội „xâm phạm lợi ích của Nhà nước“ cho ông Nguyễn Quang Lập theo kiểu công an tạo dựng „bắt quả tang“ trong nhà của ông cho phù hợp điều 258. Đích thứ hai gián tiếp gây mâu thuẫn giữa Tổng bí thư với Chủ tịch Nhà nước. Việc gây hỏa mù có thể có tác dụng nhất định vào thời điểm này, bắt đầu cuộc đua giành quyền lực trong đại hội 12 vào đầu năm 2016.
Đương kim Thủ tướng, đứng đầu cơ quan Hành pháp là người giảo hoạt nhiều tham vọng. Ông là một Thủ tướng có nhiều quyền lực nhất trong số các đồng chức từ trước tới nay. Việc quy định Thủ tướng có quyền bổ nhiệm chức vụ phó Chủ tịch Tỉnh là sai lầm về phân công quyền hạn của bộ máy Nhà nước. Việc coi cơ quan Hành pháp như là cấp trên của cơ quan Tư pháp và các chính quyền địa phương là sai lầm rất nghiêm trọng trong tổ chức Nhà nước Việt nam.
Trong thời gian đảm nhiệm cương vị đứng đầu cơ quan Hành pháp, đương kim Thủ tướng gây thiệt hại vô cùng lớn cho lợi ích Quốc gia, trong khi đó lợi ích cá nhân và gia đình ông được ông chăm lo chu đáo.
Hãy còn quá sớm về việc đương kim Thủ tướng ước mơ chiếc ghế Tổng bí thư, nhưng với cương vị đứng đầu cơ quan Hành pháp, ông phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc bắt giam các Blogger trong thời gian gần đây.
15.12.2014

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"