Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Trung Quốc sau Thảm sát Thiên An Môn: Cường quốc của sự sợ hãi

Bernhard Zand
Phan Ba chuyển ngữ

Trước đây 25 năm, Bắc Kinh đập tan cuộc nổi dậy trên quảng trường Thiên An Môn. Ngày nay, Đảng theo dõi bất kỳ ai nói công khai về vụ thảm sát. Đó không phải là dấu hiệu của sức mạnh, mà là của sự sợ hãi.
Chính phủ Trung Quốc không cho phép kỷ niệm Thiên An Môn. Hình: DPA
Lần nào cũng vậy, cứ đến ngày kỷ niệm vụ thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn thì Bào Đồng (Bao Tong) phải biến mất. Ông bị thúc ép “đi nghỉ mát ngắn hạn”. Lần này thì cảnh sát đã mang ông đi mất, không ai biết đi đâu. Người đàn ông này 81 tuổi, một người về hưu đã có cháu.

Tội phạm của ông Bào? Ông thuộc những người trong Đảng mà trước đây 25 năm thích thương lượng với các sinh viên hơn là để cho bắn chết họ. Và ông dám nói công khai về những gì đã xảy ra năm 1989.
Chính phủ đã bắt hơn 50 phụ nữ và đàn ông như Bào Đồng trong những tuần vừa qua, nhân chứng, luật sư, nhà hoạt động nhân quyền. Có những người nào đó có thể sẽ được trả tự do, khi ngày kỷ niệm vụ Thiên An Môn trôi qua.
Người ta có thể đùa cợt về việc giới lãnh đạo của một dân tộc 1,3 tỉ người, đang trỗi dậy thành cường quốc, lại sợ những người như Bào Đồng. Rằng họ đe dọa nhân viên Trung Quốc của các truyền thông Phương Tây. Rằng vào đêm trước của ngày 4 tháng Sáu, họ đã cho biến mất biểu tượng cảm xúc của cây nến đang cháy mà những người nào đó trên dịch vụ tin ngắn Weibo đã dùng nó để tưởng nhớ tới những người chết của Thiên An Môn.

Trung Quốc không biểu hiện sức mạnh mà là sự sợ hãi

Người ta có thể cảm thấy buồn cười nếu như nó không đáng khinh tới như vậy. Rằng Trung Quốc ngày nay thật sự là giàu gấp 25 lần hơn Trung Quốc của mùa xuân 1989, và đã có thể tự tin hơn gấp 25 lần. Trong những thập niên vừa qua, người Trung Quốc đã đạt được một điều gì đó mà người ta khâm phục họ: Từ một nước đang phát triển, họ đã xây dựng một nhà nước công nghiệp hiện đại đã làm thay đổi thế giới. Để có thể đánh giá thành tích của Trung Quốc, một so sánh với cường quốc Nga rỗng ruột và các thành tựu trong 25 năm vừa qua là đã đủ.
Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc tin vào người dân của họ còn ít hơn là 25 năm trước đây. Ngày nay thật không thể tưởng tượng được, rằng có một nhóm người biểu tình kéo ra quảng trường Thiên An Môn, rằng quan chức cao cấp của Đảng đối thoại với những công dân phê phán – điều mà họ đã làm trong mùa xuân 1989 trước khi họ đập tan cuộc nổi dậy.
Chính phủ Trung Quốc còn không cho phép tưởng nhớ tới 1989 nữa, còn nói chi tới một cuộc tranh luận. Đó không phải là dấu hiệu của sức mạnh mà là của sự sợ hãi. Đó là một dấu hiệu, rằng cái nền tảng đó mong manh cho tới đâu, cái nền tảng mà sự thống trị của Đảng đang dựa ở trên đó.
Hôm thứ ba, Trung Quốc đã công bố các số liệu mới nhất về kinh tế của họ. Chúng thật tốt đẹp. Các doanh nghiệp muốn đầu tư thật nhiều, khu vực dịch vụ đang bùng nổ. Trong những bản tường trình như vậy, người ta không bao giờ nói về nỗi sợ hãi và cơn ác mộng của những người đang cầm quyền. Kỷ niệm 25 năm Thiên An Môn là một dịp để nhớ lại điều này.
Bernhard Zand làm việc cho tờ Spiegel từ 1998. Ông là thông tín viên ở Istanbul, Cairo và Dubai, là phó trưởng ban Quốc tế. Là thông tín viên Cận Đông, ông đã tường thuật về các cuộc chiến ở Iraq, ở Gaza và ở Libanon. Từ 2012, Zand làm việc tại Bắc Kinh.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"