Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Tương lai nào cho một dân tộc dưới chính thể thân Tàu?

Nguyễn Trần Sâm
Trong những thế lực lớn có ảnh hưởng đến tương lai của các dân tộc trong thế giới ngày nay, Mỹ và Tàu Cộng là hai thế lực điển hình, đại diện cho hai mô hình xã hội và hai xu thế “phát triển”. Các quốc gia thân Mỹ và các quốc gia thân Tàu đi theo hai đường hướng khác nhau và có tốc độ “phát triển” cũng rất khác nhau.


Ví dụ điển hình nhất để so sánh xã hội thân Mỹ với xã hội thân Tàu là hai miền Cao Ly. Đây là hai quốc gia, phía nam được gọi là Đại Hàn Dân Quốc (Daehan Minguk), và phía bắc là Triều Tiên Dân Chủ Nhân Dân Cộng Hòa Quốc (theo đúng thứ tự như người Chosŏn đọc: Chosŏn Minjuŭi Inmin Konghwaguk). Chúng vốn là hai nửa của cùng một đất nước, bị tách ra do sự chiếm đóng của hai thế lực ngoại bang, phía bắc là quân Nga Xô rồi tiếp sau là Tàu Cộng, phía nam là quân Mỹ. Dù sau này các thế lực ngoại bang rút đi, nhưng hai chính thể đối kháng được các thế lực đó ủng hộ hoặc dung dưỡng ở hai miền đã đưa hai nửa dân tộc đi theo hai con đường hoàn toàn khác nhau. Hàn Quốc phát triển theo mô hình dân chủ đa đảng và đạt được những thành tựu vẻ vang, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao (bình quân thu nhập năm hiện nay là hơn 20 ngàn US$). Trong khi đó, chính quyền cộng sản ở Triều Tiên đã đẩy hơn 20 triệu nhân mạng vào một thứ địa ngục thuộc loại khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người (con người phải nhai nuốt bất cứ thứ gì kể cả các loại cỏ dại, với hy vọng đủ sống vật vờ để làm cái công việc quan trọng nhất là ca ngợi công đức các “lãnh tụ vĩ đại” cha truyền con nối).

Việt Nam ta cũng đã từng bị chia làm hai miền bởi chính các thế lực đó, theo cách gần giống hệt Cao Ly. Chỉ khác là chính quyền phía bắc, với sự trợ giúp của Nga Xô và Tàu Cộng, đã tìm cách đánh chiếm (hay “giải phóng”) bằng được miền Nam, và đã thành công vào năm 1975. Đến khi đó thì dân hai miền có điều kiện để so sánh hai chế độ. Và phải nói rằng nếu vì một nguyên nhân nào đó mà chưa xảy ra cuộc “thống nhất” Bắc-Nam thì đến nay chắc miền Bắc cũng giống Triều Tiên của các đồng chí lãnh tụ vĩ đại họ Kim, còn miền Nam thì giống như Hàn Quốc.

Một trường hợp tương tự: Đông và Tây Đức. Phía đông bị chiếm đóng bởi một đội quân tuy không phải Tàu Cộng nhưng cũng là cộng sản (Liên Xô), phía tây bởi quân đồng minh mà chủ yếu là Mỹ. Đến đây thì sự so sánh có phần hơi khập khễnh. Với tiềm năng của một dân tộc văn minh, và do sự cai trị của Liên Xô cũng đỡ man rợ hơn của Trung Cộng, người Đông Đức đã xây dựng được một nền kinh tế và khoa học – công nghệ vượt trội hơn cả “thiên đường CS” Liên Xô. Tuy nhiên, so với Tây Đức, dân Đông Đức vẫn chỉ là dân nghèo và ít được hưởng những quyền tự do cơ bản (bây giờ, sau 25 năm thống nhất, mức sống hai miền đã khá cân bằng).

Hãy xem trong khối ASEAN. Myanmar đã từng thân Tàu, và nước này là quốc gia có mức thu nhập thấp gần nhất trong khối. Campuchia, đặc biệt thời Pol Pot, đã từng là đồ đệ của Tàu, học làm “cách mạng” theo hình mẫu “CM văn hóa vô sản” của lãnh tụ Mao. Cuộc sống ở đó ra sao thì ai cũng đã được biết. Hãy hình dung, nếu chính quyền theo Tàu của nước này vẫn tồn tại đến bây giờ thì sao? Trong khi đó, ở những nước thân Mỹ và phương Tây như Malaysia, Singapore, cuộc sống của người dân tại đó đang là niềm mơ ước của hàng triệu người Việt Nam. Thậm chí hàng vạn người Việt đang muốn nộp hàng chục triệu đồng để được sang các nước đó lao động phổ thông. Đó là một thực tế không thể bác bỏ, và không thể giải thích được bằng lý luận Marxist-Leninist.

Tất nhiên, chính quyền Mỹ không đổ tiền ra nuôi dân các nước thân Mỹ. Không những thế, trong quan hệ với các nước khác, Mỹ cũng có những toan tính riêng. Là con người, là một dân tộc, không thể ngồi trông chờ sự bố thí của một dân tộc khác. Không thể hy vọng chính phủ một nước giàu và mạnh làm hộ cách mạng dân chủ cho dân tộc mình. Tuy nhiên, chỉ riêng việc chính quyền một nước lạc hậu mở cửa đón nhận những thành tựu của văn minh phương Tây với nền pháp trị cũng đã mở ra những tiềm năng của chính dân tộc đó, làm nó phát triển theo quỹ đạo chung mà nhân loại tiến bộ đang đi.

Còn đối với các nước thân Tàu thì chỉ có một kịch bản. Với “giấc mơ Trung Hoa”, ngoài việc thôn tính dần tài nguyên, đất đai và biển đảo, chính quyền Đại Hán tìm mọi cách mua chuộc giới cầm quyền các nước này. Tiền và gái là hai chiêu mà mọi thế hệ vua chúa Trung Hoa, kể cả vua chúa “đỏ”, luôn dùng, và dùng với tay nghề bậc nhất thiên hạ. Khi đã mua được quá nửa trong số những nhân vật có thế lực nhất, những kẻ còn lại không chịu theo Tàu sẽ dần dần bị loại bằng đủ mọi cách. Những chuyến thăm “không chính thức” hay đi nghỉ tại những khách sạn kín cực kỳ xa hoa của các chính khách hàng đầu các nước theo gợi ý của Trung Nam Hải chính là để phục vụ mục đích đó. (Tất nhiên, đối với các chính khách ở các nước có những đảng đối lập mạnh thì việc mua chuộc như vậy khó khăn hơn rất nhiều so với cánh đến từ các thể chế độc đảng.)
 
Một khi đã mua được giới cầm quyền ở một nước, Trung Nam Hải sẽ tiếp tục nuôi dưỡng bọn này để cai trị dân tộc đó bằng bàn tay sắt. Mọi sự phản kháng đều sẽ bị đè bẹp. Những cuộc biểu tình phản đối Trung Cộng nói chung sẽ bị dập tắt. (Tuy nhiên, đôi khi chính người Tàu cũng có thể mua bọn côn đồ, yêu cầu chúng kích động biểu tình để chuyển hướng thành những cuộc bạo loạn, nhằm nhiều ý đồ khác nhau.)

Một trong những việc mà Bắc Kinh sẽ yêu cầu chính quyền thân Tàu phải làm là chống Mỹ và phương Tây nói chung. Dân và cả vua quan nước đó sẽ bị biến thành những tên lính xung kích trên “tuyến đầu chống Mỹ”, và sẽ được phỉnh nịnh như được “lịch sử chọn làm điểm tựa”. Bắc Việt, vốn cũng có quyết tâm lấy lại cả miền Nam, đã bị Tàu Cộng (và Nga Xô) lợi dụng để biến thành tên lính xung kích như vậy. Họ Kim ở Bình Nhưỡng đã được cho ăn để thực thi nhiệm vụ quấy rối Mỹ và Hàn Quốc. Mục đích cuối cùng của Tàu Cộng là tiêu diệt Hoa Kỳ, sau đó đến các cường quốc văn minh khác, đặng làm bá chủ toàn thế giới. Đó là nội dung chính của “giấc mơ Trung Hoa” mà họ Tập đã thay mặt cho các đời lãnh tụ Trung Quốc nói ra trước toàn thế giới. Và cố nhiên, tương lai dân tộc ở nước chư hầu của Trung Quốc là con đường hầm càng vào sâu càng đen tối.

Cho nên, cần thấu hiểu được cái tai họa khôn lường của việc làm chư hầu cho Tàu Cộng.

*   

Hãy nhìn lại Việt Nam ta. Trước 1986, nhà nước ta được xây dựng theo mô hình gần giống Trung Quốc của Mao, nghĩa là khá giống với Triều Tiên (tạm gọi là thái cực A). Không thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán, vì nó được coi là một cái gì đó cực kỳ xấu xa tồi tệ mà chỉ chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn “giãy chết” mới có. Quá trình “đổi mới” đã chấp nhận thị trường, kể cả thị trường chứng khoán. Dù cắm thêm cái đuôi “định hướng XHCN” thì việc chấp nhận kinh tế thị trường và tiến hành một vài cải cách nho nhỏ về chính trị và tư pháp vẫn là một bước đi rời khỏi thái cực A, hướng về phía thái cực Z, tức là mô hình các nước tư bản phát triển. Như vậy, nếu coi bước đi này là đúng thì phải thừa nhận rằng phía thái cực Z là phía văn minh, thái cực A là lạc hậu, phản động. Còn nếu không công nhận như vậy thì phải thừa nhận “đổi mới” là sai lầm, là có tội. Chỉ một bộ não chưa có hoạt động nhận thức, chưa tập tư duy, mới không rút ra được kết luận sơ đẳng như vậy.

Tuy nhiên, chút thành tựu mà dân tộc ta vừa có được sau gần 3 thập niên đổi mới ì ạch đang có nguy cơ bị xóa sổ! Vào những ngày này, mặc dù các phương tiện truyền thông đang hàng giờ nói về những hành động gây hấn của Tàu Cộng, mặc dù một vài quan chức quan trọng của chính phủ đã thể hiện thái độ kiên quyết phản đối Trung Quốc và mặc dù các chính phủ Nhật, Mỹ cũng lên tiếng về tự do hàng hải ở biển Đông, nhưng tất cả chỉ có vậy. Niềm hy vọng vào việc “thoát Hán” và những thay đổi của xã hội Việt Nam theo hướng dân chủ hóa tỏ ra có khả năng là hão huyền! Nguy cơ đó được thể hiện ở các hiện tượng sau.

Một là sự im lặng khó hiểu của hầu hết những nhân vật trong nhóm quyền lực hàng đầu (đặc biệt là những nhân vật xuất thân từ ngành tuyên huấn). Tai hại hơn nữa, những lời lẽ khẳng định việc kiên trì “tình hữu nghị” còn phát ra từ miệng người đứng đầu quân đội, lực lượng chịu trách nhiệm bảo vệ đất nước trước mọi sự đe dọa từ bên ngoài. Bài phát biểu của nhân vật này vừa qua tại Shangri-La chắc chắn phải được khá nhiều nhân vật có thế lực ủng hộ.

Hai là việc lợi dụng những sự lộn xộn trong biểu tình ở một số nơi để cấm đoán và dập tắt biểu tình chống Tàu Cộng, đe dọa đàn áp tàn bạo tất cả những người dám tự tổ chức biểu tình, và việc tiếp tục bắt bớ, hành hung những người nêu ý kiến “trái chiều” với nhà cầm quyền.

Ba là sự thất thế của một vài nhân vật quan trọng có tiếng nói mạnh mẽ lên án việc Tàu Cộng gây hấn. Lý do thất thế rất tiếc là liên quan đến những vụ tham nhũng vô độ, vượt mặt những nhân vật có vị thế cao hơn nhưng không trực tiếp quản lý ngân khố và tài sản quốc gia.

Bốn là việc cố tình trì hoãn quá trình pháp lý để khởi kiện Trung Quốc ra một tòa án quốc tế. Mặc dù nội dung và các bước đi đã được chuẩn bị xong từ lâu, nhưng những người chủ trương kiện TQ vẫn phải chờ một sự cho phép nào đó, và có vẻ như những nhân vật có quyền “cho phép” không hề muốn kiện vì sợ sứt mẻ “tình anh em” và vì nhiều lý do “tế nhị” khác nữa.

Suốt một tháng qua, mấy chục triệu con dân nước Việt đã chờ đợi một động thái dứt khoát của những người có quyền hành đối với việc gây hấn của tập đoàn Đại Hán. Thế nhưng, có vẻ như sự chờ đợi này sẽ không được đáp ứng. Có vẻ như nhà cầm quyền TQ đang nổi cơn điên vì đám người thân họ vẫn chưa trị được một vài nhân vật cứng đầu. Họ đang làm những động thái quyết liệt để ép nhóm người kia thực hiện những bước đi cuối cùng để VN hoặc quy phục TQ hoàn toàn, hoặc sẽ phải “hứng chịu sự trừng phạt” từ phía họ.

Nếu kịch bản thứ nhất xảy ra, nghĩa là nhóm quyền lực của VN không thể rời bỏ được “phương châm 16 chữ vàng”, thì một thời kỳ đen tối nhất đối với dân tộc Việt Nam đang chờ ở phía trước!

Tuy nhiên, tôi tin vào tính quy luật của tiến trình lịch sử. Vận mệnh dân tộc sẽ thay đổi, và đang có những dấu hiệu thay đổi. Những thế lực đưa đất nước vào tình trạng lệ thuộc Tàu Cộng sẽ đến lúc bị dân tộc loại bỏ. Những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống dù có quỳ mọp dưới chân vua chúa “thiên triều” thì cũng không thể giữ được địa vị thống trị. Thậm chí, bọn họ phải sống những năm tháng cuối đời trong sự ô nhục tận cùng!

Muốn thoát khỏi sự ô nhục, chỉ có một con đường duy nhất là bỏ bọn Đại Hán, quay lại với dân tộc!

Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"