Phạm Gia Minh
1. Lý do đặt vấn đề về Thoát Á, Thoát Hán hay Thoát Trung
- Một câu hỏi được đặt ra một cách tự nhiên khi người ta quan sát
thực tiễn đó là các quốc gia Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
đạt được trình độ phát triển cao về mọi mặt như hiện nay dù mỗi nước
theo cách riêng của mình nhưng đều đã lần lượt thoát ra khỏi mô thức
phát triển tù túng, gò bó vốn tồn tại hàng ngàn năm trên lục địa này.
Ví dụ như Nhật Bản từ thời Minh Trị cách đây hơn 120 năm đã khởi
xướng thành công quá trình “Thoát Á” mà về bản chất là quá trình rũ bỏ
gông cùm của hệ tư tưởng phong kiến và lối sống tù túng, ngột ngạt kiểu
Trung Hoa vốn đã giam hãm đất nước này trong lạc hậu, chậm tiến và yếu
hèn. Những nội dung của trào lưu xã hội “Thoát Á” khi đó chúng ta có thể
tìm đọc trong tiểu phẩm “Thoát Á luận” lừng danh của học giả Fukuzawa
Yukichi. Cũng tại Nhật, gần như đồng thời với trào lưu “Thoát Á” là
phong trào “Âu hóa” diễn ra sâu rộng dưới sự dẫn dắt của giới trí thức
có tư tưởng cách tân và được chính quyền ủng hộ mạnh mẽ do giới lãnh đạo
tinh hoa của Nhật đã nhìn thấy hiểm họa to lớn nếu đất nước tiếp tục
“ngủ yên” trong mô thức Trung Hoa.
Tại Việt Nam, thời cụ Phan Châu Trinh cũng đã diễn ra trào lưu xã
hội mang hơi hướng “Thoát Á” nhưng rất tiếc là giới trí thức Việt Nam
lúc đó chưa đủ mạnh, chính quyền thực dân và triều đình phong kiến đã
không vượt qua nổi tầm nhìn thiển cận và tham lam nên đã dập tắt phong
trào đúng nghĩa là xã hội dân sự này.
- Vậy tại sao mô thức phát triển Trung Hoa lại bị các quốc gia lân bang phê phán và muốn từ bỏ?
Vì đó là mô hình xã hội toàn trị kiểu phong kiến, con người bị giam
hãm trong mọi không gian: chính trị, kinh tế, văn hóa và riêng tư gia
đình. Trong mô thức đó động lực cá nhân bị thui chột hoặc méo mó dẫn đến
kết cục là cả xã hội bị trì trệ, khủng hoảng triền miên. Điều này giải
thích vì sao phương Tây đã thắng thế trong cuộc chinh phục phương Đông
trong hơn 100 năm qua và các quốc gia lạc hậu ở Châu Á đã nhận thức được
rằng con đường đúng đắn phải là thoát Á (đồng nghĩa với thoát Trung
Hoa) và học tập Tây phương. (các độc giả có thể tham khảo bài viết “Thoát Á mới có thể thoát thân” và “Quốc gia “tự nâng mình” theo chuẩn mực thế giới” của Phạm Gia Minh trên tuanvietnam).
2. Thế nào là thoát Trung đối với Việt Nam?
Câu trả lời có thể sẽ rất phong phú và đa dạng bởi lẽ nếu nói một
cách văn hóa, nhẹ nhàng thì cái bóng của Trung Hoa đã từng phủ lên Việt
Nam hàng ngàn năm nay trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã
hội và nhân chủng. Một cách trực diện và sát thực tế hơn thì móng vuốt
của con sói Trung Hoa luôn muốn ghì chặt đất nước và dân tộc Việt này
trong vòng tay lông lá của nó trong suốt chiều dài lịch sử.
Vậy thì thoát Trung đối với Việt Nam ta phải vừa làm sao để móng
vuốt của con sói không dám đụng vào lãnh thổ vừa làm sao vượt ra khỏi sự
che phủ của Trung Hoa lên mọi mặt cuộc sống để dân tộc được hưởng ánh
sáng mặt trời.
Những cuộc kháng chiến thắng lợi quét sạch quân xâm lược phương Bắc
đã góp phần gìn giữ nền độc lập dân tộc cũng chính là hành động đánh
đuổi con sói, thế nhưng để ra khỏi cái bóng đen lừng lững của Trung Hoa
thì dân tộc ta đã làm được chưa? Tôi xin đặt câu hỏi với các bạn tại đây.
Theo thiển ý của cá nhân tôi thì dân tộc ta chưa bao giờ thoát ra
khỏi cái bóng đó trừ một vài thời khắc ngắn ngủi trong lịch sử. Dẫn
chứng cụ thể là các vị anh hùng áo vải Việt Nam được nhân dân yêu nước
ủng hộ tiến hành kháng chiến thắng lợi nhưng khi đã nắm quyền thì lại
chưa hề biết xây dựng lên MÔ HÌNH XÃ HỘI TIẾN BỘ HƠN TRUNG HOA VỀ CHẤT
và kết cục là MÔ HÌNH CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN VIỆT NAM DƯỜNG NHƯ LÀ MÔ HÌNH
PHONG KIẾN TRUNG HOA THU NHỎ.
Và ngày nay với khẩu hiệu 16 chữ vàng, 4 tốt thì Trung Quốc và Việt
Nam là tương đồng về mô thức phát triển và thể chế kinh tế - chính trị -
xã hội.
Do vậy THOÁT TRUNG ngày nay chắc chắn phải lấy nội dung CẢI CÁCH THỂ CHẾ làm mục tiêu hàng đầu.
Tuy nhiên bên cạnh sự tương đồng đó Việt Nam ta còn có thêm
một số điểm yếu khác do hoàn cảnh lịch sử để lại đó là căn bệnh quan
liêu - bao cấp kiểu Liên Xô và lề thói tư duy, hành động tiểu nông.
Những căn bệnh này chắc chắn sẽ tạo thêm khó khăn cho quá trình THOÁT
TRUNG.
3. Những bước đi của cải cách thể chế
Theo cách hiểu chính thống hiện nay thì thể chế là tập hợp những quy
tắc cùng các chế tài được viết thành văn (chẳng hạn như Hiến pháp, các
bộ Luật, quy chế, nghị định…) và bất thành văn (ví dụ như các quy tắc
đạo đức, ứng xử chịu ảnh hưởng của văn hóa và truyền thống…) do con
người lập nên, được chia sẻ trong cộng đồng nhằm hướng hành vi con người
theo những lộ trình tương đối dễ tiên đoán, qua đó tạo ra một mức độ
trật tự nhất định.
Người ta phân chia ra thành hai loại thể chế đó là:
- Thể chế bên trong: là hệ thống các quy tắc hình thành bởi
kinh nghiệm lâu dài và được số đông trong cộng đồng chấp nhận, tuân thủ
và trở thành truyền thống. Văn hóa là một thành tố quan trọng của thể
chế bên trong.
- Thể chế bên ngoài: là hệ thống các quy tắc được thiết kế,
được định rõ trong các bộ Luật, các quy định, đồng thời được áp đặt
chính thức bởi một cơ quan quyền lực như Chính phủ chẳng hạn.
Giữa hai loại hình thể chế có mối tương tác, thực tiễn cho thấy hiệu
lực của thể chế bên ngoài phụ thuộc vào liệu chúng có phù hợp, bổ trợ
cho các thể chế bên trong không.
Như vậy để THOÁT TRUNG và hội nhập với cộng đồng các quốc gia văn
minh, dân chủ và thịnh vượng thiết nghĩ cần có những biện pháp cụ thể
nhằm
1/. Cải cách thể chế bên ngoài: đó là xây dựng bản Hiến Pháp
tiên tiến (ở đây tôi cho rằng Kiến nghị của 72 nhân sĩ, trí thức về sửa
đổi Hiến pháp có nhiều nội dung phù hợp cần quan tâm) và các bộ Luật đáp
ứng đòi hỏi hiện nay như Luật Trưng cầu Dân ý, Luật về Hội, Luật biểu
tình, Luật tiếp cận thông tin, v.v.
Việc xây dựng những bộ quy tắc mới, sửa đổi để hoàn thiện các quy
tắc, Luật, biện pháp chế tài hiện hành là việc có thể làm được ngay
trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nếu như các cơ quan công quyền có
quyết tâm.
2/. Cải cách thể chế bên trong: quá trình này không thể có
kết quả trong ngắn hạn vì nó chịu ảnh hưởng của tập quán, lối nghĩ và
truyền thống văn hóa. Hơn thế nữa vai trò của các cơ quan công quyền
trong việc tạo chuyển biến tích cực đối với lĩnh vực này sẽ rất hạn chế
và đòi hỏi chi phí xã hội cao nếu như không biết kết hợp với các hoạt
động phong phú của xã hội dân sự.
Người nông dân khi nhận thức được hiểm họa của việc đào gốc hồ tiêu,
quế hay nuôi ốc bươu vàng, đỉa, v.v. đem bán cho thương lái Trung Quốc
thì bằng những mạng lưới mang tính xã hội dân sự như cơ cấu dòng họ,
đồng hương hay nhóm sinh hoạt tổ hưu, cựu chiến binh… sẽ góp phần nâng
cao hiệu quả của hệ thống truyền thông xã hội lên nhiều lần.
Rõ ràng hiện nay đang có tình trạng “xơ cứng” ở thể chế bên ngoài
thể hiện qua việc chậm ban hành hoặc thiếu các quy định mang hơi thở
cuộc sống và chế tài đủ mạnh để ngăn chặn hành động phá hoại kinh tế của
các thương lái Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực buôn bán tiểu ngạch
qua biên giới, khai thác khoáng sản và nông, lâm, ngư nghiệp.
Đối với thể chế bên trong thì tâm lý “chuộng hàng ngoại” trong một
bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đã và đang góp phần bóp chết sản xuất
nội địa. Tật xấu thiếu tính hợp tác, nâng đỡ nhau trong giới doanh nhân
Việt đã là nguyên nhân khiến hàng Việt khó trụ vững trên thương trường
quốc tế. Và còn muôn vàn những ví dụ sinh động khác như tệ nạn đề đóm,
cờ bạc, mê tín dị đoan, trọng hình thức mà coi nhẹ nội dung, trọng nam
khinh nữ, thiếu tính kỷ luật, ăn cắp vặt, gây gổ, say rượu, v.v. cho
thấy trong văn hóa truyền thống Việt Nam chúng ta còn có rất nhiều điểm
hạn chế đang trở thành vật cản trên con đường THOÁT TRUNG để hội nhập
với THẾ GIỚI VĂN MINH.
Thiết nghĩ để xây dựng thể chế bên trong tiến bộ, phù hợp với bản
sắc dân tộc góp phần THOÁT TRUNG một cách thiết thực và căn cơ, bền vững
rất cần tới những hoạt động tự nguyện của các tổ chức xã hội dân sự
mang tính lan tỏa, có chiều sâu, kiên trì và huy động được trí tuệ cộng
đồng. Hãy phát huy TÂM và TÀI trong DÂN để tránh căn bệnh xơ cứng, nặng
về hình thức và thành tích mà bấy lâu nay các tổ chức xã hội dân sự do
Nhà nước điều hành vẫn mắc phải.
4. Kết luận
Trong lịch sử các quốc gia Châu Á, quá trình “Thoát Á” hay “Thoát
Hán”, “thoát Trung” thành công thường phải đi kèm các điều kiện “Thiên thời - Địa Lợi - Nhân hòa”.
Thiên thời tức là hoàn cảnh quốc tế bên ngoài đòi hỏi phải có
sự thay đổi trong nước. Ngày nay Việt Nam đã gia nhập nhiều tổ chức và
ký kết nhiều công ước quốc tế (ví dụ như Công ước về Nhân quyền, Công
ước về chống tra tấn…) và đang đàm phán TPP khiến chúng ta phải tự nhìn
lại mình để thực hiện những tha
y đổi phù hợp. Sức ép từ quốc tế lên quá trình phát triển và hội nhập của Việt Nam là rất lớn.
Mặt khác Trung Quốc đã đánh rơi chiếc mặt nạ “trỗi dậy hòa bình” và
công khai xâm lược lãnh hải Việt Nam, bắt đầu bằng vụ đưa giàn khoan Hải
Dương 981 và sẽ tiếp tục gây sức ép mọi mặt lên Việt Nam. Trước áp lực
từ phương Bắc chúng ta chỉ có hai lựa chọn: một là phải tự thay
đổi, phải củng cố an ninh, quốc phòng, kinh tế và dựa vào DÂN, thực lòng
xây dựng một thể chế văn minh, dân chủ để tranh thủ được sự ủng hộ Quốc
tế, hoặc là quy phục đầu hàng để chịu ách Bắc thuộc lần thứ hai và mãi mãi đánh mất chính mình.
Trước sức ép ghê gớm từ cả hai phía trên bình diện thời cuộc quốc tế, Việt Nam ta chỉ có một con đường: THAY ĐỔI HAY LÀ CHẾT!
Địa lợi là yếu tố chưa bao giờ ủng hộ Việt Nam trong quá
trình THOÁT TRUNG bởi lẽ Việt Nam luôn trong thế “núi liền núi, sông
liền sông” với Trung Quốc. Tuy nhiên trong thế kỷ XXI này Trung Quốc
không còn cái ưu thế cậy gần để một mình gây ảnh hưởng kinh tế, văn hóa
và mang quân đi xâm lược như trước kia nữa.
Trong thế giới “phẳng” ngày nay, cự ly và khoảng cách do vậy cũng
không có ý nghĩa to lớn như những thế kỷ trước. Việt Nam giao lưu kinh
tế, văn hóa - xã hội với cả thế giới và nhân đây xin một lần nữa cảm ơn
các bậc trí giả tiền nhân của chúng ta đã sáng suốt chấp nhận hệ thống
ký tự Latinh làm cơ sở cho chữ quốc ngữ ngày nay. Người ta thường nói
chữ viết là chiếc thuyền chở tư duy và tình cảm đến những bến bờ của nền
văn hóa và nếu như vậy thì dân tộc Việt Nam từ hơn một thế kỷ nay (tính
từ 1867) đã từ bỏ con thuyền nan Hán Nôm cũ kỹ để bước lên con tàu chạy
động cơ lớn vượt đại dương.
Trong lĩnh vực văn hóa, nền tảng của thể chế bên trong, Việt Nam ta như vậy có ưu thế rất lớn để THOÁT TRUNG.
Khi đã xây dựng được thể chế bên ngoài tiến bộ trên cơ sở thể chế
bên trong lành mạnh thì chúng ta sẽ tạo ra một môi trường thể chế có sức
mạnh nội lực to lớn. Đó là sức mạnh sáng tạo của hơn 90 triệu người dân
yêu nước được khuyến khích và động viên bởi bầu không khí dân chủ, tự
do và khoa học. Đó còn là nguồn vốn đầu tư kinh doanh và nhân tài khắp
bốn phương quy tụ về nơi mà thiên hạ vẫn gọi là “đất lành, chim đậu”.
Trong cuốn sách gây tiếng vang “Chiếc xe Lexus và cây Oliu”, nhà báo
Mỹ Thomas Friedman lần đầu tiên đã đưa ra nhận định “thế giới ngày nay
phẳng”. Đúng vậy, thế giới của chúng ta ngày một phẳng do không còn
nhiều bức tường ngăn cản sự chuyển dịch dòng vốn và nhân lực. Tuy nhiên
tôi xin thêm một nhận xét: “Thế giới ngày nay là một mặt phẳng nghiêng
cho nên hiện tượng nước chảy chỗ trũng diễn ra mạnh mẽ và nhanh hơn
trước”.
Khi Việt Nam chúng ta dám đột phá trong cải cách thể chế thì chắc
chắn vốn đầu tư và nhân tài khắp nơi sẽ dồn về đây. Ngày nay các quốc
gia đã qua thời cạnh tranh nhau bằng sản lượng mà đã chuyển sang cạnh
tranh bằng THỂ CHẾ. Quy luật mới hình thành này có liên quan mật thiết
tới đặc thù của nền kinh tế tri thức.
Cái cách mà Trung Quốc đang hung hăng khiêu khích và xâm lược lãnh
thổ của các quốc gia láng giềng đã cho thấy lãnh đạo của đất nước 1,3 tỷ
dân này vẫn chưa thoát ra khỏi lối tư duy Đại Hán đã rất lỗi thời mặc
dù Trung Quốc đã soán ngôi nền kinh tế thứ hai thế giới của Nhật Bản về
sản lượng. Và như vậy Trung Quốc chưa thể có môi trường thể chế lành
mạnh chứ chưa nói tới mang tính cạnh tranh toàn cầu để thu hút các quốc
gia khác. Trong bối cảnh đó, một môi trường thể chế dân chủ, tự do,
thịnh vượng của Việt Nam sẽ làm nội bộ Trung Quốc phải nhìn lại chính
mình.
Chúng ta không nên và không thể để thế giới nhìn Việt Nam và Trung
Quốc là những chính thể đồng dạng hay “cá mè một lứa”. Việt Nam chỉ có
thể được thế giới ủng hộ thực lòng khi chúng ta có thể chế lành mạnh.
Rõ ràng bài học “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy chí nhân
để thay cường bạo” của tổ tiên để lại nếu được áp dụng trong thế kỷ XXI
chính là vấn đề về THỂ CHẾ.
Nhân hòa hay yếu tố lòng dân luôn có vị trí thường trực trong
suốt chiều dài lịch sử với bao thăng trầm. Chúng ta quen với lối nghĩ
rằng dân ta yêu nước chống ngoại xâm mà đôi khi vẫn quên rằng thời nhà
Hồ, khi giặc Minh tràn sang dân đã quay lưng với triều đình khiến đất
nước rơi vào tay ngoại xâm với hơn 20 năm bi thương. Chúng ta cũng quên
rằng chỉ vài chục tên lính lê dương mà quân Pháp đã lấy cả vùng mấy tỉnh
Bắc Bộ bởi lẽ… “quân Pháp đi đến đâu, thì nhân dân, nam cũng như nữ,
già cũng như trẻ đều chạy theo đến đó, níu lấy áo xin được quân Pháp che
chở cho khỏi bị bọn quan tham ô lại hà hiếp bóc lột” (Tâm lý người Việt nhìn từ nhiều góc độ. NXB Tp Hồ Chí Minh, 2000, trang 141).
Và có nhiều nhặn gì đâu những cái tên Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống
hay Hoàng Văn Hoan đã đủ cho ta thấy thời nào cũng có bọn sẵn sàng bán
nước cầu vinh hoặc quá hèn nhát trước cái thế trùng trùng binh mã của
ngoại xâm phương Bắc.
Vì sao hiện có trên 90% các gói thầu những dự án quan trọng đều do Trung Quốc nắm?
Vì sao Trung Quốc thuê đất rừng đầu nguồn, mua ruộng của nông dân
trên cả ba miền, thuê mặt nước “nuôi thủy sản” ngay sát đồn biên phòng
Vũng Rô và đi lại trên đất Việt Nam như vào chốn không người, để đến khi
bạo động ở Vũng Áng, Bình Dương làm lộ diện hàng chục ngàn người Trung
Quốc “chui” thì các cơ quan chức năng mới biết?
Những bất cập hay “câu chuyện Mỵ Châu” thời nay có thể viết thành truyện 1001 đêm.
Và đó là điều rất có ảnh hưởng tới yếu tố nhân hòa.
Nhưng vượt lên trên tất cả sự nhu nhược, đớn hèn hay phản bội của số
ít trong cộng đồng, lòng yêu nước của người Việt Nam cuối cùng vẫn
chiến thắng. Phải chăng đó là mật mã của gen di truyền?
Nếu quả thực tồn tại gen yêu nước thì một khi gặp điều kiện môi
trường thuận lợi nó sẽ phát triển vượt trội để tạo nên những đột biến.
Phải chăng với môi trường “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” thời Trần
Hưng Đạo mà sự đột biến đã khiến giặc Nguyên Mông phải dừng bước trước
một Việt Nam bé nhỏ?
Theo ngôn ngữ khoa học chính trị ngày nay thì môi trường tạo ra
những đột biến xã hội chính là THỂ CHẾ. Khi thể chế lành mạnh lòng dân
sẽ quy tụ quanh lãnh đạo, mọi quyền lợi hay tranh chấp nhỏ nhặt sẽ được
dễ dàng bỏ qua để chung sức chung lòng đạt mục tiêu lớn. Khi thể chế suy
đồi, hà khắc thì những gì đã xảy ra thời nhà Hồ và cuối triều Nguyễn là
điều dễ hiểu…
Hy vọng rằng gen yêu nước của chúng ta vẫn luôn khỏe mạnh và vượt
trội để thoát ra khỏi cái bóng Trung Hoa đang đè lên mọi mặt cuộc sống
hôm nay.
Thăng Long - Hà Nội 4/7/2014
Tác giả gửi BVN
Tác giả gửi BVN