Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Bóng đá muôn năm!

Lâm Bình Duy Nhiên
capture_2.png
Tối 11/12/2014, Việt Nam đá bán kết lượt về AFF Cup 2014 với Mã Lai. Tràn trề lợi thế khi đã thắng 2-1 ngay trên sân khách.
Chưa đá mà đã thấy trương hình ông Hồ, ông Giáp tùm lum, khiến nghĩ ngay đến các sân bóng ở Iran, Lybie, Bắc Hàn hay Irak thời Saddam. Ở các nước độc tài đó, cứ khi có đá bóng là lại trương hình các lãnh tụ tôn giáo, Kadhafi, Kim Nhật Thành trên các khán đài sân vận động! Cứ như thể là nhờ có họ, đội tuyển bóng đá mới chơi hay, chơi giỏi.
Mà trận nào có Việt Nam đá, từ đội tuyển quốc gia đến đội trẻ U gì đó, đều thấy các nhóm cổ động viên giơ hình hai ông ấy ra nhảy múa. Đá trong nước hay ra ngoài cũng thế, ở đâu hai ông cũng cùng " các cháu hành quân"! Chụp hình cũng có hai ông xen vào. Đá banh mà cứ như ra trận diệt quân thù, giải phóng đất nước, cần hai ông lãnh đạo, chỉ huy...

Có nơi nào trên thế giới lại tổ chức một giải bóng đá với thể thức thi đấu quái đản như AFF Cup hay không? Bán kết và chung kết đá lượt đi, lượt về! Toàn là mấy đội "ao làng" mà cũng khí thế như đá Cúp thế giới. Cứ thắng một trận là đổ xô xuống đường, đua xe, ca hát mừng chiến thắng. Báo chí, các phương tiện truyền thông cứ gáy, cứ ca, "các cầu thủ ta hoá Rồng", đá hay, là niềm tự hào của dân tộc... Mà trên thế giới có mấy ai để ý đến cái Cúp này nhỉ? Chưa đá mà đã bừng bừng sắc khí, màu cờ đỏ nhuộm khắp nước, Mỹ Đình rực lửa, cổ động viên háo hức chờ đợi một chiến thắng huy hoàng... Để đến khi bị Mã Lai tát vào mặt những 4 trái thì mới té ngữa ra rằng, ngay cả trong cái ao làng này, muốn làm trùm thiên hạ cũng không phải dễ!
Suy cho cùng, bóng đá chính là thành tựu vĩ đại nhất mà nhà nước CS đã làm được sau 39 năm thống nhất đất nước! Thật vậy, dân ta vốn yêu thích quả bóng tròn, nay dưới sự lãnh đạo của đảng, dân ta đâm ra nghiện. Trong xã hội, cái gì cũng bóng đá. Các giải vô địch quốc gia các nước được trực tiếp liên tục mỗi tuần trên truyền hình. Sống bóng đá, thở bóng đá, suy nghĩ bóng đá, chết bóng đá... Có lẽ ít quốc gia nào trên thế giới này được xem bóng đá nhiều như ở Việt Nam. Đó chính là nước cờ cao tay ấn của nhà cầm quyền nhầm bóng đá hoá toàn bộ cuộc sống của người dân, khiến họ chẳng màn gì đến những quyền lợi thiết thực nhất của con người. Cứ lo làm giàu, cứ coi đá bóng, mọi chuyện còn lại đã có đảng lo!
Cứ mỗi năm chẵn hay lẽ gì cũng thế, dân ta lại có dịp xuống đường reo hò, ca hát khi xem đá bóng AFF Cup hay Sea Games vớ vẩn. Thậm chí có tay tài phiệt bỏ tiền tỷ đào tạo nhân tài bóng đá ngay từ nhỏ cốt để giành cái Cúp Sea Games một lần cho thỏa mộng dân tộc! Quái đến thế là cùng ! Chẳng nghĩ đến chuyện đấm đá châu lục hay thế giới, chỉ nghĩ đến bóng đá vũng trùng, rồi bắt cả triệu người điên cuồng sung sướng mỗi khi thắng Mã Lai hay Thái Lan.
Lại nhớ đến hình ảnh của những cầu thủ nhí U-19 ôm hình ông đại tướng nhảy múa sau một trận thắng. Mà đó là lúc ông ấy mới qua đời, thế mới chướng! Rồi người lớn xúi trẻ em, xếp hàng ban đêm ngoài đường, xin vào viếng thăm đại tướng, dâng lên ông những chiến thắng lẫy lừng... Ôi, tuyên truyền, nhồi sọ trẻ em một cách rẻ tiền đến thế là cùng!
Giờ thua tan tác rồi, nhưng các cổ động viên đừng lo, VFF sẽ tổ chức các giải bóng đá hữu nghị quốc tế để bà con lại được có dịp mang nồi ơ, xoong chảo, cờ đỏ sao vàng ra đường ca hét.
Biết bao bất công trong xã hội đang diễn ra hàng ngày. Biết bao mảnh đời cơ cực, khó nhọc, lầm than còn nằm chình ình đó. Quyền tối thiểu của một công dân vẫn đang bị chà đạp, xâm phạm một cách trắng trợn, vậy mà cả dân tộc cứ bị cuốn hút theo trái bóng qua những giải đấu vô hồn. Họ sẵn sàng đổ xô xuống đường vì một bàn thắng nhưng lại hờ hững trước những giá trị căn bản của xã hội đang bị vứt bỏ. Những tiếng nói phản kháng đang bị tù tội là kẻ thù của chế độ, là phản động, không đáng bận tâm bằng một trận bóng đá khu vực!
Giá gì mà chỉ một phần nhỏ nhoi trong số hàng triệu người ấy (chỉ biết xuống đường, cầm cờ ca hát, vui mừng chiến thắng) cũng biết đắng đo trước tương lai của dân tộc. Họ cũng cùng nhau xuống đường đấu tranh cho dân chủ, cho công lý của quê hương thì hay biết mấy và có lẽ tương lai của đất nước sẽ sớm được đổi thay.
Nhưng xuống đường vì trái bóng vô thưởng, vô phạt, không nguy hiểm cho an ninh quốc gia, ngược lại còn được khuyến khích. Thế mới thấy chế độ này đã thành công khi đem bóng đá thay thế dân trí, thay thế mọi tranh đấu, mọi đòi hỏi hay ước nguyện tiến bộ của dân tộc.
Đáng thương thay những cổ động viên bóng đá Việt Nam!
Bóng đá (trong một chế độ độc tài) muôn năm!
Việt Nam vô địch!
Lâm Bình Duy Nhiên, 12/12/2014

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"