Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Người dân Việt nam chưa từng có một chính quyền thực sự "của dân, do dân, và vì dân"

Nhiên Tuệ
Trong bối cảnh những diễn biến xã hội những năm gần đây, đặc biệt là một tháng qua, chúng ta càng ngày càng được chứng kiến bộ mặt thật của cái chính quyền "của dân, do dân, vì dân" ở Việt nam hiện nay. Bài viết nêu lên thân phận của người dân Việt dưới sự cai trị của các loại chính quyền từ xưa tới nay và phải làm gì để thoát ra khỏi thân phận đó, không thể mù mờ, u mê mãi nữa.
Dù cho có nhiều lý giải về sự phát triển của xã hội loài người nhưng chung quy lại, sự phát triển đó có thể được tóm tắt rằng đó là hành trình từ Tự do tới Tự do. Chữ Tự do thứ nhất chỉ trạng thái tự do hoang sơ, tự do hỗn loạn, trạng thái mà tự do của cá nhân này xung đột và mâu thuẫn với tự do của những cá nhân khác, kết quả là chẳng cá nhân nào thực sự có tự do cả. Đây là tình trạng xã hội loài người ở giai đoạn nguyên thủy, mới thoát khỏi thân phận loài vật. Chữ Tự do thứ hai chỉ trạng thái con người đã hoàn toàn ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của bản thân mình, biết ứng xử một cách an nhiên tự tại trong cộng đồng, và nhân loại cũng đã tìm ra được một phương thức tổ chức xã hội để sao cho tự do tối đa của một thành viên cũng không ảnh hưởng mảy may tới tự do tối thiểu của bất cứ một thành viên nào khác của cộng đồng.

Giữa hai trạng thái tự do này, để điều phối hoạt động của toàn thể xã hội, người ta tạo ra một thực thể gọi là Chính quyền. Đặc điểm chính của giai đoạn này là tự do không được chia đều cho mọi thành viên trong xã hội, mà là một số có nhiều tự do hơn một số khác; thậm chí một số rất ít người có tự do hầu như vô giới hạn, còn đại đa số thì hầu như không có một chút tự do nào, tùy thuộc vào việc những thành viên này ở vào nhóm thống trị hay nhóm bị trị - tức là nằm trong hay nằm ngoài chính quyền. Đây là hậu quả của việc thực thi quyền lực chính trị trong quá trình phát triển của xã hội loài người nói chung cũng như xã hội của mỗi quốc gia nói riêng.
Xã hội Việt nam từ khi hình thành như một thực thể có những đặc trưng riêng, phân biệt được với những xã hội khác đến nay, quyền lực chính trị luôn luôn nằm trong tay một số ít người, còn đại đa số dân chúng luôn ở thân phận của kẻ bị trị, chỉ được coi là công cụ, thậm chí là tài sản của những kẻ thống trị kia. Không kể thời bộ lạc, thị tộc trước đó, chỉ tính từ năm 939, khi Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán để giành lại độc lập cho tộc Việt cho đến khi bị Pháp đô hộ hoàn toàn năm 1888, nước ta luôn là tài sản thuộc quyền sở hữu của một triều đại, một giòng họ nào đó, nước là nước của vua, dân là dân của vua. Trong suốt thời kỳ này, mọi sinh hoạt của người dân chỉ giới hạn trong khuôn khổ làng, nghĩa vụ chủ yếu của họ là nộp thuế cho triều đình. Điều khiển các hoạt động trong làng là hệ thống hương chức, cùng với nó là đủ mọi hủ tục và tệ nạn khiến người dân có làm quần quật quanh năm thì giỏi lắm cũng đủ ăn và đóng thuế chứ không có một quyền lợi gì ngay nơi chôn nhau cắt rốn của họ, đừng nói gì tới lộc nước ơn vua. Trong gần 10 thế kỷ được coi là độc lập đó, người dân Việt luôn phải đáp ứng những đòi hỏi khổng lồ về sức người, sức của cho các tập đoàn cầm quyền trong những cuộc nội chiến tranh giành quyền lực khốc liệt hay những cuộc chống xâm lược, quấy phá của giặc giã phương Bắc, phương Nam.
Cho đến năm 1802, sau khi đổ bao sông máu, núi xương, dưới thời chúa Nguyễn Ánh, đất nước ta mới có được hình hài như ngày nay. Nhưng chỉ hơn 50 năm sau, đất nước lại rơi vào tay một thế lực xâm lược mới đến từ phương Tây là thực dân Pháp. Cuộc xâm lược của Pháp được tiến hành một cách khá dễ dàng vì một phần do trang bị vũ khí hai bên chênh lệch nhau một trời một vực, nhưng chủ yếu là vì nước là của riêng triều đình nhà Nguyễn, người dân không cho mình phải có bổn phận giữ nước, đến nỗi khi quân Pháp kéo quân ra đánh thành Hà nội, dân chúng kéo nhau “đi xem quân Nam đánh nhau với quân Tây” như đi coi hát. Dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, mặc dầu xã hội Việt nam có được những chuyển biến tích cực về hướng văn minh, và điều có lợi nhất là thoát khỏi sự phải thần phục Trung Hoa từ bao đời, nhưng số phận người dân vẫn không có gì sáng sủa hơn trước. Ngay trong địa phận trực trị của Pháp, người dân Việt cũng chỉ được mang thân phận thần dân (sujet) chứ không phải là công dân (citoyen) như một người Pháp, mặc dầu các nghĩa vụ đóng góp thì không hề thua kém.
Ngay sau Thế chiến II, phong trào “giải thực” đã lan tràn ra khắp thế giới, các nước bị thực dân đô hộ bằng nhiều cách khác nhau đã giành lại độc lập cho xứ sở mình. Việt nam cũng nằm trong trào lưu ấy, nhưng do sự thiển cận của những người lãnh đạo, cộng thêm di sản văn hóa nặng nề từ xưa để lại, sau 20 năm nội chiến, đất nước lại rơi vào tay của thế lực thống trị mới, lần này đau đớn và bẽ bàng hơn trước rất nhiều. Nếu như các nước khác có lãnh đạo đủ tầm nhìn viễn kiến và dân tộc có một nền văn hóa lành mạnh, sau khi ra khỏi ách thực dân, mọi nguồn lực của đất nước được tập trung để phát triển, đưa đất nước ra khỏi tình trạng chậm tiến – như Ấn Độ chẳng hạn – thì Việt nam lại bị rơi vào tâm điểm của cuộc chiến tranh ý thức hệ, cho đến khi quy được về một mối thì đất nước tan hoang, lòng người ly tán. Thoát khỏi những kẻ xâm lược nói tiếng Tàu, tiếng Pháp, dân tộc Việt nam lại rơi vào tay kẻ đô hộ mới – trớ trêu thay lại nói bằng thứ tiếng giống mình: tiếng Việt!
Thật vậy, sau khi tiếng súng nội chiến đã im, nhưng kẻ mang danh “bên thắng cuộc” này hành xử với đồng bào mình không khác gì một đạo quân chiếm đóng. Đó là đày đọa hàng trăm ngàn người đã từng mặc áo lính hay mặc áo công chức của chính quyền cũ trong các trại cải tạo mà không có án. Đó là thực hiện một cuộc ăn cướp cấp quốc gia qua các cuộc gọi là “đánh tư sản mại bản”, “cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh”, “hợp tác hóa nông nghiệp”… mà kết quả là tài sản chạy vào túi cá nhân của những kẻ đô hộ mới chứ không có bao nhiêu được gom vào ngân quỹ quốc gia. Đó là việc chia nhân dân thành nhiều giai cấp, nhiều thành phần để có cách đối xử khác nhau, làm tan rã khối đoàn kết toàn dân tộc. Đó là việc chèn ép, phân hóa, lập ra các tổ chức giả hiệu để chống phá các tôn giáo, từ Phật giáo tới Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, làm sụp đổ truyền thống tín ngưỡng đa dạng của dân tộc tư xưa đến nay. Đó là tạo ra thảm cảnh hàng triệu người phải bỏ nước vượt biển ra đi tìm đường sống bất chấp cái chết cận kề, thế nhưng kẻ cầm quyền không mảy may xúc động, lại còn có lúc đứng ra tổ chức thu tiền của những đồng bào muốn mua mạng sống này.
Hậu quả của chính sách cầm quyền đó là sau gần 40 năm hòa bình nhưng lại sản sinh ra một lớp người mới gọi là “dân oan” hàng triệu người trên cả nước – là những người nông dân bị cường hào ác bá mới cấu kết với tư bản đỏ cướp không đất đai, triệt đường mưu sinh và bị đẩy ra vỉa hè. Ta dễ dàng gặp những người dân đáng thương nay ở bất cứ đô thị lớn nào, nhất là các Văn phòng tiếp dân ở Hà nội và Sài gòn, với đặc điểm dễ nhận là các biểu ngữ, khẩu hiệu viết trên đủ mọi chất liệu, trưng lên những nỗi oan ức của họ. Kết quả của chính sách cầm quyền đó là những bảng thông báo ở nhà hàng, siêu thị trên đất Thái, đất Nhật, đất Đài viết bằng tiếng Việt, cảnh báo việc ăn cắp, ăn tham và xả rác bừa bãi. Kết quả của chính sách cầm quyền đó là hàng trăm ngàn người Việt cả nam lẫn nữ đang phải đi bán sức, bán thân ở các nước gần xa. Kết quả của chính sách cầm quyền đó là sự xuống cấp toàn diện, mọi mặt của con người và đất nước hôm nay: giáo dục, y tế, giao thông, môi trường, an ninh trật tự, luật pháp, thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội… mà ta có thể kiểm chứng được ngay qua đài báo chính thống hàng ngày. Kết quả của chính sách cầm quyền đó là những ngôi biệt thự kín cổng cao tường mà ta bắt gặp ở mọi thành phố, thị tứ trên cả nước mà muốn biết chủ nhân của chúng là ai, ta chỉ cần hỏi những người dân cư ngụ trong những ngôi nhà lụp sụp quanh đó…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm trạng cho đất nước và dân tộc Việt nam hiện nay, điều này sẽ còn làm tốn nhiều công sức và giấy mực của các học giả và những nhà nghiên cứu, nhưng chung quy lại, tôi thấy nguyên nhân lớn nhất là trí tuệ của những người cầm quyền. Nói về “quan trí” ở Việt nam hiện nay và cũng để thư giãn một chút thì tốt nhất nên kể một câu chuyện ngụ ngôn: Một cựu chiến binh, vì bị chính quyền địa phương xử lý oan ức một việc gì đó, ông lên ủy ban phường để chất vấn. Nhưng khi ông lên đến nơi thì không bộ phận nào, không ai chịu nghe ông trình bày và giải quyết cho ông mà cứ đùn đẩy qua lại. Tức quá, ông ra giữa sân chửi đổng, chửi từ cấp nhỏ đến cấp lớn, từ trung ương đến địa phương, rằng: “Lũ cán bộ chúng bay toàn là một lũ ngu xuẩn!”. Chính quyền không dám nặng tay ngay lúc đó với ông, nhưng tới một ngày ông bị truy tố. Mọi người biết chuyện đều nghĩ rằng có thể ông bị truy tố về tội ví dụ như “Gây rối trật tự nơi công cộng” chẳng hạn. Nhưng không. Ông bị truy tố về tội “Làm lộ bí mật quốc gia”!
Tóm lại, từ ngày lập quốc tới giờ, người dân Việt nam chưa khi nào được làm một người công dân đúng nghĩa. Cái chính quyền mang danh nghĩa “của dân, do dân, vì dân” hiện nay chỉ là sự bịp bợm mà càng ngày bộ mặt thật của nó càng phơi bày một cách lộ liễu, càng ngày nhân dân càng nhận ra thân phận thực sự của mình trong tay những kẻ đô hộ mới này. Hòa cùng với trào lưu dân chủ mới của thế giới, người dân Việt nam phải biết chủ động nắm lấy vận mệnh của mình để đường hoàng ngẩng cao đầu cùng với các dân tộc khác dưới ánh mặt trời.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"