Tạ Duy Anh
Nhà văn Tạ Duy Anh
Chỉ cần điểm qua cách xưng hô cũng thấy hiện lên một phần lịch sử
quan hệ vừa bi vừa hài giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà can dự rõ nhất là
danh từ đồng chí.
Tình đồng chí giữa lãnh đạo hai nước đạt độ nồng ấm nhất vào những năm 60 của thế kỷ hai mươi.
Khi đó, mặc dù gần trăm triệu người dân Trung
Quốc chết hoặc trước sau cũng chết bởi cuộc đại cách mạng văn hóa, thì
nó vẫn không ngăn được Tố Hữu, vì tình đồng chí, viết: Trung Quốc đó
bàn tay nào huyền diệu/ Đã nắn lại cả dung nhan dáng điệu/Mặt đồng khô
xóa sạch những bờ ngăn/ Như mặt người tươi giãn những đường nhăn.
Thân tình đến nỗi, trẻ con Việt Nam cũng gọi ông Mao là “Bác”. Đây
là giai đoạn Trung Quốc muốn Việt Nam “đánh Mỹ đến người cuối cùng”, vì
thế họ sẵn sàng là “hậu phương bao la của Việt Nam” như lời ông Mao!
Nhưng hóa ra từ khi ấy, khi là đồng chí thắm thiết của nhau, khi “cùng
chí hướng” giải phóng nhân loại, xóa bỏ biên giới, “Bác Mao” đã chuẩn bị
kỹ càng để chiếm đoạt biển đảo của “con cháu Bác” ở bên Việt Nam. Cú
lừa để có cái Công hàm 1958 đầy bi hài là một bằng chứng.
Năm 1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, lúc ấy do chính phủ Việt Nam cộng hòa kiểm soát. Vì là đồng chí
nên Miền Bắc bắt buộc phải im lặng, như là chẳng liên quan gì đến mình,
như là việc của hai quốc gia láng giềng*. Dân chúng miền Bắc không hề
có bất cứ thông tin gì, cảm xúc gì vì vậy họ không có chút cảm giác nào
về chuyện mất mát lãnh thổ. Hoặc nếu có bộ phận nào biết thì lại thấy
như là điều may mắn vì kẻ thù (Việt Nam cộng hòa mà miền Bắc gọi là Ngụy
quyền), mất đi một vị trí chiến lược có thể thọc vào sườn hậu phương xã
hội chủ nghĩa! Danh từ đồng chí cho phép xác định Trung Quốc là bạn,
còn người anh em phía Nam bị mặc nhiên coi là thù! Liệu có biến cố nào
bi hài và thê thảm hơn trong lịch sử người Việt?**
Điều gì phải đến sẽ đến, mọi thứ nham hiểm của Trung Quốc nấp sau
danh từ đồng chí cuối cùng cũng lộ mặt. Hơn 50 mười ngàn “con cháu bác
Mao” (số ước tính của Hoa Kỳ) ở cả hai bên bị chết trong cuộc tắm máu
nhau dọc 6 tỉnh biên giới, trong đó cứ một người rưỡi Tầu đổi một mạng
An Nam. Năm 1979 Hà Nội ra sách trắng về quan hệ Việt-Trung, tố cáo
Trung Quốc phản bội, chơi đểu, lợi dụng Việt Nam khó khăn để mưu thôn
tính từ từ. Thế là chẳng có anh em con cháu gì nữa, chỉ đích danh “bè lũ
phản độngMao” là những kẻ chủ mưu ăn thịt người Việt, sau khi đã no
thịt người Hán. Trong Hiến pháp Việt Nam năm 1980 thậm chí còn ghi rõ
Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp, lâu dài, nguy hiểm. Những nhà lãnh đạo
Bắc Kinh đương nhiên là những kẻ xâm lược. Có bài báo gọi đám con cháu
của Tần Thủy Hoàng là “những con chó Trung Nam Hải”, còn Đặng Tiểu Bình
thì là “thằng lùn cao bồi”. Chế Lan Viên, tác giả của câu thơ nôm na nổi
tiếng “Bác Mao không ở đâu xa/ Bác Hồ ta đó chính là bác Mao” thì
lúc ấy có hẳn cả một bài thơ “Vịnh thằng lùn”, viết về Đặng Tiểu Bình,
khá dài, theo thể tự do, trong đó có câu, đại ý: Thằng lùn mặc quần bò/
Thằng lùn thích súc-cù-là…(Có lẽ vì lịch lãm nên nhà thơ không nỡ bảo
thằng lùn thích cứt Mỹ nữa thôi!). Bài thơ này, nếu tôi nhớ không lầm
thì in trong tập “Hoa trên đá”. Nhưng không riêng Chế Lan Viên- chỉ là
nghệ sĩ,- nhạy cảm với thời tiết chính trị, trong vô số phát biểu của
các chính trị gia chuyên nghiệp lúc ấy cũng không ngần ngại gọi các đồng
chí một thời ở Bắc Kinh là lũ phản động quốc tế, những tên lính gác cho
bọn tư bản….
Năm 1985, khi đó tôi đang đóng quân ở Lào Cai, vẫn còn thấy sáng nào
hai bên cũng chĩa loa vào nhau qua sông Hồng, một bên réo Tập đoàn phản
động Mao-Đặng, gán cho đủ thứ tội, một bên át đi bằng loa công suất lớn
gấp bội, ồm ồm chỉ đích danh “bè lũ Lê Duẩn” kèm theo hàng chục kết án.
Chúng tôi được quán triệt nhất nhất gọi Trung Quốc là bọn bành trướng
Bắc Kinh. Trong 10 bài hát mà mỗi quân nhân phải thuộc hồi ấy, gọi là 10
bài hát điều lệnh, có bài Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới
của nhạc sĩ Phạm Tuyên, trong đó có câu: “Quân xâm lược bành trướng dã
man”. Ngày nào trước mỗi cuộc tụ tập, liên hoan, tất cả lại đồng loạt
gào lên: “Quân xâm lược bành trướng dã man”.
Danh từ “đồng chí” biến mất khỏi mọi văn bản của Việt Nam, khỏi ngôn
ngữ đời sống xã hội khi gắn với Trung Quốc. Ai dám cả gan dùng nó để
gọi Trung Quốc thì đích thị là kẻ vô loài, thiếu văn hóa chính trị tối
thiểu, có dã tâm bán nước. Không ai lại cùng chí hướng với kẻ thù truyền
kiếp!
Cho đến sau năm 1990, mà rồi lịch sử sẽ hé lộ và vì thế mà chúng ta
biết có cuộc gặp Thành Đô. Các nhà lãnh đạo của chúng ta, những người rõ
ràng là rất lép vế trong hội nghị đó, có thể sẽ còn bị lịch sử chế giễu
vì mất cảnh giác, khờ khạo nhưng tôi tin là họ có cả phần trong sáng
nữa. Họ tin rằng chủ nghĩa xã hội cần phải được bảo vệ bằng mọi giá và
xem ra chỉ còn Trung Quốc-dù là gã láng giềng hay chơi bẩn-nhưng khả dĩ
làm nơi cố thủ an toàn cho giáo lý Mác. Vì, như ông Nguyễn Đức Bình, nhà
lý luận hàng đầu của Đảng khẳng định: “Nếu thời đại hiện nay không
còn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên
phạm vi toàn thế giới nữa, thì đất nước Việt Nam chúng ta, Đảng Cộng sản
Việt Nam từ nay sẽ đi theo con đường nào?”. Tức là số phận dân tộc
bị đóng đinh câu rút, phải đi qua duy nhất một con đường hầm tên là “quá
độ lên CNXH”, mà một đầu là thần chết! Không có lối thứ hai! Nguy cấp
thế kia mà. Dọa nhau thế ai chả sợ, nhất là những người quen đánh nhau
hơn là đọc sách! Hoặc quá độ lên CNXH, hoặc chết! Các nước khác, như
Nhật, Hàn, Singopore có cả ngàn lối đến tương lai, cũng kệ họ, không
được phép ngó nghiêng. Ai bảo sinh ra là người Việt? Những người chủ
trương như ông Nguyễn Đức Bình chỉ quên (hoặc cố tình không biết) một
điều: các đồng chí Trung Quốc của họ chưa bao giờ coi chủ nghĩa xã hội
là thứ gì quan trọng. Chúng ta hãy đọc lời giáo huấn đầy tính mỉa mai
sau đây của Mao về giáo lý Mác, với cấp dưới ông ta: “Sở dĩ chúng ta
nghiên cứu thuyết Các Mác không phải vì luận điệu tốt đẹp của nó, cũng
không phải vì nó đựng một phép thần diệu để trừ ma quỉ. Nó không đẹp, nó
cũng không thần diệu. Nó chỉ ích lợi.(TDA nhấn mạnh) Có
nhiều người cho nó là thần dược trừ bách bệnh. Chính những người này đã
xem thuyết Các Mác là một giáo lý. Phải nói cho những người này hiểu
rằng giáo lý của họ không có ích lợi bằng phân bón. Phân bón còn làm giàu ruộng đất, giáo lý không làm được việc đó.”
Hội nghị Thành Đô đã đưa danh từ đồng chí trở lại trong quan hệ hai
nước, tạo ra một giai đoạn hòa bình tương đối không thể nói là không
quan trọng*** cho Việt Nam, nhưng về cơ bản nó gây nên những thay đổi âm
thầm số phận người Việt theo hướng tiêu cực là chính. Vì là đồng chí
nên mọi việc lớn bé Việt Nam đều phải tham vấn Trung Quốc. Phụ thuộc
toàn diện. (Như tiết lộ mới đây của cụ Nguyễn Trọng Vĩnh về sự can thiệp
của Trung Quốc vào vấn đề nội bộ nhất không chỉ của Việt Nam, mà của
bất cứ quốc gia nào, là vấn đề chọn nhân sự lãnh đạo đất nước). Trung
Quốc âm thầm và ráo riết chuẩn bị mọi mặt để chiếm biển Đông nhưng lấy
tình đồng chí làm vật che mắt Việt Nam. Vì tình đồng chí Việt Nam không
dám công khai vạch tội Trung Quốc ăn hiếp ngư dân Việt, luôn phải gọi
chệch đi. Tầu Trung Quốc rành rành nhưng phải gọi là “tầu lạ”. Suốt bao
nhiêu năm Việt Nam không dám chọn bạn tốt để chơi (bất cứ quốc gia nào
cũng tốt với Việt Nam hơn Trung Quốc), dù biết là có lợi lâu dài cho đất
nước, chỉ đơn giản vì những người bạn ấy đều không cùng hội cùng thuyền
với Trung Quốc. Bất cứ ai nhắc đến dã tâm của Trung Quốc cũng bị coi là
làm ảnh hưởng đại cục, phá quấy an ninh! Trung Quốc tận dụng triệt để
cái hàm thiếc đồng chí để kìm hãm Việt Nam, cả trong đối ngoại lẫn đối
nội. Chưa bao giờ danh từ đồng chí mang lại nhiều lợi lộc cho Trung Quốc
như giai đoạn hai chục năm vừa qua. Tất nhiên người thiệt hại to lớn là
Việt Nam.
Viết đến đây tôi bỗng muốn dừng lại để tìm về nguồn gốc của danh từ
đồng chí. Nó là bùa chú gì mà giam hãm Việt Nam trong vòng cương tỏa của
Trung Quốc đơn giản đến thế, khiến số phận dân tộc cứ vật vã tơi bời
bởi họ lâu đến thế và liệu nó còn tự tung tự tác đến bao giờ?
Hầu như mọi ngôn ngữ lớn đều có từ đồng chí và chắc chắn lúc khởi
thủy nó không mang mầu sắc chính trị. Nó được dùng tại Trung Quốc từ
hàng ngàn năm trước khi xuất hiện những người theo chủ nghĩa cộng sản.
Trong những bang hội, những tổ chức xã hội đen có tổ chức, những băng
nhóm chính trị hoạt động ngoài vòng pháp luật như Hội tam hoàng ở phương
Đông, tổ chứ 3K chuyên giết người tàn bạo ở Mỹ vì phân biệt chủng, các
thành viên đều là những người cùng chí hướng. Đảng Quốc Xã của Hitler,
các đảng viên cũng xưng với nhau là đồng chí. Tình đồng chí đậm nhất có
lẽ thuộc về đảng của Pôn-pốt. Cùng đi ăn cướp cũng là đồng chí. Chỉ đơn
giản vì nó là cùng chí hướng, một khái niệm thuần túy ngôn
ngữ. Nó chẳng hề có xuất thân danh giá như nhiều người vẫn tưởng. Về
sau nó được chính trị hóa và trở nên “linh thiêng” như ta đang thấy.
Sau sự kiện giàn khoan HD-981, số phận của từ đồng chí lại một lần
nữa trở nên mong manh và bi hài. Các báo của nhà nước đều dùng từ ông,
ngài để gọi các lãnh đạo Trung Quốc. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, Đài
truyền hình Việt Nam không dùng từ đồng chí trước tên Dương Khiết Trì
khi đưa tin ông này sang Hà Nội. Bởi vì chính Trung Quốc đã làm cho từ
đồng chí trở nên rất giả dối, sống sượng, đồng nghĩa với từ lừa lọc. Chả
lẽ qua ngần ấy biến cố, lộ rõ bộ mặt đểu cáng, dã tâm độc ác của Trung
Quốc, lại vẫn là đồng chí (cùng chí hướng) của nhau thì thật lố bịch? Cả
trăm triệu người dân Việt đầy lòng tự trọng “quyết không đổi chủ quyền
thiêng liêng lấy thứ hữu nghị viển vông” chắc chắn sẽ cảm thấy bị làm
nhục và nổi giận. Xác đồng bào của họ vẫn còn bập bềnh trên biển Đông
bởi súng đạn Trung Quốc. Chẳng ai chấp nhận cùng chí hướng với kẻ cướp
chính đất nước mình, giết anh em, đồng bào, người thân của mình, ngoại
trừ phải gọi rõ ra là đồng chí địch!
Lịch sử quan hệ hai quốc gia suốt hàng ngàn năm qua (ít nhất là đến trước năm 1949) cho thấy chưa bao giờ người Việt cùng chí hướng với
người Hán. Đơn giản vì lợi ích lãnh thổ của Trung Quốc luôn đi kèm với
việc thôn tính hoặc gặm nhấm Việt Nam. Trong hoàn cảnh phải sống cạnh
một gã khổng lồ thì hòa hiếu luôn là điều kiện sống còn để Việt Nam tồn
tại và phát triển. Nhưng cũng chính lịch sử cho thấy, Việt Nam muốn có
hòa hiếu thực sự với Trung Quốc thì phải độc lập tối đa với họ. Mà muốn
vậy thì Dân tộc phải là lợi ích cao nhất của mọi tính toán
chính trị, được thể hiện trong chiến lược quốc gia tầm nhìn hàng trăm
năm****, là sản phẩm của tầng lớp trí thức tinh hoa chưa bị nhiễm độc
bởi bất cứ khẩu hiệu mang tính phô diễn lập trường nào, nghĩa là hoàn
toàn tự do và trong sạch. Không có cách nào khác. Mọi ảo tưởng về sự mật
thiết dựa trên tương đồng ý thức hệ hoặc sự gắn bó mang tính đảng phái,
rốt cuộc chỉ là cách tự sát từ từ.
-----------------------------------------------------------------------
*Trong một liệu nào đó mà tôi không nhớ, cho rằng sau khi Trung Quốc
làm chủ hoàn toàn Hoàng Sa, Hà Nội có gửi điện “cảm ơn” Cộng hòa nhân
dân Trung Hoa đã “giải phóng giúp” miền Bắc một phần lãnh thổ khỏi tay
kẻ thù? Trung Quốc im lặng. Nếu quả thực có chuyện như vậy thì có thể
coi đó là bằng cớ gián tiếp xác định chủ quyền của phía Việt Nam với
quần đảo này. Nhưng chưa thấy thông tin chính thức nào xác nhận chuyện
đó.
** Quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan y như quan hệ giữa
Bắc và Nam Việt Nam về mức độ thù địch và ý thức hệ. Nhưng khi Mao lệnh
đánh chiếm Hoàng Sa, chính quyền Đài Loan, dựa theo lợi ích của người
Hán, nhanh chóng ngầm tạo điều kiện để hải quân Trung Quốc thuận lợi
trong việc di chuyển tiếp cận vị trí tác chiến. Cứ nghĩ thế mà thấy cay
đắng cho người Việt mình!
*** Chúng ta cần thêm cả một chút công bằng khi phán xét Hội nghị
Thành Đô. Tình thế đất nước lúc đó đã như trứng để đầu gậy, cần phải có
hòa bình để tìm cách thoát hiểm. Đáng trách là ở những gì diễn ra sau
đó, kéo dài mấy chục năm, bỏ lỡ cơ hội vàng hòa nhập với thế giới văn
minh, hiện đại hóa đất nước, tạo sức mạnh cả quân sự, ngoại giao, uy tín
quốc tế… đặng xác lập quan hệ bình đẳng với Trung Quốc.
**** Chừng nào còn chưa có một Chiến lược quốc gia trong phát triển, Việt Nam sẽ chỉ là một đất nước nghiệp dư trong giải quyết mọi vấn đề, may ăn, rủi chịu, thua thiệt là chính.