Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

THẬT HAY DỐI?

Nguyễn Trọng Vĩnh

Đọc những lời gan ruột của tác giả bài viết dưới đây, có lẽ một số người sẽ sốc và buồn. Mới đây thôi, sau những phát biểu hùng hồn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã có kha khá cây bút hớn hở tung hô. Mà không tung hô sao được – những lời lẽ của Thủ tướng đã nói thay triệu triệu con dân nước Việt đang sôi sục căm phẫn bè lũ bành trướng Đại Hán tiếp tục cướp đất cướp biển của ta. Ấy thế nhưng hình như ngôn hành chưa tương hợp nên đã hơn một tháng qua triệu triệu con tim lại vẫn đang nín thở chờ đợi một hành động cụ thể nào đó từ đấng cao minh đặng tìm ra lối thoát cho hiện tình đất nước. Và “trong khi chờ Gôđô” (En atttendant Godot), vị lão thành cách mạng Nguyễn Trọng Vĩnh đã đưa ra mấy câu hỏi thật khó trả lời.
Bauxite Việt Nam


Trong nhiệm kỳ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông đã để cho tham nhũng phát triển tràn lan, thất thoát hàng nghìn tỷ của Nhà nước từ những tập đoàn kinh tế quốc doanh do ông trực tiếp quản lý, đã để cho bán rừng, bán bãi biển, cho thuê dài hạn các địa bàn xung yếu về quốc phòng như các cảng Vũng Áng, Cửa Việt, để cho nợ xấu ngân hàng quá lớn. Ông đã vay nợ chồng chất, “chắt, chút” chúng ta phải trả đến bao giờ cho hết. Ông đã cưỡng chế, đàn áp nông dân, thu hồi đất cho những tư bản địa ốc, đã bắt bớ đàn áp những người bất đồng chính kiến, yêu cầu dân quyền, dân chủ. Ông tăng đủ thứ giá: xăng, dầu, điện, nước, viện phí, học phí... gây ra tình trạng xã hội người nghèo thì lầm than, kẻ giàu bất chính thì phè phỡn, và còn nhiều vấn đề nữa.

Có thể nói trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: kinh tế suy thoái, xã hội xuống cấp, văn hóa đạo đức suy đồi, đất nước tụt hậu rất xa, không khí xã hội ngột ngạt. 

Thế mà, khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào lấn chiếm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng ta, trong khi dự Hội nghị VEF ở Philippines, ông Dũng đã nói được câu: “Cả dân tộc Việt Nam phản đối việc làm sai trái này của Trung Quốc... chúng tôi kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình...”. Trả lời phỏng vấn của các nhà báo, Thủ tướng phát biểu được một câu khá hay: “Chúng tôi mong muốn có hòa bình, hữu nghị, nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ thứ hòa bình hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Câu phát biểu này của ông Dũng làm tôi ngạc nhiên, tự hỏi mình mà cũng là hỏi ông Dũng: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thức tỉnh tinh thần dân tộc rồi ư? Lòng yêu nước trong ông đã trỗi dậy rồi ư? Nếu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thật quyết tâm chống xâm lược, ly khai khỏi chủ nghĩa Đại Hán thì nhân dân và tôi sẽ bỏ qua những sai trái trước đây, hợp tác với Thủ tướng (Thủ tướng cũng gắn bó với dân) để bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc, phát huy ý chí tự chủ, tự cường.

Hay là những lời nói trên đây của Thủ tướng Dũng chỉ là mỵ dân và nhằm thu hút phiếu bầu trong Đại hội 12 sắp tới, sau khi có vị thế rồi, lại quay lưng, thực hiện độc tài, nhiều tăng, nhiều cấm, lại đàn áp? 

Nếu những lời nói trên là thật lòng thì Thủ tướng hãy thực hiện dân chủ, hãy trả tự do cho những tù nhân lương tâm, tập hợp mọi chính kiến, mọi tầng lớp, cá nhân yêu nước thành một khối đại đoàn kết dân tộc để chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền đất nước, Thủ tướng phải vượt quyền Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quá thân Trung Quốc và luôn mê mẩn tôn sùng “16 chữ và 4 tốt”, kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Các luật sư quốc tế cũng như trong nước đã phân tích ưu thế của Việt Nam về chính nghĩa, về các chứng cứ lịch sử và pháp lý và đây là thời cơ thuận lợi, dư luận thế giới ủng hộ ta. Dù Trung Quốc sợ không tham dự và tuyên bố không thi hành phán quyết của Tòa án, chúng ta vẫn thu được thắng lợi chính trị. Thủ tướng phải tăng cường lực lượng quốc phòng đồng thời phải kết thân với Mỹ, Ấn, Nhật mặc dù chúng ta không chủ trương đối đầu quân sự với Trung Quốc./.

N. T. V.
Tác giả gửi cho BVN.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"